Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:22 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 15-01-2020, Tổng thống V.Pu-tin đọc Thông điệp Liên bang thường niên trước các thành viên Hội đồng Liên bang, Đu-ma quốc gia, Chính phủ, người đứng đầu Tòa án hiến pháp và Tòa án tối cao, thống đốc các tỉnh, Chủ tịch Hội đồng lập pháp của các chủ thể liên bang và người đứng đầu các cơ quan truyền thông lớn của Nga. Bản thông điệp lần này đúc kết kinh nghiệm trong 20 năm cầm quyền Tổng thống và đề xuất định hướng phát triển nước Nga trong nhiều thập kỷ tới; trong đó, nổi lên hai chủ đề chính là hòa bình và phát triển.
Môi trường hòa bình và an ninh của nước Nga được bảo đảm vững chắc
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã từng là trụ cột của hòa bình và an ninh quốc tế. Sau khi Liên Xô tan rã, trụ cột đó không còn nữa. Trong điều kiện đó, Mỹ đứng đầu Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đơn phương phát động nhiều cuộc chiến tranh, đẩy thế giới vào trạng thái bất ổn, khó kiểm soát. Đồng thời, NATO kết nạp nhiều quốc gia mới trong không gian hậu Xô Viết và không ngừng mở rộng các căn cứ quân sự tới sát biên giới Nga, đe dọa sự tồn vong của Liên bang Nga vừa được hình thành và kế thừa vị thế của Liên Xô.
Để biện minh cho mưu toan phát động các cuộc chiến nhằm chống sự phát triển của Nga, một số thế lực trên thế giới trong nhiều năm qua đã thực thi chiến dịch tuyên truyền về cái gọi là “nguy cơ xâm lược từ Mat-xcơ-va”. Để đạt được mục đích, họ ra sức xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II, coi Liên Xô cũng như Đức Quốc xã đều có tội như nhau trong việc gây ra cuộc chiến tranh này và khẳng định Liên Xô là quốc gia “xâm lược châu Âu”. Từ đó, họ coi Nga - quốc gia kế thừa vị thế của một “quốc gia xâm lược”, cũng đang “chuẩn bị đánh chiếm châu Âu”. Mượn cớ đó, NATO không ngừng kết nạp thêm nhiều thành viên mới và đưa căn cứ quân sự tới sát biên giới Nga. Vì thế, trong Thông điệp Liên bang lần này, Tổng thống V.Pu-tin nhấn mạnh, trong năm 2020 Liên bang Nga sẽ kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đây là ngày lễ thiêng liêng nhất của nước Nga và là dịp để khẳng định nghĩa vụ bảo vệ sự thật về Chiến thắng này và đập tan những luận điệu dối trá như một thứ “dịch bệnh truyền nhiễm” lây lan khắp thế giới rằng, Liên Xô và Nga đều là “quốc gia xâm lược”. Tổng thống V.Pu-tin cho biết, để bảo vệ sự thật lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II, Nga sẽ công bố hệ thống tư liệu lớn nhất, đầy đủ nhất về cuộc chiến này và cho phép thế giới tiếp cận hệ thống đó.
Trong 20 năm cầm quyền, Tổng thống V.Pu-tin đã có công lớn đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng toàn diện trong những năm 1990 và phát triển ổn định, đồng thời phát huy vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và hóa giải nguy cơ chiến tranh nhằm vào Nga. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về kinh tế, với ngân sách quốc phòng hạn hẹp (gần 67 tỷ USD so với 716 tỷ USD của Mỹ trong năm 2019), nước Nga đã nghiên cứu phát triển thành công và đưa vào trang bị nhiều loại vũ khí mới, tạo sự cân bằng chiến lược với NATO, đứng đầu là Mỹ. Thành tựu này có ý nghĩa quan trọng tương tự như sự kiện Liên Xô lần đầu tiên thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1949, phá thế độc quyền của Mỹ đối với loại vũ khí này, làm phá sản mưu toan của một số thế lực theo đuổi mục tiêu gây ra cuộc chiến tranh nhằm vào Nga.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2020, Tổng thống V.Pu-tin cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Nga đã vượt trước các nước khác trên thế giới trong việc phát triển và đưa vào trang bị các loại vũ khí hạt nhân chiến lược hoàn toàn mới. Các loại vũ khí chiến lược đó đã từng được Tổng thống V.Pu-tin chính thức công bố trong bản Thông điệp Liên bang năm 2018, điển hình là các tổ hợp vũ khí siêu vượt âm “Kinzhal”, “Avangard” và “Burevestnik”, vũ khí la-de “Peresvet” và tàu ngầm không người lái được lắp động cơ hạt nhân “Poseidon”. Theo Tổng thống V.Pu-tin, nỗ lực của Nga chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đất nước và sẽ không chạy đua vũ trang với bất cứ quốc gia nào; đồng thời, khẳng định khả năng phòng thủ của nước Nga đã được bảo đảm vững chắc trong nhiều thập kỷ tới, tạo lá chắn tin cậy để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Hóa giải tình trạng khó khăn về dân số học
Đối với nước Nga, tăng dân số không chỉ là yêu cầu bức xúc nhất hiện nay về nhân khẩu học mà còn là vấn đề an ninh quốc gia. Do đó, trong định hướng phát triển nước Nga trong thập kỷ tới, Tổng thống V.Pu-tin đặc biệt lưu ý vấn đề tăng dân số. Ông nhấn mạnh, số phận và tương lai của nước Nga phụ thuộc cốt tử vào khả năng duy trì sự tăng trưởng dân số. Hiện nay, dân số Nga là 147 triệu và đang bước vào thời kỳ khó khăn về nhân khẩu học, tỷ lệ sinh năm 2019 tuy đạt mức 1,5 so với mức 1,3 vào năm 1943 và 1,16 trong thập niên 1990 nhưng tỷ lệ này đối với nước Nga là chưa đủ; trong đó, có khoảng 70-80% gia đình có con nhỏ thu nhập thấp. Vì vậy, nước Nga cần thực thi nhiều biện pháp hỗ trợ bổ sung cho các gia đình này, theo hướng các gia đình sau khi sinh con đầu lòng được nhận trợ cấp 466.000 Rúp để cải thiện điều kiện nhà ở và sau khi sinh con thứ 2 sẽ được nhận trợ cấp 616.000 Rúp. Gia đình có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu khi sinh con thứ 3 sẽ được nhà nước tài trợ một nửa số tiền để sở hữu nhà ở. Ngoài ra, trẻ em dưới 3 tuổi được trợ cấp hằng tháng 11.000 Rúp, tùy thuộc vào mức sống tối thiểu tại khu vực định cư, còn trẻ em từ 3 tuổi đến 7 tuổi được trợ cấp 5.000 Rúp. Từ năm 2021, khoản trợ cấp này được tăng gấp đôi. Để tạo điều kiện nâng cao chất lượng dân số trẻ, Tổng thống V.Pu-tin đề xuất sẽ xây dựng hệ thống nhà ăn và tổ chức bữa trưa miễn phí tại tất cả các nhà trẻ, mẫu giáo và trường học từ ngày 01-9-2023. Ngoài ra, từ ngày 01-9-2020 sẽ tăng lương cho gần 01 triệu giáo viên, ít nhất là 5.000 Rúp, từ ngân sách liên bang; tiếp tục hiện đại hóa và đưa vào sử dụng các trang bị, phương tiện mới cho các cơ sở y tế và đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành y. Từ năm 2020, ngành y tế Nga sẽ áp dụng hệ thống lương mới gồm ba khoản: khoản cố định, khoản bổ sung và khoản phụ cấp, nhằm khuyến khích người lao động trong lĩnh vực này; giải quyết vấn đề nhà ở cho bác sĩ và nhân viên y tế; có chính sách thu hút sinh viên vào học các chuyên ngành y; thay đổi hệ thống kiểm soát chất lượng thuốc, không chỉ tại các doanh nghiệp dược phẩm mà còn ở các hiệu thuốc. Mục tiêu của chương trình này là tới giữa thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, Nga sẽ có 19 triệu học sinh được phát triển toàn diện, tăng gần 6 triệu so với năm 2010.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Tổng thống V.Pu-tin thông báo ngân sách liên bang của Nga tiếp tục thặng dư, đồng thời hoạt động của chính phủ và ngân hàng trung ương đã giúp bình ổn giá và duy trì lạm phát ở mức thấp. Căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, Nga sẽ tăng thu nhập và tăng cường cải thiện đời sống người dân. Trong những năm tới, Nga sẽ tiếp tục thay đổi cơ cấu nền kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức trung bình trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, từ năm 2020 Nga sẽ nỗ lực tăng đầu tư hằng năm ít nhất 5% và đẩy nhanh việc áp dụng các dự luật mới để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Nga sẽ tập trung thực hiện thành công 12 dự án quốc gia.
Hướng tới quốc gia sạch về môi trường
Tổng thống V.Pu-tin xác định, Nga sẽ áp dụng hệ thống giám sát môi trường hoàn chỉnh. Theo đó, đến cuối năm 2020 có ít nhất 80 trong số 300 nhà sản xuất cải tiến công nghệ để nhận được giấy phép về an toàn môi trường thông qua việc tăng cường phân loại rác thải và từng bước chuyển sang nền kinh tế theo chu trình khép kín, không có phế thải; sẽ áp dụng nguyên tắc các nhà sản xuất phải trả tiền cho việc xử lý bao bì hàng hóa của họ. Về lâu dài, Nga sẽ hỗ trợ nghiên cứu phát triển các công nghệ định hướng tương lai, sao cho trong lĩnh vực môi trường nước Nga cũng có thể đạt được bước đột phá tương tự như trong lĩnh vực quốc phòng.
Hướng tới cường quốc khoa học - công nghệ
Nga sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu, trong đó có các thành phố khoa học, tạo điều kiện và khả năng làm việc trên các thiết bị hiện đại nhất, tạo động lực cho thế hệ trẻ tài năng dấn thân vào khoa học. Ước tính, đến giữa thập kỷ sau, cứ 02 nhà khoa học Nga sẽ có 01 người dưới 40 tuổi. Các trường đại học quốc gia của Nga trong lĩnh vực toán học, vật lý, khoa học chính xác khác và trong lĩnh vực nhân văn có khả năng thực sự thực hiện thành công các đột phá trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Nước Nga sẽ tạo cơ hội học tập, đưa các trường đại học và cao đẳng chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, di truyền học, công nghệ kỹ thuật số và năng lượng, tương tự như trong lĩnh vực quốc phòng.
Hiến định chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga
Tổng thống V.Pu-tin khẳng định, nước Nga chỉ có thể phát triển thành một cường quốc khi và chỉ khi giữ vững nền độc lập và có chủ quyền. Do đó, trong Thông điệp Liên bang năm nay, Tổng thống V.Pu-tin đề nghị sửa đổi một số nội dung của Hiến pháp Nga nhằm tăng cường chủ quyền quốc gia. Theo đó, các yêu cầu của luật pháp và điều ước quốc tế, cũng như các quyết định của các cơ quan và tổ chức quốc tế chỉ có thể có hiệu lực trên lãnh thổ Nga khi những điều luật và yêu cầu đó không vi phạm quyền và quyền tự do của công dân Nga và không mâu thuẫn với Hiến pháp của Liên bang Nga. Ngoài ra, sẽ hiến định chủ trương quốc gia hóa giới tinh hoa chính trị của nước Nga. Hiến định trong Hiến pháp Nga các yêu cầu bắt buộc đối với những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và chủ quyền của đất nước. Nghĩa là, bắt đầu từ tổng thống, các bộ trưởng và đại diện liên bang, đến các thống đốc và thẩm phán, sẽ không được có quốc tịch nước ngoài, không được có giấy phép cư trú hoặc tài liệu khác cho phép họ định cư trên lãnh thổ của quốc gia khác. Ngoài ra, các ứng cử viên tổng thống phải là người Nga và thường trú tại Nga ít nhất 25 năm.
Cải cách hệ thống chính trị của Liên bang Nga
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm 20 năm cầm quyền và sự phát triển của nước Nga trong kỷ nguyên hậu Xô Viết, Tổng thống V.Pu-tin đề xuất cải cách hệ thống chính trị của nước Nga. Theo Pu-tin, cần phải tạo dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, đáng tin cậy, không bị tổn thương do tác tác động từ bên ngoài, có khả năng đảm bảo vững chắc nền độc lập và chủ quyền của Nga. Đồng thời, hệ thống đó phải sống động, linh hoạt, kịp thời thay đổi trước sự thay đổi tình hình trên thế giới, xung quanh nước Nga và phải gắn với sự phát triển của chính xã hội Nga. Do đó, Tổng thống V.Pu-tin đề xuất nhiều biện pháp cải cách hệ thống chính trị của Liên bang Nga. (1) Cải cách quy trình bổ nhiệm nội các, theo Điều 111 và 112 của Hiến pháp Liên bang Nga hiện hành, tổng thống căn cứ vào sự đồng thuận của Đu-ma quốc gia Nga về việc bổ nhiệm thủ tướng để ký quyết định bổ nhiệm người đứng đầu và các thành viên nội các. Tổng thống V.Pu-tin đề xuất thay đổi quy trình này theo hướng sẽ hiến định cho Đu-ma quốc gia không chỉ có chức năng xem xét thông qua mà còn phê chuẩn ứng cử viên thủ tướng. Tiếp đến, theo đề nghị của thủ tướng, Đu-ma quốc gia sẽ phê duyệt các ứng cử viên phó thủ tướng và các bộ trưởng, tổng thống chịu trách nhiệm ký quyết định bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên nội các. Nghĩa là, tổng thống không có quyền bác bỏ kết quả phê duyệt của Đu-ma quốc gia. Tuy nhiên, Tổng thống V.Pu-tin cũng cho rằng, xuất phát từ đặc điểm lịch sử, văn hóa và vị thế địa - chính trị, Liên bang Nga sẽ không thể trở thành quốc gia theo thể chế nghị viện mà phải là quốc gia có thể chế nghị viện - tổng thống. Do đó, tổng thống Nga vẫn nắm quyền xác định nhiệm vụ và những ưu tiên trong hoạt động của chính phủ; có quyền cách chức thủ tướng và các thành viên nội các trong trường hợp họ không hoàn thành trách nhiệm được giao và mất tín nhiệm; có toàn quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang Nga và toàn bộ hệ thống bảo vệ pháp luật; có quyền bổ nhiệm người đứng đầu tất cả các cơ quan sức mạnh sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Liên bang. (2) Hiến định vị thế của Hội đồng nhà nước trong Hiến pháp Nga. Năm 2000, theo sáng kiến của Tổng thống V.Pu-tin, Hội đồng Nhà nước được thành lập, trong đó có sự tham gia của người đứng đầu tất cả các khu vực trong liên bang. Trong thời gian qua, hoạt động của Hội đồng Nhà nước chứng tỏ đạt hiệu quả cao trong việc xem xét một cách chuyên nghiệp, toàn diện và chất lượng các vấn đề quan trọng nhất của quốc gia. Do đó, cần hiến định vị thế của Hội đồng Nhà nước trong Hiến pháp Nga. (3) Mở rộng quyền lực của chính quyền địa phương và tích hợp vào một hệ thống chính quyền thống nhất trong cả nước. Trong đó, vai trò của các thống đốc sẽ được nâng cao và là một phần của quyền lực liên bang. Vì thế, ảnh hưởng của họ đến các quyết định liên bang sẽ tăng lên thông qua việc củng cố vị thế của Hội đồng Nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của các thống đốc trong phát triển đất nước thông qua các quyết định ở cấp liên bang. (4) Sẽ có những thay đổi trong hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật. Các công tố viên khu vực sẽ được bổ nhiệm trên cơ sở sự đồng thuận của Hội đồng Liên bang. Nghĩa là, sẽ tăng cường sự kiểm soát của trung tâm liên bang và sẽ giảm sự phụ thuộc vào ảnh hưởng của khu vực. Hiện tại, các công tố viên được bổ nhiệm theo sự đồng thuận của Hội đồng Lập pháp khu vực nên hoạt động của các công tố viên thiếu tính khách quan và vô tư. (5) Tăng cường vai trò của Tòa án hiến pháp. Tòa án hiến pháp sẽ căn cứ vào yêu cầu của tổng thống để xác minh tính hợp hiến của các dự luật được quốc hội thông qua trước khi trình nguyên thủ quốc gia ký phê chuẩn. Tòa án Hiến pháp cũng sẽ được trao quyền đánh giá không chỉ các đạo luật mà cả các hành vi điều chỉnh pháp lý khác của các cơ quan chính phủ sao cho phù hợp với Hiến pháp, không chỉ ở cấp liên bang mà còn ở cấp khu vực. (6) Trao cho Hội đồng Liên bang quyền bãi nhiệm các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp và Tóa án tối cao. Theo đề nghị của tổng thống, Hội đồng Liên bang sẽ có quyền bãi nhiệm các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp và Tóa án tối cao trong trường hợp hoạt động của họ vi phạm danh dự, nhân phẩm và tư cách thẩm phán. Hội đồng Liên bang còn có quyền tham khảo ý kiến của tổng thống về việc bổ nhiệm những người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật liên bang. (7) Hiến định mức tiền lương tối thiểu của người lao động. Tổng thống V.Pu-tin đề xuất, mức tiền lương tối thiểu của người lao động sẽ được ghi vào Hiến pháp Nga, mức lương này sẽ không được thấp hơn mức sống tối thiểu của người dân theo tiến trình phát triển của nước Nga.
Tổng thống V.Pu-tin cho rằng, tuy những đề xuất sửa đổi hiến pháp sẽ không làm thay đổi nền tảng cơ bản của Hiến pháp Liên bang Nga, nhưng sẽ làm thay đổi đáng kể hệ thống chính trị của nước Nga và thay đổi hoạt động của các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để thực hiện vấn đề này, cần tiếp thu ý kiến rộng rãi của người dân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Những sửa đổi Hiến pháp Nga do Tổng thống V.Pu-tin đề xuất sẽ thay đổi diện mạo hệ thống chính trị của đất nước, tạo một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển trong một giai đoạn dài nhiều thập kỷ.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Thông điệp 2020 của Tổng thống V.Pu-tin
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ