Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 12/11/2012, 14:49 (GMT+7)
“Mùa xuân Ả-rập” - sau hai năm nhìn lại

Từ cuối năm 2010 đến nay, các biến động chính trị - xã hội ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông (phương Tây gọi là “Mùa xuân Ả-rập”) đã, đang diễn ra sục sôi, phức tạp và gây hậu quả khôn lường đối với các quốc gia trong khu vực này. Sau hai năm nhìn lại, những vấn đề về nguyên nhân, tính chất và sự tác động, lan tỏa của nó đối với khu vực và thế giới rất cần được quan tâm, nghiên cứu.


Khởi đầu từ Tuy-ni-di, “Mùa xuân Ả-rập” đã nhanh chóng lan sang nhiều nước trong khu vực Bắc Phi – Trung Đông và kéo theo sự sụp đổ của những thể chế tồn tại hàng chục năm ở Ai Cập, Y-ê-men, Li-bi,… Tiến trình này đang tiếp tục diễn ra tại nhiều nước với những mức độ khác nhau, điển hình là Xy-ri. Tuy chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về vấn đề này nhưng những gì mà nó thể hiện, cả những điều chúng ta đã thấy và chưa thấy là rất đáng suy ngẫm đối với cộng đồng quốc tế. Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới “Mùa xuân Ả-rập”? Thực chất đây có phải là “cuộc cách mạng xã hội”, “cách mạng dân chủ” theo nghĩa tích cực hay chỉ là cách nói nhằm che đậy những mục đích chính trị của một số thế lực nào đó? Xu hướng phát triển và hệ lụy của nó đối với khu vực và thế giới sẽ ra sao?


Ảnh minh họa
 

1. Nguyên nhân dẫn tới “Mùa xuân Ả-rập”.

Nghiên cứu các biến động chính trị - xã hội (CT-XH) ở một số nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông, nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế cho rằng, các biến động đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, có hai nhóm nguyên nhân chính: nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa. Về nguyên nhân trực tiếp, do khủng hoảng về kinh tế - xã hội (KT-XH) và chính trị ở từng nước kéo dài, trầm trọng, gây ra nạn thất nghiệp tràn lan, bất bình đẳng trong xã hội sâu sắc và khoảng cách giữa kẻ giàu, người nghèo ngày càng lớn. Trong khi đó, chính quyền ở các nước đó độc đoán, mất dân chủ; bảo thủ, trì trệ trong nhiều năm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân (Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li cầm quyền trong suốt 24 năm; Tổng thống H. Mu-ba-rắc nắm quyền ở Ai Cập trong hơn 30 năm, còn Tổng thống Li-bi Ca-đa-phi lãnh đạo đất nước 42 năm liên tục…). Đây được coi là những nhân tố cơ bản, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định cho từng nước và khu vực, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cải cách, mở cửa ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Dường như cảm nhận được điều đó, ngay từ năm 2004, tại Hội nghị lần thứ 16 của Liên đoàn A-rập (tổ chức ở Tuy-ni-di), các nước châu Phi và Trung Đông đã đề ra “Sáng kiến về dân chủ hóa” và ra “Tuyên bố Tuy-ni-di”. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất của từng nước là việc cải cách KT-XH và chính trị đã không được đề cập và thực hiện. Điều đó chứng tỏ, các nước A-rập đang trải qua cuộc khủng hoảng hệ thống sâu sắc, khó có thể khắc phục và sự bất ổn CT-XH đang dần tích tụ trong từng nước.

Cũng trong thời gian này, Mỹ đưa ra “Đề án Trung Đông lớn” nhằm cải cách CT-XH trên khu vực từ Trung Á, Nam Á tới châu Phi và Trung Đông. Đề án này đã vấp phải sự phản kháng của nhiều nước và gây chia rẽ trong thế giới A-rập, làm cho mâu thuẫn trong khu vực vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Đến năm 2010, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những mâu thuẫn do khủng hoảng KT-XH và chính trị ở các nước này trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, chỉ cần tác động châm ngòi là bùng nổ. Hành động tự thiêu của một thanh niên ở Tuy-ni-di để phản đối cách hành xử bất công của một quan chức nhà nước được các hãng truyền thông của phương Tây nhào nặn, dàn dựng thành “kịch bản” có chủ đích và phát tán rộng rãi đã kích hoạt “Mùa xuân Ả-rập”.

Nguyên nhân sâu xa là do khu vực này từ lâu đã rơi vào vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng địa – chính trị và địa – kinh tế giữa các cường quốc bên ngoài khu vực, nhằm sở hữu quyền khai thác nguồn tài nguyên chiến lược giàu có (dầu mỏ, khí đốt, đất hiếm…) cũng như thị trường đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, một số cường quốc mới nổi đã vươn lên, giành được ảnh hưởng ngày càng “lấn lướt” đối với các nước khác, kể cả Mỹ. Đây là điều mà Mỹ và phương Tây không thể khoanh tay ngồi nhìn, nhất là trong bối cảnh thế giới đã chuyển từ kỷ nguyên đối đầu ý thức hệ sang kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa – chính trị trên phạm vi toàn cầu. Để tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này, Mỹ đã tìm mọi cách để thực hiện “Đề án Trung Đông lớn”; trong đó, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu. Thứ nhất, mặc dù bao quát trên một khu vực rộng lớn, đa dạng, nhưng các nước A-rập không được coi là những dân tộc có tính đặc thù về mặt địa lý cũng như đặc điểm phân loại. Thứ hai, bằng nhiều cách phải tạo cho I-xra-en ưu thế dẫn đầu, làm cho nước này trở thành đầu tàu lôi kéo các nước khác trong khu vực. Thứ ba, không đề cập giải quyết vấn đề xung đột giữa các nước A-rập và I-xra-en, mặc dù đó là vấn đề trọng yếu của khu vực. Thứ tư, các nước châu Âu cần có trách nhiệm đầu tư tiền của cho những cải cách sẽ diễn ra ở khu vực nhằm tiếp tục kiểm soát nguồn tài nguyên chiến lược. Thứ năm, những biểu hiện về nghèo đói, chủ nghĩa cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo trong thế giới A-rập được đổ cho là nội bộ thiếu dân chủ và mất công bằng xã hội.

Như vậy, nhìn bề ngoài, “Đề án Trung Đông lớn” là chủ trương cải cách căn bản các nước A-rập, nhưng trên thực tế nó đã loại bỏ quyền tự do của họ, làm tê liệt ý chí dân tộc và buộc các nước này phải phụ thuộc vào các quyết định được thông qua từ bên ngoài. Nguy hiểm hơn, Đề án này đã phác thảo những nét chung của một cương lĩnh chính trị nhằm đạt được lợi ích và mục tiêu bá quyền của các nước lớn; đồng thời, từng bước biến khu vực này từ một cộng đồng chính trị, văn minh lớn trên thế giới trở thành những thực thể phân tán, được điều khiển từ các trung tâm quyền lực ngoài khu vực. Đây là nguyên nhân sâu xa làm cho khu vực này thường xuyên bị chia rẽ, bất ổn, suy yếu và có thể dẫn tới sự sụp đổ thế giới A-rập của người Hồi giáo.

2. “Mùa xuân Ả-rập” chỉ là sự tiếp nối của “cách mạng nhung” hoặc “cách mạng sắc màu”

Sau bước khởi đầu thành công ở Tuy-ni-di, Ai Cập,… “Mùa xuân Ả-rập” không còn duy trì được cách thức và mục tiêu ban đầu, mà nó dần bị biến đổi dưới nhiều hình thức khác nhau và lộ rõ bản chất tham vọng, ý đồ chính trị - kinh tế của những thế lực thao túng từ bên ngoài. Cách đây hai năm, người dân khu vực Bắc Phi – Trung Đông hy vọng “Mùa xuân Ả-rập” sẽ đem lại hòa bình, dân chủ và thịnh vượng thì giờ đây họ thấy rõ rằng “giấc mộng” đó chỉ là ảo tưởng, thay vào đó là thất nghiệp, bạo lực và bất ổn gia tăng. Rõ ràng, “Mùa xuân Ả-rập” không phải là cuộc cách mạng chân chính, mà chỉ là biến thể của các diễn biến chính trị ở các nước trong không gian hậu xô-viết dưới các tên gọi: “cách mạng nhung” hay “cách mạng sắc màu”. Kịch bản của các cuộc “cách mạng” này được xây dựng trên cơ sở luận thuyết chính trị mang tên “phong trào phản kháng phi bạo lực” của Ghen Sáp, một chuyên gia chính trị nổi tiếng của Mỹ. Theo đó, các “tổ chức phi chính phủ” đóng vai trò quan trọng trong thực hiện luận thuyết này và được thể hiện trên ba phương diện: chủ đạo trong xây dựng kịch bản cho “cách mạng nhung”; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tổ chức, các “lực lượng nòng cốt”, nhất là huấn luyện cách sử dụng điện thoại di động, mạng in-tơ-nét; tiến hành chiến tranh thông tin trên phạm vi toàn cầu nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật, vu cáo chính phủ đương nhiệm và cổ xúy cho lực lượng tiến hành “cách mạng”.

Điều đáng chú ý là trong các cuộc “cách mạng” đó, các nước phương Tây chỉ đứng phía sau để giật dây, kích động, tuyên truyền, viện trợ nhân đạo; khi cần thiết và có thời cơ mới tham gia trực tiếp hoặc tiến hành “chiến tranh qua tay người khác”. Theo các nhà quan sát, sự can thiệp của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào các sự kiện của “Mùa xuân Ả-rập” vừa qua là hoàn toàn dựa trên luận thuyết về “trách nhiệm bảo vệ”. Đây là sự thay đổi đầy toan tính của Mỹ và phương Tây nhằm chuyển hóa từ “quyền can thiệp” thô bạo vào công việc nội bộ của các nước, bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế sang “trách nhiệm bảo vệ” và sử dụng nhiều công cụ đa dạng, như: lực lượng quân sự của NATO, Liên minh châu Âu, các hãng quân sự tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế, thậm chí cả Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hòng lừa bịp dư luận quốc tế.

3. “Mùa xuân Ả-rập” sẽ lan tỏa tới đâu?

Câu trả lời là: rất khó đoán định kết cục. Theo dõi toàn bộ diễn biến các biến động CT-XH ở Bắc Phi – Trung Đông từ cuối năm 2010 đến nay cho thấy, “Mùa xuân Ả-rập” chỉ là giai đoạn tiếp theo của quá trình thực hiện “Đề án Trung Đông lớn” của Mỹ. Trong giai đoạn 1, Mỹ đã thiên về sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội để thực hiện Đề án này, nhằm thiết lập “nền dân chủ” ở Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) và I-rắc (năm 2003). Trên thực tế, giai đoạn này đã không thành công; “nền dân chủ” theo ý đồ của Mỹ không những không được thực hiện, trái lại phong trào chống Mỹ lại phát triển hơn bao giờ hết, nhất là trong thế giới Đạo Hồi.

Giai đoạn 2 mang tên “Mùa xuân Ả-rập” được bắt đầu từ các biến động chính trị ở Tuy-ni-di, sau đó lan tỏa tới Ai Cập, Li-bi,… và hiện tại đang diễn ra tại Xy-ri. Theo dự báo của các nhà phân tích quốc tế, “Mùa xuân Ả-rập” không dừng lại ở đó mà sẽ lan tỏa tới I-ran. Năm 2009, Viện Brốc-kinh (Mỹ) đã từng soạn thảo kịch bản cho “Mùa xuân Ả-rập” ở I-ran với chủ đề: “Con đường tới I-ran phải đi qua Xy-ri”. Vì thế, ngay sau cuộc chiến ở Li-bi kết thúc, Thượng nghị sỹ Mỹ Giôn Mắc-kên đã từng cảnh báo, “Mùa xuân Ả-rập” sẽ gõ cửa Xy-ri, I-ran, các nước Trung Á, thậm chí cả Nga và các nước khác. Như vậy, “Mùa xuân Ả-rập” ở Bắc Phi – Trung Đông chỉ là “ngòi nổ”, còn “quả bom chủ yếu” sẽ được kích nổ tại khu vực gần Nga và Trung Quốc. Điều đó phần nào đã được biểu hiện bằng các cuộc “phản kháng phi bạo lực” trên quy mô lớn ở Mát-xcơ-va và một số thành phố của Nga nhằm tẩy chay cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia Nga (cuối năm 2011) và cuộc bầu cử Tổng thống Nga (đầu năm 2012). Phải chăng đây là những dấu hiệu lan tỏa đầu tiên của “Mùa xuân Ả-rập” ra ngoài khu vực?

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, giai đoạn của những “biến động vĩ đại” mang tên “Mùa xuân Ả-rập” đều xuất phát từ chủ trương đầy tham vọng của Mỹ nhằm vẽ lại bản đồ “Trung Đông lớn”. Điều đó được thể hiện rất rõ trong tấm bản đồ (Máp Pi-tơ) mà Quân đội Mỹ từng công bố và sử dụng làm tài liệu giảng dạy tại các học viện quân sự. Khi xem bản đồ này, người ta không khó khăn lắm trong việc nhận ra ý đồ của người vẽ ra nó; trong đó, Nga và Trung Quốc sẽ bị đẩy ra ngoài khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông. Riêng nước Nga sẽ bị tách khỏi Nam vùng Cáp-ca-dơ và Trung Á, còn Trung Quốc sẽ mất đi nguồn cung cấp năng lượng có ý nghĩa chiến lược. Như vậy, với “Đề án Trung Đông lớn” Mỹ và phương Tây đã mưu toan loại bỏ hoàn toàn triển vọng phát triển hòa bình trong khu vực và “Mùa xuân Ả-rập” chưa thể kết thúc trong một sớm, một chiều.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...