Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 21/04/2017, 09:46 (GMT+7)
Hướng đi nào cho Li-Bi

Theo giới phân tích, tình hình xung đột ở Li-bi hiện nay tuy có phần lắng dịu hơn so với trước, song còn tiềm ẩn nhiều bất ổn do kinh tế suy thoái, chính trị hết sức phức tạp và sự tác động đa chiều của các cường quốc. Vậy, hướng đi nào cho Li-bi? Hiện đang là câu hỏi chưa có lời giải.

Kinh tế bất ổn

Kể từ khi cuộc nội chiến diễn ra (năm 2011) đến nay GDP của Li-bi đã tổn thất hơn 200 tỷ USD, mức cao nhất trong số các nước chịu ảnh hưởng từ biến động chính trị do tác động của “Mùa xuân Ả Rập”. Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) Ph. An Xê-rai cho biết, sau một năm cầm quyền, đồng đi-na của Li-bi đã sụt giảm hơn 7% giá trị. Hiện tại, trên thị trường chợ đen 6 đi-na đổi 1 USD, còn  tỷ giá quy đổi chính thức là 1,4 đi-na đổi 1 USD và 1,74 đi-na đổi 1 bảng Anh.

Li-bi là quốc gia giàu tài nguyên, nhất là dầu mỏ. Nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào sản lượng khai thác nguồn “vàng đen” này. Vậy mà, năm 2016, các mỏ dầu của Li-bi chỉ hoạt động được 25% công suất, tương ứng 335.000 thùng/ngày; doanh thu khoảng 2,25 tỷ USD, thấp nhất từ trước cho tới thời điểm bấy giờ. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, sản lượng sụt giảm cùng với việc giá dầu lao dốc đã làm cho nền kinh tế Li-bi điêu đứng, rơi vào suy thoái nghiêm trọng; dự báo thâm hụt ngân sách của Li-bi năm 2017 sẽ cao hơn cả năm 20151. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Thế giới không những đưa ra một bản tổng kết bi quan về những chỉ số kinh tế, mà còn cảnh báo nền kinh tế Li-bi đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trung tâm của sự sụp đổ đó chính là ngành công nghiệp dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% nguồn thu của Li-bi. Hoạt động sản xuất dầu mỏ hiện bị rối loạn, bởi các cuộc xung đột vũ trang phá hủy đất nước này từ cách đây hơn ba năm. Vì thế, đa số người dân Li-bi hiện sống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Trước áp lực từ phương Tây, Ngân hàng Trung ương Li-bi cam kết sẽ phát hành thêm 6 tỷ USD để giúp Chính phủ chi trả tiền lương, năng lượng và một phần tín dụng của các công ty dầu khí quốc gia, nhưng cũng yêu cầu Chính phủ Li-bi phải phối hợp để đưa ra một kế hoạch cụ thể với tên của đối tượng và hình thức cung cấp tín dụng. Trong vòng 3 năm, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm hơn 2 lần, từ trên 100 tỷ USD xuống còn khoảng 43 tỷ USD vào cuối năm 2016. Trong khi đó, chỉ một phần nhỏ dầu được khai thác có thể tiếp cận thị trường hợp pháp, mang lại lợi ích cho đất nước; phần chủ yếu lại rơi vào tay các phe, nhóm vũ trang kiêm buôn lậu. Hiện nay, Li-bi đang cố gắng phấn đấu mức khai thác dầu mỏ khoảng 600.000 thùng/ngày, nhưng với sự kiểm soát đường ống và cơ sở sản xuất như hiện tại, thì mục tiêu khai thác phải đạt khoảng 1.100.000 thùng/ngày mới đảm bảo nguồn thu ổn định của Chính phủ đoàn kết dân tộc. Như vậy, mục tiêu này là rất xa vời với Chính phủ hiện tại.

Theo giới thạo tin, ông Giăng Vanh-xăng Brít-xét hiện là Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) Pháp đã có sự so sánh tình hình kinh tế của Li-bi dưới thời Ca-đa-phi và thời hậu “Mùa xuân Ả Rập”: “Trước khi xảy ra chiến tranh, Li-bi là đất nước có chỉ số phát triển con người tốt nhất trong tất cả các nước châu Phi. Khi đó, mọi thứ được vận hành nhằm phục vụ đa số người dân. Tình hình thời đó có lợi cho người dân hơn. Tuy nhiên, kể từ sau những chính biến mà người ta coi là sự tiến bộ, những thành tựu về kinh tế, xã hội, y tế, hay giáo dục đã biến mất”.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Li-bi lâm vào bất ổn, đó là: (1) Các phe phái chính trị tranh giành quyền kiểm soát dầu mỏ. (2) Chính phủ đoàn kết dân tộc điều hành và quản lý kinh tế yếu kém, làm đồng đi-na mất giá, đẩy nền kinh tế Li-bi lún sâu vào khủng hoảng. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016 đến nay, giá lương thực, vận tải và y tế tăng mạnh, cộng thêm những lo ngại Chính phủ Li-bi chấm dứt hoàn toàn trợ giá nhiên liệu trong thời gian tới, có thể dẫn đến người dân phản đối, thậm chí lật đổ Chính phủ đoàn kết dân tộc. (3) Mâu thuẫn trong nội bộ Chính phủ đoàn kết dân tộc đang cản trở nền kinh tế Li-bi hồi phục. (4) Mâu thuẫn giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc và Chính phủ tự xưng liên quan đến vấn đề phát hành đồng Đi-na cốt-tông, v.v. Ngày 12-01-2017, Thủ tướng Chính phủ tự xưng, Kha-li-pha An-ga-guy lại cho biết chính phủ của ông đã giành quyền kiểm soát một số trụ sở bộ, ngành ở thủ đô Tri-pô-li; trong đó, có các bộ: Quốc phòng, Tư pháp, Lao động và Liệt sỹ. Theo giới phân tích, khủng hoảng kinh tế trầm trọng cũng là tác nhân làm cho tình hình chính trị Li-bi ngày càng phức tạp hơn.

Chính trị phức tạp

Hiện nay, trên lãnh thổ Li-bi đang có khoảng 200 nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ và nguồn dầu mỏ. Tuy nhiên, chỉ có hai lực lượng có khả năng kiểm soát đất nước: (1) Chính phủ đoàn kết dân tộc ở miền Tây Li-bi thành lập cuối năm 2015 được Mỹ hậu thuẫn, Liên hợp quốc và nhiều nước thừa nhận, nhưng chưa nắm trọn quyền điều hành đất nước, vì còn nhiều mâu thuẫn nội bộ và chưa tập hợp được lực lượng có ảnh hưởng lớn ở Li-bi. (2) Chính phủ ở miền Đông Li-bi (LNA) có quân đội riêng, được Nga hậu thuẫn. Vì thế, Li-bi hiện vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc giữa các phe, phái đối nghịch, bất chấp việc các bên đã ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc vào tháng 12-2015.

Kể từ khi chiến sự xảy ra, Li-bi đã trở thành “cái nôi” của các nhóm Hồi giáo thánh chiến, khủng bố và điểm trung chuyển chính của dòng người di cư từ châu Phi tới các nước châu Âu. Hơn 150.000 người đã rời khỏi các bờ biển Li-bi để tìm nơi ẩn náu tại châu Âu. Giới phân tích cho rằng, nếu Li-bi có một chính quyền nghiêm ngặt và mạnh tay, điều đó sẽ không thể xảy ra và việc để lại một lỗ hổng sau khi thay thế chế độ Ca-đa-phi là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng người di cư ồ ạt như hiện nay. Còn ông Brít-xét cho biết, nhiều người di cư đến từ khắp châu Phi đã coi Li-bi như bãi đáp trung chuyển, trước khi tìm đường tới “miền đất hứa”. Đó là hậu quả nặng nề dành cho Li-bi và cũng là gánh nặng đối với châu Âu.

Chính phủ đoàn kết dân tộc cho biết, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Ph. An Xê-rai và tướng Kha-li-pha Háp-ta - chỉ huy Quân đội của phe đối lập Li-bi sẽ có cuộc gặp tại thủ đô Cai-rô (Ai Cập) để thảo luận về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này. Cuộc gặp giữa thủ lĩnh của hai phe phái lớn nhất ở Li-bi với sự trung gian của Ai Cập được kỳ vọng có thể dẫn đến một sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho cuộc xung đột. Thông tin trên được đưa ra, trong bối cảnh các cuộc thảo luận đều hướng tới hòa bình, ổn định và mang tính xây dựng. Như vậy, tình hình Li-bi đang có những tiến triển tích cực, nhiều hy vọng về một thỏa thuận có thể giải quyết được cuộc xung đột trong thời gian tới.

Tác động đa chiều

Trong khi đất nước đang chìm sâu vào sự bất ổn về kinh tế và chính trị, thì nhiều quốc gia, chủ yếu là Mỹ và Nga đang gia tăng các hoạt động can dự sâu, rộng vào Li-bi với nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, nếu Mỹ đứng đầu nhóm các nước ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc ở miền Tây, thì Nga lại đứng đầu nhóm các nước ủng hộ Chính phủ ở miền Đông. Tháng 5-2016, Hội nghị Quốc tế về Li-bi do Ngoại trưởng hai nước Mỹ và I-ta-li-a đồng chủ trì đã nhất trí tiếp tục tìm giải pháp chính trị để ổn định tình hình Li-bi và hỗ trợ Li-bi trong cuộc chiến chống IS; cam kết không gửi lực lượng bộ binh đến tham chiến ở Li-bi. Nhưng Mỹ và phương Tây lại cam kết sẽ hỗ trợ lực lượng quân đội và thúc đẩy dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Chính phủ đoàn kết dân tộc. Theo giới phân tích, Li-bi quá gần với châu Âu về mặt địa lý và khoảng trống vùng sa mạc Sa-ha-ra rộng lớn không có ai kiểm soát, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và gần đây (năm 2016) là sự bành trướng của IS, buộc Mỹ phải can thiệp trở lại. Đây cũng chính là lý do mà Oa-sinh-tơn càng không thể để cho Nga dễ dàng lấp vào khoảng trống quyền lực ở Li-bi.

Khác với Mỹ và phương Tây, Nga có ảnh hưởng lớn ở Li-bi từ thời cựu Tổng thống Ca-đa-phi cầm quyền. Sau khi chế độ này bị lật đổ, Nga đẩy mạnh thực hiện chiến lược tại Trung Đông nhằm khôi phục và nâng cao tầm ảnh hưởng ở khu vực này. Nga coi việc gia tăng can dự vào Li-bi là yếu tố quan trọng trong chiến lược của mình. Theo đó, Nga sẽ hỗ trợ về kinh tế và quân sự cho Chính phủ ở miền Đông Li-bi, đổi lại Chính phủ này cho phép Nga thiết lập một căn cứ quân sự ở thành phố Ben-ga-di, miền Đông Li-bi. Thỏa thuận này có thể sẽ làm thay đổi cán cân trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái ở Li-bi, đồng thời tạo thế cho Nga cạnh tranh ảnh hưởng ở Li-bi và Trung Đông. Các căn cứ quân sự của Nga ở Li-bi và Xy-ri cùng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nước này với Ai Cập sẽ tạo tiền đề cho Nga thiết lập vị thế vững chắc hơn ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông.

Ngày 11-01-2017, tướng Kha-li-pha Háp-ta – người đứng đầu phe phái ở miền Đông đã có cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Sôi-gu để thảo luận về các biện pháp mà Nga có thể giúp lực lượng của ông chống khủng bố ở Li-bi. Cùng thời điểm đó, Nga cũng có một phái đoàn đến thăm thành phố Mi-xra-ta để gặp các nhà lãnh đạo của chính phủ đoàn kết dân tộc. Như vậy, dù đã có những ủng hộ rõ ràng đối với chính quyền ở miền Đông Li-bi, Nga vẫn cố gắng tiếp cận với các phe phái và các nhân tố khác, nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với quốc gia Bắc Phi này.

Bên cạnh đó, các nước láng giềng của Li-bi cũng có những tác động tích cực. Xu-đăng một quốc gia vùng Vịnh, gần đây đã lưu hành một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; trong đó, đề xuất việc dỡ bỏ lệnh cấm vận như là một trong số các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ cho Li-bi. Ngày 22-01-2017, các nước này nhóm họp lần thứ 10 tại Cai-rô kêu gọi đối thoại chính trị thay vì sử dụng vũ lực quân sự như là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời khẳng định cuộc chiến chống khủng bố tại Li-bi phải được tiến hành theo các quy định của luật pháp quốc tế. Hội nghị bày tỏ sự quan ngại về tình hình nhân đạo tại Li-bi, kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp với chính quyền hợp pháp của Li-bi để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là thuốc men và vật tư y tế. Hội nghị tuyên bố, Li-bi phải chịu trách nhiệm về tình trạng chia rẽ chính trị.

Như vậy, với vị thế địa – chiến lược của Li-bi, trong bối cảnh mâu thuẫn nội bộ vẫn chưa được giải quyết cùng với những tham vọng, toan tính của các cường quốc và các nước bên ngoài, khiến cho tình hình Li-bi năm 2017 vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Vì thế, hướng đi nào cho Li-bi hay tương lai của quốc gia này sẽ ra sao hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ lời giải.

 Đại tá LÊ THANH
__________

1 - Năm 2015, thâm hụt ngân sách của nước này vượt quá con số 60%/GDP.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...