Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:32 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 24-5-2017, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ trình lên lưỡng viện Quốc hội Mỹ Dự luật An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là động thái phản ánh chính sách đối ngoại quân sự mới của Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.
1. Bối cảnh
Theo giới quan sát, Dự luật An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (H.R.2621) ra đời, trong khi chính sách đối nội chưa định hình, chiến lược đối ngoại hình thành chưa rõ nét, ngoại trừ Dự luật chống Nga, Triều Tiên và I-ran được Quốc hội Mỹ thông qua và có hiệu lực từ ngày 02-8-2017. Đối với khu vực châu Âu, hy vọng mong manh được nhen nhóm là Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm sẽ cải thiện tình hình trong quan hệ với Nga. Tuy nhiên, sau ngày 02-8, quan hệ phương Tây - Nga trở nên căng thẳng, qua hàng loạt vấn đề: Nga - Mỹ ra đòn trả đũa lẫn nhau về ngoại giao; Liên minh châu Âu (EU) gia hạn trừng phạt kinh tế Nga và việc Nga, Bê-la-rút tổ chức diễn tập quân sự lớn chưa từng có ở Ka-li-nin-grat, nhằm đáp trả những hoạt động quân sự áp sát biên giới Nga của Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại khu vực Trung Đông cũng xuất hiện diễn biến mới với những tình tiết khó lường. Đó là, khủng hoảng ngoại giao Ca-ta với 5 nước vùng Vịnh do A-rập Xê-út dẫn đầu, sự trung gian hòa giải của Oa-sinh-tơn cũng bất thành; vấn đề trưng cầu ý dân đòi độc lập và tự trị của cộng đồng người Cuốc ở I-rắc và Xy-ri, v.v. Trên bán đảo Triều Tiên, sự căng thẳng dường như đã đạt đến đỉnh điểm, với việc khẩu chiến lẫn nhau giữa Oa-sinh-tơn và Bình Nhưỡng, tạo nguy cơ thực sự cho cuộc đối đầu quân sự. Mặt khác, phải kể đến những diễn biến phức tạp mới trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và việc Mỹ tăng cường hoạt động của hải quân, không quân, nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh và tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông. Những vấn đề trên càng làm cho tình hình an ninh khu vực trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Về tình hình chính trị - an ninh khu vực, cũng xuất hiện những động thái mới, thúc đẩy quá trình hình thành Dự luật H.R.2621 của Oa-sinh-tơn, nhất là từ khi Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố hủy bỏ chính sách “Xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm B. Ô-ba-ma, khiến một số nước đổi chiều - ngả theo Trung Quốc để mưu cầu lợi ích kinh tế.
Về quốc phòng, giới chuyên gia quân sự cho biết, tính đến đầu năm 2016, Mỹ mới điều chuyển được một số lực lượng của hải quân, lục quân và một số trang thiết bị quân sự; trong đó, có cả hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến khu vực này, nhưng vẫn chưa cân bằng được an ninh ở khu vực, bảo đảm sự lãnh đạo của Mỹ. Tháng 3-2017, sau khi tuyên bố “chính thức chấm dứt” chính sách “Xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Su-san Thô-tôn cho biết, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm sẽ có chính sách mới thay thế. Theo đó, Dự luật H.R.2621 ra đời, phản ánh quan điểm “tham gia tích cực” của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ít nhất là về mặt an ninh, quân sự.
2. Những nội dung cơ bản
Dự luật H.R.2621 đề nghị trong năm tài khoá 2018 Mỹ sẽ chi 2,1 tỷ USD để thực hiện 02 nội dung quan trọng: (1). Tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Mỹ và thúc đẩy các hoạt động quân sự trọng yếu ở khu vực; (2). Củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác, nhằm thực hiện mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và thúc đẩy các hoạt động quân sự trọng yếu ở khu vực, Mỹ sẽ triển khai các lực lượng cần thiết và tăng cường khả năng kịp thời ngăn chặn, đối phó với các cuộc khủng hoảng trong khu vực. Dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ xác định rõ các mục tiêu, nguồn lực ưu tiên và dự kiến chi ngân sách bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ nhất, mua sắm vũ khí, trang bị quan trọng, hiện đại và tăng cường cả về số lượng và chất lượng kho vũ khí của Quân đội Mỹ tại khu vực 01 tỷ USD; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống THAAD hoặc các hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không tầm thấp 01 tỷ USD; tiến hành các cuộc diễn tập với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a, đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên 15 triệu USD; mở rộng các hoạt động huấn luyện, diễn tập hỗn hợp, cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, đối phó với các mối đe dọa và tình huống bất ngờ ở khu vực 100 triệu USD. Thứ hai, chi cho hoạt động tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương, gồm: duy trì các loại máy bay ném bom chiến lược tại khu vực và lữ đoàn không quân chiến đấu tại Hàn Quốc; tổ chức diễn tập tác chiến mạng ở khu vực, nhằm tăng cường khả năng thu thập thông tin và liên lạc chiến lược, đối phó với các cuộc tấn công mạng từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên; xác định những lĩnh vực hợp tác tiềm năng về an ninh mạng với các đối tác và đồng minh; củng cố quan hệ quốc phòng với các đồng minh và đối tác trong khu vực, như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a.
Theo giới chuyên gia quân sự, mặc dù Dự luật H.R.2621 không có bất cứ nội dung nào đề cập đến những căng thẳng đang gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng theo Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mắc Thon-bơ-ri, không cần thiết phải đề cập đến những căng thẳng này, điều quan trọng là Mỹ phải cam kết với các đồng minh và đối tác bảo đảm an ninh, ổn định ở khu vực. Để thực hiện cam kết này, Mỹ cần phải gia tăng hiện diện quân sự, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu ở khu vực. Muốn làm được điều đó, Mỹ cần đầu tư nhiều hơn nữa cho quốc phòng. Tuy nhiên, ngay sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm trung ngày 15-9-2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố sẵn sàng hủy diệt Triều Tiên. Ông nói: “Mỹ có sức mạnh và nhiều kiên nhẫn, nhưng nếu buộc phải bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ các đồng minh, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác là hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”. Cho tới bây giờ, tuyên bố của Ông tuy chỉ là lời “khẩu chiến”, nhưng cũng làm “ấm lòng” các đồng minh của Mỹ ở khu vực này.
3. Những tác động đến an ninh khu vực
Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Dự luật H.R.2621 đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ Giôn Mác-kên đánh giá cao Dự luật H.R.2621. Ông cho rằng, để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, Mỹ phải tăng cường “chi tiêu quốc phòng đối với khu vực, hiện thực hóa các cam kết mà Chính quyền tiền nhiệm đã đề ra”. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Xti-pha-ni Mơ-phi đề nghị Quốc hội Mỹ sớm thông qua để Dự luật H.R.2621 có hiệu lực ngay trong năm 2018.
Theo giới chuyên gia nhận định, nếu Dự luật H.R.2621 được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2018, cùng với gói ngân sách quốc phòng khổng lồ 700 tỷ USD, trong đó có 8,5 tỷ USD nâng cấp Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối thì sự tác động đến an ninh châu Á là không nhỏ, theo các xu hướng sau:
Một là, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ được củng cố. Thể hiện rõ nhất là ngày 07-9-2017, Quân đội Hoa Kỳ đã lắp đặt hoàn thiện hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối tại Hàn Quốc và tới đây Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm sẽ thăm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Phi-líp-pin,... Một số vấn đề an ninh khu vực sẽ được Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đề cập: tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên; cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ đồng minh.
Hai là, nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ gia tăng, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… các nước nói trên vừa qua đều có chủ trương gia tăng ngân sách quốc phòng. Ngày 04-3-2017, Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng năm 2017 sẽ tăng khoảng 7% so với năm trước (năm 2016 khoảng 146 tỷ USD), chiếm khoảng 1,3% GDP, theo Spút-nhích (Tiếng nói nước Nga). Hiện Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, nước chi ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm tài khóa 2017 là 43,6 tỷ USD. Đây là năm Nhật Bản chi ngân sách quốc phòng cao nhất từ trước đến nay và là năm thứ 5 liên tiếp. Còn đối với Hàn Quốc, ngay trong những ngày cuối của năm 2016 (ngày 06-12) Quân đội nước này đã nhận thêm 1,5 tỷ Won (KRW) khoảng 13 triệu USD (trong dự toán ngân sách quốc phòng năm 2017) để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và đối phó với các mối nguy cơ mới có thể phát sinh trên bán đảo Triều Tiên. Ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2017 trị giá khoảng 34,7 tỷ USD. Như vậy, năm 2017 đánh dấu 6 năm liên tiếp Xơ-un tăng ngân sách quốc phòng. Nhìn vào bức tranh tổng thể ngân sách quốc phòng của một số nước trong khu vực cho thấy, chạy đua vũ trang là hiện hữu.
Ba là, sự gia tăng căng thẳng tại khu vực gây thách thức giữa Triều Tiên và Mỹ, trong khi Trung Quốc tuyên bố, không cho phép nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, đó còn là sự bố trí lại lực lượng, tăng cường sự hiện diện của các bên đối kháng, nhất là các nước lớn, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc,… khiến an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên căng thẳng và phức tạp hơn.
Như vậy, sau khi tuyên bố hủy bỏ chiến lược “Xoay trục” sang châu Á- Thái Bình Dương của người tiền nhiệm B. Ô-ba-ma, Chính quyền mới của Mỹ đã đưa ra chính sách gọi là “tham gia tích cực” vào châu Á - Thái Bình Dương. Giờ đây, Dự luật An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương - H.R.2621 vẫn còn phải đợi lưỡng viện Quốc hội thông qua và Tổng thống Mỹ ký ban bố thành luật vào năm 2018 thì trở thành chính thức. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả thực sự của chính sách châu Á mới của Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm, vì H.R 2621 chỉ là Dự luật về an ninh quân sự./.
Đại tá LÊ VĂN THÀNH
Dự Luật H.R.2621
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ