Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:51 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin đã diễn ra dai dẳng trong nhiều năm. Rất nhiều tiến trình hòa giải của các chính khách, nhà ngoại giao vẫn không mang lại kết quả. Gần đây, Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch hòa bình Trung Đông “phiên bản” mới, hy vọng hóa giải mâu thuẫn, mở ra tương lai tươi sáng, song lại đang có nguy cơ đẩy quan hệ hai nước và khu vực lún sâu vào khủng khoảng.
Những “nút thắt” khó gỡ
Năm 1917, sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, đế quốc Anh chiếm vùng Trung Đông, trong đó có xứ Pa-le-xtin và ra Tuyên ngôn Ban-phua (Balfour), hứa ủng hộ việc lập nhà nước của người Do Thái trên dải đất này (toàn bộ lãnh thổ I-xra-en và Pa-le-xtin hiện nay). Điều đó đã kích thích chủ nghĩa phục quốc phát triển, người Do Thái ở khắp nơi đẩy mạnh di cư về đây. Lo ngại trước dòng người Do Thái quay trở lại định cư ngày một tăng, từ năm 1920, người A-rập bắt đầu tấn công họ, mở màn cho chuỗi xung đột kéo dài giữa hai sắc tộc.
Để ngăn chặn các cuộc giao tranh đẫm máu liên tiếp nổ ra, năm 1947, Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 181 về việc chia cắt khu vực Pa-le-xtin thành 02 nhà nước: Do Thái (56%) và A-rập (43%). Riêng Giê-ru-xa-lem, thánh địa của 3 tôn giáo lớn: Do Thái, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Liên hợp quốc thấy rõ sự phức tạp nên quyết định đặt Thành phố này dưới sự kiểm soát quốc tế đặc biệt. Tuy nhiên, phán quyết của Liên hợp quốc khi ấy không làm hài lòng người A-rập, họ cho rằng dân Do Thái quay về định cư sau, nhưng lại được hưởng phần đất lớn hơn. Sau khi Anh chính thức rút khỏi vùng đất này (14-5-1948) và Hội đồng Nhà nước Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước I-xra-en, người A-rập ở vùng đất Pa-le-xtin và các nước
A-rập khác trong khu vực đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh, cùng với xung đột quy mô vừa và nhỏ để đòi lại công bằng. Nhưng qua mỗi lần chiến tranh bùng nổ, với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, I-xra-en ngày càng lấn tới, mở rộng thêm vùng kiểm soát. Sau cuộc chiến 06 ngày năm 1967, lãnh thổ I-xra-en được mở rộng hơn 7.000 km2, gồm một vùng đất rộng lớn trên bán đảo Si-nai, Dải Ga-da, cao nguyên Gô-lan và dù không được quốc tế công nhận nhưng I-xra-en vẫn tuyên bố Giê-ru-xa-lem là Thủ đô vĩnh viễn không bị chia cắt (năm 1980).
Sau rất nhiều xung đột, năm 1988, Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin do Nhà lãnh đạo Y-e-xơ A-ra-phát đứng đầu đã tuyên bố thành lập Nhà nước Pa-le-xtin độc lập và nhanh chóng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Song, việc xác định lãnh thổ của Pa-le-xtin lại không hề đơn giản. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Nhà nước Pa-le-xtin không nêu cụ thể đó là lãnh thổ theo kế hoạch phân vùng năm 1947 của Liên hợp quốc hay lãnh thổ còn lại sau cuộc chiến với I-xra-en năm 1967. Nhà nước này cũng tuyên bố Giê-ru-xa-lem là Thủ đô, mặc dù lúc đó thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của I-xra-en. Đây chính là lý do I-xra-en, Mỹ và các đồng minh không công nhận sự tồn tại của Nhà nước Pa-le-xtin.
Có lẽ nỗ lực thúc đẩy hòa bình giữa hai nước đạt được tiến triển nhiều nhất là vào những năm 1990. Sau chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin tuyên bố thừa nhận quyền tồn tại của I-xra-en và I-xra-en thừa nhận Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin là đại diện của người Pa-le-xtin. Ngày 13-9-1993, hai bên ký thỏa thuận về quyền tự trị có hạn chế của người Pa-le-xtin ở vùng Bờ Tây và dải Ga-da. Năm năm sau, được Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn “đạo diễn”, ngày 23-10-1998, lãnh tụ Pa-le-xtin Y-e-xơ A-ra-phát và Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu ký thoả thuận “đổi đất lấy hoà bình”. Theo đó, I-xra-en rút quân khỏi khoảng 60% diện tích của Dải Ga-da (không bao gồm khu vực định cư của người Do Thái và các vùng lân cận) và thị trấn Gie-ri-chô (Jericho) ở Bờ Tây - vùng đất bị I-xra-en chiếm giữ trong cuộc chiến 06 ngày. Ngược lại, Pa-le-xtin thừa nhận I-xra-en, đồng ý chống chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn bạo lực. Tuy nhiên, quyền sở hữu Giê-ru-xa-lem vẫn là một rào cản lớn, khiến hai nước không thể xóa bỏ hận thù cho dù Tổng thống kế nhiệm Gióoc-giơ Bút (George Bush) rất nỗ lực triển khai Kế hoạch hòa bình Trung Đông vào năm 2003.
Hậu quả của những “chuyến xe hòa bình” liên tục “trật bánh” là sự gia tăng làn sóng bạo lực của người Pa-le-xtin nhằm vào I-xra-en, trong khi I-xra-en tiếp tục chính sách đàn áp người Pa-le-xtin và mở rộng các khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng, đẩy cuộc “xung đột thế kỷ” tại Trung Đông rơi vào thế bế tắc.
Mỹ đang “đổ thêm dầu vào lửa”
Tiếp nối sứ mệnh của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, ngay khi lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Đô-nan Trăm đã giao cho bộ ba: Gia-rét Kut-nơ (Jared Kushner) - Cố vấn Nhà Trắng (cũng là con rể Tổng thống), Giây-xơn Grin-blát (Jason Greenblatt) - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông và Đa-vít Fri-ét-man (David Friedman) - Đại sứ Mỹ tại I-xra-en xây dựng Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ”. Trái với kỳ vọng của dư luận quốc tế, kịch bản mà Oa-sinh-tơn thiết kế đang được cho là “hồi chuông báo tử” cho hòa bình Trung Đông. Theo các nhà phân tích, kế hoạch này đã “chết yểu” từ “trong trứng nước”, bởi các “kiến trúc sư” không tập trung giải quyết những vấn đề mấu chốt của cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin nhiều năm qua, đó là thành lập hai nhà nước: Pa-le-xtin và Do Thái độc lập. Trong khi giải pháp chính trị phải là yếu tố được đưa lên hàng đầu thì nhóm “Kut-nơ và những người bạn” lại chọn việc giải quyết nhiệm vụ này theo cách tiếp cận trái ngược, tập trung vào khía cạnh kinh tế.
Để bảo vệ lập trường của mình, ngày 25-6-2019, Mỹ đã khởi động giai đoạn đầu Kế hoạch bằng Hội nghị kinh tế tại Ba-ranh với chủ đề “Hòa bình tới thịnh vượng”. Trọng tâm của Kế hoạch hướng tới 04 mục tiêu chính, gồm: tăng gấp đôi giá trị tổng sản phẩm quốc nội cho Pa-le-xtin; tạo ra hơn một triệu việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm đói nghèo cho người dân Pa-le-xtin. Cố vấn cấp cao Nhà Trắng cho biết, để triển khai Kế hoạch, theo dự định, các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp khoảng 50 tỷ USD trong vòng 10 năm. Trong đó, 28 tỷ USD sẽ rót về các vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin, gồm Bờ Tây (do I-xra-en chiếm đóng) và Dải Ga-da, 07 tỷ USD dành cho Gioóc-đa-ni, 09 tỷ USD dành cho Ai Cập và 06 tỷ USD dành cho Li-băng. Ngoài ra, trong số 179 dự án kinh doanh và cơ sở hạ tầng được đề xuất có dự án hành lang vận tải trị giá 05 tỷ USD kết nối Bờ Tây và Dải Ga-da.
Tuy nhiên, Hội nghị kinh tế tại Ba-ranh vấp phải phản ứng gay gắt của chính quyền Pa-le-xtin vốn từ lâu coi một giải pháp chính trị rõ ràng là điều kiện tiên quyết cho mọi đàm phán hòa bình. Cùng với đó, việc nội dung một số tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ rò rỉ trên mạng cho thấy, Oa-sinh-tơn đang thiên vị I-xra-en. Một số trích dẫn được đăng tải trên nhiều thời báo lớn ở Trung Đông cách đây không lâu cho biết, dự thảo Kế hoạch hòa bình sẽ được ký kết giữa 03 bên, gồm: I-xra-en, Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin và Phong trào Hồi giáo Ha-mát. Nhà nước Pa-le-xtin sẽ được gọi là “Pa-le-xtin mới”, được thành lập trên vùng đất Bờ Tây và Dải Ga-da hiện bị I-xra-en chiếm đóng, không kể các khu định cư của người Do Thái. Giê-ru-xa-lem sẽ không bị chia cắt, mà thay vào đó, trở thành Thủ đô chung của cả I-xra-en và “Pa-le-xtin mới”, trong đó I-xra-en nắm quyền quản lý về mặt hành chính và đất đai. Điều đáng chú ý trong “dự thảo” là “Pa-le-xtin mới” sẽ không có quân đội mà chỉ có cảnh sát - lực lượng duy nhất được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Nước này và I-xra-en sẽ phải ký kết thỏa thuận quốc phòng với điều kiện I-xra-en bảo đảm an ninh cho “Pa-le-xtin mới”. Sau khi thỏa thuận được ký kết, lực lượng Ha-mát ủng hộ Pa-le-xtin sẽ giao toàn bộ vũ khí cho Ai Cập, lãnh đạo của phong trào này sẽ được bồi thường và trả lương bởi các quốc gia A-rập. Bên nào từ chối ký kết hoặc vi phạm thỏa thuận, Mỹ sẽ hủy mọi hoạt động viện trợ tài chính, v.v.
Theo một số nhà phân tích, cốt lõi của Kế hoạch này là chính quyền Mỹ muốn kết nối giữa hòa bình, phát triển kinh tế với sự công nhận của thế giới A-rập đối với I-xra-en. Pa-le-xtin buộc phải chấp nhận hiện trạng “tự trị” thay thế cho “chủ quyền” mà họ vẫn đòi hỏi. Như vậy, Oa-sinh-tơn đang tiếp cận vấn đề Trung Đông theo hướng phục vụ lợi ích của chính nước Mỹ và đồng minh chiến lược I-xra-en. Quan điểm này hoàn toàn có cơ sở khi 03 “tác giả” của Kế hoạch hòa bình Trung Đông đều là những người Do Thái chính thống và có liên quan tới I-xra-en. Cụ thể, Đa-vít Fri-ét-man và Gia-rét Kut-nơ thông qua một hội từ thiện của gia đình, từng nhiều năm đứng ra quyên góp cho khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây. Còn Giây-xơn Grin-blát từng theo học một chủng viện Do Thái nằm bên trong một khu định cư gần Giê-ru-xa-lem những năm 1980. Ngoài ra, tháng 8-2018, nhằm gây sức ép buộc Pa-le-xtin chấp nhận đàm phán về Kế hoạch này, chính quyền Mỹ đã chấm dứt mọi tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Pa-le-xtin của Liên hợp quốc, đồng thời cắt giảm gần 200 triệu USD cho các dự án nhân đạo tại Bờ Tây và Dải Ga-da. Trước những động thái của Oa-sinh-tơn, mới đây, Ngoại trưởng Pa-le-xtin Ri-át An Ma-li-ki (Riyad Al-Maliki) cho rằng: Mỹ dường như đang đưa ra một kế hoạch để Pa-le-xtin “đầu hàng” I-xra-en thay vì một dự án hòa bình; tất cả đề xuất của chính quyền Mỹ cho thấy Oa-sinh-tơn không quan tâm tới các quyền của người Pa-le-xtin cũng như luật pháp và sự đồng thuận quốc tế.
Trong khi đó, giải pháp được Liên hợp quốc ủng hộ từ trước tới nay đều dựa trên nguyên tắc “hai nhà nước” cùng tồn tại trong hòa bình, I-xra-en phải rút khỏi vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép. Nếu không giải quyết được những vấn đề trên thì không thể có được hòa bình cho cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tê-rét (Antonio Guterres) cũng không ngần ngại đưa ra quan điểm cho rằng, điều quan trọng đối với tiến trình hòa bình Trung Đông là thúc đẩy nỗ lực theo đuổi hòa bình để hiện thực hóa mục tiêu “hai nhà nước”. Nói cách khác, việc hỗ trợ tài chính và viện trợ kinh tế để Pa-le-xtin xây dựng nhà nước và phát triển chỉ là vấn đề thuộc giai đoạn tiếp theo.
Dù mới trong giai đoạn khởi động, song “Thỏa thuận thế kỷ” đã ẩn chứa nhiều yếu tố báo hiệu về một viễn cảnh không mấy tươi sáng, khó có thể tạo ra đột phá cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Một kế hoạch không dựa trên sự cân bằng về lợi ích cho các bên mà chỉ nhằm phục vụ toan tính của Mỹ và đồng minh, đồng thời có khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới tại khu vực vốn đã đầy bất ổn. Đúng như Chủ tịch Quỹ Ca-nơ-ghi (Carnegie) vì hòa bình quốc tế, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Wil-li-am J.Bơn (William J.Burns) đã nói: việc Nhà Trắng công bố “Thỏa thuận thế kỷ” sẽ là “điếu văn” đối với giải pháp “hai nhà nước” mà cộng đồng quốc tế theo đuổi.
QUỲNH DƯƠNG - LÊ HỮU TUYÊN
kế hoạch hòa bình,chính quyền Mỹ,Trung Đông
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ