Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 04/04/2019, 08:43 (GMT+7)
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 và những tác động bước đầu đến an ninh, chính trị khu vực

Ngày 27, 28-02-2019, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam. Mặc dù hai bên chưa đưa ra được tuyên bố chung, nhưng thế giới vẫn đánh giá đây là dấu mốc quan trọng, góp phần cải thiện đáng kể tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và phần nào tác động đến an ninh, chính trị khu vực.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 ngày 28-02-2019. (Ảnh: TTXVN)

Bối cảnh dẫn tới Hội nghị

Sau khi ông Đô-nan Trăm lên cầm quyền ở Mỹ (tháng 11-2016), quan hệ Mỹ - Triều Tiên từ cuối năm 2016 đến hết 2017 rất căng thẳng, thậm chí có lúc Tổng thống Hoa Kỳ đã đe dọa “hủy diệt Triều Tiên nếu Mỹ bị buộc phải tự vệ và bảo vệ đồng minh”1. Theo đó, tháng 10-2017, Mỹ đã bố trí các lực lượng hạt nhân chiến thuật quanh bán đảo Triều Tiên đủ khả năng để hủy diệt “vài lần” Triều Tiên, làm cho tình hình khu vực trở nên cực kỳ căng thẳng. Đặc biệt, cuối tháng 11-2017, sau khi thử thành công 02 quả tên lửa Hwasong 14 và 15, có tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, Bình Nhưỡng đột ngột tuyên bố đã “hoàn thành chương trình hạt nhân chiến lược”. Hài lòng với thành tựu đạt được, đầu năm 2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố nước này sẽ chuyển sang “ưu tiên cải thiện và phát triển kinh tế”.

Từ đầu năm 2018 đến nay, bán đảo Triều Tiên bước vào giai đoạn phát triển mới, quan hệ liên Triều không ngừng được cải thiện sau khi Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa. Hai bên tích cực tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để giảm căng thẳng, trong đó Triều Tiên thể hiện rõ chủ trương muốn phá thế bị bao vây, cấm vận. Thực hiện chủ trương đó, ngày 06-3-2018, Triều Tiên đã thông qua đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in chuyển lời đề nghị “đàm phán trực tiếp giữa Kim Jong-un và Đô-nan Trăm để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Sau khi Tổng thống Mỹ nhận lời, hai nước đã xúc tiến công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên tại Xin-ga-po ngày 12-6-2018. Kết quả hai bên đã ký kết được bản Tuyên bố chung bao gồm 04 nội dung chính: (1) Hai nước cam kết tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao; (2) Thiết lập hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; (3) Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn; (4) Tìm kiếm, trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Tuy nhiên, sau khi ra Tuyên bố chung tại Xin-ga-po, thực chất hai bên không đạt được bất kỳ tiến triển gì, không cải thiện được tình trạng mất lòng tin lẫn nhau, ngoại trừ việc Triều Tiên trao trả 55 bộ hài cốt lính Mỹ. Điều này làm cho phía Mỹ thất vọng và họ cho rằng, cần phải có một Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 để tạo đột phá và triển khai các cam kết tại Xin-ga-po. Đúng ra, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 đã có thể diễn ra sớm hơn, nhưng còn nhiều nội dung chưa thống nhất nên đến cuối tháng 11-2018, hai nước mới đồng ý về nguyên tắc sẽ tổ chức Hội nghị lần này.

Quan điểm của các nước có liên quan, như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc,… đều lên tiếng ủng hộ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 ở các mức độ khác nhau và kỳ vọng nó không chỉ mang lại hòa bình, ổn định cho hai nước, khu vực mà còn tạo cơ hội cho các nước này mở rộng thị trường, hợp tác phát triển nhiều mặt với Triều Tiên khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận.

Kết quả Hội nghị và những tác động bước đầu

Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều, nhưng điều đáng tiếc là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 đã không ra được tuyên bố chung và hai bên cũng không ký kết bất kỳ văn bản nào. Theo phán đoán của các học giả quốc tế, điều này có thể do 03 nguyên nhân sau:

Một là, việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề quan trọng, hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều thời gian, trong khi lòng tin giữa hai nước còn thấp, thời gian chuẩn bị, nhất là các bước đàm phán, gặp gỡ của các cơ quan chức năng hai bên trước thềm Hội nghị này còn quá ít nên các nhà đàm phán của hai bên chưa có đầy đủ cơ sở, dữ liệu,… về phi hạt nhân hóa để tham mưu cho hai nhà lãnh đạo tối cao đạt được thỏa thuận. Trên thực tế, các nhà ngoại giao của hai nước chỉ có 04 vòng đàm phán tại Stốc-khôm (Thụy Điển), Băng-cốc (Thái Lan), Bình Nhưỡng (Triều Tiên) và Hà Nội (Việt Nam). Với khoảng thời gian đó, chưa đủ để hai bên có thể giải quyết dứt điểm tất cả các vấn đề liên quan đến hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên.

Hơn nữa, những nội dung cốt lõi mà Mỹ và Triều Tiên đưa ra cần giải quyết theo yêu cầu mỗi bên là quá lớn, chưa có khả năng đáp ứng lẫn nhau. Cụ thể, trong vấn đề phi hạt nhân hóa, Mỹ muốn Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược” ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Đô-nan Trăm, trong khi Triều Tiên chỉ muốn phi hạt nhân hóa từng phần, theo một lộ trình mà nước này có thể kiểm soát được. Về vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận, Mỹ chỉ sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm vận sau khi Triều Tiên đã hoàn thành việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Trong khi đó, Triều Tiên lại yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ trước các lệnh cấm vận từ tháng 3-2016 đến nay (tức là 5/11 lệnh cấm vận có tác động trực tiếp, sâu sắc nhất đối với nền kinh tế, xã hội và sinh kế của người dân Triều Tiên), để đổi lấy việc phá dỡ hoàn toàn Tổ hợp hạt nhân Jong-bi-ôn. Đây là hai vấn đề gai góc nhất không chỉ trong quá trình đàm phán, mà cả trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, hai bên chưa đạt được thỏa thuận.

Hai là, phương pháp tiếp cận “từ trên xuống” của Tổng thống Đô-nan Trăm được đánh giá là bắt đầu bộc lộ một số hạn chế do Hội nghị lần này đi vào thực chất hơn rất nhiều so với Hội nghị lần thứ nhất tại Xin-ga-po. Bởi, không giống với các nhà lãnh đạo khác và thông lệ quốc tế, ông Đô-nan Trăm luôn có cách tiếp cận riêng, thường là ra quyết sách từ trên xuống dưới. Ông không muốn đến Hà Nội chỉ để ký các văn bản đàm phán đã được các cơ quan chức năng cấp dưới chuẩn bị sẵn, mà muốn đích thân trao đổi, đàm phán để ra quyết sách trực tiếp ở cấp cao nhất với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Do vậy, theo thông tin từ phía Mỹ đưa ra trong cuộc họp báo quốc tế chiều 28-02-2019 tại Hà Nội, trong cuộc họp 1+1 mở rộng, sau khi phía Mỹ trao cho phía Triều Tiên một tài liệu đã chuẩn bị sẵn đề cập tới cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã đích thân đề nghị Chủ tịch Kim Jong-un phải dỡ bỏ thêm một số cơ sở hạt nhân khác (ngoài cơ sở Jong-bi-ôn) mà Mỹ cho là Triều Tiên đang bí mật phát triển để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. Giới chuyên gia cho rằng, đây là điều mà phía Triều Tiên chưa sẵn sàng và chính là “nút thắt” dẫn tới việc Hội nghị không đạt được kết quả như kỳ vọng. Cũng cần nói thêm là, khác với Hội nghị lần thứ nhất tại Xin-ga-po, vốn mang nặng tính biểu tượng, tại Hội nghị lần này, hai bên đã đi vào các nội dung cốt lõi nhất của quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Do vậy, việc đạt được kết quả thực chất ở cấp cao là rất khó khăn.

Ba là, không loại trừ việc cựu luật sư riêng của ông Đô-nan Trăm là Mai-cơn Cô-hen bị đưa ra Hạ viện Mỹ điều trần đúng vào thời điểm diễn ra Hội nghị đã tác động ở một mức độ nhất định tới quyết định của cá nhân Tổng thống Mỹ. Việc Hạ viện Mỹ tổ chức vụ điều trần đúng vào thời điểm “nhạy cảm” cho thấy, cục diện chính trị nội bộ Mỹ rất phức tạp. Các cáo buộc chống lại Tổng thống Đô-nan Trăm ngày càng nhiều, từ đời tư cho tới các vấn đề liên quan tới cáo buộc trốn thuế, Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ,… rất bất lợi cho cá nhân Tổng thống Mỹ.

Mặc dù vậy, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 vẫn được đánh giá là một bước tiến đáng kể, tạo dấu ấn quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Điều này thể hiện ở hai khía cạnh sau:

Thứ nhất, hai bên đã hiểu nhau hơn, đặc biệt là ở cấp cao nhất và thu hẹp đáng kể khoảng cách khác biệt về cách thức giải quyết các vấn đề then chốt trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Về phía Triều Tiên, hãng thông tấn Trung ương KCNA của nước này đã chỉ rõ “Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nên được xác định là xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên trước khi loại bỏ khả năng răn đe hạt nhân của chúng tôi”. Tuy nhiên, trên thực tế, Triều Tiên đã sẵn sàng dỡ bỏ hoàn toàn lò phản ứng hạt nhân Jong-bi-ôn, bao gồm cả khai báo plu-tô-ni-um và ura-ni-um; cam kết bằng văn bản dừng vĩnh viễn thử hạt nhân, tên lửa; chấp nhận thanh sát hạn chế và đã đưa vấn đề tên lửa xuyên lục địa (ICBM) lên bàn đàm phán. Phía Mỹ cũng đã trao cho Triều Tiên tài liệu thể hiện cách hiểu của họ về thế nào là phi hạt nhân hóa (khái niệm, nội hàm,…) và lộ trình cụ thể. Về vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận, Mỹ chỉ sẵn sàng xem xét nối lại viện trợ nhân đạo, nhưng chưa chấp nhận các yêu cầu về dỡ bỏ lệnh cấm vận như Triều Tiên đặt ra. Ngoài ra, các vấn đề khác, như: thiết lập văn phòng liên lạc, ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc,… cũng đã có các bước tiến triển nhất định.

Thứ hai, mặc dù Hội nghị lần này không đạt được thỏa thuận chung nào, nhưng cả hai bên đều tỏ ra kiềm chế và đánh giá khá tích cực về quan điểm, lập trường của nhau và tuyên bố để ngỏ khả năng sẽ sớm gặp lại nhau. Ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 kết thúc, trong chuyến thăm và làm việc tại Phi-líp-pin, Ngoại trưởng Mỹ Mai Pom-peo đã khẳng định, sẵn sàng quay trở lại đàm phán ở cấp làm việc với Triều Tiên sớm. Mỹ và Hàn Quốc cũng tiếp tục hủy các cuộc tập trận quy mô lớn trong thời gian tới để ủng hộ những nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Mặc dù gần đây, Triều Tiên có một số động thái đe dọa ngừng đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này, nhưng thực tế cho thấy hai bên vẫn có nhu cầu duy trì tiếp xúc và mong muốn được giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng.

Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra đánh giá một cách đầy đủ về tác động của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 đến tình hình an ninh, chính trị khu vực, nhưng sơ bộ có thể nhận thấy, Hội nghị lần này là bước phát triển về chất để các bên liên quan thúc đẩy vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đi vào giải pháp thực chất. Điều đó cũng sẽ có tác động lâu dài tới hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Tất cả các nước lớn liên quan, như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ đều phải có những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến và kết quả của Hội nghị.

Cộng đồng quốc tế mong muốn Mỹ và Triều Tiên tiếp tục các cuộc đàm phán và đảm bảo rằng, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các bên liên quan, làm giảm căng thẳng, đối đầu và gia tăng đối thoại, góp phần tích cực vào thiết lập môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

TS. TRẦN VIỆT THÁI, Học viện Ngoại giao
___________

1 - Phát biểu của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tại Liên hợp quốc, tháng 9-2017.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...