Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:28 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 được tổ chức tại Xin-ga-po từ ngày 31-5 đến ngày 02-6-2019 trong bối cảnh an ninh khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó dự báo, đòi hỏi các nước trong khu vực nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung cần phải bàn thảo tìm biện pháp giải quyết; trong đó, Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Một số vấn đề an ninh khu vực
Điều dễ dàng nhận thấy là, Đối thoại Shangri-La 2019 diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang rất căng thẳng, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh của khu vực. Theo các chuyên gia quốc tế, những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc thực ra đã xuất hiện từ năm 2010 và liên tục gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, mà đỉnh cao là cuộc chiến thương mại giữa hai nước từ đầu năm 2018 đến nay. Sự căng thẳng đó được thể hiện rõ qua các bài phát biểu cứng rắn về nhau của quan chức quốc phòng hai nước tại Đối thoại Shangri-La 2019. Đặc biệt, bài phát biểu “Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pa-trích Sa-na-han (Patrick Shanahan) tại phiên họp toàn thể ngày 01-6-2019 ngầm ám chỉ Trung Quốc đang gia tăng gây sức ép đối với các nước trong khu vực, thậm chí thực hiện nhiều hoạt động nhằm quân sự hóa các khu vực tranh chấp, nhất là Biển Đông, như: triển khai hệ thống vũ khí quy mô lớn, đe dọa sử dụng vũ lực buộc các nước phải thừa nhận yêu sách của mình, lợi dụng tầm ảnh hưởng can thiệp vào chính trị nội bộ một số nước. Tuy nhiên, Ông cũng có những lời lẽ rất ôn hòa là: Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có chung lợi ích, kể cả đối thoại quân sự, nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro, đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia, như: cướp biển, triển khai nghị quyết của Liên hợp quốc đối với Bắc Triều Tiên. Đồng thời, khẳng định rằng, Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc trên các lĩnh vực mà Oa-sinh-tơn buộc phải làm, bởi những hành động phương hại đến chủ quyền quốc gia. Về phía Trung Quốc, sau nhiều năm vắng bóng người đứng đầu Bộ Quốc phòng, lần này, Bộ trưởng Ngụy Phương Hòa dẫn đầu đoàn tham dự Đối thoại và đã có bài phát biểu đáp trả mạnh mẽ các chỉ trích của Mỹ. Bên cạnh vấn đề thương mại, Ông nhấn mạnh đến các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và cũng thẳng thừng cáo buộc Mỹ chính là thủ phạm gây ra phức tạp, căng thẳng trong khu vực; đồng thời, nêu rõ quan điểm: Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ, song nếu Oa-sinh-tơn gây áp lực thì Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ.
Các nhà bình luận an ninh, chính trị quốc tế cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang từng bước làm thay đổi thế cân bằng chiến lược của thế giới, dẫn đến những cọ xát tất yếu giữa Trung Quốc với các quốc gia khác, đứng đầu là Mỹ. Do đó, để giải quyết những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, hai bên cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, cùng các quốc gia khác điều chỉnh các chính sách toàn cầu để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Để đạt được điều đó, trước mắt, Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh cần ngồi lại với nhau để cùng thống nhất phương cách giải quyết mâu thuẫn trên các lĩnh vực, như: thương mại, gián điệp mạng, tự do hàng hải, nhân quyền, v.v. Tuy nhiên, điều đó là một thách thức không nhỏ đối với hai nước. Nếu các mâu thuẫn trên không được giải quyết, thế giới sẽ dẫn đến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc và các vấn đề an ninh của khu vực hiện nay sẽ không có lời giải, thậm chí còn phát sinh thêm nhiều rắc rối mới.
Về ASEAN và Biển Đông, các nước tham dự Đối thoại Shangri-La 2019 đều khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế đa phương cũng như giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong quản lý các vấn đề an ninh, trật tự khu vực, nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho ASEAN. Đó là nguy cơ phải “chọn phe” hoặc thể hiện rõ thái độ trong cuộc cạnh tranh này sẽ làm xuất hiện những căng thẳng trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước bên ngoài. Nếu điều đó xảy ra thì tính độc lập, tự chủ của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng, vai trò trung tâm của ASEAN trong quản lý an ninh cũng như trật tự khu vực sẽ bị xói mòn và có thể gây ra những bất ổn khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông. Bởi lẽ, Mỹ và Trung Quốc có thể “tìm cách đi đường vòng”, bỏ qua các thể chế của ASEAN cũng như có những biện pháp, bước đi mà không tính đến lợi ích của ASEAN và của từng quốc gia thành viên. Chính vì vậy, các nước ASEAN đều cho rằng, Mỹ và Trung Quốc mặc dù có mâu thuẫn, bất đồng nhưng hai nước cần quản lý chúng một cách hòa bình và tính tới lợi ích của các nước trong khu vực, không vì lợi ích của riêng mình mà làm phương hại đến trật tự, ổn định của khu vực cũng như lợi ích của các quốc gia khác.
Đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ngoài việc được đề cập trong các phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và trong các cuộc tiếp xúc bên lề, Đối thoại Shangri-La 2019 có hẳn một phiên họp toàn thể với chủ đề “An ninh trên bán đảo Triều Tiên: Những bước đi tiếp theo”, thu hút nhiều sự quan tâm của các quan chức tham dự. Về quan điểm chung, các nước đều ủng hộ giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và xây dựng niềm tin; khẳng định ý nghĩa của 02 cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đối với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của phía Hàn Quốc, cũng như vai trò của các bên liên quan khác (Trung Quốc, Nga, Nhật Bản) đối với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, v.v.
Những đóng góp của Việt Nam
Kể từ khi tham gia Đối thoại Shangri-La đầu tiên vào năm 2002, Việt Nam luôn thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, thường xuyên đưa ra các quan điểm rõ ràng trước những thách thức an ninh và tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Kiên trì với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tại Đối thoại Shangri-La lần này, Việt Nam chủ động đưa ra công thức giải quyết các vấn đề tranh chấp phù hợp với tình hình khu vực, được các nước đánh giá cao. Công thức đó được thể hiện rõ ở tiêu đề cũng như nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại phiên họp toàn thể thứ năm của Đối thoại, ngày 02-6-2019, đó là: “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng”. Theo đó, trước hết, các nước liên quan khi giải quyết những tranh chấp bất kể thuộc lĩnh vực nào (chủ quyền, chế độ chính trị, thương mại, khoa học công nghệ, an ninh mạng,…) đều phải thực hiện các biện pháp hòa bình, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột, thậm chí là chiến tranh. Thứ hai, khi giải quyết các vấn đề tranh chấp, nhất là vấn đề chủ quyền, mặc dù không thể thỏa hiệp, nhưng nếu các nước không có tinh thần hợp tác, coi nhau là “đối tượng”, không chấp nhận một cách tuyệt đối yêu cầu của nhau thì sẽ không thể giải quyết được. Vì vậy, các bên cần có tinh thần “đối tác”, cùng hợp tác để giải quyết sự khác biệt. Thứ ba, các nước khi giải quyết tranh chấp phải vì trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, khu vực, không chỉ thỏa mãn lợi ích của các bên có tranh chấp mà còn phải tôn trọng lợi ích của tất cả quốc gia trong khu vực tranh chấp đó. Việt Nam hy vọng sẽ cùng với Trung Quốc sớm giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông theo công thức này, để nó trở thành một “mô hình” tốt cho các nước khác vận dụng, góp phần duy trì môi trường “hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển” ở cả khu vực và trên toàn thế giới.
Đặc biệt, hướng tới năm 2020 - năm Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, tại Đối thoại Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chủ động đưa ra dự kiến về một tầm nhìn chiến lược châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với các đối tác (ADMM+). Trong đó, đề cập đến tất cả vấn đề an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 10 năm (2010 - 2020) và 10 năm tiếp theo. Tầm nhìn này sẽ bao hàm hầu hết các nội dung thảo luận tại Đối thoại Shangri-La 2019 cũng như các cách thức chung trong hợp tác để giải quyết những thách thức an ninh của khu vực. Cùng với đó, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng Tuyên bố chung Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng, tính đoàn kết, thống nhất trong ASEAN để đối phó với các thách thức an ninh của khu vực. Ngoài ra, Việt Nam còn tính đến các giải pháp để hiện thực hóa hợp tác ADMM, ADMM+, mở rộng sự tham gia, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nước lớn vào các cơ chế đa phương của ASEAN. Có thể khẳng định, đây là những sáng kiến rất quan trọng của Việt Nam nhằm tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh xuyên biên giới. Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Tóm lại, Đối thoại Shangri-La 2019 đã thành công khi số lượng thành viên tham gia lớn nhất từ trước đến nay và thu hút được sự quan tâm của giới chính trị, quốc phòng, an ninh khu vực và quốc tế. Tuy còn một số vấn đề chưa đồng thuận, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, song đa số các nước đều thống nhất nhận định, đánh giá về tình hình an ninh, quốc phòng, các tranh chấp, xung đột, thách thức đặt ra và phương thức giải quyết dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì mục đích ổn định, hợp tác, cùng phát triển. Trong đó, Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần này.
Thiếu tướng VŨ TIẾN TRỌNG, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng
đóng góp của Việt Nam,Đối thoại Shangri-la 2019,an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ