Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:23 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Hiện nay, với việc ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quân đội một số nước đang thúc đẩy quá trình hiện đại hóa vũ khí pháo binh và tên lửa lục quân với nhiều tính năng ưu việt. Sự phát triển này không chỉ từ đòi hỏi của các cuộc xung đột gần đây, mà còn đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, được dư luận hết sức quan tâm.
Pháo binh triển khai nhanh, tầm bắn xa và độ chính xác cao hơn
Những kinh nghiệm rút ra trong các cuộc xung đột vũ trang gần đây cho thấy, chi viện hỏa lực pháo binh đang ngày càng chiếm ưu thế. Ứng dụng công nghệ mới đã tăng cường khả năng chiến đấu và hồi sinh vai trò của pháo binh. Pháo binh có thể sẵn sàng bắn trong thời gian chỉ tính bằng giây, bất kể ngày hay đêm, thậm chí trong điều kiện thời tiết xấu và tầm nhìn hạn chế nhất. Tốc độ bắn cao hơn có thể đạt được thông qua hệ thống nạp đạn tự động trên tổ hợp pháo tự hành. Ví dụ điển hình là hệ thống nạp đạn bán tự động áp dụng trên tổ hợp pháo tự hành PzH 2000 của Đức; trong đó, đạn pháo với ngòi nổ được nạp tự động và hệ thống liều phóng module được nạp bằng tay. Một hệ thống liều phóng module tự động hoàn toàn cũng sẽ được phát triển để sử dụng trên tổ hợp pháo PzH 2000. Theo đó, đầu đạn với ngòi nổ và hệ thống liều phóng module đều được nạp tự động, sẽ đem lại lợi thế khi giảm kíp pháo thủ xuống còn 02 người và tăng tốc độ bắn. Hơn nữa, nếu trước đây, giao chiến yêu cầu sử dụng một đại đội gồm 08 khẩu pháo thì hiện nay chỉ cần hai hoặc thậm chí một khẩu đã tạo ra hiệu quả tác chiến lớn hơn rất nhiều. Như vậy, trong tổ chức và phương thức tác chiến pháo binh đã có bước phát triển mới.
Vũ khí pháo binh được yêu cầu không chỉ có tốc độ bắn cao hơn mà còn phải tăng tầm bắn. Hỏa lực pháo binh tầm xa cho phép tác chiến đột kích tầm xa và bao vây khu vực rộng. Nó không chỉ hỗ trợ được chiến thuật đánh thọc sâu, mà còn có thể đột kích toàn bộ chiều sâu pḥòng ngự của đối phương. Yêu cầu phát triển vũ khí pháo binh hiện đại đòi hỏi khả năng tác chiến tầm xa, tránh bị đối phương phản pháo, nhận biết và tấn công hỏa lực thọc sâu. Tầm bắn tối đa của pháo binh thường phụ thuộc vào kiểu kết hợp đầu đạn/liều phóng và có thể tăng lên khi thiết kế lại đạn pháo với yêu cầu tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. Lục quân Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công pháo tầm xa 155 mm M1299, tăng tầm bắn từ 30 km lên 70 km. Dự kiến, 18 tổ hợp pháo M1299 đầu tiên sẽ đưa vào biên chế để thử nghiệm tác chiến trong năm 2023.
Quân đội các nước cũng đang nâng cao độ chính xác của đạn pháo, nhằm tăng khả năng sát thương, hiệu suất và hiệu quả chiến đấu, thông qua giảm bán kính vòng tròn sai số trúng đích. Sử dụng vũ khí pháo binh sẽ yêu cầu công tác bảo đảm đạn pháo rất lớn nếu hiệu quả sử dụng đạn pháo không cao. Do đó, để tác chiến hiệu quả, pháo thủ không chỉ xác định chính xác mục tiêu thông qua thiết bị trinh sát pháo binh tuyến trước hoặc máy bay không người lái, mà còn phải tiêu diệt mục tiêu với số lượng đạn ít nhất có thể. Hãng Raytheon của Mỹ giới thiệu đạn pháo 155 mm M-982 Excalibur ứng dụng những tiến bộ của công nghệ vi điện tử, cho bán kính vòng tròn sai số trúng đích chỉ dưới 05 m so với đạn pháo thông thường là 200 m. Đối với đạn pháo thông thường nếu được lắp bổ sung bộ hiệu chỉnh quỹ đạo đạn pháo M-1156 của hãng Orbital ATK (Mỹ) cũng sẽ đạt được độ chính xác gần tương đương với đạn pháo điều khiển chính xác. Mặc dù đạn pháo điều khiển chính xác có giá thành đắt hơn đạn pháo thông thường nhưng hiệu quả tiêu diệt mục tiêu cao hơn trong khi sử dụng ít đạn pháo hơn. Công ty Hanwha Defence của Hàn Quốc cũng đã phát triển đạn pháo cỡ 155 mm K-9 Thunder cho phép đạt được độ chính xác cao ngay từ phát bắn đầu tiên, nhất là khi tác chiến trong khu vực đô thị với yêu cầu giảm thương vong dân thường tới mức tối thiểu. Tập đoàn công nghiệp NORINCO của Trung Quốc cũng phát triển họ đạn pháo điều khiển chính xác, bao gồm đạn pháo điều khiển bằng lade GS1 và GS6, với độ chính xác theo báo cáo lên tới 90%.
Hiện đại hóa hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh
Tác chiến pháo binh hiện đại luôn tuân thủ nguyên tắc không để đối phương phục hồi sức chiến đấu sau loạt tấn công hỏa lực đầu tiên và không có thời gian xác định hướng tấn công hỏa lực. Nguyên tắc tác chiến này kết hợp với điều kiện tác chiến thông tin hóa đã đặt ra yêu cầu cao đối với năng lực phản ứng nhanh và năng lực tác chiến độc lập của các tổ hợp vũ khí pháo binh hiện đại. Vì vậy, cần phát triển các hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh tự động hóa, kịp thời tiếp nhận và truyền thông tin chỉ huy, tổ chức chỉ huy điều khiển bắn hiệu quả. Hệ thống điều khiển hỏa lực cho phép pháo binh giao chiến với mục tiêu ngoài tầm nhìn, định vị mục tiêu bằng GPS kết hợp với hệ thống dẫn đường quán tính. Số hóa điều khiển hỏa lực pháo binh cho phép chu trình từ trinh sát tới bắn một cách trực tiếp. Vì vậy, đạn pháo có thể bắn tới mục tiêu trong thời gian tính bằng giây khi có yêu cầu chi viện hỏa lực.
Nội dung cải tiến chủ yếu đối với các hệ thống pháo binh hiện có của Nga là tăng cường hệ thống điều khiển hỏa lực, lắp đặt thêm bản đồ điện tử, khả năng xác định mục tiêu thời gian thực trong điều kiện phức tạp, từ đó tiến công hỏa lực nhanh và hiệu quả hơn. Lục quân Nga đã lắp hệ thống điều khiển hỏa lực Success trên các hệ thống pháo phản lực bắn loạt 300 mm Whirlwind, 220 mm Smerch, 122 mm Hail và các hệ thống pháo lựu tự hành 152 mm 2S19M2 Msta-S. Ngoài ra, còn phối hợp sử dụng với máy bay trinh sát không người lái để đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống vũ khí trinh sát pháo binh tiến công nhất thể hóa, nâng cao rất nhiều khả năng tác chiến thông tin hóa cho pháo binh.
Hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh Success của Nga vừa có thể sử dụng độc lập, vừa có thể phối hợp sử dụng với xe chỉ huy bắn. Các hệ thống pháo lựu tự hành và pháo phản lực bắn loạt sau khi được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực Success có thể rút ngắn thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu, giảm thiểu nhân viên thao tác, khiến cho toàn bộ quá trình từ tiếp nhận thông tin về mục tiêu đến tính toán phần tử bắn, số liệu đường đạn và bắn đều được tự động hóa, rút ngắn rất nhiều thời gian phản ứng. Khi lắp hệ thống điều khiển hỏa lực Success sẽ tăng độ chính xác của pháo lên từ 20% đến 30%, rút ngắn hơn 1/4 thời gian chuẩn bị bắn so với trước đây, hiệu suất phá hủy mục tiêu nâng lên từ 30% đến 40%, khả năng sống còn của khẩu đội pháo cũng tăng lên ba lần.
Các nước phương Tây cũng đang tích cực phát triển hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh, nhằm mục tiêu tăng khả năng phản ứng, độ chính xác và hiệu quả của pháo. Hệ thống trinh sát pháo binh Vingtaqs-II của hãng Rheinmetall (Đức) cho phép cung cấp tọa độ chính xác về mục tiêu ở cự ly xa, chỉ thị mục tiêu bằng lade, có thể lắp cố định hoặc tích hợp trên nhiều loại xe cơ động khác nhau. Các tổ hợp pháo lựu xe kéo 155 mm M-777 và pháo lựu tự hành 155 mm M-109A6/A7 Paladin của Mỹ đều sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực số hóa giúp chuyển từ trạng thái hành quân sang bắn với quả đạn pháo đầu tiên hướng tới mục tiêu trong thời gian chỉ 01 phút, so với 20 phút như trước đây. Điều này giúp khả năng phản ứng nhanh hơn để thực hiện nhiệm vụ bắn và giảm khả năng bị phản pháo của đối phương.
Hàn Quốc cũng đã đạt được khả năng tương tự với hệ thống pháo lựu tự hành K-9 Thunder và pháo xe kéo K-55A1. Riêng pháo K-9 Thunder hoàn toàn tự động, có thể tăng tốc độ bắn lên 03 quả trong 15 giây.
Tăng cường sức mạnh tên lửa chiến thuật lục quân
Tên lửa chiến thuật lục quân với khả năng tấn công chính xác, tầm xa sẽ tăng cường hiệu quả giao chiến, phá hủy và tiêu diệt mục tiêu ở tầm bắn xa hơn so với pháo binh. Hỏa lực chính xác tầm xa được xem là nhân tố cực kỳ quan trọng đảm bảo chiến thắng chống lại chiến lược chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực của đối phương. Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của lục quân các cường quốc là, tăng tầm bắn của các hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân hiện có, nhanh chóng giới thiệu và đưa vào trang bị các hệ thống hỏa lực mới có tầm bắn xa hơn.
Mỹ hiện đang sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân phóng từ hệ thống tên lửa bắn loạt M270, lắp trên khung gầm bánh xích, có khả năng mang 02 dàn phóng. Tên lửa nguyên gốc mang đầu đạn chứa 954 quả đạn con M74, tầm bắn tối đa 165 km; trong khi phiên bản tên lửa phát triển tiếp theo có tầm bắn 300 km, tăng độ chính xác và sử dụng đầu đạn nổ phá văng mảnh. Tên lửa tấn công chính xác (PSM) do hãng Lockheed Martin của Mỹ phát triển đã được lựa chọn sử dụng là hệ thống tên lửa tấn công tầm xa thế hệ kế tiếp, bắn từ hệ thống tên lửa bắn loạt (MLRS) và hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu trọng yếu, các hệ thống chống tiếp cận, ngăn chặn khu vực của đối phương với tầm bắn lên tới 500 km hoặc xa hơn. Mỗi xe phóng tên lửa tấn công chính xác có thể mang theo 02 tên lửa PSM. Lục quân Mỹ vừa được bố trí một khoản ngân sách 166 triệu USD để mua sắm 110 quả tên lửa tấn công chính xác, dự kiến đưa vào trang bị tháng 12/2023.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân Iskander-M của Nga mang 02 tên lửa đạn đạo tầm gần trên mỗi xe phóng, tầm bắn 280 km với phiên bản xuất khẩu và từ 400 km đến 500 km đối với phiên bản sử dụng trong nước. Đầu đạn có khối lượng 700 kg, gồm: đạn nổ mạnh, đạn chùm, đạn nhiệt áp và đạn xuyên. Hệ thống tên lửa Iskander-M được thiết kế để tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không và đã chứng minh được hiệu quả qua thực chiến tại chiến trường Syria. Bên cạnh đó, Nga cũng đang tích cực cải tiến hệ thống tên lửa pháo binh, chuyển đổi hệ thống pháo phản lực bắn loạt từ dạng ống phóng ghép truyền thống sang dạng container bảo quản, vận chuyển và bắn. Tổ hợp pháo phản lực bắn loạt Tornado-G đã chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng trong Quân đội Nga, đánh dấu bước phát triển mới về pháo phản lực của nước này. Tornado-G lắp 02 container bảo quản, vận chuyển và bắn với 24 quả đạn tên lửa 122 mm. Pháo phản lực bắn loạt thế hệ mới Tornado-G có những ảnh hưởng rất lớn đối với quân đội các quốc gia đang sử dụng phiên bản cũ BM-21 Grad.
Trong chiến tranh hiện đại, vũ khí pháo binh và tên lửa lục quân sẽ được sử dụng để duy trì ưu thế hỏa lực, phá hủy vũ khí, phương tiện quân sự; đồng thời, yểm trợ hiệu quả cho các đơn vị tiến công trên không và trên biển. Có thể khẳng định, những đột phá trong tăng cường sức mạnh vũ khí pháo binh và tên lửa lục quân trong thời gian gần đây đã và đang làm thay đổi phương thức tác chiến của lục quân; đồng thời, làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang, tuy âm thầm nhưng hết sức quyết liệt, tác động không nhỏ đến an ninh từng khu vực và trên thế giới.
Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật
Vũ khí pháo binh,tên lửa lục quân,tác chiến hiện đại,xu hướng phát triển
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ