Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 13/06/2014, 16:46 (GMT+7)
Dư luận quốc tế cực lực phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam

Từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, căng thẳng do phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và đưa nhiều tàu hải giám, hải cảnh, tàu quân sự,... vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam1. Hành động ngang ngược đó của Trung Quốc đã gây quan ngại và sự phản đối mạnh mẽ trong dư luận quốc tế.

 

Có thể thấy, chính phủ và hầu hết các hãng thông tấn, báo chí lớn, các giới chức, học giả trên thế giới, các tổ chức quốc tế,... đã lên tiếng cực lực phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Rằng: Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên đã tham gia ký kết; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc với ASEAN. Hành động sai trái đó của Trung Quốc không chỉ là vấn đề song phương, mà còn đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-24, diễn ra ngày 10 và 11-5-2014, tại Nây Pi Tô (Mi-an-ma), vấn đề Biển Đông là mối quan tâm chung và được đưa vào tất cả các văn kiện của Hội nghị. Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đã ra Tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông. Tiếp đó, ngày 11-5-2014, tại Phiên họp toàn thể, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, Hội nghị đã ra Tuyên bố Nây Pi Tô; dù Tuyên bố nói chung về xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 nhưng vẫn đề cập đến vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh: “sự quan ngại sâu sắc” trước sự việc phức tạp đang diễn ra tại Biển Đông. Qua đó, nhất trí ASEAN cần tăng cường đoàn kết và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình trong việc xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển ở khu vực; thúc đẩy xây dựng thành công cộng đồng ASEAN, cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như Tuyên bố về vấn đề Biển Đông của Bộ trưởng các nước ASEAN đã được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao. Nhiều nước trong khu vực và các học giả đã cho rằng: đây là thời điểm ASEAN phải tăng cường đoàn kết, đấu tranh với các hành động sai trái làm mất ổn định và de dọa an ninh của khu vực. Ngày 12-5, tờ Bang kok post dẫn lời Tổng thống In-đô-nê-xi-a bày tỏ sự đồng tình với Việt Nam và kêu gọi sự đoàn kết trong ASEAN. Ngày 13-5, trên trang mạng Fhilster, Tổng thống Phi-lip-pin Aquinô nhấn mạnh: Trung Quốc phải làm rõ việc đưa giàn khoan vào Biển Đông là có dụng ý gì?

Trong nhiều ngày qua, Tổng thống, Nghị viện và Bộ Ngoại giao Mỹ liên tục bày tỏ sự quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, coi đó là cách hành xử nguy hiểm và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông; Trung Quốc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với việc đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Ngày 12-5-2014, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Jonhn Kerry tuyên bố: “chúng tôi đặc biệt quan ngại sâu sắc về hành động gây hấn này”; rằng: “Chúng tôi muốn chứng kiến vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển; thông qua trọng tài và mọi phương tiện khác chứ không phải đối đầu trực tiếp và những hành động hiếu chiến”.

Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào sâu trong vùng biển Việt Nam được hàng loạt các hãng thông tấn, như: AP (Mỹ), AFP (Pháp), Reuters (Anh), DPA (Đức), cùng nhiều tờ báo lớn, có uy tín trên thế giới đăng bài, tin, ảnh phản ánh, bình luận. Một điểm tương đối thống nhất của các hãng thông tấn, báo chí là: Trung quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, gây bất ổn tới hòa bình và an ninh của khu vực; hành động đó đã vượt quá quyền hạn và mở ra “một kịch bản vô cùng nguy hiểm”, sự “quan ngại sâu sắc”,... Một số hãng thông tấn bình luận: đây là bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Có báo đặt câu hỏi: Phải chăng đây là bước đi trong việc từng bước hợp thức hóa “đường chín đoạn” phi lý mà Trung Quốc tự vạch ra nhưng không được ai thừa nhận. Ông Taylor Faravel, giáo sư về chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts trả lời báo New York Times: hành động của Trung Quốc chỉ củng cố vững chắc hơn nhận thức của các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, rằng Trung Quốc luôn nuôi dưỡng các ý đồ hiếu chiến và thích hành động đơn phương.

Trang mạng Foreign Policy đã bình luận: Trung Quốc đã tính toán rất kỹ thời điểm cũng như vị trí đặt giàn khoan Hải Dương-981. Tính chất và thông điệp của hành động này mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Thứ nhất, Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh chiến lược xây dựng các “lãnh thổ di động ngoài khơi” để từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông theo đường lưỡi bò đã được vạch ra trước đó. Thứ hai, Trung Quốc muốn thử phản ứng của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, người vừa kết thúc chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương để tái khẳng định chiến lược “xoay trục” của mình. Đây là hành động Bắc Kinh thăm dò phản ứng của Mỹ. Thứ ba, từ ý đồ thăm dò phản ứng nên Trung Quốc lựa chọn rất kỹ địa điểm đặt giàn khoan dầu để không tạo ra chiến tranh, nhưng vẫn phục vụ tham vọng tiếm quyền kiểm soát các vùng biển có trữ lượng dầu lớn.

Ngày 08-5, Người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quan điểm về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông: “kêu gọi các bên cần tuân thủ Luật Biển UNCLOS, tránh những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực” và “Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải”. Với việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam, một số học giả, nhà khoa học đã phân tích, nhận định rằng: động thái mới nhất này không chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, mà còn ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa của Bắc Kinh và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại Biển Đông. Bắc Kinh muốn thực hiện những mục tiêu lớn là khẳng định vai trò ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khống chế giao thông qua Biển Đông và thực hiện mục tiêu kinh tế. Giáo sư Keith Johnson thuộc đại học California Berkeley (Mỹ) và ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy của Ốt-xtrây-li-a cùng có nhận định rằng: Trung Quốc muốn dùng giàn khoan Hải Dương-981 để từng bước thay đổi hiện trạng; muốn đột phá làm gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực; tìm mọi cách khống chế Biển Đông. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ước tính Biển Đông chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ mét khối khí tự nhiên; còn Tổng công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc (CNOOC) tin rằng trữ lượng dầu khí tại Biển Đông có thể gấp 10 lần như thế. Mặt khác, giá trị đặc biệt quan trọng của Biển Đông còn là vị thế địa chiến lược của vùng biển này; nơi tập trung các tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương với giá trị thương mại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, cách tiếp cận thô bạo của Trung Quốc với các mối quan hệ trong khu vực và những thiệt hại mà nó mang lại sẽ khiến nước này khó có thể đạt được  mục tiêu trên; “Cái giá về ngoại giao mà Trung Quốc phải trả về những gì đang làm là quá cao” - Bà Holly Morrow chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Belfer, đại học Harvard (Hoa Kỳ) bình luận.

Tại buổi họp báo ngày 19-5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan điểm: “tất cả các bên phải kiềm chế hết sức và giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình, thông qua đối thoại và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc”. Trong Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 23 tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) từ ngày 21 đến 23-5-2014, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý. Nhiều hãng tin lớn trên thế giới đã đăng lại phát biểu của Thủ tướng: “Việt Nam đã sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam”, và bình luận: “Thủ tướng Việt Nam tỏ ra rất kiên quyết trong bài phát biểu của mình”, v.v.

Điều đáng nói là, nhiều học giả và người dân Trung Quốc cũng không đồng tình với hành động “sai trái và phi lý” đó. Họ đã có những phản ứng mạnh mẽ, bày tỏ thái độ yêu chuộng hòa bình, đứng về lẽ phải, ủng hộ Việt Nam và hoài nghi trước thông tin của giới truyền thông nước này. Học giả Lý Lệnh Hoa ở Trung tâm Tin tức Hải Dương khi trả lời thời báo Hoàn Cầu cho rằng: Trung Quốc là một trong những nước ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nên tuân theo Công ước này; phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.

Một số học giả còn cho rằng: thật đáng tiếc là trong những năm gần đây quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam được cải thiện rõ rệt, mốc giới trên đất liền đã hoàn thành, các tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình, đạt được những thỏa thuận nhất định về các nguyên tắc cơ bản. Vậy mà, với việc đặt giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã làm “chệch hướng” những điều tốt đẹp đang phát triển trong quan hệ giữa hai nước.

Cần nhấn mạnh rằng, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là kiên trì giải quyết những bất đồng, tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Giải quyết những vấn đề phức tạp trên Biển Đông phải dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, những cam kết giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trong bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện tất cả các biện pháp phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình; kiên quyết đấu tranh trên cơ sở pháp lý với các hành động sai trái, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam và chấm dứt các hành động tương tự.

Nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc đang chờ đợi những hành động đúng đắn của Trung Quốc, góp phần giữ gìn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, đồng thời giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

 

VŨ HỒNG

_____________

1 - Điểm đặt giàn khoan Hải Dương-981của Trung Quốc (từ ngày 01 đến ngày 26-5-2014) cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...