Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Tư, 24/03/2021, 15:02 (GMT+7)
Một số vấn đề trong chiến lược “Ưu thế trên biển” của Mỹ

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các nước lớn trên biển, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc những năm gần đây, góp phần làm gia tăng sức cạnh tranh của họ. Điều đó đã thúc đẩy Mỹ phải tăng cường lực lượng trên biển để cân bằng cán cân chiến lược. Bởi vậy, ngày 17/12/2020 Mỹ đã công bố chiến lược Ưu thế trên biển”.

Môi trường an ninh biển có nhiều thay đổi

Theo nhận định của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ, nguồn lợi trên biển và đại dương mang lại lợi ích khổng lồ cho các quốc gia, dân tộc. Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương, các nước có biển, nhất là các cường quốc đều xây dựng chiến lược biển nhằm khai thác triệt để các nguồn tài nguyên, tăng cường quản lý và sử dụng không gian biển phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Mỹ cho rằng, Trung Quốc, Nga đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư nhiều nguồn lực nâng cao sức mạnh làm chủ biển và đại dương. Trung Quốc thực hiện chiến lược “vùng xám”: triển khai hạm đội nhiều lớp, gồm: Hải quân, Cảnh sát biển, Dân quân biển (thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân), với mục đích bảo vệ chủ quyền và thực thi yêu sách của mình. Đáng chú ý, Trung Quốc hỗ trợ kinh phí, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải để các đội tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ làm ăn dài ngày ở “vùng biển xa”. Hiện thực hóa điều này, Trung Quốc tham vọng xây dựng lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới, trang bị vũ khí, thiết bị kỹ thuật hiện đại, như: tàu ngầm mang tên lửa đường đạn, tàu chiến mặt nước, tàu sân bay, tàu tiến công đổ bộ, tàu tuần dương cỡ lớn và tàu phá băng tốc độ cao, công suất lớn; máy bay săn ngầm, máy bay trực thăng có bán kính hoạt động lớn, hỏa lực mạnh; các loại tên lửa, ngư lôi thế hệ mới, v.v. Đồng thời, tập trung xây dựng lực lượng tác chiến trên biển với số lượng lớn, hiện đại. Vì thế, hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, quy mô, lực lượng Hải quân Trung Quốc tăng hơn ba lần, cơ sở hạ tầng: hậu cần, đường băng, căn cứ quân sự,… được xây dựng ở một số vị trí trên các đại dương đều có giá trị chiến lược; khả năng tác chiến chiến lược, không gian mạng, điện tử, tâm lý,… cũng được Trung Quốc  đầu tư nghiên cứu nâng cao cả chất lượng và số lượng.

Nước Nga cũng đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội với ưu tiên phát triển lực lượng hạt nhân, hệ thống tên lửa và lực lượng Hải quân. Riêng lực lượng Hải quân được Nga đầu tư nghiên cứu phát triển toàn diện cả hệ thống tàu ngầm, tàu nổi, tàu phá băng và các loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao. Nhờ đó, hệ thống tàu ngầm của Nga rất hiện đại, lặn sâu, có thể làm việc ở mọi vùng biển và đại dương kể cả dưới lớp băng Bắc Cực, khó bị phát hiện; hệ thống tàu sân bay thế hệ mới có sức chứa lớn, phòng vệ cao; hạm đội tàu nổi được phát triển theo hướng tiêu chuẩn hóa, sử dụng chung nhiều loại vũ khí, ứng dụng công nghệ tàng hình, v.v. Đặc biệt, Hải quân Nga đã được biên chế thiết bị lặn không người lái, lặn rất sâu, thời gian không giới hạn. Theo Tổng thống Vladimir Putin, phát triển lực lượng “Hải quân Nga mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia, giúp duy trì sự cân bằng chiến lược và sự ổn định trên thế giới”.

Như vậy, sự phát triển và hiện đại hóa hải quân mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga đang làm ưu thế, sức mạnh quân sự của họ trên biển được nâng lên. Nhằm cân bằng cán cân chiến lược trên biển, Hoa Kỳ gấp rút ban hành chiến lược “Ưu thế trên biển” để nâng cao khả năng kiểm soát biển và các đại dương.    

Gấp rút nâng cao sức mạnh trên biển

Trước sự phát triển mạnh mẽ lực lượng biển của các đối thủ, chiến lược “Ưu thế trên biển” của Mỹ xác định gấp rút xây dựng lực lượng Hải quân mạnh chiếm ưu thế trên biển. Theo đó, Mỹ tập hợp ba lực lượng: Hải quân, Hải quân đánh bộ và lực lượng bảo vệ bờ biển (thực thi pháp luật, bảo vệ nghề cá, an toàn và an ninh hàng hải) thành một lực lượng chung trên biển, tạo sức mạnh tổng lực trong mọi môi trường: từ đáy biển đến vũ trụ; thông tin, điều khiển học và phổ điện từ ở khắp các đại dương, vùng ven biển, trải dài theo bờ biển khắp các châu lục, v.v. Việc tích hợp các chức năng độc đáo của lực lượng bảo vệ bờ biển với năng lực của Hải quân, Hải quân đánh bộ giúp Mỹ có quyền lựa chọn trong hợp tác, cạnh tranh; đồng thời, tăng khả năng kiểm soát các vùng biển và đại dương,   sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa.

Để làm được điều đó, Chiến lược xác định, thời gian tới, Hải quân Mỹ sẽ đầu tư mạnh mẽ vào việc đóng mới nhiều loại tàu hiện đại: tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay; trang bị trên các tàu nhiều loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, bảo đảm tấn công từ xa, chính xác, khả năng sát thương cũng như tốc độ cơ động lớn, v.v. Chú trọng hoạt động tình báo, trinh sát, cảnh giới, phân tích, chia sẻ thông tin; huấn luyện, đào tạo, tuyển dụng, cũng như hợp tác với các đồng minh và đối tác. Thực hiện tốt việc này sẽ làm gia tăng sức mạnh biển, điều kiện tiên quyết để Mỹ giành thắng lợi trong các cuộc cạnh tranh và duy trì hoạt động hàng hải ở các đại dương, phục vụ lợi ích của quốc gia.

Chủ động triển khai lực lượng

Hải quân Mỹ hằng ngày hoạt động ở mọi vùng biển, nhất là khu vực biển có sự cạnh tranh, chạm trán với các lực lượng của Trung Quốc và Nga. Do vậy, Chiến lược xác định cần phải triển khai lực lượng Hải quân đủ mạnh ở các vùng biển và đại dương nhằm ngăn chặn, không để các đối thủ thực hiện được ý định. Nếu việc ngăn chặn không hiệu quả, thì sẵn sàng đánh bại các đối thủ bằng sức mạnh quân sự. Theo đó, các lực lượng trên biển của Mỹ cần có những điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác; phát triển lực lượng để bảo đảm khả năng răn đe, không cho các đổi thủ đạt được mục tiêu của họ. Hải quân Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ duy nhất có tiềm lực kinh tế, quân sự,... tạo sức mạnh tổng hợp thách thức toàn diện và lâu dài đối với Mỹ. Vì thế, các hoạt động và vị thế của lực lượng này sẽ tập trung vào việc chống lại mọi hoạt động của Trung Quốc trên toàn cầu, các đại dương, coi trọng tăng cường khả năng răn đe trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, sử dụng sức mạnh tổng hợp trong tất cả môi trường: không, bộ, biển, vũ trụ, điện từ, không gian mạng thông qua 05 vấn đề chính, gồm: (1) Thúc đẩy an ninh và quản trị biển toàn cầu; (2) Củng cố quan hệ đồng minh và đối tác; (3) Đối mặt và vạch trần hành vi, âm mưu của đối tượng cạnh tranh; (4) Tăng cường lợi thế thông tin và ra quyết định; (5) Triển khai và duy trì các lực lượng chiến đấu đáng tin cậy.

Dự kiến các tình huống xử lý

Chiến lược xác định ba kịch bản cạnh tranh, đối đầu với các đối thủ: cạnh tranh hằng ngày, khủng hoảng và xung đột. Trong cạnh tranh hằng ngày, các lực lượng trên biển sẽ chú trọng hợp tác với các đồng minh và đối tác, nhằm duy trì tự do hàng hải toàn cầu, thách thức các tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức và bất hợp pháp, chống lại chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc; chống khủng bố, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, tội phạm xuyên quốc gia và cướp biển. Khi xảy ra khủng hoảng, các lực lượng trên biển của Mỹ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đối tác cung cấp kịp thời tình hình và đề xuất biện pháp ứng phó, quản lý leo thang và duy trì không gian an toàn hàng hải để trung tâm chỉ huy có đủ thời gian lựa chọn, quyết định phương án tác chiến giành thắng lợi. Hải quân, Hải quân đánh bộ và hệ thống phòng thủ tên lửa thường xuyên ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ, răn đe. Lực lượng bảo vệ bờ biển nhanh chóng bổ sung, chú trọng biện pháp phi sát thương để quản lý khủng hoảng, làm giảm căng thẳng trên biển. Đồng thời, cùng với các đồng minh, đối tác triển khai nhiều biện pháp thu thập, phân tích, tổng hợp tin tức tình báo theo thời gian thực. Khi xảy ra xung đột, nếu đối phương chọn con đường chiến tranh, thì Hải quân Mỹ sẽ phối hợp với Lục quân, Không quân, Lực lượng Vũ trụ, các đồng minh và đối tác nhanh chóng tiến công, tiêu diêt, không cho họ đạt được mục tiêu, mà buộc phải chấm dứt chiến tranh. Còn nước Mỹ, các đồng minh và đối tác sẽ được bảo vệ bằng hệ thống phòng thủ tên lửa đường đạn và duy trì liên tục khả năng răn đe chiến lược chống lại việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chiến lược cũng nêu cụ thể phương thức triển khai, sử dụng từng lực lượng để đạt được mục tiêu đề ra.

Những tác động tới khu vực Đông Nam Á và Biển Đông

Mặc dù, chiến lược “Ưu thế trên biển” của Mỹ không đề cập đến vấn đề chạy đua vũ trang, nhưng một số nội dung phát triển lực lượng cả về số lượng và chất lượng cho thấy, Hoa Kỳ đã, đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển hệ thống vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại vượt trước so với các đối thủ. Mặt khác, Hoa Kỳ vừa ra sức củng cố đồng minh truyền thống, vừa đẩy mạnh hoạt động thiết lập đồng minh, đối tác mới trong khu vực. Như vậy, Chiến lược này của Mỹ tác động trực tiếp đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Nam Á, nhất là Biển Đông, làm cho khu vực này ngày càng nóng lên. Hiện tại, Mỹ đã thiết lập được bộ tứ Kim cương1 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; củng cố lại quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; lực lượng Hải quân của một số nước trong khối NATO đang gia tăng hoạt động trong khu vực. Dù trong điều kiện nào, Việt Nam cũng kiên quyết phản đối mọi hành động của các bên làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông; kiên quyết, kiên trì đấu tranh mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược. Chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Đại tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU
___________

1 - Gồm: Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...