Thứ Năm, 21/11/2024, 00:29 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trong bối cảnh an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt, việc các nước lớn tăng cường lôi kéo, tập hợp lực lượng để gia tăng sức mạnh đã, đang là xu thế chung, khá phổ biến; trong đó, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và giữa liên minh này với đối tác khác là một trong những ví dụ điển hình. Vậy, tham vọng của liên minh này thế nào, cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.
Dù không xảy ra xung đột, song khu vực Đông Bắc Á không chỉ tồn tại dai dẳng của một trong những điểm nóng về quốc phòng, an ninh trên thế giới, mà còn có xu hướng “tăng nhiệt” trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, Triều Tiên đẩy mạnh hoạt động thử tên lửa, xung đột Nga - Ukraine và sự tăng cường hiện diện của Nga tại vùng Viễn Đông được coi là thách thức an ninh đối với khu vực. Điều đó khiến các nước khu vực Đông Bắc Á nói chung, Nhật Bản, Hàn Quốc nói riêng phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh; trong đó, phải kể đến việc hai nước tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên do Mỹ tổ chức hồi tháng 8/2023.
Nỗ lực điều chỉnh cán cân lực lượng
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và để nâng cao năng lực đối phó với các thách thức an ninh, Chính phủ Nhật Bản theo đuổi chính sách quốc phòng hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia, nâng cao khả năng phản ứng của Lực lượng phòng vệ và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong các hoạt động quân sự. Theo đó, Tokyo tập trung nâng cao khả năng phản ứng của Lực lượng phòng vệ trước những phương thức tiến hành chiến tranh mới và các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, thông qua việc đẩy mạnh và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, đa phương với các đồng minh, đối tác. Để hiện thực hóa điều này, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản chỉ rõ, cần nâng mức chi tiêu cho quốc phòng lên 02% tổng sản phẩm quốc nội và trong vòng 05 năm tới, chi tiêu cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, phòng không, phương tiện bay không người lái; bảo trì, sửa chữa thiết bị quân sự; nghiên cứu quốc phòng; tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cho Lực lượng phòng vệ,… cần khoảng 43.500 tỉ yên (tương đương 322,2 tỉ USD).
Với Hàn Quốc, tháng 6/2023, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố Chiến lược An ninh quốc gia; trong đó, nhấn mạnh sự phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa cấp bách nhất. Như vậy, có thể thấy, nếu Mỹ coi Trung Quốc là một thách thức an ninh đối với sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì Hàn Quốc lại coi Triều Tiên là thách thức an ninh cấp bách. Chiến lược này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực phòng thủ cho Quân đội Hàn Quốc cũng như củng cố thế trận phòng thủ chung với Mỹ. Nhà Xanh đặt tham vọng, phát triển quân đội thành lực lượng hùng mạnh, có công nghệ tiên tiến, từ đó tạo ra nền tảng an ninh vững chắc; đồng thời, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh, đối tác để đảm bảo một nền hòa bình bền vững, tự do và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.
Có thể thấy, những thay đổi của Nhật Bản và Hàn Quốc về quốc phòng, an ninh diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên có bước phát triển mới. Mặc dù ba nước chưa trở thành liên minh thống nhất, nhưng với sự hiện diện của phái đoàn Nga và Trung Quốc tại Lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh liên Triều (tháng 7/2023) cùng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo ba nước sau đó, đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ giữa ba nước. Theo các nhà nghiên cứu, việc Nga, Trung Quốc, Triều Tiên xích lại gần nhau sẽ là nguy cơ đối với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc; bởi, Mỹ có các hiệp ước an ninh riêng với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chưa có thỏa thuận nào để kết nối hai nước này trong hoạt động an ninh chung. Bên cạnh đó, mức độ hợp tác an ninh giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc lại phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Tokyo với Seoul có nồng ấm hay không. Những vấn đề trên là động lực chủ yếu thúc đẩy Mỹ - Nhật - Hàn hướng đến những hợp tác mới, với tham vọng điều chỉnh lại cán cân lực lượng và sức mạnh tổng thể tại khu vực. Theo đó, tháng 8/2023, Washington lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn, nhằm thể chế hóa hơn nữa cơ chế hợp tác an ninh giữa ba nước - quan hệ ba bên rất quan trọng tại Đông Bắc Á trong thế kỷ XXI. Tại Hội nghị, lãnh đạo ba nước đưa ra sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng; thảo luận tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng cơ chế hợp tác toàn diện, đa tầng trên nhiều lĩnh vực và ở các cấp độ; đề xuất các biện pháp hợp tác về công nghiệp hiện đại, cách thức ứng phó với các vấn đề an ninh kinh tế, rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng và năng lượng, nhằm mục đích đưa Đông Bắc Á phát triển thịnh vượng. Đáng chú ý, trong Tuyên bố chung “Tinh thần của Trại David”, ba nước khẳng định có chung cách tiếp cận đối với các vấn đề cạnh tranh địa chính trị. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra cơ chế mới trong tham vấn ba bên để ứng phó với các thách thức, hành động khiêu khích, mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh chung của ba quốc gia, nhất là các mối đe dọa về an ninh hàng hải, công nghệ, kinh tế, an ninh mạng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và phát triển công nghệ tiên tiến.
Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn có thể chưa làm thay đổi cán cân lực lượng tại khu vực, nhưng về lâu dài, khi mà các cơ chế hợp tác được củng cố và tăng cường, sự hợp tác về lĩnh vực quân sự có bước phát triển mới, nhiều khả năng liên minh này sẽ tạo nên một thế lực “đáng gờm” tại Đông Bắc Á.
Tham vọng mở rộng sức mạnh thông qua Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường Australia - Anh - Mỹ (AUKUS)
Cuối năm 2023, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh công bố bản báo cáo “Chân trời nghiêng, đánh giá tổng hợp và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Báo cáo đề cập đến nhiều vấn đề về đối ngoại, an ninh của Vương quốc Anh và những vấn đề liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở cấp chiến lược, trong đó có đề xuất với Mỹ và Australia thiết lập quan hệ đối tác giữa AUKUS với Nhật Bản và Hàn Quốc. Với đề xuất này, các bên sẽ cần một thời gian nhất định để bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên, đề xuất lại được giới chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xem xét một cách nghiêm túc, với các lý do:
Thứ nhất, Nhật Bản là một quốc đảo và Hàn Quốc cũng luôn coi mình là một hòn đảo, nên việc hai nước kết nối với thế giới đều thông qua các tuyến hàng hải. Vì vậy, các tuyến hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên thực tế, eo biển Hormuz, Malacca hay biển Hoa Đông đều là những tuyến hàng hải rất quan trọng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc nhập khẩu năng lượng. Nếu các tuyến hàng hải này gặp sự cố hay bị ngưng trệ trong trường hợp khẩn cấp sẽ khiến nền kinh tế hai nước có nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Do đó, việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Mỹ, Anh và Australia là điều rất cần thiết với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thứ hai, nếu AUKUS đóng vai trò nền tảng cho hợp tác công nghệ cốt lõi của Mỹ, Anh và Australia trong tương lai theo như mục tiêu nhóm này đề ra, thì nó cũng sẽ mang lại lợi ích không hề nhỏ cho Nhật Bản và Hàn Quốc khi tham gia AUKUS, nhất là lĩnh vực không gian, không gian mạng và cáp dưới biển. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc liên lạc giữa các quốc gia, tổ chức, cá nhân cũng như hoạt động chỉ đạo, điều hành đều được kết nối qua vệ tinh hay cáp ngầm dưới biển, thì mọi hoạt động quân sự thông qua lĩnh vực này trở nên cực kỳ quan trọng. Vì vậy, để chiếm thế thượng phong trong cuộc đua về không gian, an ninh mạng, các quốc gia buộc phải hợp tác cùng nhau trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng không gian mạng, cáp quang cũng như phải có chiến lược để bảo vệ.
Thứ ba, mặc dù quan hệ giữa Tokyo và Seoul dần được cải thiện thông qua nhu cầu hợp tác trong liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, nhưng quan hệ này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ người dân. Vì vậy, giới lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc phải chứng minh cho người dân thấy rõ lợi ích của việc hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn. Bên cạnh đó, nếu Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác với AUKUS trên lĩnh vực an ninh hàng hải, không gian và an ninh mạng, có thể giúp hai nước thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp mới, hướng tới nền công nghệ tiên tiến của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và quan trọng hơn, đây sẽ là cơ sở để lãnh đạo hai nước thuyết phục người dân.
Ngoài ra, nếu Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia AUKUS sẽ là cơ sở quan trọng giúp các bên liên quan gia tăng sức mạnh quân sự chống lại các mối đe dọa thông qua khuôn khổ phòng thủ hiện có, bởi cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là quốc gia có mức chi ngân sách cho quốc phòng lớn, lực lượng thường trực hùng hậu, trình độ tác chiến và trang thiết bị quân sự hiện đại1. Theo báo cáo của Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower về xếp hạng sức mạnh quân sự các quốc gia trên thế giới năm 2023, thì Hàn Quốc xếp thứ 06, còn Nhật Bản xếp thứ 07.
Những năm gần đây, Hàn Quốc đã tự chủ được việc sản xuất vũ khí cá nhân, máy bay, tàu chiến, trang thiết bị, phương tiện quân sự và cũng là một trong những nhà thầu cung cấp vũ khí cho nhiều quốc gia, với các loại: pháo tự hành K9 Thunder, xe tăng K2 Black Panther, v.v. Cuối tháng 4/2023, lực lượng Hải quân Hàn Quốc được gia tăng sức mạnh khi tiếp nhận thêm 01 tàu ngầm chạy bằng điện và diesel (được sản xuất ở trong nước). Còn Nhật Bản, mặc dù thua thiệt hơn các quốc gia khác khi không có quân số đông (theo quy định của hiến pháp), hay nguồn hậu cần tốt (do nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế), nhưng nước này lại đang sở hữu lực lượng quân sự hùng mạnh, với nhiều tàu khu trục, chiến hạm, chiến đấu cơ, xe tăng cùng các phương tiện chiến đấu hiện đại khác. Bên cạnh đó, Nhật Bản có những động thái tăng cường sức mạnh quân sự cho Lực lượng phòng vệ (được coi là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai), khi chính phủ nước này đang xem xét trang bị thêm cho lực lượng này 1.000 tên lửa hành trình có tầm bắn từ 200km đến 1.000km, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 và gia tăng hoạt động quân sự ở các đảo phía Tây Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia AUKUS, thì sức mạnh quân sự của hai nước kết hợp với sức mạnh quân sự của Mỹ, Anh, Australia sẽ tạo nên thế lực mới có khả năng răn đe trên nhiều lĩnh vực và làm thay đổi cục diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
LÂM PHƯƠNG - HỮU TUẤN ________________
1 - Hàn Quốc có khoảng 500.000 binh sĩ tại ngũ (trong đó, lực lượng hải quân khoảng 70.000 người, lính thủy đánh bộ khoảng 29.000 người), 150 tàu chiến, 70 máy bay các loại. Nhật Bản có khoảng 247.000 binh sĩ tại ngũ.
cạnh tranh chiến lược,tập hợp lực lượng,liên minh Mỹ - Nhật - Hàn,Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường Australia - Anh - Mỹ
Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược 19/11/2024
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ
Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược