Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:50 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Cuộc nội chiến ở Syria đến nay đã gần tám năm, nhưng chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt, khi Hoa kỳ quyết định rút một phần quân đội ra khỏi vùng Đông Bắc nước này. Cánh cửa hòa bình đã hé mở, nhưng nó vội khép lại, bởi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” tấn công người Kurd ở Syria nhằm loại trừ mối hiểm họa sau này.
Cánh cửa hòa bình chưa kịp hé mở đã vội khép lại
Ngày 07-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút một phần quân đội khỏi vùng Đông Bắc Syria, nơi giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ để lại một khoảng trống quyền lực, gây khó khăn cho lực lượng người Kurd ở khu vực này - tổ chức mà Ankara cho là khủng bố, sớm muộn cũng phải tiêu diệt để loại trừ hiểm họa đến sự tồn vong của Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với người Kurd, vì họ vừa phải canh giữ và đảm bảo cuộc sống cho khoảng 10.000 tù nhân IS, vừa phải sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc tấn công của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (quân đội có quy mô lớn thứ hai trong khối NATO). Các quan chức người Kurd ở Syria cho rằng, Hoa Kỳ “đâm sau lưng” họ, còn cơ quan Chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria bình luận trên tờ Washington Post, “Hiện nay, chúng ta đang bị phản bội”. Để biện minh cho hành động của mình, ngày 11-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định, “chúng tôi không bỏ rơi người Kurd”, chỉ vì thời gian này, Mỹ đang tập trung bảo vệ binh lính của mình. Dù hai bên có biện minh như thế nào đi chăng nữa thì sự thật cũng đã rõ, động thái của Mỹ “ngầm mở đường” cho Ankara thực hiện cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước nhằm vào người Kurd ở miền Bắc Syria (?). Lực lượng này từng là “công cụ” được Mỹ sử dụng để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đúng là thời cơ có một không hai, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi từ rất lâu. Không còn lý do nào khác, bỏ qua dư luận, ngày 09-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố mở màn chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình”. Thực hiện kế hoạch này, họ sử dụng không quân, pháo binh đồng loạt tấn công 181 căn cứ mà Ankara cho là “cơ sở khủng bố” của người Kurd. Tiếp theo đó, các lực lượng mặt đất vượt biên giới tiến vào miền Bắc Syria. Vậy là chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan “bấm nút”.
Mục tiêu chiến dịch, theo Tổng thống Erdogan là xây dựng một “vùng an toàn” sâu về phía Syria khoảng 30 km, làm “vùng đệm” ngăn cách lực lượng vũ trang người Kurd với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và là nơi sinh sống cho khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giáo sư Quách Trường Cương, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Trường Đại học Thượng Hải, Trung Quốc giải thích: “vùng đệm an toàn” là mục tiêu trực tiếp nhất của Ankara. Nếu mục tiêu chiến dịch trở thành hiện thực, Ankara vừa có thể tấn công lực lượng vũ trang người Kurd, vừa tạo điều kiện trút bỏ gánh nặng người tị nạn; đồng thời, có thể ngăn chặn tàn binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chạy vào Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng theo ông này, “vùng an toàn” có thể chỉ là mục tiêu ngụy biện của Thổ Nhĩ Kỳ. Xét về dài hạn, Tổng thống Erdogan có thể còn mục tiêu khác, tham vọng lớn hơn. Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ nhúng tay vào Syria nhằm mục tiêu lật đổ Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, xây dựng Chính phủ của phái Sunni. Theo nhận định của các chiến lược gia thì từ đây về sau, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ nỗ lực đi theo hướng này. Chỉ với một số lý do như đã nêu, cũng đủ để cánh cửa hòa bình cho vùng Đông Bắc Syria nói riêng, cho Syria nói chung chưa kịp hé mở đã vội khép lại.
Dư luận thế giới và sự phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút một phần quân đội ra khỏi vùng Đông Bắc Syria đã gặp không ít sự phản ứng gay gắt. Ngay nội bộ chính trường nước Mỹ, thậm chí trong Đảng Cộng hòa, đảng của Tổng thống cũng có nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình với quyết định đó. Thượng nghị sĩ Marco Rubi của Đảng Cộng hòa - bang Florida cũng viết trên Twitter của mình hôm 09-10 rằng, “Chính quyền Trump” đạt thỏa thuận (với Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Recep Tayyip Erdogan) cho phép ông ta quét sạch (người Kurd). Thiệt hại đối với danh tiếng và lợi ích quốc gia sẽ rất lớn và kéo dài. Một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, người thân của Tổng thống Donald Trump ở bang Nam Caronila gọi quyết định của Ông là “thảm họa”. Ông này còn phân tích và bình luận chi tiết đối với quyết định của Tổng thống Donald Trump, “đảm bảo cho một sự hồi sinh của IS” và “sẽ là một vết nhơ đối với danh dự của Mỹ”, v.v. Rất nhiều người phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump và đều lo sợ rằng, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sẽ từ bỏ hoặc thả tù nhân IS một khi phải dồn các nguồn lực của mình vào việc chiến đấu với Ankara. Các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm sao nhãng chiến dịch chống IS của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bởi theo chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley - ngày 11-10 khẳng định, cuộc chiến chống IS ở Syria vẫn chưa kết thúc, đồng nghĩa với đó là cánh cửa hòa bình cho Syria chưa thể mở.
Bỏ mặc sự phản kháng của các nghị sĩ cả hai đảng: Cộng hòa và Dân chủ, kể cả các nghị sĩ là bạn thân của Tổng thống, nhưng Donald Trump vẫn hành động theo quyết định của mình và không có ý định thu lại quyết định rút quân khỏi vùng Đông Bắc Syria. Tổng thống Donald Trump đã phản bác quyết liệt các nghị sĩ bằng cách giảm bớt tầm quan trọng của người Kurd trong việc giúp Mỹ chiến đấu chống lại IS. Ông viết trên Twitter của mình rằng, họ “chiến đấu cùng chúng ta, nhưng họ được trả một số tiền lớn cùng nhiều thiết bị để làm điều đó”. Một phản ứng khác của Tổng thống Mỹ với các nghị sĩ có quan điểm trái triều trong một cuộc họp báo hôm 09-10, Ông vẫn khăng khăng bảo vệ quyết định của mình là, người Kurd chỉ “đang chiến đấu vì đất đai của họ”; đồng thời, biện minh cho quan điểm là các binh lính người Kurd đã không chiến đấu cùng người Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ II.
Tại sao, trước rất nhiều quan điểm phản đối, kể cả một số nghị sĩ là bạn thân, thậm chí cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper, nhưng vẫn không lay chuyển được lập trường của Tổng thống Donald Trump. Sự phản ứng quyết liệt và giữ vững lập trường của Tổng thống Donald Trump có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm nhất có lẽ là, Ông đang thực hiện lời hứa của mình với cử tri trước khi tranh cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ năm 2016. Lời hứa này đã góp phần quan trọng đưa Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Do vậy, Tổng thống Donald Trump quyết định táo bạo, muốn đặt “canh bạc” chính trị vào cử tri Mỹ cho lần tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ Hai của ông - Tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Lời hứa này đã đi vào lòng người dân nước Mỹ, vì họ không muốn chồng, con, em của họ phải bỏ mạng ở các chiến trường mà người Mỹ tham gia, nhưng không biết đến bao giờ kết thúc. Họ cũng chính là người dành cho Tổng thống Donald Trump những lá phiếu để Ông bước vào Nhà trắng nhiệm kỳ kế tiếp(!).
Toan tính của các phe phái nhằm giành ảnh hưởng ở Syria
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu chiến lược, thì Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ được khởi động trong không gian và thời gian vô cùng thuận lợi, vì tại thời điểm này, ở Syria có nhiều phe phái tồn tại, ngoài tổ chức khủng bố IS, còn có 03 phe chủ yếu: phe thứ nhất, gồm: Nga, Iran và Chính phủ Syria; phe thứ hai, gồm: Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng đối lập ở Syria; phe thứ ba, gồm: Mỹ và lực lượng vũ trang người Kurd. Ba phe phái này có lúc đối kháng toàn diện, nhưng cũng có lúc hợp tác với nhau vì mục đích, lợi ích chung của từng phe, hay lợi ích riêng của mỗi thành viên, v.v. Vì thế, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút một phần quân đội ra khỏi vùng Đông Bắc Syria, sự cân bằng mong manh giữa ba bên bị phá vỡ. Hai bên khác có thể sẽ có những hành động nhằm tạo thế cân bằng mới có lợi cho mình. Chính vì thế, khi nắm được tín hiệu Mỹ rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ vội vàng mở Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” nhằm tấn công tiêu diệt lực lượng người Kurd. Trước tình thế đó, ngày 13-10, lực lượng người Kurd có cuộc đối thoại với Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, cho phép Quân đội Syria (SAA) triển khai đến vùng Đông Bắc để đối phó với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà phân tích Quách Trường Cương cho rằng, “Sắp tới đây, thái độ của Nga đóng vai trò vô cùng quan trọng”. Vì thế, trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua tổ hợp tên lửa S-400 của Nga - tổ hợp tên lửa hiện đại nhất; đồng thời, còn đề cập mua máy bay Su-35, Su-57, v.v. Việc làm này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn gây thiện cảm với Tổng thống Nga V. Putin. Nhưng ngược lại, nếu chiến dịch này mà Thổ Nhĩ Kỳ đi quá xa, “động chạm” đến lợi ích của Nga, rất có thể Mát-xcơ-va sẽ hành động. Lúc đó, Washington buộc phải đưa ra quyết định nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ ở Syria.
Trước những “canh bạc” có thể xảy ra khi Mỹ rút quân, đẩy Hoa Kỳ vào tình thế vô cùng khó xử, bất lợi không thể đưa quân đội quay trở lại Đông Bắc Syria để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ, mà cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn, như họ đã và đang làm. Cùng với sự nỗ lực biện minh cho mình, ngày 16-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cử phó Tổng thống Mỹ Pence cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Ankara để hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn. Sau nhiều giờ thuyết phục, Washington và Ankara đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” - “đình chỉ chiến dịch” theo cách gọi của mỗi bên trong 5 ngày (120 giờ). Tại sao có thời hạn này? Bởi đây là thời điểm chót trước khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Sochi. Cùng với đó, Mỹ đưa ra nhiều lời đe dọa, áp đặt các lệnh trừng phạt lên các thực thể của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là ngón đòn gần như Washington cho là con bài hữu hiệu nhất đối với các quốc gia không nghe và không làm theo những gì Hoa Kỳ yêu cầu. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã phát đi tín hiệu ủng hộ luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Dự luật được cả hai đảng ủng hộ sẽ trừng phạt các quan chức và ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cho tới khi quốc gia này chấm dứt các chiến dịch quân sự ở Syria. Ngày 11-10, Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin cũng đe dọa áp đặt “các lệnh trừng phạt mạnh mẽ” chống lại Ankara và nói Mỹ có thể đóng cửa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu cần phải làm như vậy (?).
Trước tình thế cuộc chiến mới ở Syria, các phe phái đã có những thỏa thuận với nhau: Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Syria với lực lượng người Kurd, còn Nga thì có nhiều toan tính; lực lượng Nga trên chiến trường đã vượt sông Euphrates ở miền Bắc Syria vào tới khu vực bên ngoài thành phố Cobani, hướng về phía Đông với các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu, v.v. Tình hình thực tế cho thấy, an ninh, chính trị ở quốc gia này còn rất phức tạp, do vậy sự mong mỏi về một nền hòa bình còn xa vời đối với người dân Syria
Đại tá ĐỖ HẢI ÂU
Hòa bình cho Syria
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ