Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 23/06/2014, 10:08 (GMT+7)
Ma-lai-xi-a đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng
Triển lãm quốc phòng châu Á Ma-lai-xi-a lần thứ 14 (4-2014). (Nguồn: in-tơ-nét)

Giữ vững an ninh nội địa và phòng, chống có hiệu quả các mối đe dọa từ bên ngoài là mục tiêu trong chính sách quốc phòng của Ma-lai-xi-a. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Ma-lai-xi-a đang tập trung hiện đại hóa Quân đội Hoàng gia; trong đó, tăng cường vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang được xác định là nền tảng.

Để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, Ma-lai-xi-a đã đề ra chính sách quốc phòng gồm các nguyên tắc cơ bản: tự lực; quốc phòng toàn dân; cam kết thực hiện thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA)1; hỗ trợ các nỗ lực của Liên hợp quốc vì hòa bình thế giới; chiến lược quốc phòng. Trong đó, nguyên tắc “tự lực” và nguyên tắc “chiến lược quốc phòng” có ý nghĩa quan trọng, chỉ đạo xuyên suốt quá trình hiện đại hóa (HĐH) quốc phòng của Ma-lai-xi-a. “Tự lực” là bảo đảm khả năng hành động độc lập trong giải quyết các vấn đề an ninh nội địa cũng như trong chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ của các lực lượng vũ trang Ma-lai-xi-a, còn nguyên tắc “chiến lược quốc phòng” bảo đảm tính răn đe và phòng thủ đất nước từ xa. Để thực hiện các nguyên tắc trên, đòi hỏi Ma-lai-xi-a phải liên tục khẳng định sức mạnh quân sự và khả năng phòng thủ đất nước, nhất là khả năng về vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nhân lực có chất lượng cao, trạng thái sẵn sàng chiến đấu và linh hoạt sử dụng lực lượng khi cần thiết. Đây chính là những vấn đề cốt lõi đặt ra cần phải giải quyết trong quá trình HĐH quốc phòng của Ma-lai-xi-a.

Hiện tại, Quân đội Ma-lai-xi-a đang ở giữa quá trình chuyển đổi theo hướng HĐH trong khuôn khổ gói nâng cấp 4-D (MAF), nhằm mang lại 3 khả năng quan trọng là: tổ chức các hoạt động chiến đấu liên quân hoàn hảo; chiếm ưu thế tuyệt đối về thông tin; nâng cao khả năng tác chiến trên biển, trong lòng đại dương, trên không và trong không gian mạng điều khiển. Qua đó, nâng cao khả năng tác chiến toàn diện cho Quân đội để có thể giành thắng lợi nhanh, quyết định khi có xung đột xảy ra, đáp ứng yêu cầu thách thức an ninh trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, do trình độ khoa học, công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong nước có hạn nên việc HĐH quốc phòng thường phải kết hợp giữa sản xuất ở trong nước với các chương trình mua sắm VKTBKT theo kế hoạch từng năm và 5 năm; trong đó, Ma-lai-xi-a tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản sau:

Tăng cường trang bị cho Hải quân là trọng tâm của quá trình HĐH quốc phòng

Là một quốc gia quần đảo giáp với Biển Đông, eo biển Ma-lắc-ca, Ấn Độ Dương,… nên các lợi ích địa chính trị, địa chiến lược và các hoạt động của Ma-lai-xi-a, nhất là hoạt động quân sự cơ bản đều gắn liền với biển. Nhận thức rõ điều đó, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã và đang tập trung đầu tư HĐH Hải quân theo hướng có hạm đội trong tương lai; trong đó, tập trung mũi nhọn vào việc trang bị các khu trục hạm lớp Lekiu, tàu ngầm Scorpene, tàu tuần tiễu mang tên lửa thế hệ mới (NGPV), tàu bảo đảm đa năng (MPSS) và tàu tuần tra. Mục tiêu đến năm 2020 của Ma-lai-xi-a là xây dựng hoàn chỉnh 6 đơn vị tàu chiến thuộc loại trên. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết, Ma-lai-xi-a coi trọng phát triển CNQP trong nước, nhất là công nghệ đóng tàu hải quân. Tích cực hợp tác, chuyển giao công nghệ với các công ty đóng tàu nước ngoài, trọng tâm là Tập đoàn Hàng hải Đức (GNG); thông qua đó, đã cho ra đời 6 tàu tuần tiễu mang tên lửa lớp Kedah. Đây là bước tiến mới, quan trọng của nền CNQP Ma-lai-xi-a. Mặc dù là tàu tuần tiễu, nhưng Kedah được trang bị đồng bộ nhiều phương tiện chiến đấu hiện đại, có khả năng vận chuyển và cho phép tác chiến từ tàu 01 trực thăng hải quân. Ngoài ra, các xưởng đóng tàu hải quân độc lập trong nước còn hoạt động theo mục đích lưỡng dụng, đóng cả tàu hải quân và tàu thương mại, như: tàu chở quân cao tốc, tàu tiếp tế xa bờ, tàu khách sạn, phà chở xe...; chế tạo thiết bị cơ khí hạng nặng; đại tu, nâng cấp các loại pháo hạng trung, tầm gần cho Hải quân, Cảnh sát biển.

Cùng với việc phát triển CNQP trong nước, Ma-lai-xi-a chú trọng nhập khẩu VKTBKT, phương tiện quân sự của nước ngoài để trang bị cho Hải quân, như: tàu ngầm, tàu khu trục và tàu tuần tiễu. Theo đó, Ma-lai-xi-a đặt mua từ Pháp 02 tàu ngầm Scorpene với hợp đồng trị giá tới 1,04 tỷ Euro. Đây là loại tàu ngầm thế hệ mới, trang bị nhiều phương tiện chiến đấu hiện đại vào loại bậc nhất hiện nay. Sau tàu ngầm Scorpene là hai khu trục hạm cỡ nhỏ mang tên lửa Lekiu mua của Anh, tàu trang bị hệ thống tên lửa phòng không phóng thẳng đứng gồm 16 ống phóng với cơ số 16 quả tên lửa phòng không tầm gần mang tên “Sói biển”, 02 dàn phóng ngư lôi chống ngầm, 02 hệ thống tên lửa đối hạm, pháo đa năng Bofors 57 mm, súng máy 30 mm MSI-Defence DS30,... và có khả năng vận chuyển, bảo đảm cho 01 trực thăng hải quân tác chiến từ tàu.

Ngoài ra, còn có 04 tàu hộ vệ tên lửa Laksamana mua từ I-ta-li-a và một số tàu mua của các nước khác, tuy là thế hệ cũ nhưng tính năng chiến đấu vẫn rất lớn, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng Không quân hải quân, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh đáng kể của Hải quân Ma-lai-xi-a. Giai đoạn tới, họ còn đặt chỉ tiêu xây dựng xong “Hạm đội tương lai” trong kế hoạch 05 năm lần thứ 11 (2016 - 2020) hòng viết tên mình lên bản đồ hải quân biển xanh hùng mạnh. Điều này, đang nằm trong dự định chiến lược của Ma-lai-xi-a, nhưng với thực lực như hiện nay, vẫn cho phép Hải quân nước này tự hào và khẳng định là Hải quân tương đối hiện đại, có tiềm lực mạnh ở khu vực Đông Nam Á.

Đẩy mạnh mua sắm HĐH trang bị Không quân

Nằm trong chương trình HĐH Quân đội, Không quân Ma-lai-xi-a cũng đang tập trung mọi nỗ lực để đổi mới trang bị. Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, xuất phát điểm của Không quân Ma-lai-xi-a tương đối thấp, trang bị ban đầu chủ yếu là một số máy bay cũ, lạc hậu của Quân đội Anh để lại. Vì vậy, chương trình HĐH Không quân của nước này được triển khai từ những năm 1970. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, nguồn cung khó khăn nên họ vừa kết hợp bảo dưỡng, sữa chữa, tăng hạn sử dụng cho máy bay hiện có, vừa chủ động tìm kiếm nguồn nhập khẩu trang bị từ các nước phương Tây. Những năm đầu, Ma-lai-xi-a đã nhập khẩu một số máy bay như F-5E Tiger II, RF-5E Tigereye của Mỹ; nhưng sau đó, do Mỹ từ chối bàn giao công nghệ mới cho Ma-lai-xi-a, nhất là hệ thống tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến “bắn rồi quên” (AIM-120 AMRAAM) nên Ma-lai-xi-a đã quyết định chuyển sang mua máy bay của Nga và các nước đối tác phi truyền thống khác. Trong những năm 1990, để nâng cao khả năng tác chiến trên không trong mọi điều kiện thời tiết, Không quân Ma-lai-xi-a đã mua máy bay huấn luyện Hawk MK108/208 của Anh, MiG-29N/NUB của Nga. Đặc biệt, năm 2003, họ đặt mua thêm 18 máy bay Su-30MKM mới - hiện đại, nhằm tạo bước đột phá nhanh, mạnh làm tăng khả năng tác chiến đa nhiệm cho lực lượng không quân của nước này lên một bước mới. Hiện nay, lực lượng không quân đang đặt ra kế hoạch đến năm 2015 sẽ thay thế toàn bộ máy bay MiG-29 bằng máy bay chiến đấu đa nhiệm (MRCA). Tuy nhiên, kế hoạch này khó trở thành hiện thực, do Chính phủ Ma-lai-xi-a vẫn đang trong quá trình lựa chọn, chưa quyết định trang bị máy bay nào trong số các sản phẩm được giới thiệu là, Rafale của Hãng Dassault, F/A-18E/F Super Hornet của Hãng Boeing, Su-35 Flanker-E của Hãng Sukhoi,... Trong khi các hãng tham gia đấu thầu cung cấp máy bay đều khẳng định rằng, thời gian tối thiểu họ cần là từ 28 đến 36 tháng trước khi bàn giao sản phẩm kể từ ngày ký. Tính đến thời điểm này, thực tế Không quân Ma-lai-xi-a chỉ có 02 trung đoàn (Trung đoàn số 11 trang bị 18 máy bay Su-30MKK đủ biên chế, Trung đoàn số 18 mới trang bị được 8 máy bay F/A-18E/F Super Hornet). Trong kế hoạch dài hạn, họ phấn đấu sẽ thành lập 6 trung đoàn máy bay tiêm kích đa nhiệm.

Ngoài ra, lực lượng không quân cũng đang tiến hành một số chương trình mua sắm và nâng cấp khác bao gồm: máy bay chỉ huy và hệ thống báo động sớm trên không (AEW&C), máy bay huấn luyện PC-7 MKII, xây dựng cơ sở hạ tầng cho máy bay vận tải A400 (sẽ đưa vào trang bị năm 2015),... Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách quốc phòng còn khó khăn, nên những chương trình này đang phải lui tiến độ và khó có thể thực hiện trong tương lai gần.

Tinh nhuệ hóa Lục quân, chú trọng HĐH Tăng - thiết giáp

Đối với Ma-lai-xi-a, chương trình HĐH Lục quân đã có những bước tiến đáng kể theo hướng thu nhỏ quy mô biên chế và lấy “tinh nhuệ hóa” là mục tiêu. Tất nhiên, thu nhỏ quy mô biên chế, không đồng nghĩa với giảm sức mạnh chiến đấu của Lục quân, mà mục đích của việc điều chỉnh tổ chức biên chế chính là nâng cao một bước năng lực của VKTBKT, trên cơ sở tác chiến liên hợp nhất thể hóa, đa binh chủng. Việc thu hẹp một cách hợp lý sự cấu thành các đơn vị tác chiến cơ bản của Lục quân nhằm giải phóng quyền hạn chỉ huy bộ phận, làm cho tổ chức biên chế của bộ đội Lục quân ngày càng linh hoạt, hợp lý, cơ chế chỉ huy ngày càng hiệu quả, từ đó thúc đẩy Lục quân phát triển theo hướng ngày càng tinh nhuệ. Trong chương trình cải cách trang bị cho binh sĩ bộ binh, Ma-lai-xi-a quyết tâm thay thế toàn bộ súng các bin M16 (trang bị từ năm 1976) bằng súng các bin M4 thế hệ mới. Thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ ký kết với Mỹ, Ma-lai-xi-a đã sản xuất được 200.000 khẩu (trong đó, 85% các bộ phận của súng các bin M4 sẽ được sản xuất tại Ma-lai-xi-a). Đến năm 2013, nước này đã tự sản xuất 11.000 khẩu đưa vào thử nghiệm và trang bị rộng rãi cho binh sĩ sử dụng. M4 được đánh giá là súng các bin siêu nhẹ, bán tự động, có chế độ bắn 3 viên, không chỉ phù hợp với bộ binh mà cả đối với lực lượng cảnh sát.

Cùng với việc cải cách trang bị cho bộ binh, Lục quân Ma-lai-xi-a chú trọng đầu tư HĐH Tăng - thiết giáp. Năm 2007, nước này đã mua 48 xe tăng PT-91M có hệ thống giáp phản ứng nổ (ERA) của Ba Lan, để từng bước trang bị hoàn chỉnh biên chế cho Trung đoàn xe tăng Hoàng gia số 11, nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng này. Để tăng cường khả năng đối phó với các loại xe tăng thế hệ mới, Lục quân Ma-lai-xi-a đã đặt mua hệ thống tên lửa chống tăng Metis-M của Nga với số lượng không được tiết lộ. Metis-M là hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại, khi sử dụng đầu đạn ghép nối tiếp, khả năng xuyên giáp xe tăng lên tới 950 mm. Ngoài ra, Ma-lai-xi-a cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực trang bị hệ thống tên lửa chống tăng tầm gần Eryx (của Hãng MBDA) có thể xuyên giáp xe tăng dày 900 mm hoặc bê tông cốt thép dày 2,5 m.

Với những nỗ lực trong tiến trình HĐH quốc phòng, đặc biệt là việc tăng cường đầu tư mua sắm VKTBKT cho Quân đội; đến nay, Ma-lai-xi-a đã có một tiềm lực quốc phòng tương đối vững chắc, đủ sức đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh nội địa và chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật
_________________

1 - 5 nước gồm: Anh, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a và Xin-ga-po.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...