Thứ Bảy, 14/09/2024, 02:07 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2016, Liên minh châu Âu bị rung chuyển bởi hàng loạt sự kiện, như: Bre-xít (nước Anh rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu), cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ ở Mỹ cùng sự nổi lên của phong trào dân túy, làn sóng di cư và nạn khủng bố ngày càng lan rộng, v.v. Điều đó đã, đang đặt ra cho Lục địa già những thách thức địa chính trị hết sức gay gắt.
Thách thức từ sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ
Diễn biến trên chính trường Mỹ là yếu tố địa chính trị lớn nhất, tác động mạnh mẽ, thậm chí có ý nghĩa quyết định tới sự tồn tại, phát triển của Liên minh châu Âu (EU), bởi liên minh này là sản phẩm từ chiến lược toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Trên thực tế, EU được thành lập trên cơ sở “Kế hoạch Mác-san” do Mỹ đề xuất, nhằm giúp đỡ tài chính và kinh tế cho các nước châu Âu, trên cơ sở đó, thiết lập ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn đối với các quốc gia trên châu lục này.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, nhiều quốc gia châu Âu rơi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Do đó, Mỹ muốn sử dụng Đề án châu Âu thống nhất như “quả đấm kinh tế” xuyên Đại Tây Dương để chống phá hệ thống xã hội chủ nghĩa, làm tan rã Liên Xô trong “Chiến tranh Lạnh”. Vì thế, mục tiêu chủ yếu của Đề án này là từng bước tước đoạt chủ quyền quốc gia của các nước châu Âu, biến châu Âu thành một khu vực thực dân hóa của Mỹ. Bản chất của Đề án đã được làm sáng tỏ trong các tài liệu của Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ, được giải mật trong năm 2000 và 2001; trong đó, có các bằng chứng xác định rằng, EU là “con đẻ” của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Như vậy, sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Mỹ có hai đề án để kiểm soát châu Âu, gồm: Đề án thành lập Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm kiểm soát châu Âu về an ninh và Đề án thành lập EU để kiểm soát châu Âu về chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, EU có xu hướng liên kết với Nga - quốc gia đã quyết định lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường, nhằm xây dựng không gian kinh tế và chính trị thống nhất trên toàn bộ lục địa Á - Âu. Xu hướng này ngay lập tức bị giới cầm quyền Mỹ ngăn cản bằng mọi giá, với mục đích trước hết là chống Nga, sau đó là làm suy yếu EU. Không những thế, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ (năm 2016) đã tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với EU, bởi Tổng thống đắc cử Đô-nan Trăm từng tuyên bố: ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU và đang chờ xem tiếp theo sẽ là quốc gia nào chia tay với liên minh này. Hơn nữa, ông chủ Nhà Trắng còn cho rằng, NATO là một tổ chức đã “lỗi thời” và khẳng định các nước thành viên của liên minh quân sự này không thể trông chờ mãi vào “sự bao cấp an ninh” của Mỹ. Ngay lập tức, tuyên bố của người đứng đầu chính quyền Mỹ đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo của EU. Ngày 03-02-2017, tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Man-ta, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken đã kêu gọi đoàn kết và tăng cường vai trò quốc tế của EU nhằm đối phó với chính sách của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Tu-xcơ còn nhận định rằng, sự thay đổi của Oa-sinh-tơn đang đặt EU vào tình huống khó khăn và Ông kêu gọi 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên cùng nhau thực hiện chính sách đối ngoại và quốc phòng mới của Khối này, nhằm đảm bảo lợi ích địa chính trị và kinh tế, trong trường hợp cần thiết. Với những động thái trên, các nhà phân tích cho rằng, hiện EU đang đứng trước thách thức to lớn từ sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ, làm cho mối quan hệ EU - Mỹ ngày càng căng thẳng.
Những bất định trong các xu hướng chính trị và hội nhập ở châu lục
Hiện nay, trên phạm vi toàn thế giới, mà trước hết là ở châu Âu, dưới tác động của nhiều yếu tố đan xen cả về chính trị, kinh tế và an ninh khiến tình hình trở nên khó đoán định. Chính điều đó đã làm giảm lòng tin và mối quan tâm của các nước thành viên đối với vấn đề phát triển, nhất là sự tăng trưởng kinh tế của toàn Khối. Minh chứng rõ ràng là, năm 2016, kinh tế của các nước thành viên EU đều thiếu động lực để tăng trưởng, làm cho nền kinh tế châu Âu phục hồi chậm và yếu ớt. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân của EU vào khoảng 10%; trong đó, một số nước Nam Âu, như: Tây Ban Nha, Hy Lạp,... tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 20%. Tính khó đoán định của châu Âu còn được thể hiện rõ trong lĩnh vực chính trị, việc nước Anh rời khỏi EU cùng những hiệu ứng kế tiếp khó lường là một minh chứng. Thực tế cho thấy, quá trình đàm phán về việc Anh ra khỏi EU đang gặp khó khăn lớn. Bởi, EU yêu cầu nước Anh phải chi trả gần 100 tỷ euro (tương đương 109,14 tỷ USD) để rời EU, trong khi Luân Đôn lại kiên quyết từ chối điều kiện này. Mặc dù nước Anh đang ra sức thực hiện các biện pháp để tránh biến động thị trường và bất ổn về chính trị, nhưng việc Anh rời khỏi EU khiến các chính giới trong nội bộ EU có cái nhìn bi quan về triển vọng trung và dài hạn của nước Anh cũng như của toàn Khối.
Chính từ sự bất ổn định trong môi trường chính trị của EU đã cổ vũ cho thế lực cực hữu ở từng nước bài ngoại và phản đối người nhập cư. Tiêu biểu cho xu hướng này là các đảng: “Mặt trận quốc gia” (Pháp), “Sự lựa chọn vì nước Đức” (Đức) và “Phong trào 5 sao” (I-ta-li-a). Thêm nữa, hình thức trưng cầu ý dân hiện đang bị lạm dụng trong nền chính trị châu Âu, trước hết là ở Anh, tiếp đến là I-ta-li-a và trong tương lai sẽ là ở nhiều nước khác. Ở I-ta-li-a, nếu đảng “Phong trào 5 sao” của phe cực hữu thừa cơ lên nắm quyền, xuất phát từ mong muốn chính trị - phản đối đồng euro - thì khả năng phát động một cuộc trưng cầu ý dân về việc ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) chỉ là vấn đề một sớm, một chiều. Theo nhận định của giới phân tích, cho dù kết quả trưng cầu như thế nào, thì đó cũng sẽ là đòn giáng mạnh vào EU, Eurozone và nền kinh tế I-ta-li-a. Quá trình này có thể báo động và thúc đẩy các chính đảng chủ yếu thuộc phe trung hữu, trung tả ở các nước châu Âu tiến hành cải cách và điều chỉnh, nếu không, nền chính trị châu Âu sẽ bị chủ nghĩa dân túy nhấn chìm.
Cùng với đó, định hướng và tiến trình hội nhập của EU trong năm 2017 sẽ ngày càng bị thách thức. Bởi lẽ, trong điều kiện hiện nay, quyền uy và tính hợp pháp của EU đang gặp phải thách thức nghiêm trọng; trong đó, các cuộc bàn thảo liên quan đến hội nhập trong nội bộ EU đã, đang chuyển từ tranh cãi “về mặt đường lối” sang cân nhắc “về hướng đi”. Chính phủ và quốc hội các nước thành viên EU, lựa theo chủ trương dân túy trong nước đã đẩy mạnh mức độ đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình ở các cấp độ. Điều này thể hiện lập trường “đoàn kết linh hoạt” mà các nước Trung và Đông Âu chủ trương trong vấn đề hóa giải cuộc khủng hoảng di cư, tức là chính sách đối với người tị nạn phải xây dựng trên cơ sở quyền năng của nhà nước có chủ quyền, phản đối việc thực hiện thống nhất trong khuôn khổ toàn Khối. Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế thương mại - nơi tập trung quyền năng nhất của EU - cũng đã xuất hiện dấu hiệu giảm bớt sự tập trung quyền lực. Do đó, trong năm 2017, tiến trình hội nhập châu Âu buộc phải tiến hành thận trọng trong các cuộc tranh luận liên quan tới hướng đi; đồng thời, cần phải duy trì tính cân bằng giữa địa vị quyết sách của EU với chủ trương lợi ích và quyền lợi của từng nước thành viên.
Khủng hoảng người di cư, nguy cơ khủng bố và quan hệ căng thẳng với Nga, Trung Quốc
Những năm gần đây, làn sóng di cư đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi về việc chia sẻ gánh nặng giữa các quốc gia thành viên EU. Dự báo năm 2017, vấn đề này vẫn là chủ đề nóng và nan giải đối với toàn châu lục. Hiện nay, hầu hết các nước EU đã thắt chặt chính sách đối với người tị nạn nhập cư. Tuy nhiên, số người tị nạn xin vào châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng; trong đó, số người đến từ Xy-ri chiếm hơn 30%. Điều đó đòi hỏi EU cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong giải quyết các vấn đề quốc tế, nhất là trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Cùng với đó, nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu đối với các nước thành viên EU khi cơn bão người di cư đã tạo ra vô vàn cơ hội dễ dàng trà trộn, thực hiện ý đồ khủng bố. Trên khắp châu Âu, bất cứ nơi nào cũng có thể là mục tiêu tấn công khủng bố và hoạt động này ngày càng trở nên táo bạo, tinh vi và được tổ chức chặt chẽ. Các vụ khủng bố bằng dao và phương tiện giao thông ở Đức, Anh vừa qua đã khẳng định điều này.
Bên cạnh đó, sự căng thẳng trong quan hệ EU - Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng U-crai-na, cuộc chiến ở Xy-ri sẽ vẫn tiếp diễn phức tạp và khó được cải thiện trong năm 2017. Mặc dù EU đã bắt đầu cảm thấy “ngấm đòn” từ chính các biện pháp trừng phạt của họ nhằm vào Nga, nhưng do bị phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ nên phải cam chịu. Các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ EU - Nga chỉ trở nên tốt đẹp khi Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm thực hiện cam kết cải thiện quan hệ với Nga.
Năm 2017, quan hệ Trung Quốc - EU có thể sẽ bước vào thời kỳ xung đột lợi ích thương mại gia tăng và khó khăn trong hợp tác chính trị. Nhìn lại năm 2016, có thể thấy rằng, các cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề “vị thế kinh tế thị trường của Trung Quốc” đã chi phối bầu không khí quan hệ này. Giải pháp phía EU đề xuất nhằm gắn việc tuân thủ quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với vấn đề dư thừa sản lượng thép, để tránh cái gọi là “vị thế kinh tế thị trường” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể khẳng định được Trung Quốc có bán phá giá thép hay không. Do vậy, “cuộc chiến” giữa Trung Quốc và EU về quy tắc thương mại sẽ thêm phần gay gắt. Đồng thời, do châu Âu đang trong thời kỳ khó khăn, phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng chồng chất, xu hướng bảo thủ về chính trị và hướng nội trong chính sách ở mức độ rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến môi trường chính trị và khuynh hướng chính sách của quan hệ quốc tế nói chung, giữa Trung Quốc - EU nói riêng.
Dư luận quốc tế cho rằng, hiện EU đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi các nước thành viên phải đoàn kết, thống nhất để cùng nhau cân nhắc, tìm ra các giải pháp đối phó phù hợp, nếu không, hậu quả mang lại sẽ khó lường.
NGÔ QUYỀN
Liên minh châu Âu,địa chính trị,thách thức năm 2017
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương