Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Chủ Nhật, 28/02/2021, 11:09 (GMT+7)
Dự báo chính sách an ninh, quốc phòng của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Chính sách an ninh, quốc phòng của Mỹ với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được xây dựng, kế thừa và phát triển qua nhiều đời Tổng thống Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay, có thể sẽ có một số điều chỉnh để tiếp tục duy trì ưu thế quân sự trong khu vực cũng như toàn cầu?

Di sản của chính quyền tiền nhiệm

Nhìn lại 04 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, tuy có nhiều tuyên bố gây tranh cãi, song đã giúp quân đội Mỹ phần nào khôi phục và củng cố được sức mạnh quân sự, bởi ngân sách quốc phòng tăng kỷ lục1; trong đó, ngân sách để duy trì hiện diện tại Ấn Độ - Thái Bình Dương luôn được đảm bảo. Đáng chú ý, ngân sách quốc phòng năm 2021 đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương trong vòng 02 năm, nhằm giúp đối phó với những “thách thức từ Trung Quốc”. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đề xuất tăng ngân sách thêm 20 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2026. Bộ Tư lệnh này chiếm gần một nửa số căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài, tập trung tại các địa điểm trọng yếu, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand,... giúp Hoa Kỳ duy trì hiện diện quân sự, củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu khi có xung đột, đối đầu trong khu vực. Các chương trình hiện đại hóa quân sự đã thu được một số kết quả tích cực, thay đổi đáng kể sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ, thể hiện ở 04 lĩnh vực chính: (1) Tăng ngân sách khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên quân; (2) Tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự (R&D); (3) Hiện đại hóa vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật; (4) Củng cố chương trình hàng không vũ trụ, thành lập lực lượng Không gian - nhánh thứ 6 của quân đội Mỹ.

Trước thực tế Mỹ đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và tăng cường tập hợp lực lượng trong khu vực, các nước đồng minh, đối tác của Mỹ đã có nhiều chính sách hưởng ứng, thuận lợi cho Mỹ triển khai chính sách với khu vực. Có thể thấy, khi Trung Quốc có hành động gây sức ép, liên quan đến Covid-19, Australia đã thể hiện rõ lập trường ủng hộ Mỹ, nhất là liên quan đến việc xây dựng trật tự dựa trên luật lệ, công khai từ chối sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc. Ấn Độ cũng nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ và tăng tần suất tham gia các hoạt động của cơ chế Bộ Tứ, củng cố hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn với Australia.

Sự ủng hộ của các đồng minh, đối tác cũng được phản ánh trong vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, kể từ sau khi Hoa Kỳ đưa ra thay đổi lập trường của mình về biển, phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các tài nguyên xa bờ ở phần lớn Biển Đông, các đồng minh của Mỹ, như: Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Anh đều tuyên bố phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và điều tàu chiến tới tập trận chung với hải quân Mỹ tại vùng biển này. Các đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á, gồm: Philippines, Malaysia, Indonesia cũng thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Biển Đông.

Các thách thức đối với chính quyền kế nhiệm

Mặc dù được kế thừa một số thuận lợi từ chính phủ tiền nhiệm, Chính quyền kế nhiệm cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng về an ninh, quốc phòng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thách thức đầu tiên và lớn nhất là đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc. Chính quyền tiền nhiệm xác định đây là “đối thủ chiến lược”, nội bộ Mỹ đã đạt được nhận thức chung về việc coi xu hướng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là ưu tiên đối ngoại hàng đầu. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc, số lượng tàu hải quân, tên lửa hành trình của nước này đã vượt Mỹ, mặc dù mức độ hiện đại về trang thiết bị còn thua Mỹ từ 05 đến 10 năm2. Năm 2017, Trung Quốc công bố tham vọng xây dựng quân đội mang “tầm cỡ thế giới” vào cuối năm 2049. Bên cạnh phát triển năng lực quân sự, Trung Quốc còn đẩy mạnh tập hợp lực lượng và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, nhất là đối với các nước Đông Nam Á, nhằm đẩy Mỹ và các nước phương Tây ra khỏi khu vực và trong vấn đề Biển Đông.

Thách thức thứ hai là sự quay trở lại khu vực của Nga. Đối với Mỹ, đặc biệt là theo tư duy của Joe Biden – người đắc cử Tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga và coi nước này là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ”. Những năm gần đây, châu Á - Thái Bình Dương là “lối thoát” cho Nga trước sự bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây. Nga đã, đang nỗ lực tăng cường can dự và nâng cao vai trò tại châu Á, có xu hướng xích lại gần hơn với Trung Quốc, nhằm suy giảm vị thế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Nga cũng đưa hàng nghìn đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự đến khu vực Viễn Đông, trong đó có hệ thống phòng không tối tân S-300V4 - những thiết bị này được cho là nhằm chống lại Mỹ và Nhật Bản.

Thách thức thứ ba là các điểm nóng an ninh trong khu vực, gồm: Triều Tiên, Đài Loan, Biển Đông tạo ra thách thức không nhỏ đối với Mỹ. Tháng 3/2020, Triều Tiên đã thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, làm dấy lên quan ngại nước này đang tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân. Tình hình eo biển Đài Loan liên tục căng thẳng, do sự điều chỉnh chính sách của cả Trung Quốc và Đài Loan cũng đặt ra cho chính quyền kế nhiệm thách thức phải xử lý, trong đó không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa hai bờ. Với khu vực Biển Đông, Trung Quốc cơ bản đã quân sự hóa các thực thể trên biển và đang lên kế hoạch công bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) cũng như liên tục có các hành vi thực hiện yêu sách, khiêu khích, đe dọa các nước láng giềng.

Thách thức thứ tư là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong khu vực, như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, buôn người, buôn ma tuý, buôn lậu vũ khí,… đang diễn biến ngày càng phức tạp, tạo những thách thức rất lớn đối với an ninh khu vực và kinh tế toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã thức tỉnh thế giới nhận thức rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tình hình đó, đòi hỏi Mỹ - với tư cách là siêu cường thế giới phải tăng cường “vai trò dẫn dắt” các nước đối phó với các mối đe dọa này - điều mà chính quyền tiền nhiệm chưa làm được trong năm qua.

Dự báo chính sách của chính quyền kế nhiệm

Mục tiêu của Chính quyền kế nhiệm tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (khu vực được coi là trung tâm và vũ đài toàn cầu của thế kỷ XXI), là duy trì vai trò lãnh đạo và vị trí số một thế giới về quân sự trong nhiều năm tới, bảo đảm thế kỷ này vẫn là “thế kỷ của Mỹ”. Từ những thuận lợi, thách thức nói trên và qua cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden, có thể dự báo những nét lớn về chính sách an ninh, quốc phòng của chính quyền kế nhiệm với khu vực này trong 04 năm tới như sau:

Trước hết, thực hiện ngay sau khi tiếp nhận chính quyền là củng cố uy tín và quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực mà Đảng Dân chủ cho là đã bị suy yếu dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh sẽ không lớn do hầu hết đồng minh, đối tác đã phần nào thích nghi và chấp nhận những điều chỉnh của chính quyền tiền nhiệm. Dù vậy, chính quyền kế nhiệm sẽ khai thác “dư địa” còn lại để đẩy mạnh quan hệ với đồng minh, đối tác, như: từng bước giảm sức ép trong các vấn đề thương mại, tiếp tục yêu cầu đồng minh chia sẻ chi phí quân sự, song sẽ giảm chỉ trích công khai, ít khả năng thực hiện rút quân tại Nhật Bản và Hàn Quốc như Tổng thống Donald Trump từng đe dọa. Mỹ sẽ tiếp tục ưu tiên nhóm Bộ Tứ và mở rộng cơ chế này trong khu vực; duy trì hỗ trợ các nước đối tác Đông Nam Á nâng cao năng lực thông qua các hoạt động tập trận, huấn luyện chung và cung cấp trang thiết bị quân sự. Chính quyền kế nhiệm nhiều khả năng sẽ thúc đẩy mô hình “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”. Theo đó, Mỹ không chỉ củng cố quan hệ song phương với các nước đồng minh mà còn giúp các nước này tăng cường hợp tác an ninh, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, cùng với Mỹ tăng cường vai trò và chia sẻ gánh nặng, chủ động hợp tác dựa trên các nguyên tắc phổ quát mà không cần sự tham gia trực tiếp của Mỹ.

Hai là, chính sách đối với Trung Quốc, chính quyền kế nhiệm nhiều khả năng sẽ tìm cách thúc đẩy một số hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như: xử lý dịch bệnh, biến đổi khí hậu, song sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc về thương mại, chuyển giao công nghệ, dân chủ, nhân quyền cũng như các hành động mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Nhiều khả năng quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn theo xu thế cạnh tranh là chủ đạo. Về an ninh, quốc phòng, các chương trình hiện đại hóa vũ khí, cách bố trí, tập hợp lực lượng và các hoạt động quân sự của Mỹ sẽ ngày càng hướng đến kiềm chế sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc. Đối với Nga, chính quyền kế nhiệm vẫn duy trì các lệnh trừng phạt và tìm cách ngăn chặn sự ảnh hưởng của Moscow đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ba là, chính sách đối với các điểm nóng an ninh trong khu vực. Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba ít có khả năng diễn ra đối với chính quyền kế nhiệm, trừ khi có tiến triển mang tính đột biến trong các cuộc đàm phán thực chất ở cấp làm việc. Mặt khác, chính quyền kế nhiệm sẽ phải tập trung đối phó với các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên với quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn. Đối với Đài Loan, chính quyền kế nhiệm nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng ủng hộ Đài Loan, song có thể sẽ tránh các hành động công khai khiêu khích Trung Quốc. Với khu vực Biển Đông, chính quyền kế nhiệm sẽ cơ bản kế thừa mục tiêu, phương hướng của chính quyền tiền nhiệm đang thực hiện như: lập trường pháp lý trong tranh chấp biển, tăng cường hiện diện, triển khai hoạt động tự do hàng hải (FONOP), diễn tập trên thực địa và có thể áp dụng một số biện pháp trừng phạt kinh tế khi cần thiết. Sau những “bài học” liên quan đến vụ Scarborough năm 2012 và việc Trung Quốc vi phạm cam kết không quân sự hóa Biển Đông năm 2015 (khi Joe Biden còn là phó Tổng thống), chính quyền kế nhiệm nhiều khả năng sẽ thận trọng và cứng rắn hơn, trước mỗi bước đi của Trung Quốc.

Tóm lại, trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ đang bị suy giảm, nhưng vẫn là siêu cường số một thế giới, dự kiến những điều chỉnh chính sách của Mỹ nhằm đối phó hiệu quả hơn với sự thay đổi trong môi trường chiến lược khu vực; trong đó, Trung Quốc được coi là thách thức lớn nhất. Các nhà phân tích chiến lược cho rằng, nhiều khả năng đây là xu hướng, chính sách lâu dài của Mỹ.

M CHÂU
_______

1 - 700 tỷ USD năm 2018, 716 tỷ USD năm 2019, 734 tỷ USD năm 2020 và 740 tỷ USD năm 2021.

2 - Theo báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...