Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:25 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau 10 năm duy trì hoạt động, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã có tác động mạnh mẽ trong xây dựng lòng tin, củng cố đoàn kết, thúc đẩy tự cường khu vực và không ngừng nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Trong tiến trình đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng.
Trước yêu cầu tăng cường hội nhập sâu rộng của ASEAN, nhằm đối phó với những thách thức an ninh chung trong khu vực và thế giới, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN; tháng 12-2004, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 10 ở Viêng-chăn (Lào) đã thông qua sáng kiến thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM). Sau gần 02 năm, ngày 05-9-2006, các nước thành viên ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị ADMM đầu tiên, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN, mở ra cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong khu vực.
Đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực
Trong khuôn khổ ADMM, trải qua 10 kỳ hội nghị, với nhiều sáng kiến1 được thông qua và đang tích cực triển khai, ADMM đã góp phần quan trọng về tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, đối phó với các thách thức an ninh chung, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống, thể hiện rõ nội lực và quyết tâm của các nước ASEAN trong thúc đẩy lĩnh vực hợp tác quốc phòng - an ninh khu vực. Theo đó, ASEAN đã triển khai một loạt sáng kiến, như: sử dụng nguồn lực quân sự của Hiệp hội trong hỗ trợ nhân đạo; hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng; giao lưu quốc phòng; thiết lập lực lượng thường trực quân đội các nước ASEAN, v.v. Trong đó, với nhóm sáng kiến Sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR), ASEAN đã tổ chức thành công 03 cuộc diễn tập2, góp phần quan trọng hỗ trợ các nước trong khu vực đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Về sáng kiến Hợp tác giữa các cơ sở quốc phòng và các tổ chức xã hội dân sự ASEAN về an ninh phi truyền thống, các nước: Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Bru-nây và Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc bàn thảo đề xuất các giải pháp xử lý những vấn đề đặt ra trong phối hợp hành động về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Với sáng kiến Mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình, cùng việc tổ chức thành công 03 hội nghị liên quan, ASEAN đã xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hoạt động ngắn, trung và dài hạn. Theo đó, các thành viên ASEAN đã nhất trí tiến hành các chương trình trao đổi giảng viên, tổ chức các khóa học, hội thảo và diễn tập chung. Cùng với thúc đẩy thương mại về quốc phòng, ASEAN đẩy mạnh triển khai thực hiện sáng kiến Hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN, thông qua tổ chức các cuộc hội thảo và bước đầu đã tổ chức được các hoạt động như: tham quan, giao lưu, tổ chức triển lãm các sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Không những thế, tháng 11-2015, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã chính thức khai trương Đường dây liên lạc trực tiếp quốc phòng các nước trong khu vực, tạo thuận lợi trong trao đổi, tham vấn,… thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh giữa các nước lên một bước mới.
Bên cạnh thúc đẩy hợp tác về quốc phòng - an ninh, tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, nhận thức và quan điểm chung của lực lượng quốc phòng các nước ASEAN về vấn đề an ninh khu vực, quốc tế cũng dần được hình thành. Qua đó, quân đội các nước ASEAN đã thể hiện tiếng nói thống nhất đối với vấn đề an ninh khu vực. Đặc biệt, trong các kỳ hội nghị ADMM, tình hình Biển Đông được các nước thành viên ASEAN rất quan tâm. Các nhà lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN đều nhấn mạnh ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông và sẵn sàng làm việc để hướng tới sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Không dừng lại ở cấp độ hợp tác khu vực, trong cuộc hành trình kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, ổn định và phát triển khu vực Đông Nam Á, các nước thành viên ASEAN đều nhận thức sâu sắc rằng: muốn giải quyết được những vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, thì một nước, một khu vực không thể giải quyết được, mà đòi hỏi phải có sự hợp tác, rộng mở hơn tới những quốc gia ngoài khu vực. Đây là cơ sở khách quan để quân đội các nước ASEAN có thêm cơ hội hợp tác với quân đội các nước ngoài ASEAN, giúp ASEAN thu hút và sử dụng cả nguồn lực bên trong và bên ngoài khối để giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh chung. Với nhận thức đó, ASEAN quyết định “nối dài cánh tay” để tăng thêm sức mạnh cho Hội nghị ADMM, bằng sự ra đời của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 8 nước đối tác, đối thoại3. Như vậy, có thể thấy, nếu Hội nghị ADMM đánh dấu sự khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN, thì ADMM+ được đánh giá là bước tiến lịch sử trong tiến trình hợp tác quốc phòng khu vực. Qua đó, ADMM+ đã tạo thêm nhiều cơ hội để ADMM có thể tranh thủ, cũng như kết hợp hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, thông qua 6 lĩnh vực hợp tác, gồm: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; An ninh biển; Quân y; Chống khủng bố; Gìn giữ hòa bình; Khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh và xung đột.
Vai trò của Việt Nam trong tiến trình thúc đẩy hợp tác quốc phòng khu vực
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về đối ngoại nói chung, đối ngoại trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh nói riêng, với phương châm: chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh, Việt Nam đã có bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy tham gia, tuân thủ, sang chủ động tham gia và định hình cơ chế hợp tác chung nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng - quân sự ASEAN, nhất là trong khuôn khổ ADMM. Điều đó được thể hiện rõ khi trên cương vị Chủ tịch ASEAN, năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị ADMM-4. Theo đó, chúng ta đã cùng các nước ASEAN thiết lập 6 nhóm chuyên gia trong khuôn khổ ADMM+. Trong đó, Việt Nam đồng chủ trì Nhóm chuyên gia về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (giai đoạn 2011 - 2013) và Nhóm chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo (giai đoạn 2014 - 2017). Đồng thời, Việt Nam đã cùng các quốc gia đồng chủ trì khác, tổ chức thành công diễn tập thực địa Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa kết hợp với quân y tại Bru-nây (năm 2013) và Hành động mìn nhân đạo và gìn giữ hòa bình tại Ấn Độ (năm 2016). Với các cuộc diễn tập này, lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng công binh, quân y gìn giữ hòa bình tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Hơn nữa, Việt Nam còn có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành nhận thức chung trong ASEAN về vấn đề an ninh khu vực. Điển hình như, tại Hội nghị ADMM-5 (năm 2011), với nỗ lực thuyết phục của Việt Nam, lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được đưa vào Tuyên bố chung của ADMM. Qua đó, đã thể hiện lập trường chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực. Đến nay, lập trường chung về vấn đề Biển Đông tiếp tục được củng cố và phát triển trong các kỳ hội nghị ADMM. Đồng thời, nhằm góp phần bảo đảm an ninh toàn diện trên biển và quản lý xung đột ở Biển Đông, tại ADMM-7, Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp, như: tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực, thông qua các hoạt động tuần tra chung, giao lưu, thiết lập đường dây nóng, cam kết không sử dụng vũ lực trước và tăng cường hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đề xuất này được đại biểu các nước đánh giá là giải pháp đột phá cho việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Trong bối cảnh tình hình an ninh Biển Đông ngày càng phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng trong khu vực, trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương, mà trực tiếp là hội nghị ADMM và ADMM+, Việt Nam tiếp tục tham gia theo hướng đẩy mạnh đề xuất sáng kiến, ý tưởng và cân nhắc tham gia. Đồng thời, khởi xướng các cơ chế hợp tác mới, chủ động dẫn dắt, tích cực thúc đẩy, có trách nhiệm đi đầu trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Chính vì vậy, tại Hội nghị ADMM-10, ngày 25-5-2016, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các thỏa thuận, cam kết đã đạt được trong tiến trình ADMM cũng như ADMM+.
Với chặng đường 10 năm, ADMM đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình hội nhập của ASEAN, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về quốc phòng - an ninh, góp phần thiết thực kiến tạo hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực, cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của từng quốc gia và khu vực, đòi hỏi mỗi thành viên ASEAN cần tăng cường lòng tin, sự đồng thuận, đoàn kết nội khối, thông qua các khuôn khổ, cơ chế, diễn đàn hợp tác do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, trong đó có Hội nghị ADMM, nhằm chung tay hiện thực một Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm xã hội”.
Thiếu tướng VŨ TIẾN TRỌNG, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng
_________________
1 - Gồm: (1) Sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; (2) Hợp tác giữa các cơ sở quốc phòng và các tổ chức xã hội dân sự ASEAN về an ninh phi truyền thống; (3) Mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình các nước ASEAN; (4) Hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; (5) Chương trình giao lưu quốc phòng ASEAN; (6) Khuôn khổ hỗ trợ hậu cần ASEAN; (7) Đường dây liên lạc trực tiếp quốc phòng các nước ASEAN; (8) Thiết lập nhóm thường trực quân đội ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; (9) Thiết lập trung tâm Quân y.
2 - Diễn tập lần đầu được tổ chức năm 2011 tại In-đô-nê-xi-a; lần thứ hai vào năm 2013 tại Bru-nây; lần thứ ba vào năm 2015 tại Ma-lai-xi-a.
3 - Gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân.
Hội nghị Bộ trưởng,Quốc phòng ASEAN,Việt Nam trong ADMM
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ