Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 07/10/2013, 21:52 (GMT+7)
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ hai và những đóng góp của Việt Nam

Đánh giá những tiến triển đạt được trong 5 lĩnh vực hợp tác; trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực, thế giới; đồng thời, định hướng những nội dung hợp tác tiếp theo là chủ đề chính của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ hai vừa diễn ra tại Bru-nây. Tham gia Hội nghị này, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng, được dư luận khu vực, quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Các bộ trưởng và quan chức quốc phòng của 10 nước ASEAN và tám đối tác đối thoại tại Lễ khai mạc ADMM+ lần thứ hai, ngày 29-8-2013

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất giữa BTQP 10 nước ASEAN với 8 nước đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân). Mục tiêu của ADMM+ nhằm giúp các nước thành viên cùng các nước đối tác đối thoại, thông qua quan hệ giữa các thiết chế quốc phòng để xây dựng niềm tin, thúc đẩy hợp tác, nâng cao khả năng đối phó với những thách thức an ninh mới nổi, nhất là an ninh phi truyền thống; đồng thời, hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định của khu vực. Hơn nữa, thông qua hợp tác cũng nhằm nâng cao năng lực quốc phòng - an ninh (QP-AN) của từng nước, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi nguồn lực quốc phòng. Vì vậy, ADMM+ được coi là cơ hội để tìm kiếm và định hình một cấu trúc an ninh bền vững lâu dài cho khu vực. Sau khi ra đời (tại Việt Nam năm 2010), ADMM+ đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đối thoại, hợp tác hiệu quả QP-AN giữa ASEAN và các nước đối tác. Nó cũng phản ánh chủ trương nhất quán của ASEAN trong việc chủ động, dẫn dắt và mở rộng hợp tác ra bên ngoài khu vực, nhằm kết nối và kiến tạo các nguồn lực mới, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng chung tại khu vực và thế giới. Nếu như thành công của ADMM+ lần thứ nhất tại Hà Nội là đưa 18 quốc gia thành viên vào hoạt động theo một cơ chế an ninh khu vực triển vọng; một cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương thiết thực, hiệu quả, thì tiến trình hợp tác quốc phòng trong những năm qua và kết quả ADMM+ lần thứ hai diễn ra tại Bru-nây tháng 8 vừa qua là minh chứng sinh động cho sự hợp tác mạnh mẽ với những sáng kiến, chương trình hành động và cam kết hợp tác của  các nước thành viên.

Tại Hội nghị ADMM+ lần này, các nhà lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại tiếp tục trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực, quốc tế; đồng thời, định hướng hợp tác cho thời gian tới trong khuôn khổ ADMM+.

Về tình hình an ninh khu vực và quốc tế, các bộ trưởng nhấn mạnh: các thách thức an ninh toàn cầu đang diễn biến phức tạp, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ; xung đột vũ trang; an ninh, an toàn hàng hải; tội phạm xuyên quốc gia; phổ biến vũ khí hủy diệt; nạn khủng bố; thảm họa thiên tai, dịch bệnh; tình hình Bán đảo Triều Tiên, Áp-ga-ni-xtan; đặc biệt là tình hình Xy-ri và vấn đề an ninh mạng.

Về vấn đề Biển Đông, các nước thành viên đều bày tỏ sự quan ngại và coi đó là một trong những thách thức lâu dài; là nguy cơ gây mất ổn định, tác động trực tiếp đến hòa bình của khu vực và thế giới nên cần phải trao đổi, chia sẻ, hướng tới nhận thức chung để tìm kiếm các giải pháp xử lý hiệu quả. Chính vì vậy, vấn đề này được Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận, được từng nước thành viên đề cập đậm nét; trong đó, 10 quốc gia phát biểu trực tiếp, 8 quốc gia còn lại gián tiếp nêu nguy cơ, thách thức về tranh chấp chủ quyền và an ninh biển có liên quan đến Biển Đông. Trên cơ sở nhận thức rõ nguy cơ xung đột gia tăng trong tranh chấp tại Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, các nước thành viên ADMM+ đều đưa ra quan điểm tương đối đồng nhất. Theo đó, việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông phải bằng giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, “Tuyên bố cấp cao ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm ký DOC”, sớm thiết lập “Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc (COC); đồng thời, cần phải đảm bảo các quy chuẩn trong việc xử lý các vấn đề an ninh biển, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, tránh xung đột... Ngoài những giải pháp trên, một số nước còn đề xuất tăng cường các hoạt động giao lưu hải quân, thiết lập đường dây nóng giữa hải quân các nước ASEAN, giữa ASEAN với Trung Quốc và các bên cần hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực trong giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển.

Về đánh giá hợp tác quốc phòng trong 5 lĩnh vực do ADMM+ lần thứ nhất khởi xướng, các bộ trưởng đều bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao hiệu quả công tác của các nhóm chuyên gia về Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; An ninh biển; Quân y; Chống khủng bố và Gìn giữ hòa bình. Tính đến thời điểm hiện tại, cả 5 lĩnh vực hợp tác đã hoàn tất giai đoạn thảo luận, xây dựng các cơ chế, chính sách, bắt đầu chuyển sang giai đoạn tổ chức diễn tập sa bàn và diễn tập thực địa theo các tình huống giả định sát thực tế, nhằm đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể diễn ra trong tương lai tại mỗi quốc gia và khu vực. Điển hình là cuộc diễn tập Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa kết hợp với Quân y do Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Xin-ga-po cùng nước chủ nhà Bru-nây đồng chủ trì vừa được tổ chức thành công vào tháng 6-2013, với sự tham gia của hơn 3.000 binh sĩ, nhiều tàu, thuyền, máy bay và các trang, thiết bị tìm kiếm cứu nạn hiện đại của 18 quốc gia thành viên. Đây được coi là dấu mốc mới, tạo cơ sở, niềm tin trong định hướng các hoạt động hợp tác thiết thực của ADMM+ trong tương lai.

Về định hướng hợp tác tiếp theo trong khuôn khổ ADMM+, các quốc gia thành viên đều bày tỏ nhất trí tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh hợp tác sâu, rộng hơn nữa trên cả 5 lĩnh vực, nhất là vấn đề hợp tác an ninh biển, chống khủng bố,... và khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình hợp tác ADMM+. Để giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong khu vực, tại ADMM+ lần này, các bộ trưởng đã thống nhất và quyết định tăng tần xuất ADMM+ lên 2 năm một lần (thay vì 3 năm như trước đây), bắt đầu từ năm 2013; đồng thời, triển khai kế hoạch chuyển giao các nhóm chuyên gia về 5 lĩnh vực hợp tác theo nguyên tắc luân phiên. Theo đó, nhóm Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa (HADR) do Lào và Nhật Bản đồng chủ trì; An ninh biển (MS) do Bru-nây và Niu Di-lân đồng chủ trì; Quân y (MM) do Thái Lan và Nga đồng chủ trì; Chống khủng bố (CT) do Xin-ga-po và Ô-xtrây-li-a đồng chủ trì; Gìn giữ hòa bình (PKO) do Cam-pu-chia và Hàn Quốc đồng chủ trì.

Trong thời gian tới, với vai trò là bộ phận cấu thành quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực năng động, mở, dung nạp, thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại thường xuyên và hợp tác thực tế giữa quân đội các nước ASEAN với các đối tác, ADMM+ sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hợp tác nhằm nâng cao năng lực cho ASEAN trong đối phó với các thách thức an ninh chung. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn hợp tác tích cực trong khuôn khổ ADMM+, với sự can dự mạnh mẽ của các đối tác lớn, cùng với cơ hội, ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức bởi chính từ sự cọ xát về lợi ích giữa các đối tác lớn của ASEAN với nhau. Do vậy, để tranh thủ thời cơ, giảm thiểu những bất lợi trong tiến trình hợp tác, ASEAN cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết nội khối, khả năng tự lực tự cường, luôn biết dung hòa lợi ích giữa thành viên và Cộng đồng, giữa Cộng đồng với đối tác... Đặc biệt là các quốc gia đóng vai trò nước chủ nhà dẫn dắt ASEAN phải tuân thủ và đề cao nguyên tắc độc lập, tự chủ, vì lợi ích Cộng đồng, tránh để bị tác động hoặc bị chi phối bởi “sức mạnh mềm” từ bên ngoài dẫn đến làm tổn hại lợi ích hoặc vai trò trung tâm của ASEAN.

Là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành và phát triển ADMM+. Cùng với việc khởi xướng, quy tụ 18 thành viên  và chủ trì tổ chức thành công ADMM+ lần thứ nhất, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy các hoạt động trong tiến trình ADMM+; tích cực tham gia các hoạt động của cả 5 nhóm chuyên gia; trong đó, giữ vai trò đồng chủ trì dẫn dắt hoạt động của Nhóm chuyên gia về Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Tại cuộc diễn tập Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa kết hợp với Quân y (tháng 6-2013) tại Bru-nây, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia và được đánh giá là một trong những quốc gia tham gia tích cực nhất, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Tại ADMM+ lần này, Việt Nam đã đề xuất thêm nhiều sáng kiến, như: tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực (thông qua tuần tra chung, giao lưu, thiết lập đường dây nóng); cam kết không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trước; tăng cường hợp tác cứu hộ người và phương tiện gặp nạn trên biển... Đặc biệt, sáng kiến về “Hành động mìn nhân đạo” (sáng kiến mà Việt Nam đã đề xuất tại ADMM-7 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua tại Bru-nây) thành hiện thực đã một lần nữa khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động của ADMM+ đi vào thực chất, hiệu quả. Từ sáng kiến đó, ADMM+ lần thứ hai đã thống nhất thông qua việc thành lập Nhóm công tác chuyên gia về “Hành động mìn nhân đạo”. Đây là Nhóm công tác thứ 6 của ADMM+, sau 5 nhóm công tác chuyên gia về 5 lĩnh vực đã có trước đó, một bước tiến để hiện thực hóa sáng kiến của Việt Nam. Ủng hộ sáng kiến này, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã mong muốn cùng Việt Nam chia sẻ về nguồn lực, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho lĩnh vực này. Cùng với đó, bên lề ADMM+ lần thứ hai, qua trao đổi tại các cuộc gặp song phương giữa BTQP Việt Nam với BTQP Hàn Quốc, Ô-xtrây-lia, Nhật Bản, Hoa Kỳ... các nước đều khẳng định: Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác QP-AN đa phương khu vực, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển; đồng thời, trân trọng những đóng góp của Việt Nam trong củng cố tình đoàn kết và phát huy khả năng độc lập, tự chủ, tự lực tự cường của ASEAN.

Những kết quả đạt được tại ADMM+ lần này một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và là nền tảng để phát triển một ASEAN ổn định, hòa bình, thịnh vượng. Với những định hướng và triển vọng hợp tác chiến lược, bên cạnh những cơ chế hợp tác đa phương khu vực, như: Diễn đàn ARF, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, các tiến trình ASEAN+, Đối thoại Shangri-La hay Hội nghị BTQP các nước ASEAN (ADMM)…, ADMM+ với tư cách là một tổ chức phát triển mở rộng của ADMM, sẽ đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung vào năm 2015.

Thiếu tướng VŨ TIẾN TRỌNG

Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...