Thứ Tư, 11/09/2024, 01:12 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2017, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia (1967 - 2017), nhưng sự đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc anh em đã hình thành từ nhiều năm trước. Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng có chung gần một nghìn ki-lô-mét đường biên giới; nhân dân hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội, cùng chung một kẻ thù, cùng chung khát vọng đấu tranh giải phóng đất nước, vì hòa bình, độc lập, tự do, nên dễ đồng cảm và đoàn kết với nhau một cách tự nhiên. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, hai dân tộc đã sát cánh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và sau đó là chống đế quốc Mỹ. Trên con đường dài đấu tranh giành độc lập, tự do, hai dân tộc đã phải vượt qua những thử thách vô cùng khó khăn, ác liệt. Qua cơn hoạn nạn càng hiểu lòng nhau. Chính những giai đoạn ác liệt nhất, như lửa thử vàng, càng làm tăng giá trị của tình đoàn kết, hữu nghị, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi giữa hai dân tộc. Trong giai đoạn từ năm 1945 đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã ba lần tình nguyện sang giúp Bạn: lần thứ nhất, phối hợp chiến đấu chống thực dân Pháp (1945 - 1954); lần thứ hai, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1970 - 1975); lần thứ ba, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, giải phóng đất nước, xây dựng lại đất nước và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng (1978 - 1989).
Trong đó, những năm từ 1978 - 1989 là giai đoạn đặc biệt, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, nhân dân Cam-pu-chia chưa kịp hưởng hòa bình, lại rơi vào bi kịch lớn của dân tộc. Tập đoàn phản động Pôn Pốt đẩy nhân dân Cam-pu-chia đến “bờ vực thẳm của họa diệt chủng”1, gây ra “tai họa khủng khiếp, là tội ác diệt chủng chưa từng có trong lịch sử loài người”2. Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, chúng đã sát hại hơn 3 triệu người dân vô tội, đưa đi biệt tích gần 60 vạn người, làm hàng triệu người bị tàn phế, bệnh tật, trong đó có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ; hủy hoại nhiều công trình, di sản văn hóa, làm đảo lộn cơ cấu xã hội Cam-pu-chia. Chúng thanh trừng, sát hại nhiều đảng viên, cán bộ quân đội, đặt lực lượng yêu nước, lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia trước tình thế vô cùng khó khăn, như lời của Thủ tướng Hun Xen: “...lần này chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”3.
Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, những người con ưu tú của nhân dân Cam-pu-chia đã đứng lên, tập hợp lực lượng, cứu dân tộc, cứu nước. Cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân chiến đấu ở các quân khu: Trung Tâm, Đông Bắc, quân khu 203 và vùng đặc biệt Kra-chi-ê, một số cán bộ yêu nước và nhân dân Cam-pu-chia đã sang Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ, gây dựng lực lượng cứu nước, trong đó có Thủ tướng đương nhiệm Hun Xen. Đứng trước tình thế nguy cấp của nhân dân Cam-pu-chia, quân và dân Việt Nam đã đùm bọc, tận tình giúp đỡ lực lượng cách mạng Cam-pu-chia; tổ chức ra “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia” và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia.
Tháng 12-1978, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia và đáp trả cuộc chiến tranh biên giới tàn bạo của tập đoàn phản động Pôn Pốt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc tiến công, đánh đuổi quân xâm lược Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ vùng chủ quyền lãnh thổ bị lấn chiếm, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; đồng thời, hỗ trợ, phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước và nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt. Từ năm 1978 đến 1989, Quân Tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia hoàn thành các nhiệm vụ vô cùng to lớn: đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, từng bước đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm khôi phục chế độ diệt chủng ở Cam-pu-chia. Cùng với đó, Quân Tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam còn giúp Bạn xây dựng chính quyền cách mạng và các tổ chức quần chúng, đủ sức vươn lên tự đảm đương nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh và bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, nhưng nhân dân và Quân Tình nguyện Việt Nam vẫn chia sẻ, viện trợ không hoàn lại, cứu đói, chữa bệnh, giúp nhân dân Cam-pu-chia khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, quan hệ ngoại giao, v.v.
Sau 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, với sự giúp đỡ tận tình, có hiệu quả của nhân dân, Quân Tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia đã trưởng thành trên nhiều mặt, đủ sức tự đảm đương nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện ba mục tiêu chiến lược đề ra. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đẩy nhanh tiến độ rút Quân Tình nguyện Việt Nam về nước. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 26-5-1988, Bộ Quốc phòng ra Thông báo về việc rút hết Quân Tình nguyện Việt Nam về nước trong năm 1989, sớm hơn một năm so với thỏa thuận tháng 8-1985 giữa hai Chính phủ4.
Vương quốc Cam-pu-chia là một trong số rất ít nước trên thế giới, sau khi được nước khác giúp đỡ, lực lượng cách mạng đã tự lực gánh vác sứ mệnh của mình và đã hoàn thành sứ mệnh đó cho đến ngày nay. Điều đó càng khẳng định sự đúng đắn về nguyên tắc, hình thức, phương pháp và hiệu quả trong quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vô tư, trong sáng giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Cam-pu-chia, đồng chí Chia Xim đánh giá về sự giúp đỡ của nhân dân và Quân Tình nguyện Việt Nam: Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia, Quân Tình nguyện Việt Nam đã kịp thời, sát cánh với nhân dân Cam-pu-chia đập tan chế độ diệt chủng, mở ra trang sử mới của nhân dân Cam-pu-chia từ ngày 07-01-1979, v.v. Sự có mặt của Quân Tình nguyện Việt Nam trong hơn 10 năm qua là yếu tố không thể thiếu được trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cam-pu-chia. Đảng, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn, sự hy sinh cao cả không gì so sánh nổi của Quân Tình nguyện Việt Nam, vì sự nghiệp cách mạng của Cam-pu-chia5. Ngày 26-9-1989, báo Prô-chi-a-chu-ân, Cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt, trên thế giới này không biết bao nhiêu là kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”. Ngày 21-6-2017, nhân dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày tìm đường cứu nước, Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Xen một lần nữa khẳng định: không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Cam-pu-chia không có ngày nay.
Sự hợp tác Việt Nam - Cam-pu-chia như một lẽ tất yếu, đến từ cả hai bên. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia đã tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng cơ sở hậu cần, mua lương thực, xây dựng tuyến vận tải cung cấp cho chiến trường Nam Bộ, tạo chỗ đứng chân cho một số đơn vị và cơ quan chỉ huy Quân giải phóng miền Nam tại Cam-pu-chia, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Trong 10 năm chống chế độ diệt chủng, nhân dân Cam-pu-chia trìu mến gọi Quân Tình nguyện Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”, luôn yêu quý, đùm bọc những người con Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất nước Cam-pu-chia. Nhân dân hai nước đã hy sinh xương máu để vun đắp nên truyền thống đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau, lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như trong hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc.
Sau giai đoạn 1979 - 1989, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng, nhân dân Cam-pu-chia bước vào giai đoạn mới, tiến hành công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam tiếp tục đoàn kết, hợp tác với Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Cam-pu-chia trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, v.v. Trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ Quốc phòng hai nước đã thường xuyên duy trì, phát huy có hiệu quả cơ chế hợp tác hữu nghị, toàn diện giữa hai nước trong tình hình mới. Cùng với việc trao đổi đoàn, đối thoại chính sách và hợp tác trong các chương trình, dự án về quốc phòng, các đơn vị quân đội và địa phương hai nước đã tổ chức giao lưu, kết nghĩa, duy trì “đường dây nóng”, tuần tra chung, xây dựng, củng cố, quản lý, bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Với những kết quả đạt được, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Cam-pu-chia thực sự là “trụ cột, chiến lược của chiến lược”6, cùng với hợp tác trên các lĩnh vực khác, góp phần quan trọng tăng cường sự tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia.
Qua quá trình đoàn kết, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Cam-pu-chia, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chính sau: Một là, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với cách mạng Cam-pu-chia; thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “giúp Bạn là tự giúp mình”. Hai là, luôn thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc:“tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi”7; và phương châm “Ta, Bạn cùng làm” từng bước chuyển sang giúp Bạn trưởng thành, “giúp Bạn mạnh dần lên trên các mặt, đủ sức đấu tranh với địch, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, xây dựng đất nước”8. Ba là, giúp Bạn với tinh thần trong sáng, vô tư, hết lòng, phù hợp với luật pháp hai nước và luật pháp quốc tế; giải quyết hài hòa giữa hai nhiệm vụ dân tộc và quốc tế. Bốn là, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu, đề xuất và phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổ chức có hiệu quả hợp tác quốc phòng.
Ngày 21-6-2017, trong bài phát biểu chào mừng Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Xen thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm Ngày tìm đường cứu nước và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cam-pu-chia, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau, đó là một chân lý từ thực tiễn lịch sử của hai nước. Trải qua bao thử thách cam go, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Cam-pu-chia là tài sản quý báu mà hai nước cần nỗ lực, siết chặt tay nhau, đoàn kết gìn giữ và phát triển, cùng nhau xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị. Ngày nay, mặc dù thế giới và khu vực có nhiều bước phát triển mới, nhưng bản chất và giá trị của mối quan hệ hai nước, hai dân tộc vẫn không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi. Việt Nam mãi mãi là người bạn thủy chung, trước sau như một với đất nước và nhân dân Cam-pu-chia. Hai nước chia sẻ lợi ích chung; thách thức chung cả về an ninh và phát triển; cùng là thành viên trong Cộng đồng ASEAN; tiếp tục giữ gìn, phát triển: “Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mãi mãi như dòng Mê Công nối liền hai nước.
Để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia trong tình hình mới và cũng là nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai nước, chúng ta cần tiếp tục phát huy truyền thống, quán triệt và vận dụng đúng đắn các quan điểm cơ bản sau: Thứ nhất, phải đổi mới tư duy, phương thức hợp tác phù hợp với giai đoạn mới trong quan hệ hai nước. Thứ hai, tăng cường quan hệ quốc phòng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tin cậy, bình đẳng, cùng có lợi, vì hòa bình, phát triển và lợi ích của nhân dân mỗi nước. Thứ ba, giúp Bạn chân thành, làm hết sức mình; phù hợp với khả năng, điều kiện của mỗi nước. Thứ tư, coi trọng lợi ích tổng thể, trên cơ sở lợi ích chính trị, lòng tin chiến lược, kết quả hợp tác của các lĩnh vực khác để tăng cường hợp tác quốc phòng; đồng thời, hợp tác quốc phòng để củng cố quan hệ chính trị, tạo thuận lợi cho hợp tác của các lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực quốc phòng, cần tiến hành đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp chủ yếu, đó là: xây dựng chiến lược hợp tác quốc phòng tổng thể, chỉ đạo tập trung thống nhất; hợp tác toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực; xác định nội dung, phương pháp hợp tác phù hợp với điều kiện cụ thể. Nắm chắc tình hình, giải quyết các vấn đề dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không gây phương hại lợi ích của nhau; bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với luật pháp của Việt Nam, của Bạn và luật pháp quốc tế, nguyên tắc của Cộng đồng ASEAN. Phát huy tính tích cực, chủ động của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương của Việt Nam và của Bạn. Phối hợp với Bạn, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước hiểu rõ ý nghĩa của mối quan hệ truyền thống; tiếp tục gìn giữ, phát huy quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia trong giai đoạn mới bằng những chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể.
Tự hào nhìn lại truyền thống đoàn kết, gắn bó để tiếp tục hợp tác, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược cao cả là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình và tô thắm, hun đúc cho tình đoàn kết, hữu nghị, đem lại hòa bình, ổn định cho nhân dân hai nước và khu vực. Trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện phát huy truyền thống, tiếp tục đưa hợp tác quốc phòng lên tầm cao mới; góp phần để hai đất nước, hai dân tộc nắm tay nhau trên con đường phát triển, giải quyết ổn thỏa mọi tồn tại, các thế hệ người Việt Nam và Cam-pu-chia mãi mãi sống trong hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc./.
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ____________________________
1 - Hun Xen - 10 năm quá trình Cam-pu-chia (1979-1989), tr. 5.
2 - Trường Chinh - Vấn đề Cam-pu-chia, Nxb Sự Thật, H. 1979, tr. 11.
3 - Hun Xen - 10 năm quá trình Cam-pu-chia (1979-1989), tr. 5.
4 - Bộ Quốc phòng - Lịch sử Quân Tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia (1978-1989), Nxb QĐND, H. 2010, tr. 375, 376.
5 - Sđd, tr. 398, 399.
6 - Quân Ủy Trung ương - Đề án “Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
7 - Bộ Quốc phòng - Lịch sử Quân Tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Cam-pu-chia (1978-1989), Nxb QĐND, H. 2010, tr. 77.
8 - Sđd, tr. 182, 183.
Hợp tác Quốc phòng,Việt Nam – Cam-pu-chia
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương