Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 19/01/2016, 16:39 (GMT+7)
Một số vấn đề về tiềm năng và triển vọng hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ

Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ những năm gần đây  có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về tiềm năng của mỗi bên và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Đại tướng Arup Raha.(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng G. Nê-ru tạo dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp ngày càng phát triển. Tháng 7-2007, Việt Nam và Ấn Độ ký Tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược. Trên cơ sở đó, bộ trưởng quốc phòng hai nước ký Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương (tháng 11-2009); “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2020” và chứng kiến lễ ký “Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển nước Cộng hòa Ấn Độ về thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung” (tháng 5-2015). Đây là cơ sở pháp lý để bộ quốc phòng hai nước tổ chức, triển khai thực hiện.

Từ đó đến nay, quan hệ, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nổi bật là, bộ quốc phòng hai nước tích cực trao đổi đoàn các cấp: từ bộ trưởng, thứ trưởng đến các quân chủng, binh chủng; trong đó có 09 lần tổ chức, thực hiện đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng. Nội dung: duy trì và nâng cao hiệu quả cơ chế đối thoại, tham vấn, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; tăng cường hợp tác đào tạo, huấn luyện theo các chuyên ngành. Về công nghiệp quốc phòng, Ấn Độ đã giúp Việt Nam cải tiến, số hóa một số vũ khí, khí tài, như: tàu chiến, máy bay, ra-đa, pháo phòng không; chuyển giao công nghệ đóng tàu chiến cho hải quân. Tiềm năng và triển vọng hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ rất lớn, dưới đây xin nêu mấy vấn đề chính.

1. Hợp tác đào tạo ngôn ngữ cho cán bộ Quân đội. Đây là vấn đề quan trọng bảo đảm cho cán bộ Quân đội Việt Nam có thể trực tiếp làm việc với các đối tác; tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nghiên cứu vũ khí, trang bị kỹ thuật của các nước; tập trận, tuần tra chung với một số nước,… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới. Hiện nay, Việt Nam quan hệ, hợp tác quốc phòng song phương với hơn 80 nước, vì thế, tiếng Anh có vị trí quan trọng đối với cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là những cán bộ được cử tham gia các hoạt động trên, điều kiện đảm bảo cho họ hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với Ấn Độ, tiếng Hindi là ngôn ngữ chính thức, tiếng Anh là ngôn ngữ chính được sử dụng cho việc quản lý hành chính của chính quyền trung ương1. Ấn Độ có rất nhiều thuận lợi, thế mạnh trong việc đào tạo tiếng Anh, nên cần phát huy thế mạnh để đào tạo tiếng Anh cho cán bộ Quân đội Việt Nam. Trong đó, cần tập trung đi sâu vào một số chuyên ngành, như: tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuyên ngành y học, tiếng Anh chuyên ngành khoa học quân sự (kỹ thuật quân sự, những vấn đề học thuật về công tác tham mưu, tác chiến ở các cấp, nhất là cấp chiến lược). Ấn Độ có thể cử giảng viên, chuyên gia và các kỹ sư đầu ngành sang Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 Dự án thành lập trung tâm đào tạo Tiếng Anh và Tin học tại trường Đại học Thông tin liên lạc. Cùng với đó, Việt Nam cần phải tăng cường tiếp nhận cán bộ Quân đội Ấn Độ sang học tập, nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt; những vấn đề về quốc phòng, an ninh, công tác tham mưu tác chiến.

2. Huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ các quân chủng, binh chủng, các ngành, nhất là các lực lượng đã được Việt Nam lựa chọn tiến thẳng lên hiện đại. Hải quân, Phòng không - Không quân nhân dân Việt Nam đều được trang bị, vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại phần lớn do Nga sản xuất. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật này. Ngoài ra, Ấn Độ còn liên kết với Nga nghiên cứu, cải tiến, số hóa và sản xuất một số loại vũ khí hiện đại, như: máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas; hệ thống tên lửa phòng không Akas; tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Prahaar và tên lửa hành trình chống tàu tốc độ siêu thanh BrahMos, hệ thống cảnh báo sớm và tác chiến mô phỏng trong các quân chủng, binh chủng, v.v. Đây là lĩnh vực tiềm năng phù hợp với Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ấn Độ có thể xây dựng kế hoạch tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo phi công, thủy thủ tàu ngầm; huấn luyện chuyển loại vũ khí và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho Hải quân, Phòng không - Không quân và Thông tin liên lạc, đảm bảo cho các lực lượng này khai thác, sử dụng hiệu quả vũ khí, khí tài thế hệ mới, hiện đại. Việt Nam có thể lựa chọn những cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực tổ chức chỉ huy và trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là trình độ tiếng Anh ở các quân chủng, binh chủng gửi sang Ấn Độ đào tạo. Đây là điều kiện rất tốt để cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu mở rộng kiến thức về vũ khí, phương tiện kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Trước mắt, Ấn Độ có thể huấn luyện cho cán bộ Không quân, Hải quân Việt Nam khai thác, sử dụng những loại vũ khí hiện đại mà lực lượng vũ trang hai nước cùng có. Cùng với đó, Ấn Độ có thể đào tạo cho họ những kiến thức cơ bản để tiếp nhận, khai thác và sử dụng các loại vũ khí, khí tài hiện đại thế hệ mới do Ấn Độ và một số nước có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển sản xuất.

3. Đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng lực lượng vũ trang “từng bước hiện đại”. Để hiện đại hóa Quân đội, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư ngân sách rất lớn cho việc mua sắm, cải tiến, nâng cấp và sản xuất các loại vũ khí hiện đại. Do đó, trong điều kiện khả năng ngân sách có hạn, việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Ấn Độ cần tập trung vào cải tiến, số hóa một số loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp, như: máy bay, tàu chiến, các loại tên lửa, súng, pháo; đồng thời, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại. Trước hết, thực hiện chuyển giao công nghệ cải tiến, nâng cấp và số hóa các loại máy bay, ra-đa, tàu chiến và các trang thiết bị điện tử cũ để kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng, hiệu quả tác chiến. Trong đó, chú trọng chuyển giao công nghệ, dây chuyền bảo dưỡng, sửa chữa các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật mới, như: máy bay Su-30MK2, khí tài ra-đa, pháo tự hành, tàu chiến, tàu tuần tra, tàu cảnh sát biển, tàu ngầm, phương tiện điện tử. Chuyển giao cho Việt Nam một số ca bin huấn luyện máy bay thế hệ mới, tàu chiến, đặc biệt là tàu ngầm lớp Ki-lô, v.v.

Những năm gần đây, ngành Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam có bước phát triển mạnh; đã cải tiến, số hóa và sản xuất một số loại vũ khí, trang bị, khí tài mới tương đối hiện đại theo công nghệ của một số nước tiên tiến; đóng mới tàu biển, một số loại vũ khí, trang bị tương đối hiện đại, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa Quân đội. Vì thế, việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước, trong đó có Ấn Độ là vấn đề quan trọng, thiết thực. Trong đó, phải kết hợp quan hệ thương mại, kinh tế và công nghiệp quốc phòng với tăng cường tiếp thu, áp dụng các quy trình quản lý, chuyển giao công nghệ, sản xuất tiên tiến theo cơ chế thị trường; tạo điều kiện cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hợp tác, thực hiện chuyển giao công nghệ, thúc đẩy Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam phát triển. Ấn Độ có thể điều các chuyên gia vũ khí giỏi sang hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam. Đồng thời, dành khoản tín dụng ưu đãi cung cấp vật tư, kỹ thuật hiện đại để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, nhất là công nghiệp đóng tàu biển của Việt Nam phát triển. Đây là yếu tố cần thiết, đảm bảo đóng mới một số loại tàu cho Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, như: tàu tên lửa tiến công nhanh, tàu pháo, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu tuần tiễu và tiến tới sản xuất một số loại vũ khí, khí tài hiện đại cung cấp cho quân đội. Về phía Việt Nam, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp quốc phòng chủ động tham gia hội nhập quốc tế, nhất là với Ấn Độ, nhằm thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến, sản xuất vũ khí trang bị; kết hợp kinh doanh với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

4. Đẩy mạnh hợp tác trao đổi kinh nghiệm tham gia các hoạt động quốc tế. Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của Đảng, Nhà nước ta, những năm gần đây, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế và từng bước khẳng định sự đóng góp của mình trong các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 07 lượt sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi, được Liên hợp quốc đánh giá cao. Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ đưa bệnh viện dã chiến cấp 2, đơn vị công binh và tiếp tục cử các sĩ quan liên lạc, tham mưu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu đề ra của Việt Nam còn phải học hỏi nhiều vấn đề. Lực lượng của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mới được thành lập, nên còn ít kinh nghiệm, trình độ chuyên môn còn bất cập. Ấn Độ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, góp phần hạn chế những khó khăn đó.

Tiềm năng hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ là rất lớn, hai nước cần tiếp tục xác định hợp tác quốc phòng, quân sự là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược; duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tích cực xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể trong lĩnh vực quân sự, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ và sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời, tăng cường hợp tác về huấn luyện, đào tạo lực lượng, đặc biệt là đào tạo đại học và sau đại học các chuyên ngành quân sự mà Ấn Độ có thế mạnh, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Trung tá, ThS. PHÙNG TUẤN HẢI, Học viện Phòng không - Không quân
_____________________

1 - The Union: Official Languages.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...