Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 18/04/2019, 08:27 (GMT+7)
Hội nghị An ninh Munich 2019 bộc lộ những bất đồng an ninh khó giải quyết

Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn để lãnh đạo các nước, các chuyên gia thể hiện quan điểm riêng và gặp gỡ song phương. Hội nghị năm nay được các chuyên gia quốc tế đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tình hình an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường. Sau ba ngày làm việc, Hội nghị đã đạt được những kết quả “đáng khích lệ”; tuy nhiên, cũng bộc lộ nhiều quan điểm bất đồng về an ninh khó giải quyết.

Hội nghị An ninh Munich là diễn đàn an ninh của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1963. Sau này, khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, Hội nghị An ninh Munich đã có những thay đổi căn bản: thành phần đại biểu được mở rộng; các bên tham gia hội nghị coi trọng bàn thảo nhiều vấn đề liên quan tới an ninh toàn cầu; đối thoại, hợp tác để đối phó với những thách thức, nguy cơ, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và xử lý những vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế, v.v. Hơn 50 năm qua, Hội nghị An ninh Munich đã góp phần tích cực trong việc hóa giải nhiều xung đột, mâu thuẫn, tạo dựng và bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. Vì thế, Hội nghị này ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của lãnh đạo, quan chức quốc phòng, an ninh các nước, các tổ chức nghiên cứu chiến lược…, trở thành diễn đàn an ninh uy tín bậc nhất trên thế giới.

Hội nghị An ninh Munich năm 2019 là hội nghị thường niên lần thứ 55, được tổ chức trong bối cảnh an ninh quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, quan hệ quốc tế biến động phức tạp, khó lường nên được dư luận các nước rất quan tâm. Tham gia Hội nghị năm nay có 35 nguyên thủ quốc gia, 50 ngoại trưởng, 30 bộ trưởng quốc phòng và nhiều chuyên gia đầu ngành của nhiều tổ chức quốc tế. Tại Hội nghị này, đã diễn ra hàng trăm cuộc thảo luận, tham vấn, đề cập đến gần như tất cả các vấn đề “nóng” nhất trên toàn cầu hiện nay, từ chủ nghĩa khủng bố, sự cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, vấn đề kiểm soát vũ khí, chống chạy đua vũ trang, tương lai Brexit của Anh, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, quan hệ Nga - phương Tây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, đến vấn đề hạt nhân I-ran, cuộc chiến ở Xy-ri, nguy cơ xung đột giữa I-ran và I-xra-en, cuộc khủng hoảng tại Vê-nê-zu-ê-la, v.v. Sau 03 ngày làm việc (từ 15-02 đến 17-02-2019) được đánh giá là cởi mở, thẳng thắn, Hội nghị An ninh Munich 2019 đã thu được những kết quả “đáng khích lệ”; tuy nhiên, cũng bộc lộ nhiều bất đồng an ninh khó giải quyết, đáng chú ý là:

Ông Dương Khiết Trì phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2019. Ảnh: AFP

Mỹ và Trung Quốc bất đồng sâu sắc về vấn đề Huawei - công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và Biển Đông. Theo các nhà phân tích quốc tế, một trong những “tâm điểm” thu hút sự chú ý đặc biệt tại Hội nghị là cuộc “đấu khẩu” nảy lửa giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì về những vấn đề “gai góc” trong quan hệ hai nước gần đây. Trong phần phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã phê phán Bắc Kinh đánh cắp thông tin tình báo, cảnh báo với các đối tác an ninh về mối đe dọa từ Công ty Huawei và các công ty viễn thông của Trung Quốc. Ông nêu rõ: "Luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty viễn thông phải cung cấp cho bộ máy bảo mật đồ sộ của Bắc Kinh quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào nối với mạng lưới hoặc thiết bị của họ”. Khi nói về Biển Đông, Phó Tổng thống Mỹ phê phán Trung Quốc đang tiến hành “quân sự hóa” trên Biển Đông - những “bước đi” mà ông Mike Pence cho là đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực và quốc tế. Đáp lại, ông Dương Khiết Trì kiên quyết bác bỏ những cáo buộc của Phó Tổng thống Mỹ và khẳng định, Trung Quốc không theo đuổi “bá quyền công nghệ”, luật pháp Trung Quốc không đòi hỏi các công ty cài đặt cửa hậu và thu thập thông tin tình báo. Ông cũng nêu rõ, Trung Quốc chủ trương tăng cường hợp tác với Mỹ, nhưng Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, màn “khẩu chiến” giữa hai vị quan chức đại diện của Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào thời điểm hai nước vừa mới kết thúc vòng đàm phán cấp cao về thương mại tại Bắc Kinh, với kết quả mà cả hai bên cho là “rất tích cực” (Mỹ hoãn tăng thuế từ 10% lên mức 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc), cho thấy “rào cản” trong quan hệ giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới này còn rất lớn, khó có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Đồng thời chỉ rõ, mâu thuẫn về Công ty Huawei, về Biển Đông và nhiều vấn đề “gai góc” khác thực chất chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” trong quan hệ Mỹ - Trung, mà nguyên nhân cốt lõi là mâu thuẫn về ý thức hệ, cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược ở khu vực và quốc tế. Trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2018, Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng đối với an ninh, lợi ích quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Hiện thực hóa Chiến lược, Mỹ đã châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khiến cho kinh tế hai nước và nhiều quốc gia trên thế giới bị tác động nặng nề. Dư luận cho rằng, Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc hàng đầu trên thế giới, quan hệ giữa họ tác động trực tiếp tới quan hệ quốc tế, an ninh, ổn định toàn cầu. Bởi vậy, theo Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì thì “Mỹ và Trung Quốc cần đi theo cách tiếp cận mới về hợp tác cùng có lợi, từ bỏ những định kiến ý thức hệ và tâm lý lỗi thời về trò chơi sát phạt, thắng ăn cả”.

Mỹ và EU chia rẽ trong nhiều vấn đề quốc tế, mẫu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng sâu sắc. Tại Hội nghị An ninh Munich 2019, màn tranh luận gay gắt giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng nước chủ nhà - bà Angela Merkel, được các đại biểu và dư luận hết sức quan tâm. Khi phát biểu về quan hệ giữa Mỹ và EU, Phó Tổng thống Mỹ phê phán các đồng minh EU đã làm nhiều việc gây “tổn hại” đến an ninh, lợi ích và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, nhất là việc EU phớt lờ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với I-ran, hay việc EU phản đối Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga năm 1987, v.v. Ông cũng cảnh báo: “đã đến lúc các nước châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran” và “ủng hộ các quyết định của Mỹ trong các vấn đề quốc tế”. Đáp lại phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức kịch liệt phản đối quyết định của Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 đã ký với I-ran năm 2015 và mới đây là quyết định ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF. Theo bà Angela Merkel, việc Mỹ đơn phương hành động trong các “hồ sơ” này mà không tham khảo quan điểm từ phía châu Âu, dù châu Âu là bên chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp, là “tin tức vô cùng xấu”. Thủ tướng Angela Merkel cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm quyết định rút quân khỏi Xy-ri là “khó hiểu” và coi EU là “kẻ thù thương mại”, đe dọa tiến hành “chiến tranh thương mại” với EU là “không thể chấp nhận được”. Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Đức, chính khách nhiều nước châu Âu cũng khẳng định, họ không muốn bị Mỹ gây sức ép và buộc phải hành động theo Mỹ một khi chưa có các thảo luận nghiêm túc trong nội bộ.

Theo giới bình luận quốc tế, những năm gần đây, nhất là từ khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lên nắm quyền, quan hệ giữa Mỹ và EU luôn trong trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Với khẩu hiệu nổi tiếng “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống Đô-nan Trăm đã có những phát ngôn “gây sốc” và nhiều hành động mà nhiều người cho là “độc đoán đến kỳ quặc”, làm “mếch lòng” các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Ông Trăm gọi các đồng minh EU là “những kẻ ăn bám”, phê phán Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “vô tích sự”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2018, Tổng thống Đô-nan Trăm còn lớn tiếng đe dọa, Mỹ sẽ không đảm bảo an ninh cho châu Âu, nếu các nước thành viên NATO không tăng chi phí quốc phòng. Không chỉ vậy, Tổng thống Mỹ còn cho áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng “chủ lực” nhập khẩu từ EU. Đáp trả, EU cũng cho áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Những hành động “ăn miếng, trả miếng” khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương rất căng thẳng. Đặc biệt, xung khắc giữa hai bên càng bị đẩy lên cao khi Mỹ quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran và thỏa thuận INF bất chấp sự can ngăn, phản đối của EU.

Trong khi Mỹ bảo vệ quan điểm cho rằng Thỏa thuận hạt nhân I-ran và thỏa thuận INF đã “lỗi thời” cần phải hủy bỏ, thì EU lại coi Thỏa thuận hạt nhân I-ran là cở sở pháp lý quan trọng nhất để quốc tế kiểm soát và ngặn chặn I-ran phát triển vũ khí hạt nhân; coi đây là cơ chế hữu hiệu để châu Âu tránh được thảm họa của một cuộc chiến hạt nhân. EU cũng cho rằng, quyết định của Mỹ rút khỏi các thỏa thuận lịch sử này là “sai lầm”, có thể đẩy châu Âu và thế giới vào tình trạng mất an ninh, đối đầu nguy hiểm. Không chỉ bất tuân lệnh của Mỹ, EU còn áp dụng các điều khoản “đặc biệt” trong luật pháp của Khối nhằm bảo vệ các công ty châu Âu khỏi các tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng trở lại với I-ran, hành động được cho là “hiếm gặp” trong quan hệ giữa EU với Mỹ. Bởi vậy, những màn khẩu chiến giữa Mỹ và EU tại Hội nghị An ninh Munich 2019 là minh chứng cho thấy, những bất đồng giữa hai đồng minh chiến lược này về những vấn đề “nóng bỏng” đối với an ninh quốc tế đang là những bài toán hóc búa chưa có lời giải, khiến mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương càng sâu sắc.

Nhìn lại toàn cảnh diễn biến tại Hội nghị An ninh Munich năm 2019, nhất là những màn đấu khẩu “kịch chiến” của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới, đại đa số đại biểu tham dự Hội nghị đều có chung nhận định rằng, thế giới đang ở một kỷ nguyên vô cùng bất ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ sự gia tăng cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc, đến chạy đua vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang; mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên,… còn tiếp tục diễn ra gay gắt. Cùng với đó là sự trỗi dậy của các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là chủ nghĩa ly khai, khủng bố, chiến tranh mạng, biến đổi khí hậu toàn cầu,… khiến cho bức tranh an ninh thế giới điểm nhiều gam mầu “tối”.

Trong bối cảnh trật tự thế giới đang chao đảo, nhiều mối hiểm họa tiềm ẩn có thể gây những biến động phức tạp, khó lường, thì Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi để ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết được tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng lại là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, bàn thảo biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, bảo vệ môi trường an ninh quốc tế. Dư luận cũng mong muốn các quốc gia tăng cường mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

MINH ĐỨC - NGỌC SƠN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...