Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:48 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hiện nay, EU không chỉ phải gồng mình chống chọi đại dịch Covid-19, mà còn phải đối mặt với những nguy cơ bị tấn công từ chủ nghĩa khủng bố. Một loạt vụ tấn công vào công dân Pháp, Áo cuối năm 2020 bất chấp các quốc gia này đã đóng cửa biên giới cho thấy Lục địa già vẫn có những lỗ hổng an ninh cần phải xử lý.
Những thách thức từ khủng bố
Ngày 02/11/2020, tại thủ đô Vienna (Áo) đã xảy ra vụ xả súng do một phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện khiến 04 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Việc thủ đô Vienna vốn nổi tiếng yên bình phải hứng chịu vụ tấn công đẫm máu đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua khiến các quốc gia châu Âu vô cùng lo ngại. Theo phân tích của nhiều chuyên gia an ninh, lý do nhóm khủng bố chọn thủ đô của Áo làm mục tiêu tấn công vì Vienna là biểu tượng của cuộc xung đột giữa Tây Âu và thế giới Hồi giáo1. Trước đó, tại Nhà thờ Notre-Dame ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp cũng đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao khiến 03 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công thứ ba trong vòng chỉ hơn hai tháng tại Pháp liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan, gồm cả vụ sát hại dã man một giáo viên lịch sử ngày 16/10/2020, ở ngoại ô thủ đô Paris sau khi người này cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo trong tiết học.
Các cuộc tấn công ở châu Âu là hồi chuông cảnh báo rằng, chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa hiện hữu tại Lục địa già sau một thời gian tạm lắng vì đại dịch Covid-19. Sự đối đầu ý thức hệ giữa phương Tây và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tiếp tục bộc lộ rõ và dường như quyết liệt hơn. Các tổ chức khủng bố, như: IS, Al-Qaeda, các tổ chức phát xít mới ủng hộ tư tưởng “da trắng thượng đẳng” và những nhóm kích động hận thù luôn tìm cách lợi dụng tình hình chia rẽ, xung đột, cũng như các lỗ hổng trong quản lý nhà nước để đạt được mục đích của chúng.
Nhiều chuyên gia an ninh cũng cho rằng, trong khi nguy cơ an ninh đối với châu Âu vẫn chưa hề suy giảm, bản chất của các mối đe dọa đã thay đổi. Hiện nay, các nguy cơ không chỉ chủ yếu đến từ các tổ chức khủng bố nước ngoài hoặc các tay súng trong nước được IS huấn luyện như trước, mà đã chuyển sang các phần tử tấn công đơn lẻ bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan, song không được các cơ quan an ninh biết đến và mối đe dọa này ngày càng khó xác định. Lực lượng an ninh có thể dễ dàng theo dõi, xâm nhập các mạng lưới có tổ chức, nhưng việc đương đầu với các cá nhân đơn lẻ này đến nay vẫn được coi là nhiệm vụ “bất khả thi”. Đơn cử như đối tượng sát hại giáo viên lịch sử ở ngoại ô thủ đô Paris là Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, người Chechnya thuộc Liên bang Nga. Anzorov đã từng có tiền án, song không thuộc 20.000 đối tượng nằm trong danh sách theo dõi an ninh của cảnh sát Pháp. Hung khí của hắn cũng chỉ là một con dao khác hẳn với những khẩu súng trường tự động hay áo có cài bom mà các đối tượng sử dụng trong vụ tấn công khủng bố ở Paris 05 năm về trước.
Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong thời gian gần đây bộc lộ thực trạng an ninh còn có những lỗ hổng, nên tuy đã đóng cửa biên giới và lệnh tái phong tỏa được áp dụng rộng rãi vì đại dịch Covid-19, nhưng châu Âu vẫn để những phần tử có tư tưởng cực đoan xâm nhập vào sâu trong nội địa thực hiện các hành động khủng bố. Cụ thể, vụ tấn công bằng dao xảy ra tại Nhà thờ Notre Dame là một minh chứng khi thủ phạm được xác định là một công dân Tunisia đến Pháp vào đầu tháng 10/2020, theo con đường bất hợp pháp. Hơn nữa, nhiều nhà phân tích cho rằng, các vụ khủng bố vừa diễn ra liên tiếp tại châu Âu là sự phản ánh những bất cập còn tồn tại trong quan điểm về đạo Hồi, người theo đạo Hồi, cũng như đối với người tị nạn và nhập cư đến từ các quốc gia Hồi giáo tại châu Âu. Những mâu thuẫn, sự phân biệt đối xử, việc thiếu những chính sách hướng nghiệp, tạo việc làm cho các thanh niên nhập cư trẻ tuổi chính là nguyên nhân khiến cho sự trỗi dậy, truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong một bộ phận giới trẻ. Nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh công nghệ truyền thông mới nở rộ và sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng khủng bố có thể dễ dàng “truyền cảm hứng” cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới để thực hiện các vụ tấn công.
Hạn chế trong nỗ lực ngăn chặn dòng tiền khủng bố
Dù quốc tế đã có nhiều biện pháp nhằm siết chặt nguồn tài chính của khủng bố được thông qua sau vụ tấn công Tòa tháp đôi tại New York (Mỹ) ngày 11/9/2001 đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn dòng tiền nguy hiểm này, song thực tế cho thấy, các giải pháp này vẫn chưa đủ để đóng băng hoàn toàn hoạt động của Al Qaeda, IS hay các tổ chức cực đoan khác. Thậm chí, nhà nghiên cứu Peter Neumann, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Cực đoan hóa (ICSR) thuộc trường King’s College London (Anh) còn cho rằng, cuộc chiến chống các nguồn tài chính của khủng bố đã thất bại. Ông nhận định, do cách thức tổ chức tấn công khủng bố thời gian gần đây đã thay đổi từ những âm mưu quy mô lớn chuyển sang kế hoạch nhỏ, lẻ, nên không cần vận động quá nhiều tiền. Những kẻ khủng bố sử dụng nhiều nguồn kinh phí cùng một lúc và thực hiện chuyển tiền mà không cần phải qua hệ thống tài chính ngân hàng. Do đó, lực lượng an ninh rất khó phát hiện các giao dịch chuyển tiền khả nghi như trước đây. Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy. Theo đó, có đến 3/4 trường hợp sử dụng không quá 10.000 USD để chuẩn bị các vụ tấn công. Những kẻ khủng bố quyên góp, chuyển tiền và chi tiền theo cách rất bình thường. Nguồn tài chính phổ biến nhất chính là tiền lương và tiền tiết kiệm của các thành viên, tiếp theo là tiền từ các vụ phạm pháp nhỏ. Chỉ 1/4 trường hợp còn lại là đã nhận tiền từ một tổ chức khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, không một mạng lưới nào phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp từ bên ngoài, có tới 70% các nhóm cực đoan có khả năng tự túc về tài chính một cách hợp pháp.
Một nguồn tài chính khác ngày càng phổ biến là vay tiêu dùng ở các định chế tài chính chuyên biệt. Đây chính là cách tổ chức các vụ tấn công ở Pháp năm 2015. Những kẻ cực đoan cung cấp giấy tờ giả để vay tiền và không có ý định hoàn trả vì hai lý do: hoặc chúng sẽ tấn công tự sát hoặc sẽ trốn đến các khu vực do các tổ chức khủng bố kiểm soát. Bằng cách này, Amedy Coulibaly - thủ phạm vụ tấn công siêu thị Hyper Cacher tại Paris vào tháng 01/2015, đã vay 6.000 EURO ở quỹ tín dụng Cofidis để mua vũ khí, thậm chí còn đưa một số tiền cho hai anh em nhà Kouachi - thủ phạm vụ tấn công Tòa soạn báo Charlie Hebdo, gây chấn động dư luận thế giới.
Dồn lực chống khủng bố
Trước những nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, EU đã triển khai chiến lược chống khủng bố mới ngay từ đầu năm 2021. Đây là kết quả đạt được sau các cuộc làm việc tích cực của lãnh đạo các nước thành viên trong những ngày cuối cùng của năm 2020. Theo đó, EU nhất trí siết chặt an ninh tại các đường biên giới bên ngoài và kiểm soát chặt chẽ hơn các bài viết có nội dung cực đoan, bạo lực trên internet.
Chiến lược chống khủng bố mới cho phép ban hành các lệnh có hiệu lực trên toàn liên minh, nhằm tạo ra công cụ hiệu quả giúp nhanh chóng gỡ các bài viết có nội dung cổ súy khủng bố trong phạm vi chưa đến một giờ đồng hồ sau khi bị phát hiện. Kế hoạch này, gồm cả việc tăng quyền hạn cho Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), mở rộng quyền truy cập các nội dung trên internet bị mã hóa, cũng như phân tích dữ liệu của từng quốc gia thành viên EU cho mục đích chống khủng bố. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu còn đề xuất cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát châu Âu nhiều phương tiện hiện đại để hỗ trợ các nước EU trong các cuộc điều tra liên quan tới khủng bố.
Về vấn đề kiểm soát đường biên giới bên ngoài của EU, các thành viên sẽ ghi lại và số hóa dữ liệu xuất, nhập cảnh giữa các nước trong khu vực tự do đi lại Schengen với bên ngoài, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia thứ ba, nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố. Theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên cần khẩn trương hoàn thành việc hiện đại hóa công tác quản lý biên giới bên ngoài của EU theo lộ trình đã thỏa thuận, phù hợp với tham vọng phát triển một hệ thống quản lý biên giới hiện đại nhất thế giới. Bên cạnh đó, để bảo vệ các không gian công cộng và cơ sở hạ tầng quan trọng, Ủy ban châu Âu cũng đề cập tới việc lắp đặt các hệ thống phát hiện vũ khí hoặc chất nổ và thiết kế các khu vực dành cho người đi bộ mà xe tải khó tiến lại gần.
Một khía cạnh khác cũng được Ủy ban châu Âu nhắc đến là việc ngăn chặn các mối đe dọa xuất phát từ những phần tử bị tiêm nhiễm các tư tưởng tôn giáo cực đoan. Để làm được việc này cần có sự hợp lực từ các cơ sở tôn giáo. Theo nhiều đề xuất được đưa ra, châu Âu nên thành lập một học viện đào tạo các giáo sĩ Hồi giáo, nhằm bảo đảm thông điệp mà các giáo sĩ này truyền đạt đến các tín đồ không mang tư tưởng thù hận. Cùng với đó, việc xóa bỏ các rào cản và bất công xã hội, các định kiến về chủng tộc, tôn giáo ở châu Âu là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, chính những định kiến, những hành động mang tính chia rẽ, bài xích này đã kích động sự hình thành và truyền bá tư tưởng cực đoan. Nỗ lực xóa bỏ tư tưởng cực đoan cũng sẽ không thể thiếu chương trình cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho những tù nhân trong các nhà tù châu Âu.
Chống khủng bố không còn là vấn đề mới mẻ với EU, song giờ đây cuộc chiến này đã bước vào giai đoạn khác. Bằng những biện pháp quyết liệt được tung ra, các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng, kế hoạch chống khủng bố mới sẽ hỗ trợ cho các quốc gia trong “ngôi nhà chung” châu Âu dự đoán và ngăn chặn, ứng phó tốt hơn trong cuộc chiến “không khoan nhượng” này.
QUỲNH DƯƠNG _____________
1 - Trong lịch sử, trận đánh ngày 12/9/1683 trên đồi Kahlenberg (Vienna, Áo) là chiến thắng quyết định chặn đứng làn sóng xâm lăng của Binh đoàn đế chế Ottoman Hồi giáo trên lục địa châu Âu.
EU,thách thức khủng bố
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ