Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 15/12/2022, 08:07 (GMT+7)
Một số nét chính về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ

Sau một thời gian dài trì hoãn bởi nhiều lý do khác nhau, cuối cùng, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố Chiến lược Quốc phòng 2022. Vậy nội dung của Chiến lược này là gì và những hoạt động quân sự của Mỹ trong thời gian qua có nhất quán với Chiến lược hay không đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Cuối tháng 3/2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình và được Quốc hội nước này thông qua nội dung cơ bản của Chiến lược Quốc phòng 2022 dưới dạng văn bản mật (dài 14 trang và chỉ được giải mật 02 trang thông tin). Trong đó, nêu ra những ưu tiên về quốc phòng cũng như các biện pháp triển khai; đồng thời, xác định và nhấn mạnh đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất, cũng như đối thủ đe dọa cấp bách đối với Mỹ. Tuy nhiên, phải đến ngày 27/10/2022, tức là sau hơn 06 tháng trì hoãn bởi nhiều lý do khác nhau, Bộ Quốc phòng Mỹ mới chính thức công bố Chiến lược Quốc phòng 2022. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của chiến lược này, cũng như sự nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm gửi thông điệp răn đe tới các đối thủ và trấn an đồng minh, đối tác về vai trò đảm bảo an ninh của Mỹ trong bối cảnh nước này phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cùng lúc, cả ở trong nước và ngoài nước, như: cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tình hình thiên tai, dịch bệnh, cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, v.v.

Chiến lược Quốc phòng 2022 khi được công bố chính thức dài 80 trang, là sự cụ thể hóa các nội dung trong bản giải mật được công bố trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên Chính quyền Mỹ đưa nội dung Đánh giá tình hình hạt nhân (NPR) và Đánh giá phòng thủ tên lửa (MDR) vào Chiến lược, thể hiện sự đồng bộ giữa chủ trương và nguồn lực thực thi. Nội dung của Chiến lược cơ bản nhất quán với các nội dung quan trọng của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (12/02/2022), Chiến lược An ninh Quốc gia (12/10/2022) và Định hướng Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời được công bố trước đó (03/3/2022). Chiến lược tiếp tục đặt trọng tâm can dự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi Trung Quốc là thách thức lâu dài và toàn diện nhất; Nga là mối de dọa, đồng thời chú trọng thúc đẩy mạng lưới quan hệ đồng minh, đối tác rộng khắp, v.v. Trong Chiến lược này, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden xác định bốn ưu tiên quốc phòng là: bảo vệ đất nước, ứng phó với mối đe dọa phức tạp từ Trung Quốc; răn đe các cuộc tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ, đồng minh và đối tác; răn đe các hành động gây hấn từ Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và từ Nga ở châu Âu; xây dựng một lực lượng liên quân và hệ thống quốc phòng có sức chiến đấu cao. Để đạt được các mục tiêu, Chiến lược đề ra ba hướng triển khai chính: (1) tăng cường năng lực “răn đe tích hợp”; (2) đồng bộ hóa các hoạt động của Bộ Quốc phòng; (3) xây dựng lợi thế lâu dài của Mỹ thông qua phát triển lực lượng, đầu tư vào yếu tố công nghệ và con người.

Một số điểm mới trong Chiến lược

Trên cơ sở văn bản đã công bố có thể thấy, Chiến lược Quốc phòng 2022 của Mỹ đã kế thừa một số nội dung của Chiến lược Quốc phòng 2018, như: tập trung củng cố và nâng cao năng lực của quân đội; đẩy mạnh khả năng phối hợp và hợp tác với các đồng minh, đối tác; đánh giá về môi trường an ninh quốc tế, v.v. Chiến lược cũng thừa nhận, lợi thế về quân sự của Mỹ tại các khu vực trên thế giới đang bị suy giảm tương đối so với các đối thủ, nhất là Trung Quốc, Nga và Iran, do các nước này tăng cường đầu tư vào lĩnh vực quân sự nhằm rút ngắn khoảng cách với Mỹ. Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng xác định những điểm mới của Chiến lược, được thể hiện ở ba điểm điều chỉnh lớn sau:

Thứ nhất, Chiến lược cho rằng, thập kỷ tới là giai đoạn mang tính quyết định và Mỹ sẽ phải đồng thời đối phó với nhiều thách thức nghiêm trọng. Khác với Chiến lược 2018, Chiến lược 2022 không chỉ xếp Trung Quốc và Nga vào nhóm đối thủ cạnh tranh chiến lược mà còn chỉ rõ Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài nhất; Nga là mối đe dọa cấp bách đối với Mỹ ở châu Âu. Chiến lược cũng nhận định Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý đồ và đủ năng lực tái định hình trật tự quốc tế. Việc Trung Quốc được đẩy lên thành thách thức lớn và lâu dài trong bối cảnh Nga vẫn đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho thấy, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn sẽ coi Trung Quốc cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên cao nhất trong thời gian tới. Ngoài những thách thức từ các đối thủ chiến lược, Chính quyền Mỹ còn cho rằng, vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu cũng là những trở ngại đáng kể đối với việc triển khai các hoạt động quân sự.

Thứ hai, Chiến lược Quốc phòng 2022 coi “răn đe tích hợp” là chủ đề chính và sẽ được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng mọi công cụ, biện pháp trong thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đồng minh và đối tác thực hiện một cách có chủ đích, làm cho đối thủ hiểu rõ hậu quả của hành vi gây hấn. Răn đe không phải khái niệm mới, mà đây là biện pháp chủ đạo trong chính sách quốc phòng của Mỹ kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Việc kết hợp giữa sức mạnh quân sự với gây sức ép về kinh tế, chính trị,… để răn đe đối thủ là việc làm thường xuyên của các Tổng thống Mỹ. Các Chiến lược Quốc phòng trước đó cũng nhấn mạnh, cạnh tranh chiến lược trong dài hạn đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp và sức mạnh quốc gia, bao gồm: ngoại giao, thông tin, kinh tế, tài chính, tình báo, luật pháp và quân sự. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Joe Biden, “răn đe tích hợp” chính thức được cụ thể hoá thành một định hướng lớn trong Chiến lược Quốc phòng. Theo đó, bên cạnh các biện pháp truyền thống, “răn đe tích hợp” cũng đề cập tới các biện pháp trừng phạt kinh tế, kiểm soát xuất khẩu, ngoại giao, thông tin,… đồng thời, coi “răn đe hạt nhân” đóng vai trò xương sống. Chiến lược Quốc phòng mới cũng cho thấy, Mỹ sẽ không cam kết với chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên và để ngỏ khả năng triển khai loại vũ khí này trong tình huống cấp thiết nhằm bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ cùng các đồng minh, đối tác.

Thứ ba, đây là lần đầu tiên, một văn bản chiến lược quan trọng của Mỹ sử dụng thuật ngữ mới - thuật ngữ “vùng xám”. Theo Chiến lược, các đối thủ của Mỹ đang cố gắng thay đổi nguyên trạng bằng chiến thuật “vùng xám”, sử dụng các biện pháp cưỡng ép không phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng dưới ngưỡng có thể đáp trả bằng các biện pháp quân sự. Với Trung Quốc, các hoạt động “vùng xám” là nhằm thiết lập kiểm soát tại biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, Biển Đông và các khu vực tranh chấp biên giới trên bộ. Cũng như Trung Quốc, các nước: Nga, Triều Tiên, Iran đều sử dụng chiến thuật “vùng xám” với các biện pháp phản tuyên truyền, hoạt động mạng, phát triển hệ thống tên lửa, máy bay không người lái, lực lượng ủy nhiệm,… đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh, đối tác. Vì vậy, để đối phó với các thách thức “vùng xám”, Mỹ sẽ chú trọng sử dụng các biện pháp, như: chia sẻ thông tin tình báo, trừng phạt kinh tế, ngoại giao,… đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực quân sự cho các đồng minh, đối tác để chống lại các hành vi này.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Chiến lược Quốc phòng mới

Các hoạt động quân sự của Mỹ triển khai tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời gian qua thể hiện sự nhất quán với các nội dung của Chiến lược Quốc phòng 2022; trong đó, nổi bật là việc gia tăng sự hiện diện quân sự, nâng cao năng lực và phối hợp với các đồng minh, đối tác, củng cố khả năng hiệp đồng tác chiến. Một trong những bước đi đáng chú ý của Chính quyền Tổng thống Joe Biden tại khu vực là việc khôi phục Thoả thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Philippines. Theo đó, Quân đội Mỹ được phép tiếp cận 02 căn cứ quân sự quan trọng của Philippines là Subic và Clark. Cùng với đó, Mỹ cũng thường xuyên duy trì từ 02 đến 04 cụm tàu sân bay, điều động nhiều phương tiện quân sự hiện đại, như: máy bay chiến đấu F-22, máy bay ném bom chiến lược B-1B,… tham gia các cuộc tập trận chung cùng đồng minh, đối tác tại khu vực. Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, số lượng các cuộc tập trận song phương và đa phương của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có xu hướng gia tăng trong năm 2022, nhất là khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan có dấu hiệu nóng lên. Tính đến tháng 7/2022, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức được 51 cuộc tập trận song phương, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, nước này còn nối lại cuộc tập trận bắn đạn thật Ulchi-Freedom Shield với Hàn Quốc sau 04 năm gián đoạn; hỗ trợ nâng cao năng lực quân sự cho các đồng minh, đối tác thông qua các chương trình đào tạo, hợp tác phát triển công nghệ tàu ngầm, vũ khí siêu thanh trong khuôn khổ các thỏa thuận đã ký, điển hình là Thỏa thuận đối tác an ninh ba bên, gồm: Australia, Anh, Mỹ (AUKUS) và các thương vụ bán trang thiết bị, phương tiện quân sự, v.v.

Trong năm tài khoá 2023, với dự kiến ngân sách quốc phòng tăng khoảng 04%, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ có nhiều thuận lợi trong việc bảo đảm nguồn lực để hiện thực hóa các nội dung của Chiến lược Quốc phòng mới, nhất là việc triển khai hoạt động quốc phòng - an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, Bộ Quốc phòng nước này cũng có điều kiện thúc đẩy hợp tác với đồng minh, đối tác thông qua các cuộc tập trận đa phương, chia sẻ thông tin tình báo và nâng cao năng lực cho lực lượng bán quân sự của các nước đồng minh nhằm đối phó với chiến thuật “vùng xám”. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tìm kiếm cơ hội mở rộng và triển khai thêm lực lượng, phương tiện quân sự ở khu vực. Đặc biệt, tháng 10 vừa qua, Mỹ còn dự kiến triển khai 06 máy bay ném bom chiến lược B-52 có thể mang theo vũ khí hạt nhân ở miền Bắc Australia.

Theo các nhà nghiên cứu quân sự, hoạt động quân sự mà Mỹ đã và đang triển khai tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời gian qua, cùng với việc công bố Chiến lược Quốc phòng 2022 có thể làm gia tăng căng thẳng, thúc đẩy mâu thuẫn, kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Tuy nhiên, việc Mỹ đang phải huy động một nguồn lực lớn chi viện cho Ukraine và chủ trương để ngỏ trong hợp tác với các đối thủ, thúc đẩy quản lý rủi ro cũng như sự kết hợp chặt chẽ với các đồng minh, đối tác trong giải quyết các mâu thuẫn, có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong duy trì thế cân bằng chiến lược, hạn chế các hoạt động cưỡng ép, hành động phiêu lưu quân sự và khi đó, hòa bình, ổn định ở khu vực vẫn được bảo đảm.

MỸ CHÂU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...