Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 22/02/2018, 07:42 (GMT+7)
Đôi nét về xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản

Trong những năm gần đây, xuất phát từ tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản đã có những điều chỉnh chiến lược, trong đó có phát triển công nghiệp quốc phòng. Vậy, thực trạng nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản và xu hướng phát triển của nó ra sao đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Từ khả năng thực tiễn

Mặc dù bị ràng buộc bởi Hiến pháp hòa bình (năm 1947), nhưng theo nhiều nhà quan sát, Nhật Bản có đầy đủ khả năng cạnh tranh thành công trên thị trường vũ khí toàn cầu nhờ có trình độ khoa học và kỹ thuật hàng đầu thế giới. Theo số liệu được công bố, đến nay, Nhật Bản có tổng cộng hơn 1.000 doanh nghiệp có thể sản xuất các sản phẩm quốc phòng. Trên 90% vũ khí, trang bị của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cung cấp bởi các doanh nghiệp trụ cột, như: Mít-su-bi-si, Ka-goa-sa-ki, Sin-may-goa, I-si-ka-goa-gi-ma Ha-ri-ma, v.v. Đặc biệt, trong lĩnh vực đóng tàu hải quân, Nhật Bản có khả năng đóng được tất cả các loại tàu chiến hiện đại, từ hạng nhẹ đến hạng nặng và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Thậm chí, Tô-ky-ô có thể đóng được các tàu sân bay chở máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu đổ bộ tấn công, tàu khu trục tác chiến phòng không, tàu ngầm hiện đại trang bị hệ thống động lực sử dụng không khí độc lập (AIP), tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu, v.v. Các tàu chiến do Nhật Bản chế tạo luôn được đánh giá thuộc loại tiên tiến hàng đầu thế giới.

Nhật Bản cũng có đủ khả năng chế tạo các loại máy bay chiến đấu hiện đại tương đương các máy bay tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ. Hiện tại, nước này đã sản xuất và đưa vào trang bị máy bay tiêm kích F-2 được đánh giá cao. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã quyết định tự thiết kế, chế tạo, tận dụng một số giải pháp kỹ thuật khi thiết kế máy bay F-16C. Tuy nhiên, việc tự chế tạo máy bay loại này không nhiều, mà chủ yếu là hợp tác với Mỹ để sản xuất. Song điều đáng nói là, quá trình chế tạo các máy bay tiêm kích chung “Nhật - Mỹ”, các kỹ sư Nhật Bản thường ứng dụng những thành tựu mới nhất của nền công nghiệp trong lĩnh vực vật liệu com-bô-xít, công nghệ gia công kim loại, lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến. Tuy bề ngoài các máy bay Nhật Bản có hình dáng tương đối giống các máy bay cùng lớp của Mỹ, nhưng phải coi đây là các máy bay mới, khác hẳn với nguyên mẫu, không chỉ về kết cấu mà còn về vật liệu, các hệ thống trên máy bay, thiết bị vô tuyến điện tử và vũ khí. Nếu so sánh với máy bay Mỹ, các máy bay Nhật Bản sử dụng nhiều vật liệu com-bô-xít hơn và vì thế, chúng có trọng lượng nhỏ hơn. Ra-đa mạng pha chủ động trên máy bay F-2 cũng do Công ty Điện tử Mít-su-bi-si thiết kế và sản xuất. Nhật Bản cũng đã sản xuất thành công máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 tương đương như F-35 của Mỹ và được đặt tên là ATD-X hay F-3. Bên cạnh đó, Tô-ky-ô cũng sản xuất thành công những loại máy bay hiện đại khác, như: thủy phi cơ trinh sát US-2 Sin-may-goa, máy bay tuần thám chống ngầm P-1 Ka-goa-sa-ki và một loại máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm hiện đại được chế tạo trên nền tảng P-1 thay thế cho E-2C Hắc-cai của Mỹ. Về vũ khí tên lửa, Nhật Bản cũng đã tự sản xuất được nhiều chủng loại tên lửa khác nhau, như: tên lửa không đối hải ASM-3, tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến Type 03, tên lửa bờ đối hải thế hệ mới nhất Type 12.

Đối với trang bị lục quân, Tô-ky-ô cũng tự sản xuất và đưa vào biên chế các loại vũ khí, trang bị chất lượng cao. Trong đó, xe tăng Type 10 luôn được xếp vào một trong năm loại xe tăng tiên tiến nhất thế giới khi xét về sức mạnh hỏa lực, khả năng phòng hộ bằng vỏ giáp tiên tiến và tính cơ động. Xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới Type 13 của Nhật Bản thuộc hàng hiện đại nhất hiện nay, ngang tầm với các sản phẩm cùng loại của Mỹ và châu Âu. Xe thiết giáp chở quân Type 96 có khả năng tác chiến như xe thiết giáp Boxer của Đức, BTR-80 của Nga, Stryker của Mỹ. Hiện nay, Công ty công nghiệp nặng Mít-su-bi-si còn đang phát triển một dòng xe thiết giáp cấu hình 8x8 có tính năng kỹ - chiến thuật mạnh hơn. Tại Triển lãm Công nghệ và hệ thống phòng thủ hàng hải, hàng không châu Á (MAST) diễn ra từ ngày 12 đến 15-6-2017 tại Chi-ba (Nhật Bản), đã có ít nhất 16 công ty của Nhật Bản tham gia triển lãm từ các hãng chế tạo vũ khí hàng đầu. Các sản phẩm giới thiệu tại triển lãm còn bao gồm tàu khu trục tên lửa có điều khiển, tàu tiến công đổ bộ, công nghệ dò mìn và các hệ thống trinh sát, giám sát ra-đa la-de, v.v.

Triển lãm Công nghệ và hệ thống phòng thủ hàng hải hàng không châu Á
2017 tại Chi-ba, Nhật Bản.( Ảnh: Reuters)

Đến xu hướng phát triển

Từng là quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng do giới hạn của Hiến pháp hòa bình, nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản gần như đóng cửa với thế giới trong gần 70 năm qua. Gần đây, xuất phát từ tình hình căng thẳng và các mối đe dọa an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản đã thông qua hàng loạt quyết sách lớn về quốc phòng, an ninh, như: chiến lược xây dựng cơ sở sản xuất kỹ thuật quốc phòng, tăng ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa vũ khí, thành lập cơ quan chuyên trách về nghiên cứu, phát triển, sản xuất và trang bị vũ khí, xây dựng 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, v.v. Thông qua những chính sách đó, Nhật Bản mong muốn “cởi trói” cho công nghiệp quốc phòng phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và cạnh tranh với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới. Theo các nhà phân tích, Tô-ky-ô cũng muốn thông qua con đường phát triển công nghiệp quốc phòng để hiện đại hóa và xuất khẩu vũ khí, nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực và trên thế giới.

Theo đó, chiến lược xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất kỹ thuật quốc phòng hướng tới tăng cường hỗ trợ cho sức mạnh quốc phòng và chủ nghĩa hòa bình tích cực (công bố tháng 6-2014), nhằm xây dựng tiềm lực toàn diện cho công nghiệp quốc phòng Nhật Bản trong những năm tới. Chiến lược gồm ba trọng tâm, đó là: tạo dựng cơ cấu bền vững trong công nghiệp lưỡng dụng; tăng khả năng cạnh tranh của sản xuất quốc phòng và các sản phẩm quốc phòng Nhật Bản; nâng cao hiệu quả và chất lượng các sản phẩm quốc phòng. Tô-ky-ô cũng đổi mới quan điểm về sản xuất quốc phòng, khi cho rằng, việc duy trì các doanh nghiệp quốc phòng và sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế hiện nay.

Để thực hiện được chiến lược trên, việc tăng ngân sách quốc phòng là yêu cầu trước tiên. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua khoản ngân sách kỷ lục, khoảng 5.190 tỷ yên, tương đương 46 tỷ USD trong năm tài chính 2018 để tăng cường khả năng phòng vệ trước mối đe dọa tên lửa và vũ khí hạt nhân ngày càng tăng từ phía Triều Tiên. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng trung bình hằng năm khoảng 10% và chiếm khoảng 1% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, Tô-ky-ô sẽ chi khoảng 240 tỷ USD để hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng.

Để hiện thực hóa các chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu ra thế giới, Nhật Bản đã thành lập Cục Trang bị, Công nghệ và Bảo đảm, hoạt động từ ngày 01-10-2015. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là xúc tiến xuất khẩu vũ khí và quy về một mối các tổ chức riêng biệt trước đây là nghiên cứu và phát triển, mua sắm và xuất khẩu vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt cơ cấu tổ chức và sự chồng chéo về chức năng. Nếu so sánh với các tổ chức có chức năng tương tự tại các quốc gia công nghiệp khác thì quy mô của Cục Trang bị, Công nghệ và Bảo đảm của Nhật Bản được xem là khiêm tốn. Tuy nhiên, với lực lượng gồm 1.800 nhân viên và ngân sách khoảng 16,3 tỷ USD (chiếm hơn 1/3 tổng ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản), cơ quan này sẽ giữ vị trí quan trọng trong phát triển nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản. Hơn thế, việc Cục Trang bị, Công nghệ và Bảo đảm ra đời đã phản ánh việc Nhật Bản thay đổi chính sách từ phát triển và sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật trong nước của thập niên 70 (thế kỷ XX) sang chiến lược mới mang tên “Chiến lược sản xuất quốc phòng và nền tảng công nghệ”. 

Việc thành lập cơ quan chuyên trách về nghiên cứu, phát triển, sản xuất và trang bị vũ khí có sự liên quan mật thiết đến những thay đổi gần đây trong các chính sách an ninh của Nhật Bản, đặc biệt là việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí. Ngược dòng thời gian, năm 1967, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Ây-sa-ku Sa-tô xây dựng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí và những chỉ đạo chính sách liên quan”. Theo đó, cấm xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia xã hội chủ nghĩa, các nước bị cấm vận vũ khí theo nghị quyết của Liên hợp quốc và những nước có can dự hoặc có thể dính líu đến các cuộc xung đột quốc tế. Đến năm 1976, Thủ tướng Ta-keo Mi-ki đã siết chặt những quy định này, tuyên bố Nhật Bản sẽ không thúc đẩy xuất khẩu vũ khí, dù là đến bất cứ quốc gia nào. Quyết định này trên thực tế là một lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí. Cho đến tháng 12-2013, Nhật Bản lần đầu tiên công bố Chiến lược An ninh Quốc gia; trong đó, cam kết sẽ xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Tháng 4-2014, Chính quyền của Thủ tướng Sin-dô A-bê cuối cùng đã sửa đổi 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, thậm chí còn đổi tên thành “3 nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng”. Với quy định mới, vũ khí của Nhật Bản sẽ được xuất khẩu nếu nó đóng góp cho hòa bình thế giới và bảo vệ lợi ích quốc gia. Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản, nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe thiết giáp và các sản phẩm quốc phòng công nghệ cao khác.

Như vậy, với các ưu tiên về chính sách an ninh mới của Chính quyền Tô-ky-ô, nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản sẽ có biến chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới. Điều đó xuất phát từ nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia của nước này trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực, thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng cảnh báo rằng, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản, ngoài mặt tích cực, còn có thể gây quan ngại cho nhiều nước; thậm chí có thể làm dấy lên cuộc chạy đua vũ trang đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực vốn đã đầy bất ổn này. Vì thế, dư luận quốc tế cho rằng, việc phát triển công nghiệp quốc phòng của các nước nói chung, Nhật Bản nói riêng là quyền của mỗi quốc gia, nhưng phải gắn với bảo đảm môi trường an ninh, hòa bình, ổn định. Chỉ có như vậy, cơ hội sống trong hòa bình mới được duy trì bền vững ở từng khu vực và trên toàn thế giới.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...