Thứ Hai, 16/09/2024, 00:13 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 27-4-2018, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức đối thoại Thượng đỉnh liên Triều mang tính “lịch sử” trong quan hệ hai miền Triều Tiên. Đây là động thái tích cực đến từ hai phía, được dư luận đánh giá cao, mở ra cơ hội lập lại hòa bình trên bán đảo vốn đầy bất ổn này.
Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Châng Un ký tuyên bố chung sau cuộc họp chiều 27-4-2018. (Ảnh: Reuters)
Gió đổi chiều” trên bán đảo Triều Tiên
Giới phân tích quốc tế cho rằng, trong gần 07 thập kỷ đối đầu, năm 2017 là năm quan hệ giữa Mỹ, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên ở mức tồi tệ nhất. Với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã tiến hành chính sách thù địch cứng rắn đối với “chương trình” hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Nhà Trắng cáo buộc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo là hành động “gây hấn” không thể chấp nhận được. Để răn đe, ngăn chặn Triều Tiên, Mỹ gia tăng sức ép quân sự, nhất là điều động lực lượng cùng vũ khí, trang bị hiện đại, kể cả vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tổ chức nhiều cuộc tập trận Mỹ - Hàn quy mô lớn. Ở chiều ngược lại, Bình Nhưỡng kiên quyết phản đối chính sách thù địch của Oa-sinh-tơn và coi các hành động quân sự của liên minh Mỹ - Hàn Quốc là mưu đồ nhằm xâm lược nước này. Đồng thời, tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp thảm khốc nhất cho đối phương phải “đau đớn” nếu bị xâm lược. Những tuyên bố cứng rắn và hành động mang tính “ăn miếng, trả miếng” của cả Mỹ, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đẩy quan hệ giữa họ vào tình trạng “băng giá”; tình hình bán đảo Triều Tiên vô cùng căng thẳng, nguy cơ xung đột, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Cộng đồng quốc tế bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh ở “điểm nóng” này.
Tuy nhiên, bước sang năm 2018, quan hệ giữa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc bất ngờ nồng ấm, mà giới phân tích coi là “gió đổi chiều” từ đối đầu sang đối thoại. Lãnh đạo hai miền đều phát đi tín hiệu về chủ trương đối thoại hòa bình nhằm phi hạt nhân hóa và chấm dứt xung đột, đối đầu trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 09-01-2018, đối thoại cấp cao giữa hai miền Triều Tiên đã được tổ chức và đạt được kết quả “bước đầu” hết sức quan trọng. Theo đó, Triều Tiên đồng ý cử đoàn quan chức cấp cao, vận động viên, cổ động viên và các nhà báo tới tham dự Thế vận hội mùa Đông Pi-âng Chang (PyeongChang) 2018 tại Hàn Quốc. Hai bên cũng nhất trí giải quyết các vấn đề “nổi cộm” liên quan tới quan hệ liên Triều, thông qua đàm phán vì hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, như: đoàn tụ các gia đình bị ly tán do cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 gây ra; dỡ bỏ tạm thời các lệnh trừng phạt; nối lại đường dây nóng, tổ chức các hoạt động trao đổi quốc phòng, quân sự để giảm căng thẳng, đối đầu, v.v. Đặc biệt, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đồng ý tổ chức đối thoại Thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27-4-2018, được coi là “dấu mốc lịch sử” mở ra một trang mới tốt lành theo hướng hòa bình, hợp tác, hữu nghị trong quan hệ hai miền Triều Tiên.
Kết quả vượt tầm mong đợi
Theo dõi toàn bộ tiến trình, giới quan sát cho rằng, đối thoại Thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trọng thể, trong bầu không khí thẳng thắn, nồng ấm; bàn thảo và nhất trí giải quyết hàng loạt vấn đề “gai góc” - vốn là căn nguyên gây ra quan hệ “thù địch” giữa hai miền Triều Tiên. Nổi bật là, lãnh đạo hai miền Triều Tiên ra tuyên bố “xác nhận mục tiêu chung nhằm duy trì một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân thông qua việc phi hạt nhân hóa toàn diện”. Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In (Moon Jae-in) và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Châng Un (Kim Jong-un) nhất trí dừng mọi hành động thù địch mà có thể dẫn tới căng thẳng hoặc xung đột quân sự. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01-5-2018, hệ thống loa tuyên truyền từng được hai miền sử dụng để “đối đầu” nhau ở khu vực biên giới sẽ dừng hoạt động; các phương tiện phát thanh thù địch, rải truyền đơn cũng sẽ được loại bỏ. Hai bên cũng cam kết thiết lập “vùng hòa bình” và tiến hành các hoạt động phối hợp để giảm thiểu các vụ đụng độ tại đường ranh giới trên biển phía Tây và đảm bảo hoạt động an toàn cho các ngư dân của hai miền trên vùng biển này. Thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi cấp cao để tiếp tục thảo luận các biện pháp giảm căng thẳng và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, quân sự; mở rộng các hoạt động ngoại giao nhân dân và tổ chức các sự kiện thể thao, giao lưu văn hóa. Lãnh đạo hai miền cũng nhất trí sẽ gặp gỡ nhau thường xuyên hơn và điện đàm trao đổi những vấn đề liên quan, thông qua đường dây nóng đã được thiết lập. Một nội dung quan trọng nữa là, hai bên nhất trí thúc đẩy các cuộc hội đàm hòa bình với Mỹ và Trung Quốc để chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953, bởi trên thực tế hai miền hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh. Theo đó, các cuộc hội đàm, hoặc theo hình thức ba bên với Mỹ, hoặc theo hình thức bốn bên với cả Mỹ và Trung Quốc (có thể diễn ra vào cuối năm nay), sẽ chuyển thỏa thuận đình chiến thành hiệp ước hòa bình và thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Thời gian tới, hai nước sẽ thành lập văn phòng liên lạc chung ở thị trấn Kê-xâng (Kaesong) của Triều Tiên; tổ chức chương trình đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên đợt đầu tiên vào ngày 15-8-2018 (đúng vào dịp kỷ niệm ngày bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ 2). Bình Nhưỡng cũng thay đổi múi giờ để thống nhất với Xơ-un. Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In đã đồng ý nhận lời mời sẽ sang thăm thủ đô Bình Nhưỡng của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên vào mùa thu tới.
Dư luận khu vực và quốc tế đều thống nhất cho rằng, trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang “chìm sâu” trong hận thù, ngòi lửa chiến tranh luôn có nguy cơ bị thổi bùng bất cứ lúc nào, thì những kết quả mà đối thoại Thượng đỉnh liên Triều vừa qua đạt được là “làn gió lành”, hơn cả mong đợi, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần làm “tan băng” trong quan hệ hai miền Triều Tiên và củng cố hòa bình, ổn định cho cả khu vực và thế giới.
Cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên
Chuyên gia nhiều nước cho rằng, quyết định “đối thoại” thay vì “đối đầu” của hai miền Triều Tiên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, Bình Nhưỡng đang tiến hành điều chỉnh chiến lược quốc gia từ “quốc phòng, kinh tế cùng phát triển”; lấy phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa làm “bảo bối” để phòng thủ quốc gia, sang chiến lược giai đoạn mới là “ưu tiên phát triển kinh tế, xây dựng xã hội phồn vinh”. Trong thông điệp đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un đã nhấn mạnh đến mục tiêu chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và cải thiện an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề then chốt là Bình Nhưỡng cần phải có môi trường hòa bình và mở rộng hợp tác quốc tế; trong đó, hợp tác với người anh em Hàn Quốc là một ưu tiên. Thứ hai, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In - người thắng cử nhờ chủ trương thực hiện “Chính sách Ánh Dương” (vốn đã bị ngừng từ năm 2008) - đặc biệt coi trọng cải thiện mối quan hệ đang rất xấu giữa hai nước và tiến tới mục tiêu là cùng với Bình Nhưỡng xây dựng một nền hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Thứ ba, thực tế đã cho thấy, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết bằng đối đầu quân sự mà phải bằng biện pháp đối thoại hòa bình. Đối đầu quân sự gần 07 thập kỷ qua không những không giải quyết được vấn đề mà chỉ gây ra đau khổ, mất mát, chia ly cho người dân trên bán đảo Triều Tiên. Bởi vậy, xây dựng đất nước thống nhất, hòa bình trở thành khát vọng ngày càng “cháy bỏng” trong lòng người dân hai miền Triều Tiên. Đây là những nhân tố chủ quan và khách quan để lãnh đạo hai miền Triều Tiên quyết định đối thoại, hướng tới mục tiêu chung là xóa bỏ mâu thuẫn, sự hận thù, mở ra cơ hội “ngàn vàng” xây dựng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, hòa bình và thịnh vượng. Phát biểu trước báo giới sau đối thoại Thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In khẳng định: “Sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu”. Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Châng Un ca ngợi: “Một lịch sử mới hôm nay bắt đầu; kỷ nguyên của hòa bình bắt đầu mở ra” và rằng: “Hai miền Nam - Bắc cần song hành với nhau, bởi chúng ta có chung dòng máu và là anh em”. Ngày 25-5-2018, Bình Nhưỡng đã tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Pung-ghê-ri (Punggye-ri), thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết phi hạt nhân của mình. Tiếp đó, ngày 26-5-2018, lãnh đạo hai miền Triều Tiên lại gặp nhau để tái khẳng định quyết tâm từ bỏ hạt nhân hoàn toàn bằng đối thoại hòa bình. Đặc biệt, đối thoại Thượng đỉnh liên Triều được coi là bước “đột phá”, tạo cơ sở để lãnh đạo Mỹ và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tiến hành cuộc đối thoại Thượng đỉnh mang tính “lịch sử” được toàn thế giới mong đợi vào ngày 12-6-2018 tại Xin-ga-po. Chính khách nhiều nước hoan nghênh kết quả mà đối thoại Thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều Tiên đạt được sẽ giúp “kết thúc kỷ nguyên đối đầu, mở ra trang sử mới hòa bình, hợp tác trên bán đảo Triều Tiên”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng, so với 02 lần đối thoại Thượng đỉnh liên Triều bị đổ vỡ trước đây (vào các năm 2000 và 2007), thì bối cảnh đối thoại Thượng đỉnh liên Triều lần này đã khác nhiều, nhưng những kết quả đạt được chỉ là “bước khởi đầu” của một chặng đường dài còn không ít “chông gai”. Hơn nữa, giữa hai miền Triều Tiên còn nhiều bất đồng “sâu sắc” do lịch sử thù hận để lại nên không thể giải quyết “một sớm, một chiều”. Mặt khác, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên liên quan tới chiến lược và lợi ích của nhiều nước lớn khác, điều đó làm cho tiến trình giải quyết sẽ lâu dài, phức tạp hơn.
Dư luận kỳ vọng, “cánh cửa hòa bình” đang rộng mở hơn bao giờ hết trên bán đảo này. Hai miền Triều Tiên cùng các bên liên quan phải nắm bắt cơ hội “ngàn năm có một” này, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nguyện vọng và quyền tự quyết của nhân dân hai nước để đàm phán tìm ra giải pháp phù hợp nhất nhằm mục tiêu xây dựng bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
MINH ĐỨC
đối thoại thượng đỉnh,cơ hội hòa bình,Hàn Quốc,Triều Tiên
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương