Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 24/09/2018, 07:17 (GMT+7)
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ năm 2018 - kết quả và triển vọng

Vừa qua, tại Hen-xinh-ki (Phần Lan) cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga giữa Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và người đồng cấp Nga V. Pu-tin đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích của mỗi nước và an ninh, chính trị thế giới; đồng thời, mở ra xu hướng mới trong quan hệ hai nước. Đây là cuộc gặp được dư luận đón nhận với những tâm trạng khác nhau, thể hiện quan hệ phức tạp giữa hai đối thủ tiềm tàng trong bối cảnh tình hình an ninh quốc tế đầy biến động.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Tổng thống Nga V. Pu-tin hội đàm
tại Hen-xinh-ki. (Ảnh: Reutes)

Bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Hen-xinh-ki 2018

Theo giới quan sát quốc tế, kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay, quan hệ Nga - Mỹ liên tục “thăng, trầm” theo độ biến thiên của tình hình an ninh, chính trị thế giới. Những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước chỉ “nồng ấm” khi hai bên thống nhất một số vấn đề quốc tế, như: chống khủng bố, ký thỏa thuận hạt nhân I-ran, giải quyết chất độc hóa học ở Xy-ri, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Còn lại, quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới cơ bản là đối đầu cả về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và nhiều hồ sơ quốc tế liên quan, như: bán đảo Crưm, Đông U-crai-na, xung đột ở Xy-ri, vũ khí tấn công chiến lược của mỗi bên, v.v. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là Oa-sinh-tơn cáo buộc Nga bí mật can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Từ những lý do đó, Nga liên tục bị Mỹ và các nước phương Tây tấn công ngoại giao, gia tăng trừng phạt kinh tế, v.v. Không những thế, việc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng mở rộng về phía Đông, sát biên giới Nga cũng là một phần trong chiến lược bao vây, cô lập Nga. Trước tình hình đó, Nga đã không nhượng bộ, kiên quyết tìm mọi biện pháp đáp trả, khiến quan hệ giữa hai nước vốn đã xuống thấp lại ngày càng đạt ngưỡng thấp hơn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tình trạng đối đầu theo kiểu ăn miếng, trả miếng giữa Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va không những không giải quyết được vấn đề, gây tổn hại cho mỗi nước mà còn đẩy tình hình an ninh quốc tế theo chiều hướng tiêu cực, v.v. Hơn nữa, tác động của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Xin-ga-po (tháng 6-2018) mặc dù chưa có kết quả cụ thể rõ nét, nhưng đã làm dịu đi tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á. Trên cơ sở xuất phát từ lợi ích của cả Mỹ và Nga, để đảm bảo an ninh, an toàn cho mỗi nước và mạng sống của hàng triệu người,... Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Tổng thống Nga V. Pu-tin quyết định gặp nhau ở Hen-xinh-ki nhằm cải thiện quan hệ, phát triển theo hướng tránh đối đầu, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quốc tế có liên quan.

Kết quả cuộc gặp

Phía Nga đánh giá cuộc gặp tuy diễn ra theo một kịch bản khác, nhưng đạt kết quả tốt đẹp và rất hữu ích. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, Xéc-gây La-vrốp nhận định, kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Tổng thống Nga V. Pu-tin “trên cả tuyệt vời”, v.v. Về phía Mỹ, ngay sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đánh giá cuộc đối thoại với Tổng thống Nga V. Pu-tin là “sâu sắc và hữu ích cho Nga, cho Mỹ và toàn thế giới”, tạo bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Nga. Còn dư luận quốc tế cho rằng, cuộc gặp đạt được một số vấn đề quan trọng.

Một là, cả hai nước đã nhận thấy cần phải kiểm soát chặt chẽ tình hình và dự báo trước mọi việc, nên nối lại đối thoại song phương để ngăn chặn quan hệ xuống mức xấu hơn. Ðây chính là lý do Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố Mỹ và Nga phải tìm ra những cách thức “hợp tác nhằm theo đuổi những giá trị chung”. Trong khi đó, Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, cuộc gặp này phản ánh mong muốn của hai nước sớm khôi phục quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hai là, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ khẳng định, Chiến tranh lạnh trong quan hệ hai nước hiện nay không xuất phát từ những nguyên nhân khách quan mà là nguyên nhân chủ quan. Để chấm dứt tình trạng này, lãnh đạo cao nhất của hai nước cũng như ở cấp chuyên viên cần phải đối thoại trực tiếp để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo niềm tin chiến lược, hóa giải bất đồng và xây dựng quan hệ hợp tác trên cơ sở đáp ứng lợi ích của hai nước, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh. Sau cuộc gặp, hai ông tuyên bố: “Chiến tranh lạnh trong quan hệ Mỹ - Nga đã chấm dứt tại cuộc gặp ở Hen-xinh-ki”.

Ba là, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Tổng thống Nga V. Pu-tin đã thẳng thắn bàn nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu xoay quanh một số chủ đề: Mát-xcơ-va can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Nga sáp nhập Crưm, tình hình Đông U-crai-na, cuộc chiến ở Xy-ri, Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, thị trường năng lượng ở châu Âu và cuộc khủng hoảng di cư.

Bốn là, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Tổng thống Nga V. Pu-tin nhất trí thành lập ban nghiên cứu tư vấn hỗn hợp Nga - Mỹ, gồm các chính khách, chuyên gia có uy tín, trình độ chuyên sâu và chuyên nghiệp của hai bên để xây dựng cơ sở lý luận khách quan về quan hệ Mỹ - Nga. Trên cơ sở đó, hóa giải mâu thuẫn và bất đồng giữa hai nước, tìm kiếm khả năng hợp tác đem lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần tạo thế ổn định chiến lược quân sự - chính trị trên thế giới. Ngay sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm chỉ thị cho Hội đồng An ninh quốc gia phối hợp với Hội đồng An ninh quốc gia Nga bàn thảo và đề xuất các hướng, biện pháp cải thiện quan hệ và hợp tác.

Triển vọng quan hệ Nga - Mỹ

Trong khi một số chính khách và dư luận Mỹ cũng như phương Tây không muốn nhìn thấy quan hệ Mỹ - Nga được cải thiện, thì Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Tổng thống Nga V. Pu-tin lại muốn đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển cao hơn, vì lợi ích của hai quốc gia, vì hòa bình và ổn định thế giới để nước Mỹ trở nên “vĩ đại trở lại”, còn nước Nga có điều kiện phát triển ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, có vai trò ngày càng lớn trong các chương trình nghị sự quốc tế. Vì vậy, triển vọng quan hệ hợp tác Mỹ - Nga thế nào phụ thuộc vào một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, về chính trị, ngoại giao, dư luận cho rằng, Nga - Mỹ không thể đi chung một con đường chính trị và không có lợi ích chung. Mâu thuẫn và bất đồng ở các hồ sơ quốc tế vẫn hiện hữu, chưa bên nào chịu nhượng bộ. Còn hy vọng tương lai Nga chấp nhận nhượng bộ để cải thiện quan hệ là điều không tưởng, bởi những vấn đề này được Tổng thống Nga V. Pu-tin trả lời rất rõ trong các buổi họp báo là không. Về ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đang trong tình trạng thấp nhất, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga, Oa-sinh-tơn cáo buộc 12 tình báo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Vì vậy, xu hướng quan hệ chính trị và ngoại giao giữa Nga và Mỹ trong vài năm tới không những không thể cải thiện, mà còn rơi vào bế tắc.

Thứ hai, về quốc phòng, an ninh có thể nóng lên, thậm chí đối đầu. Các nhà hoạch định chiến lược đều cho rằng, đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và quyết liệt đến quan hệ Nga - Mỹ; trong đó, vũ khí chiến lược luôn là bài toán hóc búa mà hai bên cần tìm lời giải. Sự đối đầu Nga - Mỹ hiện nay cũng như Mỹ - Liên Xô trước đây đều xuất phát từ sự áp đảo đối phương hoặc ít nhất là sự cân bằng chiến lược trên cơ sở hủy diệt nhau. Theo đuổi vấn đề này, hai bên liên tục tăng ngân sách quốc phòng. Ngay từ tháng 9-2017, Oa-sinh-tơn đã thông qua gói ngân sách khổng lồ cho quốc phòng năm 2018 là 692 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2016; dự kiến năm 2019 là 716 tỷ USD. Còn Nga, từ khi V. Pu-tin cầm quyền, ngân sách quốc phòng luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2018, ngân sách quốc phòng khoảng 2.800 tỷ RUB, giảm khoảng 1.000 tỷ RUB so với năm 2017. Do ngân sách quốc phòng không đủ điều kiện để đối đầu với Mỹ về số lượng vũ khí chiến lược, nên Nga tập trung phát triển vũ khí mũi nhọn để duy trì sức mạnh. Theo đó, Mát-xcơ-va đã nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí hiện đại - “không có đối thủ”. Các loại vũ khí này làm cho Mỹ “đứng, ngồi không yên”. Chính sự hoài nghi và lo ngại đó làm cho cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga không có hồi kết, liên tục bị đẩy lên cao và nảy sinh cái mới, nên quan hệ Nga - Mỹ không thể phẳng lặng.

Thứ ba, trong thời gian qua, hợp tác thương mại Nga - Mỹ rất thấp, không tương xứng với vị thế hai nước. Xuất nhập khẩu của Nga chỉ chiếm không đến 1% xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ với nước ngoài. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Nga đạt 23,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Nga sang Mỹ khoảng 10,7 tỷ USD; của Mỹ sang Nga khoảng 12,5 tỷ USD. Vì thế, trong Hội nghị thượng đỉnh, hai bên mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại lên tầm cao mới, tương xứng với vị thế của hai siêu cường. Ngay sau đó, khi hai bên chưa kịp triển khai thực hiện thì Hoa Kỳ lại có quyết định đánh thuế rất cao đối với sản phẩm thép và nhôm - hai mặt hàng chủ yếu của Nga xuất khẩu sang Mỹ. Thực hiện “ăn miếng, trả miếng” trong quan hệ thương mại, Nga có thể áp dụng các biện pháp trả đũa, làm cho thương mại Nga - Mỹ còn tồi tệ hơn. Về lĩnh vực đầu tư, Nga và Mỹ rất thận trọng. Ngoài việc giữ số lượng trái phiếu Mỹ tương đối lớn, Nga đầu tư vào Mỹ rất ít. Do vậy, nếu hợp tác kinh tế như hiện nay, cộng với việc hai bên đáp trả nhau trong cuộc chiến thương mại sẽ đẩy quan hệ Nga - Mỹ đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn.

Tóm lại, quan hệ Nga - Mỹ phát triển đến đâu thật khó đoán định, trong khi hai nước chưa xây dựng được lòng tin chiến lược, mỗi bên thường cảm thấy bất an trước sự phát triển của đối phương trong tương lai. Sự không tin tưởng đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của các thế hệ người Mỹ, người Nga, làm cho quan hệ song phương trong tương lai chứa đựng đầy rủi ro, nguy hiểm không chỉ đối với hai bên mà cả thế giới. Nếu Nga và Mỹ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn được hình thành dưới bóng đen của Chiến tranh lạnh, thì quan hệ song phương khó có những bước ngoặt, đi vào quỹ đạo phát triển ổn định. Liệu Tổng thống Nga V. Pu-tin và Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm có quyết tâm và năng lực mở ra giai đoạn mới cho quan hệ Nga - Mỹ? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Đại tá HOÀNG MẠNH DU, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...