Thứ Ba, 10/09/2024, 00:48 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Từ ngày 31-5 đến 03-6-2018, tại Xin-ga-po đã diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 17. Đối thoại lần này thu hút gần 600 đại biểu, với 40 Bộ trưởng Quốc phòng tham dự - con số kỷ lục từ trước đến nay. Những nét đặc biệt này thể hiện sức hút mạnh mẽ của Shangri-La 17; đồng thời, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của các nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với 5 phiên toàn thể và 6 phiên đặc biệt đồng thời1, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tiếp tục là diễn đàn để các nước chia sẻ quan ngại về những thách thức an ninh chung mà khu vực, thế giới đang phải đối mặt; đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhiều nước đưa ra quan điểm và chính sách của mình trước những thách thức đó.
Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Phát biểu dẫn đề Đối thoại, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đưa ra mô hình “5S” cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong tiếng Hin-đi nghĩa là tôn trọng, đối thoại, hợp tác, hòa bình, thịnh vượng. Thủ tướng Mô-đi phân tích về các yếu tố nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành công gồm: (1). Một khu vực tự do, rộng mở và dung nạp (cả trong và ngoài khu vực) với mục tiêu chung về tiến bộ và thịnh vượng; (2). Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải giữ vai trò trung tâm; (3). Các quốc gia bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán, không phải bằng vũ lực; duy trì một trật tự dựa trên luật lệ và các nước cần tuân thủ các cam kết quốc tế của mình; (4). Mọi nước đều có quyền bình đẳng trong tiếp cận các vùng biển và hàng không theo luật quốc tế, có quyền tự do hàng hải, lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn và giải quyết các tranh chấp theo luật quốc tế; (5). Xây dựng thể chế thương mại quốc tế ổn định và cởi mở với sự cân đối giữa thương mại, đầu tư và dịch vụ; (6). Kết nối nhằm mang lại sức mạnh cho các quốc gia và thúc đẩy thương mại; (7). Xây dựng khu vực hợp tác chứ không phải biến thành địa điểm cạnh tranh nước lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Giêm Ma-tít (James Mattis) làm rõ nội hàm Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của nước này bằng 5 trọng tâm: Thứ nhất, về không gian hàng hải, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các quốc gia tăng cường tiềm lực và năng lực trong việc giám sát, bảo vệ lãnh hải và quyền lợi trên biển. Thứ hai, về khả năng hoạt động chung, Hoa Kỳ đảm bảo quân đội nước này sẽ có khả năng phối hợp một cách dễ dàng thông qua việc phát triển và cung cấp công nghệ tiên tiến của Mỹ; thúc đẩy việc viện trợ tài chính và buôn bán trang thiết bị của Hoa Kỳ tới các nước đồng minh; kết hợp phát triển kinh tế với quân sự nhằm tăng cường lòng tin. Thứ ba, về tăng cường pháp trị sẽ thúc đẩy các tổ chức xã hội dân sự và tăng cường minh bạch chính phủ thông qua các hoạt động thực địa, hợp tác giữa các lực lượng của Hoa Kỳ và lực lượng vũ trang các nước trong khu vực. Thứ tư, về phát triển kinh tế khu vực tư nhân, Hoa Kỳ sẽ đảm bảo dòng vốn đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và khả năng ứng phó của khu vực; phối hợp chặt chẽ với các đối tác kinh tế khu vực, đề xuất các giải pháp tối ưu, đưa ra các gói sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ, v.v. Do đó, Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với bất cứ đối tác nào, vì tương lai và lợi ích chung tại một khu vực an toàn, tự do và phát triển. Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các tổ chức khu vực thông qua các diễn đàn, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), các cơ chế hợp tác ba bên và đa phương khác với các đối tác cùng quan tâm.
Vấn đề Bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố và Biển Đông
Trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang ấm lên cũng như việc Đối thoại Shangri-La diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, hầu hết các diễn giả đều ít nhiều đề cập đến vấn đề Triều Tiên. Hoa Kỳ và các nước đồng minh bày tỏ đánh giá cao những động thái gần đây của Triều Tiên, đồng thời đề cao vai trò của mình trong việc thúc đẩy Triều Tiên có được những bước đi tích cực trong thời gian qua. Phát biểu bên lề Đối thoại, đoàn Trung Quốc nhấn mạnh tới vai trò của nước này trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Vấn đề khủng bố và chống khủng bố được các đại biểu hết sức quan tâm và thống nhất cho rằng, đó là mối đe dọa an ninh trực tiếp và nghiêm trọng hàng đầu trong khu vực và trên toàn thế giới. Đại diện các nước cũng bày tỏ lo ngại trước sự lan rộng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sự cấu kết giữa IS và các tổ chức cực đoan và tội phạm tại khu vực. Về cách thức xử lý vấn đề khủng bố, các đại biểu cho rằng biện pháp quân sự không thể xử lý tận gốc vấn đề khủng bố mà đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn diện, bao gồm cả các biện pháp về văn hóa, kinh tế, xã hội, v.v. Về ứng phó và xử lý các chiến binh hồi giáo hồi hương sau khi tham chiến tại Trung Đông, có đại biểu đề xuất cách tiếp cận kinh nghiệm thành công của Ca-ta, thay vì đưa các chiến binh hồi giáo đã từng tham chiến vào danh sách đen, cấm nhập cảnh hay truy lùng, phải coi trọng giáo dục, tạo công ăn việc làm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù không có phiên thảo luận riêng, vấn đề Biển Đông vẫn được đề cập trong hầu hết các phiên toàn thể và đặc biệt đồng thời của Đối thoại Shangri-La. Các phát biểu đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và cam kết khu vực tại Biển Đông, phản đối quân sự hóa, ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc tham vấn đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Pháp và một số nước tuyên bố sẽ tiếp tục cử tàu đến khu vực để thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải (FONOPS) nhằm thực thi quyền tự do đi lại vô hại trên vùng biển quốc tế tại Biển Đông, tăng cường sự hiện diện, thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực.
Vai trò của Việt Nam
Theo giới quan sát, trong Đối thoại lần này, hơn một nửa trong số các bài phát biểu tại các phiên thảo luận nhắc tới khu vực Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho thấy sự đánh giá cao của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó có Việt Nam đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Coi trọng tầm ảnh hưởng của Đối thoại Shangri-La, đồng thời tiếp tục thể hiện quan điểm của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định trong khu vực, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 17. Phát biểu tại Phiên toàn thể với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi ở châu Á”, sau khi chỉ ra những thách thức có thực và cận kề đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là lấy ví dụ sinh động về những chuyển biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, đối thoại là con đường tốt nhất có thể giải quyết nhiều vấn đề trên cơ sở lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế và cơ chế khu vực. Với thông điệp “Độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng nhấn mạnh những giải pháp để đạt được mục tiêu đó; trong đó, các cấu trúc, cơ chế an ninh phải dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, các chuẩn mực ứng xử được công nhận, các cam kết khu vực làm nền tảng và sự đồng thuận về chính trị giữa các bên, trên cơ sở lợi ích chung. Bên cạnh đó, các quốc gia cần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội và quan trọng nhất là các bên minh bạch hóa chính sách, thể hiện thiện chí, quyết tâm thực hiện đúng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý, lời nói đi đôi với việc làm. Trước những nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch còn nhấn mạnh: “Cần hành xử có trách nhiệm của tất cả các bên, nhất là các nước lớn; gánh vác trách nhiệm trong nỗ lực chung của khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đặc biệt là kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình”.
Là quốc gia đóng vai trò tích cực và ngày càng quan trọng tại khu vực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, Việt Nam kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời cũng tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác phù hợp với luật pháp quốc tế. Đặc biệt, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Quan điểm đó của Việt Nam được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao. Cuối cùng, để kết thúc bài phát biểu của mình, Bộ trưởng dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của mỗi quốc gia với bất kỳ một cường quốc nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của mỗi nước với tất cả các cường quốc khác”.
Tại cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Trưởng đoàn các nước ASEAN dự Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ ADMM+. Bộ trưởng cũng bày tỏ hoan nghênh các sáng kiến, chiến lược của các nước, trong đó có Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, miễn là các sáng kiến, chiến lược này đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Đại tá LÊ ĐỨC CƯỜNG, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng ____________
1 - Chủ đề các phiên toàn thể gồm: Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Hạ nhiệt khủng hoảng Bắc Triều Tiên; Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; Những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; Nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. Các phiên đồng thời gồm: Các công nghệ chiến lược mới và tương lai của xung đột; Tăng cường an ninh biển: Bộ Quy tắc ứng xử và các biện pháp xây dựng lòng tin; Khủng hoảng an ninh và nhân đạo tại bang Rakhine của Mi-an-ma; Cạnh tranh và hợp tác tại Ấn Độ Dương; Ý nghĩa chiến lược của việc phát triển năng lực quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương; Quản lý cạnh tranh trong hợp tác an ninh khu vực.
Đối thoại Shangri-La,lần thứ 17,vai trò của Việt Nam
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương