Thứ Sáu, 20/09/2024, 08:36 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Vừa qua, tại thủ đô A-xta-na (Ca-dắc-xtan), với sự tham dự, bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran, đại diện Chính phủ Xy-ri và lực lượng đối lập đã tiến hành hòa đàm nhằm tìm một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 06 năm qua ở quốc gia này. Tuy còn nhiều khó khăn, bất đồng nhưng hòa đàm đã mở ra hy vọng về nền hòa bình ở Xy-ri.
Đàm phán hòa bình Xy-ri tại A-xta-na ngày 15-3-2017. (Ảnh: Reuters)
Bối cảnh hòa đàm A-xta-na
Từ đầu năm 2011, phong trào “Mùa xuân Ả-rập” như làn “gió độc” cuốn Xy-ri và hàng loạt nước ở Trung Đông - Bắc Phi vào “vòng xoáy” của bạo lực, xung đột. Hơn 06 năm qua, Xy-ri đã trở thành “chảo lửa” của xung đột, bạo tàn, một “điểm nóng” gây nhức nhối cho cộng đồng quốc tế. Theo thống kê quốc tế, cuộc nội chiến ở Xy-ri đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 nghìn thường dân, làm hàng triệu gia đình lâm vào thảm cảnh đói nghèo, vô gia cư, căn nguyên gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu hiện nay. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết cuộc xung đột ở Xy-ri, nhưng do tính chất phức tạp của cuộc khủng hoảng, nhiều nước trong và ngoài khu vực lại có toan tính vì lợi ích riêng, nên mọi nỗ lực của Liên hợp quốc đều chưa thu được kết quả. Tháng 9-2016, một thỏa thuận ngừng bắn cho Xy-ri do Mỹ và Nga đồng bảo trợ đã được các bên xung đột ký kết. Tuy nhiên, thỏa thuận này có hiệu lực chưa được bao lâu đã tan thành mây khói.
Từ nửa cuối năm 2016, những thay đổi quan trọng trên chiến trường Xy-ri đã tạo ra những nhân tố mới để chính quyền của Tổng thống An Át-xát và phe nổi dậy quay lại bàn hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột. Theo các nhà phân tích quốc tế, sau khi thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9-2016 bị đổ vỡ, đất nước Xy-ri lại rơi vào tình trạng xung đột hết sức phức tạp. Để ngăn chặn sự chống phá của các lực lượng chống đối, được sự yểm trợ của không quân Nga, Quân đội Chính phủ Xy-ri đã mở các cuộc tiến công quy mô lớn vào nhiều căn cứ thánh chiến của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và quân nổi dậy, giải phóng nhiều thành phố quan trọng. Đặc biệt, Quân đội Chính phủ Xy-ri đã giải phóng thành phố A-lép-pô, nơi vốn là trung tâm chính trị, kinh tế - tài chính của đất nước, là “thánh địa” mang tính biểu tượng của các nhóm nổi dậy chống Chính quyền Đa-mát. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược: giáng một đòn chí mạng vào quân nổi dậy và tạo bước ngoặt xoay chuyển cục diện có lợi cho Quân đội Chính phủ trên chiến trường Xy-ri. Tính đến cuối tháng 12-2016, Chính quyền Đa-mát đã giành quyền kiểm soát hơn 40% lãnh thổ đất nước với khoảng 60% dân số (phần còn lại là người Cuốc ở phía Bắc; IS ở phía Đông, v.v). Thực tế đó đã tạo cho Chính phủ Xy-ri những lợi thế quan trọng trên chiến trường để tiếp tục giải phóng nhiều địa bàn chiến lược quan trọng khác. Tuy nhiên, từ thực trạng của đất nước và từ sự tác động rất lớn của các thế lực bên ngoài, Chính quyền Đa-mát hiểu rõ rằng, Quân đội Chính phủ Xy-ri khó có thể giải quyết cuộc xung đột, giành thắng lợi hoàn toàn bằng sức mạnh quân sự. Những thắng lợi quân sự vừa qua chỉ có ý nghĩa buộc phe đối lập phải chấp nhận quay lại bàn đàm phán và tạo cho Đa-mát những lợi thế nhất định trong việc tìm giải pháp chính trị để giải quyết xung đột ở Xy-ri. Đối với phe đối lập, việc liên tiếp bị thất bại trên chiến trường, nhất là để mất thành phố chiến lược A-lép-pô cùng nhiều căn cứ quan trọng khác, buộc họ phải rút về co cụm ở một số thành phố trong tình trạng suy yếu và bị chia rẽ sâu sắc. Các lực lượng đối lập còn phải đối mặt với những bất lợi khác, nhất là nguy cơ bị các “ông chủ” nước ngoài “bỏ rơi” trong cắt giảm nguồn hỗ trợ tài chính và vũ khí. Trong tình trạng thế và lực đều bị suy yếu trầm trọng, không thể thay đổi được cục diện có lợi trên chiến trường, thì hòa đàm với Chính quyền Đa-mát để tìm một giải pháp chính trị là sự lựa chọn “vạn bất đắc dĩ” mà phe đối lập phải tính đến, nếu không muốn bị thất sủng hoàn toàn. Hơn nữa, một quốc gia láng giềng có vai trò quan trọng đối với Xy-ri là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có những bước cải thiện quan hệ với Mát-xcơ-va kể từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ 01 chiến đấu cơ của Nga hồi tháng 11-2015. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có sự thay đổi quan điểm từ ủng hộ phe đối lập sang đồng ý phối hợp với Nga và một quốc gia vốn được coi là kình địch trước đây là I-ran đóng vai trò đồng trung gian hòa đàm để giải quyết cuộc xung đột ở Xy-ri. Đây là những nhân tố mới quan trọng, thúc đẩy Chính quyền Đa-mát và phe đối lập quay lại hòa đàm với thái độ nghiêm túc để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 06 năm qua ở quốc gia Hồi giáo này.
Những tín hiệu tích cực
Thông qua vai trò làm trung gian của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran, Chính phủ Xy-ri và phe đối lập đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 30-12-2016. Đồng thời, cam kết khởi động đàm phán hòa bình nhằm tìm một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc xung đột. Ngày 24-01-2017, tại A-xta-na, các bên đã ra được tuyên bố chung. Theo đó, ba nước trung gian là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran cam kết phối hợp để củng cố thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được; thiết lập cơ chế hợp tác giám sát việc tuân thủ thỏa thuận và ngăn ngừa các hành động vi phạm. Các nước này cũng cam kết tăng cường phối hợp để thực hiện các chiến dịch quân sự chống IS và những tổ chức khủng bố khác; tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình khác dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Trên cơ sở của hòa đàm A-xta-na, ngày 16-02-2017, các bên liên quan tiếp tục tiến hành hòa đàm nhằm thảo luận những bước đi cụ thể trong việc trao đổi tù binh, thành lập nhóm hoạt động chung và thông qua cơ chế phối hợp giám sát lệnh ngừng bắn. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran cũng khẳng định, hòa đàm A-xta-na không phải là tiến trình độc lập, khép kín, mà chỉ là một phần quan trọng trong giải pháp chính trị do Liên hợp quốc đứng đầu, về tương lai của Xy-ri. Nhóm giám sát chung của ba nước cũng cam kết thường xuyên liên lạc với Nhóm quốc tế hỗ trợ Xy-ri và báo cáo Liên hợp quốc về kết quả giám sát lệnh ngừng bắn ở Xy-ri. Ba nước trung gian cũng có những cuộc thảo luận với Đặc phái viên Liên hợp quốc về Xy-ri - ông Mi-xtu-ra về một số nội dung quan trọng liên quan đến đối thoại hòa bình ở Xy-ri, như: tiến trình thành lập Chính phủ chuyển tiếp, xây dựng Hiến pháp mới, tổ chức Tổng tuyển cử theo yêu cầu của Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,… để chuẩn bị cho hội nghị Giơ-ne-vơ về Xy-ri được tổ chức trong tương lai. Đây là những tín hiệu tích cực, khích lệ cho hòa đàm A-xta-na tiếp tục đạt được thành công; đồng thời, mở ra hy vọng về một nền hòa bình lâu bền cho Xy-ri.
Hy vọng về nền hòa bình cho Xy-ri
Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, tuy kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhưng hòa đàm A-xta-na đang chuyển động theo hướng tích cực. Một quan chức cấp cao trong đoàn đàm phán của Nga cho rằng, hòa đàm diễn ra trong không khí “cởi mở”, “thẳng thắn”, “tiến trình chặt chẽ, vững chắc từng bước một, không để lại lỗ hổng cho sự đối đầu”. Ông cũng cho rằng, với tương quan thực tế trên chiến trường và vai trò đồng trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các bên đối địch đã trực tiếp đối thoại, đồng thuận tìm một giải pháp chính trị giải quyết xung đột, nên Thỏa thuận ngừng bắn hiện hành là cách thức hữu hiệu và thực chất nhất từ trước tới nay ở Xy-ri. Nhiều tổ chức quốc tế, khu vực và các nước đã có những phản ứng tích cực đối với hòa đàm A-xta-na. Vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ sáng kiến hòa bình cho Xy-ri do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran đề xuất. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố hoan nghênh, coi Thỏa thuận trên đã góp phần làm giảm tình trạng bạo lực ở Xy-ri.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, xung đột ở Xy-ri vốn đã kéo dài nhiều năm và tính chất xung đột rất phức tạp, đan xen giữa những toan tính và nhóm lợi ích khác nhau của các cường quốc, nên cùng với kết quả và những dấu hiệu đáng mừng nêu trên thì hòa đàm A-xta-na cũng còn rất nhiều khó khăn, ẩn chứa nhiều rủi ro và còn nhiều vấn đề “hóc búa” mà việc giải quyết chúng không thể “một sớm, một chiều”. Trước tiên, đó là tình trạng vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn vẫn xảy ra, mà cả quân đội Chính phủ và quân nổi dậy đều lên tiếng tố cáo, đổ lỗi cho nhau. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Chính quyền Đa-mát và phe đối lập đều đang theo đuổi chiến thuật “vừa đánh, vừa đàm”, hòng lấy thắng lợi quân sự trên chiến trường làm “bảo bối” để mặc cả, giành lợi thế trên bàn đàm phán. Bài học thực tế trên chiến trường Xy-ri cho thấy, nếu các bên xung đột quá lạm dụng chiến thuật truyền thống này, thì nó có thể phản tác dụng và là nguyên nhân làm cho Thỏa thuận ngừng bắn bị đổ vỡ. Thứ nữa, một số điều khoản trong hòa đàm mà nhiều nhà bình luận quốc tế cho là do xuất phát từ lợi ích riêng mà các nước trung gian cố tình “áp đặt” đối với các bên xung đột. Điều này làm cho các bên hòa đàm A-xta-na ngày 16-02-2017 đã không thông qua được một tuyên bố chung cần thiết. Trong hội nghị Giơ-ne-vơ do Liên hợp quốc bảo trợ về hòa bình ở Xy-ri được tổ chức cuối tháng 02-2017, Chính quyền Xy-ri và phe đối lập cũng bộc lộ nhiều bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng; trong đó, vấn đề nổi cộm và “gai góc” nhất vẫn là vai trò của Tổng thống An Át-xát trong giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Xy-ri. Chính quyền Đa-mát vẫn giữ quan điểm, không bàn và không đàm phán về số phận của Tổng thống An Át-xát. Trong khi đó, phe đối lập lại yêu sách đòi Tổng thống An Át-xát phải từ bỏ quyền lực trước khi đàm phán về một giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột, v.v. Tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” này là những “rào cản” của tiến trình hòa đàm A-xta-na.
Dư luận quốc tế cho rằng, hòa đàm A-xta-na sẽ là một tiến trình đấu tranh lâu dài và muôn vàn phức tạp. Các bên xung đột cần nhận thức sâu sắc lợi ích của hòa bình đối với đất nước và người dân Xy-ri; nắm bắt cơ hội “ngàn vàng” hiện nay, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri; nhất quyết không được lợi dụng hòa đàm để mưu đồ những lợi ích riêng ích kỷ; đồng thời, phải thiện chí đàm phán để tìm ra một giải pháp chính trị phù hợp nhất mà các bên có thể chấp nhận được. Chỉ có như vậy, hòa đàm A-xta-na mới thành công, xung đột mới được giải quyết, hòa bình mới trở lại với đất nước Xy-ri.
KIỀU LOAN
Hòa đàm A-xta-na,hòa bình ở Xy-ri
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương