Thứ Năm, 24/04/2025, 17:33 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Những năm qua, vấn nạn khủng bố quốc tế không chỉ gia tăng ở các khu vực trọng điểm, như: Bắc Phi, Trung Đông, châu Âu,… mà còn lan ra khắp thế giới, với quy mô, hình thức tinh vi, khó lường. Trong đó, các vụ tấn công gần đây ở In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Phi-líp-pin báo hiệu hiểm họa về an ninh mà khu vực Đông Nam Á phải đối mặt.
“Chiến trường mới” của chủ nghĩa khủng bố
Trong bối cảnh các liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ và Nga đứng đầu gia tăng tấn công nhằm vào các tổ chức khủng bố ở I-rắc và Xy-ri, trước hết là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), khiến tổ chức này chịu nhiều tổn thất, buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới. Theo đó, khu vực Đông Nam Á là một trong những nơi chúng lựa chọn và cho rằng đây là địa bàn lý tưởng để quảng bá hình ảnh và sức mạnh. Trong toan tính của các tổ chức khủng bố, Đông Nam Á là khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống, với gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới. Đây là môi trường thuận lợi để IS dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo đi theo con đường khủng bố. Không những thế, ở khu vực này, các tổ chức khủng bố bản địa còn gắn với hoạt động của các phong trào ly khai Hồi giáo và thường tổ chức lực lượng chuyên tiến hành các vụ đánh bom. Theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, năm 2015, ở Đông Nam Á có 05 nhóm khủng bố chính, gồm: Ít-xlam-mi-a, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Mô-rô, Quân đội Kum-pu-lan Mu-gia-hi-đin (Ma-lai-xi-a), A-bu Xay-áp và Quân đội nhân dân mới (Phi-líp-pin). Trong đó, đặc biệt nguy hiểm là nhóm Ít-xlam-mi-a – một tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng tại khu vực. Mục đích của chúng là thành lập một quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á, bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, miền Nam Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Bru-nây.
Hiện nay, một số nhóm khủng bố Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á có xu thế sẵn sàng gia nhập IS và tiếp nhận các phần tử của tổ chức này đến từ Trung Đông, tạo thuận lợi cho IS dễ dàng đặt chân và tiến hành hoạt động trong khu vực. Theo báo “The Star” của Ma-lai-xi-a, vừa qua có khoảng 300 tay súng của A-bu Ba-ca Ba-sia – cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Ít-xlam-mi-a và là kẻ chủ mưu vụ đánh bom đẫm máu ở Ba-li năm 2002, đã được trả tự do và đến trú ngụ ở Ba-tam thuộc tỉnh đảo Ri-au của In-đô-nê-xi-a để mưu đồ xây dựng căn cứ mới cho IS. Đặc biệt, cùng với thế mạnh tuyên truyền, thu hút các phần tử cực đoan ở Đông Nam Á tham gia IS thông qua các trang mạng xã hội, những bất ổn về kinh tế - xã hội ở một số nước trong khu vực cũng là nguyên nhân khiến nhiều phần tử bất mãn sẵn sàng gia nhập các tổ chức khủng bố khi được tuyển mộ. Các nhà quan sát cho rằng, đây có thể là căn nguyên chủ yếu để IS lựa chọn Đông Nam Á làm địa bàn hoạt động, khi các mặt trận ở Trung Đông - Bắc Phi bị thu hẹp và có chiều hướng bất lợi. Còn các chuyên gia chống khủng bố dự báo rằng, rất có thể IS sẽ xây dựng một chiến lược hoạt động ở Đông Nam Á; mà khởi đầu từ In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, sau đó có thể lan sang Xin-ga-po và các nước khác. Từ Đông Nam Á, IS có thể hỗ trợ các hoạt động của tổ chức này ở Trung Đông; đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện để toan tính thành lập “Vương quốc Hồi giáo” ở khu vực này. Điều này càng được khẳng định khi đầu năm 2016, một nhóm khủng bố cực đoan ở Phi-líp-pin đã ngầm liên kết với IS và tuyên bố thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” ở Min-đa-nao. Như vậy, có thể thấy, Đông Nam Á đã, đang là đích ngắm đầy triển vọng của IS.
Sự cần thiết phải hợp tác chống khủng bố ở khu vực
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Ô-xtrây-li-a, mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á đang hiện hữu và không chỉ mang tính chất khu vực, mà còn có tính toàn cầu. Vì vậy, để đối phó với hiểm họa này, hơn bao giờ hết, các nước trong khu vực phải tăng cường hợp tác, không chỉ giữa họ với nhau mà còn với cộng đồng quốc tế. Theo đó, trong năm 2016, tại In-đô-nê-xi-a đã diễn ra đồng thời hai hội nghị bàn về chủ đề chống khủng bố. Đó là Hội nghị chống khủng bố ở Ba-li, quy tụ 20 bộ trưởng của các quốc gia Đông Nam Á, châu Đại Dương và Diễn đàn kinh tế Hồi giáo thế giới 2016, được tổ chức tại Gia-các-ta, với sự tham dự của khoảng 4.200 đại biểu đến từ 73 quốc gia. Hai hội nghị này diễn ra trong bối cảnh nguy cơ khủng bố ngày càng hiện rõ ở khu vực. Mới nhất là vụ chính quyền Gia-các-ta bắt giữ 06 đối tượng âm mưu tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Xin-ga-po bằng tên lửa từ đảo Ba-tam của In-đô-nê-xi-a vào ngày 06-8-2016. Nhóm này được cho là có liên hệ với Ba-run Na-im, phần tử người In-đô-nê-xi-a đang tham chiến trong hàng ngũ IS ở Xy-ri và là kẻ chủ mưu một loạt vụ tấn công ở Gia-các-ta hồi đầu năm 2016.
Tại Hội nghị chống khủng bố, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh quốc gia của nước chủ nhà, ông Uy-ran-tô lưu ý nguy cơ hiện hữu các cuộc tấn công khủng bố đang gia tăng, với sự xuất hiện của các nhóm thuộc IS và các tổ chức khủng bố khác. Thực tế những năm gần đây cho thấy, một số vụ tấn công khủng bố ở In-đô-nê-xi-a và ở khắp thế giới, nhất là tại châu Âu, đều do “những con sói đơn độc” gây ra, thường được thực hiện dưới hình thức đánh bom tự sát. Cùng với đó, các vụ tấn công khủng bố gần đây tại Mỹ và các cường quốc châu Âu, như: Pháp, Bỉ, Đức cũng chứng tỏ rằng, IS đã phát triển và “truyền cảm hứng” mạnh mẽ cho lực lượng khủng bố mang tên “những con sói đơn độc”, có thể tiến hành nhiều vụ tấn công liều chết nhằm vào các khu đông dân cư. Mục đích chính của “những con sói đơn độc” nhằm kích hoạt “nỗi sợ hãi khủng bố” trên khắp thế giới. Hiện tại, khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương được xem là “những miếng mồi béo bở” của những kẻ khủng bố kinh hoàng này. Ước tính, có khoảng 1.000 “chiến binh” từ hai khu vực này đã gia nhập IS để chiến đấu ở Xy-ri và I-rắc. Khi trở về Đông Nam Á, chúng đã chiêu dụ nhiều phần tử mới và biến họ thành những kẻ khủng bố cực đoan hơn, làm gia tăng sự bất ổn ở khu vực.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia trong nhiều lĩnh vực; trong đó có công nghệ mạng và hoạt động tài chính xuyên biên giới. Đồng thời, Hội nghị cũng nhấn mạnh những hạn chế, thiếu đồng bộ trong cuộc chiến này; trong đó, sự hợp tác xuyên biên giới vẫn chưa được thực hiện triệt để giữa Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin, là nguyên nhân khiến những nước này có nguy cơ bị tấn công khủng bố cao, hoặc là nơi trú ngụ của các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do khác nhau dẫn tới sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia, như: vấn đề chủ quyền, nhiều lỗ hổng ở biên giới và thiếu một thỏa thuận về những gì cần phải làm. Bên cạnh đó, những hạn chế trong công tác tuần tra, kiểm soát biên giới của các nước cũng là một vấn đề đáng lo ngại, nhất là đối với In-đô-nê-xi-a, một trong những nước có đường bờ biển dài nhất thế giới, sẽ trở thành địa điểm ẩn náu lý tưởng của các phần tử khủng bố. Trong điều kiện đó, một số phần tử cực đoan thuộc nhiều tổ chức khủng bố quốc tế đã tìm đường sang In-đô-nê-xi-a và một số nước Đông Nam Á. Tất cả những điều trên cho thấy, việc chống khủng bố ở Đông Nam Á cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, nhằm ngăn chặn tận gốc và kịp thời âm mưu khủng bố. Dư luận quốc tế cho rằng, sẽ không có một biện pháp kỳ diệu nào trong chống khủng bố, nếu không có sự nỗ lực hợp tác giữa các nước trong khu vực và với cộng đồng quốc tế.
Biện pháp đối phó
Trong bối cảnh hoạt động khủng bố vừa mang tính quốc gia và liên quốc gia, thậm chí toàn cầu, hơn lúc nào hết, các nước Đông Nam Á cần tăng cường hợp tác ở cả phạm vi khu vực và thế giới để đối phó, trước hết là cần thông qua các biện pháp khác nhau trong nhiều lĩnh vực:
Một là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tình báo của các nước trong và ngoài khu vực để chia sẻ thông tin về hoạt động khủng bố. Đây là biện pháp đầu tiên, quan trọng nhất, bởi nếu thiếu sự chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố thì không thể đề ra được biện pháp đối phó thích hợp. Tại Hội nghị chống khủng bố ở Ba-li năm 2016, các quan chức đã xem xét vấn đề chia sẻ dữ liệu chi tiết sinh trắc học của các phiến quân nổi tiếng và những kẻ khủng bố đã bị kết án, nhằm giúp theo dõi được những kẻ đang nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan an ninh. Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng Ma-lai-xi-a, ông A-mát Da-hít Ha-mi-đi, nhiều nước Đông Nam Á hiện nay chưa có hệ thống nhận diện khuôn mặt và sinh trắc học để xác định các đối tượng khủng bố. Tại Hội nghị chống khủng bố ở In-đô-nê-xi-a, đại diện Ma-lai-xi-a đề xuất thành lập Ban thư ký chống khủng bố và đã được Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế và Liên hợp quốc thông qua.
Hai là, ngoài kế hoạch và biện pháp chống khủng bố riêng, các nước Đông Nam Á cần có chiến lược chung để đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Tại Hội nghị về chống khủng bố ở Ba-li năm 2016, ông Uy-ran-tô nhấn mạnh rằng, cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn và theo một lộ trình bền vững để đối phó với các mối đe dọa tấn công khủng bố đang gia tăng nhanh chóng. Trong đó, tình trạng bất ổn chính trị, ý thức hệ cực đoan, hoạt động sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng các nguồn tài chính phi pháp là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tấn công khủng bố trên toàn cầu. Vì thế, vấn đề đặt ra là cơ quan an ninh của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và các quốc gia khác có đông tín đồ Hồi giáo, như: Thái Lan, Phi-líp-pin và Xin-ga-po cần phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, theo dõi tình hình và phối hợp trong hành động. Tuy nhiên, hiện nay, dù đã có Hiệp ước khu vực về chống khủng bố, các nước Đông Nam Á vẫn thiếu sự hợp tác chung để ngăn chặn nguy cơ này.
Ba là, tăng cường kiểm soát hoạt động tài chính của các tổ chức khủng bố. Đại diện của Ô-xtrây-li-a cho biết, nước này sẽ siết chặt quy định về thẻ ngân hàng, sau khi các nhà điều tra xác định những kẻ tấn công Pa-ri năm 2015 đã sử dụng thẻ ngân hàng trả trước. Điều này xuất phát từ thực tế trước đây các ngân hàng của Ô-xtrây-li-a thường bị lợi dụng để cung cấp tài chính cho những kẻ khủng bố tham gia hoạt động ở nước ngoài. Theo số liệu thống kê, chỉ trong vòng 2 năm (2014 và 2015) đã có khoảng 1 triệu USD từ các ngân hàng nước ngoài rót vào Đông Nam Á để tài trợ cho khủng bố khu vực.
Bốn là, các nước cần bảo vệ nguyên tắc “không ai đứng trên luật” và “không được từ chối quyền được bảo vệ của bất cứ ai”. Theo đó, mỗi quốc gia khi xây dựng luật chống khủng bố đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Chống khủng bố phải đi đôi với việc bảo vệ luật pháp quốc tế và thực hiện các chương trình của Liên hợp quốc, như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em, ngăn chặn dịch bệnh, theo các Mục tiêu Thiên niên kỷ đã đề ra.
NGÔ QUYỀN
Đông Nam Á,chủ nghĩa khủng bố,mối đe dọa
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực