Thứ Năm, 24/04/2025, 21:38 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trước những biến động phức tạp trên Biển Đông, Hải quân các nước ASEAN đã và đang tăng cường mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, nhằm giữ vững an ninh, ổn định ở khu vực biển này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và triển vọng hợp tác trên, các nước ASEAN nói chung, Hải quân các nước ASEAN nói riêng, cũng đang đứng trước những thách thức an ninh đáng kể (cả truyền thống và phi truyền thống) ở khu vực Biển Đông. Có một thực tế đáng quan ngại là, giữa các nước ASEAN, giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc đang tồn tại những tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại một số vùng biển, đảo. Bên cạnh đó, gần đây, những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền biển quốc gia của một số nước ASEAN đang đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, tạo ra nguy cơ tiềm tàng bùng nổ xung đột quân sự nếu không có nhận thức chung đúng đắn, quyết tâm cho một giải pháp hòa bình và quản lý xung đột hiệu quả. Mặt khác, các thách thức ANPTT đang có chiều hướng gia tăng, tính chất khốc liệt hơn, nhất là các thảm họa thiên tai, môi trường từ sự biến đổi khí hậu toàn cầu; tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên biển, nhập cư bất hợp pháp, các loại tội phạm xuyên quốc gia,... đang là những thách thức an ninh chung, tác động đến mọi quốc gia trong khu vực, kể cả quốc gia có biển hay không có biển. Để đối phó hiệu quả với những thách thức đó; đồng thời, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cùng với các lực lượng quốc phòng khác, Hải quân các nước ASEAN đang tiếp tục củng cố, nâng tầm các quan hệ hợp tác đã có; đồng thời, tăng cường, mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, với các nội dung, hình thức phù hợp, hiệu quả:
Hải quân các nước ASEAN rất chú trọng tổ chức các diễn đàn, hội nghị song phương và đa phương phạm vi khu vực và quốc tế về an ninh để tăng cường mở rộng hợp tác, thúc đẩy đối thoại hòa bình, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh trên Biển Đông. Đó là các diễn đàn, hội nghị đa phương chính trong nội khối ASEAN, như ADMM, Hội nghị Tư lệnh các lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM), Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, Đối thoại về quốc phòng của quan chức các cấp Hải quân các nước ASEAN... Các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế quan trọng, mà ASEAN đóng vai trò chính, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ADMM+ lần thứ nhất, Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 tổ chức tại Xin-ga-po (còn gọi là Đối thoại Shangri-La 10), Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương,... Đây là kênh đối thoại quan trọng, bởi thông qua các diễn đàn, hội thảo này, quan chức Quốc phòng, Hải quân các nước ASEAN có thể trao đổi những vấn đề quốc phòng thuộc tầm vĩ mô, nhất là về quan điểm, chủ trương, chính sách đối với những vấn đề an ninh chung trên Biển Đông mà các bên cùng quan tâm. Thời gian qua, thông qua các diễn đàn, hội nghị nêu trên, các nước ASEAN và các đối tác, các bên đối thoại đã đạt được nhận thức chung về vị trí, tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông. Các bên nhất trí cho rằng, trong Thế kỷ XXI, Biển Đông là không gian "sinh tồn", có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn đối với các nước khác trên thế giới. Do vậy, duy trì an ninh, ổn định trên Biển Đông là lợi ích chung, là trách nhiệm của tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa các nước ở trong và ngoài khu vực trên Biển Đông đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích to lớn cho từng quốc gia, khu vực và thế giới. Nhưng, cùng với đó cũng nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Đây là một thực tế khách quan, là hai mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển. Để duy trì an ninh Biển Đông, các nước cần nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển nói chung, Biển Đông nói riêng trong thế giới đương đại. Những thách thức trên Biển Đông là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột. Đối với các tranh chấp chủ quyền, các nước liên quan cần kiên trì, kiềm chế, xử lý bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOC); kiên quyết không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp. Trước mắt, ASEAN và các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trong đó, việc ASEAN và Trung Quốc ký Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC vào tháng 6-2011 là một dấu mốc quan trọng, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột, tiến tới giải quyết dứt điểm "điểm nóng" này trong tương lai... Mặt khác, ASEAN rất chú trọng tăng cường hiệu lực của các cơ chế hợp tác quan trọng, như: Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ; ADMM+; Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN; các diễn đàn khu vực và quốc tế về an ninh khác, để duy trì và phát huy vai trò trung tâm của mình, cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác trong xây dựng Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Cùng với đó, Hải quân các nước ASEAN chú trọng các biện pháp xây dựng lòng tin, làm cơ sở để tạo sự đồng thuận, tăng cường mở rộng hợp tác trong nội khối và với các nước bên ngoài khu vực. Trong đó, việc công khai, minh bạch quan điểm về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; chính sách quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Hải quân nói riêng được ASEAN duy trì và đẩy mạnh hơn trong giai đoạn hiện nay trên các diễn đàn, hội nghị song phương và đa phương trong nội khối và với các nước ngoài khu vực. Tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác, như: tăng cường các cuộc thăm viếng của các quan chức, tàu thuyền hải quân; tổ chức tuần tra chung; xây dựng các trung tâm chỉ huy, kiểm soát, thông tin dùng chung; phối hợp đào tạo, huấn luyện; thiết lập đường dây nóng;... Tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 (năm 2011), Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN đã thông qua các đề xuất sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam về: Định hướng hợp tác Hải quân các nước ASEAN; Giao lưu sĩ quan trẻ Hải quân các nước ASEAN; Chương trình hoạt động hợp tác Hải quân ASEAN giai đoạn 2011 - 2013. Dư luận các nước ASEAN và quốc tế đánh giá cao, coi đây là những chương trình hoạt động quan trọng, thiết thực góp phần tạo sự thống nhất trong hành động của các nước thành viên, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN và xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh của Khối vào năm 2015; đồng thời, đóng góp tích cực cho an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế.
Hợp tác đối phó với các mối đe dọa ANPTT là một nội dung đang nổi lên, được Hải quân các nước ASEAN tập trung thực hiện. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các mối đe dọa này đang ngày càng gia tăng và tính chất nguy hiểm hơn. Để giải quyết nó, không một quốc gia nào dù mạnh đến đâu có thể tự mình làm được, mà cần sự nỗ lực hợp tác của các nước, các khu vực và quốc tế. Do đó, bên cạnh hợp tác để đối phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống trên biển, Hải quân các nước ASEAN cũng tăng cường hợp tác để đối phó với các mối đe dọa ANPTT theo phương châm: thiết thực, hiệu quả, có định hướng, lộ trình và bước đi phù hợp, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu chung về hợp tác quân sự - quốc phòng của các nước ASEAN. Hải quân các nước ASEAN đang rất chú trọng mở rộng hợp tác trong việc cung cấp thông tin tình báo; diễn tập phòng, chống các loại tội phạm; phòng, chống các thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển; phối hợp tuần tra, nghiên cứu bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái biển...
Là thành viên trong cộng đồng Hải quân các nước ASEAN, Hải quân nhân dân Việt Nam đang ra sức xây dựng theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; đồng thời, đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác giữa Hải quân các nước ASEAN cũng như giữa Hải quân các nước ASEAN với với các nước đối tác đối thoại trong khuôn khổ ADMM+, vì mục tiêu chung xây dựng Biển Đông thành khu vực biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Chuẩn đô đốc PHẠM NGỌC CHẤN
Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực