Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:24 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ quân sự, Mỹ đã tiến hành nhiều chương trình phát triển vũ khí, trang bị rất tốn kém, hướng tới tham vọng nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng lục quân. Mặc dù một số chương trình đã khép lại mà không mang lại hiệu quả, song Lục quân Mỹ vẫn tiếp tục triển khai một số chương trình khác cả trong ngắn hạn và dài hạn để đạt được tham vọng đó.
Hiện nay, Mỹ cho rằng năng lực tác chiến trên bộ của họ khó có thể thay đổi về chất trong thời gian ngắn, nhưng trong 10 năm tới, có thể khắc phục được một số hạn chế về năng lực tác chiến chủ chốt, như: chỉ huy cơ động, tác chiến điện tử, tác chiến đổ bộ đường không, phòng thủ khi cơ động và tấn công tầm xa. Những hạn chế đó được Lục quân Mỹ rút ra từ những cuộc chiến tranh gần đây.
Các chương trình phát triển vũ khí, trang bị không hiệu quả
Đó là hai chương trình phát triển vũ khí, trang bị lớn của Lục quân Mỹ: “Hệ thống chiến đấu tương lai” và “Xe chiến đấu mặt đất”. Về bản chất, Lục quân Mỹ tham vọng tiến hành một cuộc cải cách lớn với mô hình tổ chức được xây dựng thông qua chương trình mô-đun hóa lục quân, hướng tới thành lập “Đơn vị chiến đấu cấp lữ đoàn” và tương ứng là các chương trình phát triển vũ khí, trang bị với tên gọi “Hệ thống chiến đấu tương lai”. Chương trình đầy tham vọng này được khởi xướng từ năm 2003, với sự tham gia của 550 nhà thầu, nhằm hiện đại hóa đồng bộ các lực lượng trọng yếu của Lục quân Mỹ (tăng thiết giáp, tên lửa chiến thuật lục quân, phương tiện trinh sát không người lái) trong một môi trường kết nối mạng thông suốt từ người chỉ huy cao nhất tới từng binh sĩ trên chiến trường.
Thực hiện chương trình này, Lầu Năm Góc kỳ vọng cải cách cả về tổ chức và trang bị, mô hình biên chế của Lục quân Mỹ theo hướng gọn, nhẹ, cơ động, có hỏa lực mạnh hơn, được kết nối mạng và đủ sức tham chiến ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà hoạch định chiến lược và các học giả quân sự, chương trình “Hệ thống chiến đấu tương lai” đã thất bại và không đạt được các mục tiêu đề ra. Bằng chứng là, 08 loại xe chiến đấu mới được phát triển nhằm thay thế cho xe tăng thiết giáp hiện có đều không thể đưa vào trang bị; hệ thống kết nối truyền tin mới không đáp ứng yêu cầu; hệ thống người lính tương lai có cấu trúc không đồng bộ. Vì thế, năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố kết thúc chương trình “Hệ thống chiến đấu tương lai” khi đã tiêu tốn 21,4 tỷ USD mà không có bất cứ trang bị mới nào cho Lục quân Mỹ. Việc chấm dứt chương trình đầy tham vọng này, thực sự là một cú sốc mạnh, khép lại chương trình nghiên cứu và phát triển trang bị hệ thống hóa khổng lồ, mang tính vượt thời đại của Lục quân Mỹ.
Ngay sau đó, Lục quân Mỹ đã điều chỉnh tư duy phát triển của mình, quay về mô hình phát triển tổ hợp đơn nhất và tiến hành chương trình nghiên cứu, chế tạo “Xe chiến đấu mặt đất”, nhằm thay thế toàn bộ lực lượng xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley đã lạc hậu. Tháng 8-2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ thị tiến hành chương trình “Xe chiến đấu mặt đất” với khả năng đáp ứng được tất cả hình thức tác chiến của Lục quân; đồng thời, tích hợp những kinh nghiệm chiến đấu thu nhận được ở chiến trường Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Tuy nhiên, sau 05 năm triển khai, Lục quân Mỹ cùng với Cơ quan mua sắm của Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành khảo sát, đánh giá tổng quan về những thành phần cốt lõi của chương trình này và kết luận: “Xe chiến đấu mặt đất” dựa quá nhiều vào các công nghệ chưa chín muồi, yêu cầu về tính năng quá cao và rất khó lựa chọn kiểu loại xe vì thiếu tiêu chí thống nhất. Chính vì vậy, năm 2014, chương trình này cũng bị Lục quân Mỹ kiến nghị hủy bỏ.
Các chương trình phát triển vũ khí, trang bị trước mắt và lâu dài
Bên cạnh những thất bại trong các chương trình phát triển vũ khí, trang bị mới, Lục quân Mỹ cũng đạt được những thành công đáng kể trong phát triển các phiên bản mới từ những hệ thống vũ khí, trang bị hiện có, nhất là trang bị tăng thiết giáp, tên lửa pháo binh. Tháng 7-2019, những chiếc xe tăng mới nhất M1A2C - phiên bản hiện đại nhất của dòng xe tăng Abrams, được đưa vào biên chế cho một lữ đoàn tăng thiết giáp, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu. Chính vì thế, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận khoản ngân sách 1,5 tỷ USD mua 135 xe tăng M1A2C trang bị cho Lục quân Mỹ. Bởi lẽ, xe tăng M1A2C được lắp hệ thống phòng hộ chủ động và thụ động mới, cho phép đối phó hiệu quả với các loại vũ khí chống tăng mới nhất. Điểm nổi bật của xe tăng M1A2C là trang bị hệ thống phòng hộ chủ động Trophy và lớp giáp tấm bổ sung phía trước tháp pháo. Hệ thống phòng hộ chủ động Trophy sử dụng một ra-đa để phát hiện tên lửa và rốc-két đang tấn công xe, sau đó bắn các đạn nhỏ để đánh chặn. Lục quân Mỹ dự định sẽ lắp hệ thống này cho một số xe tăng M1 phiên bản cũ. Tiếp sau M1A2C, Lục quân Mỹ có kế hoạch phát triển phiên bản xe tăng M1A2D với “công nghệ cốt lõi” là các xen-xơ hồng ngoại hiện đại, bổ sung thiết bị định tầm la-de mới và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên xe tăng, khiến cho chúng có tính tự hoạt cao hơn.
Với tư tưởng không từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí, trang bị mới, Lục quân Mỹ tiếp tục đưa ra ý tưởng phát triển “Xe chiến đấu thế hệ kế tiếp”, mục đích vẫn là dùng để thay thế xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley vào năm 2025. Trên thực tế, Lục quân Mỹ là một trong các quân chủng được Lầu Năm Góc đầu tư phát triển, nhưng gần 40 năm qua, họ chưa đưa ra được một loại vũ khí, trang bị hiện đại nào gây tiếng vang giống như Không quân Mỹ đã làm được với máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor thế hệ 5 hay Hải quân Mỹ với tàu sân bay thế hệ mới lớp Ford. Do đó, hơn lúc nào hết, giới lãnh đạo cấp cao Lục quân Mỹ muốn tạo ra một bước đột phá thực sự là thúc đẩy nghiên cứu, phát triển thành công chương trình “Xe chiến đấu thế hệ kế tiếp” với các công nghệ then chốt, gồm: năng lực tiến công, phòng thủ, tác chiến điện tử, hệ thống tự động điều khiển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nguồn năng lượng, v.v. Trong đó, công nghệ phòng hộ của “Xe chiến đấu thế hệ kế tiếp” cho phép phòng thủ 360 độ, hệ thống phòng thủ chủ động có thể phát hiện và tiêu diệt tên lửa tiến công; vũ khí năng lượng định hướng có thể hình thành lá chắn phòng hộ kiểu trường lực. Thời gian tới, Lục quân Mỹ có kế hoạch thử nghiệm và trang bị vũ khí la-de chiến thuật công suất 50 kw dùng để tiêu diệt máy bay không người lái, đạn bay với tốc độ chậm như đạn pháo cối; nghiên cứu chế tạo các bộ giáp dùng vật liệu phức hợp tiên tiến tạo ra khả năng phòng hộ cao cho các loại xe chiến đấu tương lai. Về công nghệ sản xuất nguồn năng lượng của “Xe chiến đấu thế hệ kế tiếp”, tính khả thi trong việc sử dụng năng lượng sinh học và pin nhiên liệu là tương đối cao. Việc sử dụng kết hợp pin nhiên liệu với pin dung lượng cao có thể cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho các loại vũ khí trên các “Xe chiến đấu thế hệ kế tiếp”, như: la-de, pháo sử dụng công nghệ nhiệt hóa điện.
Một loại trang bị khác đang được Lục quân Mỹ coi trọng phát triển, đưa vào trang bị và sử dụng thực chiến nhằm chiếm ưu thế trong tác chiến liên quân là vũ khí dẫn đường chính xác. Hiện nay, Lục quân Mỹ đang dẫn đầu thế giới về tổ hợp vũ khí ngắm bắn gián tiếp tấn công chính xác và đang tiến hành chương trình phát triển đạn phản lực dẫn đường chính xác Increment 4 có tầm bắn tối đa 300 km và đạn pháo dẫn đường bằng la-de bán chủ động Excalibur-S. Cùng với đó, chương trình phát triển đạn phản lực dẫn đường chính xác Increment 5 có thể tấn công các mục tiêu di động và hỏa lực chính xác tầm xa cũng được khởi động để tiến thêm một bước hoàn thiện hệ thống tấn công chính xác của Lục quân Mỹ.
Bên cạnh các chương trình phát triển vũ khí, trang bị ngắn hạn, Lục quân Mỹ bắt đầu khởi động các chương trình dài hạn. Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội năm 2018, Bộ trưởng Lục quân Mỹ đã đưa ra 06 chương trình ưu tiên phát triển vũ khí, trang bị nhằm hiện đại hóa Lục quân Mỹ đến năm 2035, gồm: (1) Hỏa lực tiến công chính xác tầm xa với các loại đạn để tái lập ưu thế về tầm bắn, khả năng sát thương và bắt bám mục tiêu; (2) Xe chiến đấu thế hệ mới có và không có người điều khiển với hỏa lực hiện đại, khả năng phòng hộ, cơ động và phát điện thế hệ mới; (3) Máy bay có và không có người lái cất cánh, hạ cánh thẳng đứng, đủ khả năng tiến công, vận tải và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên các chiến trường tương lai; (4) Mạng truyền tin cơ động và viễn chinh với hệ thống phần cứng cơ động, phần mềm và cơ sở hạ tầng được sử dụng để kết nối trong chiến đấu ở bất kỳ môi trường nào kể cả ở đó phổ điện từ bị chặn hoặc phá; (5) Tổ hợp vũ khí phòng không và phòng thủ tên lửa có khả năng bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu tương lai được bảo vệ trước những mối đe dọa đường không; (6) Vũ khí sát thương trang bị cho người lính bảo đảm trên tất cả nền tảng chiến đấu, cơ động, truyền tin, bảo vệ và duy trì.
Để triển khai và thực hiện thành công 06 chương trình này, ngày 25-8-2018, Mỹ đã chính thức thành lập Bộ Tư lệnh Lục quân tương lai nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị lục quân, đánh dấu sự cải tổ lớn nhất trong quân chủng này kể từ năm 1973. Cơ quan này sẽ là đầu mối thống nhất trong công tác chỉ huy và đồng bộ tất cả nguồn lực, gắn kết giới khoa học - công nghệ, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, kỹ thuật và mua sắm. Đồng thời, đưa ra những giải pháp sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống chiến đấu thế hệ tiếp theo trang bị cho Lục quân Mỹ, góp phần duy trì vị thế “siêu cường số một” về quân sự của Mỹ.
Dư luận quốc tế lo ngại rằng, việc triển khai các chương trình phát triển vũ khí, trang bị của Lục quân Mỹ với những khoản ngân sách khổng lồ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu, tác động xấu tới tình hình an ninh, chính trị quốc tế.
Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Trung tá NGUYỄN HOÀI NAM
lục quân Mỹ,phát triển vũ khí,một số chương trình
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ