Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 08/08/2019, 10:30 (GMT+7)
Hệ lụy từ việc Mỹ công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan

Ngày 25-3-2019, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan - vùng lãnh thổ mà I-xra-en chiếm đóng của Xy-ri từ năm 1967. Dư luận quốc tế phản đối sắc lệnh này của Mỹ, bởi nó có thể gây những hệ lụy khôn lường đối với an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế.

Cao nguyên Gô-lan là một vùng lãnh thổ của Xy-ri, có diện tích khoảng 1.800km2, phía Tây giáp I-xra-en, phía Bắc giáp Li-băng, phía Nam giáp Gioóc-đa-ni; ở rìa Cao nguyên là biển hồ Ga-li-lê, được ví như là “kho tài sản chiến lược” về tài nguyên nước của khu vực. Điều kiện địa lý tự nhiên đó tạo cho Cao nguyên Gô-lan vị trí trọng yếu chiến lược ở khu vực.

Một khu định cư của I-xra-en tại Cao nguyên Gô-lan. Ảnh: AFP

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 (còn gọi là cuộc chiến tranh 6 ngày), I-xra-en đã đánh chiếm phần lớn Cao nguyên Gô-lan của Xy-ri, Bán đảo Si-nai, Dải Ga-da của Ai Cập, Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem của Gioóc-đa-ni. Năm 1981, Quốc hội I-xra-en đã quyết định sáp nhập Cao nguyên Gô-lan và Đông Giê-ru-xa-lem vào lãnh thổ của I-xra-en, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Ngày 17-12-1981, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có cả Mỹ, đã thông qua Nghị quyết 497 lên án hành động của I-xra-en sáp nhập Cao nguyên Gô-lan là “không có hiệu lực và không phù hợp luật pháp quốc tế”; đồng thời, kêu gọi Ten A-víp chấm dứt việc chiếm đóng Cao nguyên Gô-lan.

Vì sao Mỹ lại thay đổi lập trường để công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan?

Trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Đô-nan Trăm lý giải rằng, Cao nguyên Gô-lan “có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và an ninh đối với nhà nước I-xra-en và ổn định khu vực”; Nhà nước I-xra-en đã kiểm soát Cao nguyên Gô-lan hơn 52 năm qua và đã đến lúc Mỹ phải công nhận một cách đầy đủ chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên chiến lược này. Đồng thời, khẳng định quyết định của Mỹ công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan là việc làm “cấp thiết đối với an ninh quốc gia của I-xra-en và sự ổn định của khu vực”. Ủng hộ quan điểm này, một số quan chức Nhà Trắng cho rằng, quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm chỉ là sự thừa nhận “một thực tế không thể thay đổi” đối với Cao nguyên Gô-lan và họ tin điều đó sẽ là “nền tảng hợp pháp” để thúc đẩy việc giải quyết xung đột giữa I-xra-en với các nước A-rập. Còn Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu - người được hưởng lợi từ sắc lệnh này của Mỹ thì ca ngợi rằng, Tổng thống Đô-nan Trăm đã “làm nên lịch sử” và là “người bạn vĩ đại” của người dân I-xra-en”.

Tuy nhiên, sắc lệnh trên đã bị nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước đồng minh thân cận của Mỹ kịch liệt phản đối, coi đó là hành động cường quyền, bất chấp công lý, đạo lý để đạt những mục đích riêng. Chuyên gia của nhiều nước đã chỉ rõ, hằng năm, Nhà Trắng vẫn dành một khoản ngân sách (khoảng 3 tỷ USD) để “viện trợ không hoàn lại”, chủ yếu là mua sắm vũ khí, trang, thiết bị quân sự hiện đại cho chính quyền của Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu, nhằm xây dựng I-xra-en thành một “tiểu Hoa Kỳ” ở khu vực Trung Đông - khu vực địa chiến lược trọng yếu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Hiện nay, xét về tiềm lực và thực lực quân sự, I-xra-en được đánh giá là quốc gia đứng trong tốp đầu của khu vực. Trong cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 4-2019, chính quyền của Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu đang ở thế vô cùng “bất lợi” trước những cáo buộc về tội tham nhũng và độc quyền. Bởi vậy, việc Tổng thống Đô-nan Trăm bất chấp Nghị quyết 497 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan là một hành động được “tính toán kỹ lưỡng”, nhằm tạo “cú hích” đầy trọng lượng giúp Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu giành lợi thế trong cuộc bầu cử được cho là “gay cấn” này. Và đúng như tính toán của Nhà Trắng, Ông Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu đã giành chiến thắng thuyết phục trong nhiệm kỳ thứ 5, trở thành vị thủ tướng lâu đời nhất trong lịch sử I-xra-en. Ở một khía cạnh khác, các nhà phân tích của nhiều nước cũng cho rằng, thông qua việc công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan, Tổng thống Đô-nan Trăm còn toan tính thực hiện “một bước đi chiến lược” khác, nhằm làm tăng cơ hội tái đắc cử cho mình trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2020, đó là “lấy lòng” những cử tri thuộc nhóm người Ki-tô giáo ủng hộ I-xra-en ở Mỹ. Bởi lẽ, năm 2016, rất nhiều cử tri trong số này đã bỏ phiếu để ông Đô-nan Trăm trúng cử Tổng thống và hiện họ đang chiếm số đông và giữ nhiều trọng trách trong nội các Mỹ, từ Ngoại trưởng Mai Pom-peo đến Phó Tổng thống Mai Pen-xơ, v.v.

Đánh giá về quyết định của chính quyền Mỹ công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan, nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, Tổng thống Đô-nan Trăm đang “đi một nước cờ” mạo hiểm, “hên thì ít, xui thì nhiều” không chỉ đối với Mỹ mà cho cả khu vực và thế giới.

Hệ lụy từ sắc lệnh Mỹ công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan

Chính khách của nhiều nước cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống Đô-nan Trăm công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan đã đặt “dấu chấm hết” cho chính sách của Mỹ - nước đóng vai trò “trung gian hòa giải” xung đột giữa I-xra-en và các nước A-rập mà các chính quyền tiền nhiệm đã theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua. Theo họ, kể từ khi lên nắm quyền, với khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Đô-nan Trăm đã có nhiều tuyên bố và quyết định bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế để thực hiện cái gọi là bảo vệ “an ninh, lợi ích quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ”. Trong chiến lược Trung Đông, ngày 09-5-2018, Tổng thống Đô-nan Trăm đã gây “cú sốc” cho thế giới khi tuyên bố đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đã ký với I-ran năm 2015 - thỏa thuận được dư luận đánh giá là “lịch sử” và là thành tựu ngoại giao nổi bật của chính quyền cựu Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Đồng thời, ông Trăm còn cáo buộc I-ran chính là “nhân tố chính” gây mất ổn định ở khu vực và đang lợi dụng Cao nguyên Gô-lan để chống phá nhà nước I-xra-en. Tiếp đó, tháng 12-2017, Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố công nhận Giê-ru-xa-lem là Thủ đô của I-xra-en và chuyển Đại sứ quán Mỹ về đó. Đây thực chất là “bước đệm” để Mỹ “tiến tới” công nhận chủ quyền đầy đủ của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan, gây bất bình cho quốc tế. Việc chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm “thay đổi 180 độ”, từ chính sách đóng vai trò “trọng tài hòa giải” ở khu vực sang chính sách “thiên vị” bảo vệ đồng minh I-xra-en, thực chất là để phục vụ cho chiến lược “bá quyền Trung Đông” của mình, làm cho dư luận các nước A-rập “hết sức bất bình và thất vọng”.

Nhiều nước thuộc Liên đoàn các quốc gia A-rập khẳng định, Cao nguyên Gô-lan là lãnh thổ “không thể tranh cãi” của Xy-ri và không một quốc gia nào có quyền “bóp méo lịch sử” bằng cách chuyển chủ quyền lãnh thổ của quốc gia này thành của quốc gia khác. Họ cũng chỉ rõ, quyết định của chính quyền Mỹ về Cao nguyên Gô-lan là “chà đạp” lên công lý, khơi sâu thêm mâu thuẫn giữa I-xra-en với thế giới A-rập, làm cho bạo lực và xung đột ở khu vực càng thêm gay gắt, phức tạp. Sau sắc lệnh của Tổng thống Đô-nan Trăm, Chính phủ Xy-ri đã ra tuyên bố coi đó là hành động “xâm lược” và không thể chấp nhận được. Chính phủ Xy-ri cũng khẳng định sẽ chiến đấu để giành lại vùng đất bị chiếm đóng này. Nhiều nhóm vũ trang người Hồi giáo đã coi Mỹ là “kẻ thù” của người A-rập và “thề” sẽ tiến công vào các lợi ích của Mỹ ở khu vực và trên thế giới.

Trong những diễn biến tiếp theo, nhiều quốc gia cũng kịch liệt phản đối sắc lệnh của Tổng thống Đô-nan Trăm và coi đây là hành động “thiếu trách nhiệm”, “thiếu cân nhắc”, vi phạm trắng trợn Nghị quyết 497 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế quy định không được vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của nước khác, thông qua việc chiếm đóng. Việc làm đó của Mỹ là một đòn “giáng mạnh” làm suy yếu hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành, mà đáng lý là với tư cách Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ phải là người đi tiên phong trong việc “duy trì” và “bảo vệ” hệ thống luật pháp này. Hơn nữa, sắc lệnh đó có thể tạo tiền lệ xấu trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế. Nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo, phe cánh hữu trong chính quyền Ten A-víp có thể nhân cơ hội này để quyết định sáp nhập các vùng lãnh thổ mà I-xra-en đã chiếm đóng của các nước A-rập, như Dải Ga-da, Bờ Tây,... vào chủ quyền của họ. Một số cường quốc, nước lớn cũng có thể theo “gương” Mỹ để gia tăng việc sử dụng vũ lực nhằm giành chủ quyền lãnh thổ của nước khác, mà luật pháp quốc tế “không thể làm gì để ngăn chặn”. Những hệ lụy từ quyết định của Mỹ công nhận chủ quyền của I-xra-en đối với Cao nguyên Gô-lan có thể làm cho các khu vực và thế giới lâm vào một thời kỳ mất ổn định hết sức nguy hiểm.

Dư luận cho rằng, khu vực Trung Đông có địa chiến lược vô cùng quan trọng của thế giới, bởi ở đây có “sự đan xen chằng chịt” rất nhiều lợi ích và mâu thuẫn, xung đột hết sức phức tạp, khiến cho khu vực này trở thành “điểm nóng” gây nhức nhối cho thế giới trong nhiều thập niên qua. Trong đó, xung đột giữa nhà nước I-xra-en và các nước A-rập là cuộc xung đột “dai dẳng” và “đau thương” nhất. Cộng đồng quốc tế đã có rất nhiều nỗ lực, sáng kiến nhằm hóa giải các mâu thuẫn, xung đột, lập lại hòa bình cho khu vực Trung Đông. Năm 1979, chính Mỹ đã đóng vai trò trung gian hòa giải để Ai Cập và I-xra-en ký Hiệp ước hòa bình Ai Cập - I-xra-en dựa trên Thỏa thuận Trại Đa-vít. Theo đó, I-xra-en trao trả Si-nai cho Ai Cập, còn Ai Cập đồng ý lập lại hòa bình với I-xra-en. Từ kết quả của sáng kiến trên, năm 2010, I-xra-en và Xy-ri đã tiến hành nhiều vòng đàm phán mở ra triển vọng I-xra-en trao trả Cao nguyên Gô-lan cho Xy-ri để đổi lấy hòa bình. Tuy nhiên, xung đột ở Xy-ri bùng phát khiến cho đàm phán giữa hai nước bị gián đoạn. Việc Tổng thống Đô-nan Trăm “đảo ngược” chính sách của những người tiền nhiệm, đưa ra các quyết sách gây bất bình trong thời gian qua ở Trung Đông cho thấy, Mỹ đang định hình lại chiến lược ở khu vực trọng yếu này theo hướng “cứng rắn” hơn. Thời gian tới, chính quyền Mỹ có các quyết sách gì, ảnh hưởng của nó ra sao tới khu vực và thế giới,… vẫn đang còn là câu hỏi mà lời giải có thể còn “bỏ ngỏ”.

Nhiều nhà phân tích quốc tế chỉ rõ, bất cứ giải pháp nào để giải quyết xung đột, mâu thuẫn, thiết lập hòa bình ở Trung Đông cũng đều phải dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân ở khu vực. Đặc biệt, tuyệt đối không được ỷ vào sức mạnh để áp đặt, hoặc thực hiện ý đồ “cường quyền”, “bá quyền” khu vực và thế giới. Chỉ có như vậy, khu vực Trung Đông mới có được hòa bình, ổn định và phát triển.

ĐỨC MINH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...