Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 16/02/2015, 12:05 (GMT+7)
Đôi nét về xây dựng, tổ chức lực lượng bán vũ trang của một số nước ASEAN

Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp về an ninh, một số nước ASEAN chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng bán vũ trang nhằm tăng cường sức mạnh bảo vệ đất nước. Đây cũng là xu hướng chung hiện nay.

Với lợi thế là lực lượng tại chỗ, thông thuộc địa bàn, sẵn sàng tham gia hoạt động phòng thủ và phòng chống các mối đe dọa về an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, bảo vệ địa phương, lực lượng bán vũ trang (LLBVT) đang được nhiều nước ASEAN coi trọng. Thực chất đây là tổ chức vũ trang quần chúng (với những tên gọi: dân phòng, dân quân, dân binh,...) không thoát ly sản xuất, đảm nhiệm các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng - an ninh tại địa bàn (khu vực) được tổ chức, xây dựng không phải từ ngân sách quốc phòng là chủ yếu. Cách thức xây dựng lực lượng này của mỗi quốc gia có đặc thù riêng; tựu trung được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

1. Hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý của nhà nước. Đây là nội dung quan trọng, quyết định đến việc tổ chức và hoạt động của LLBVT ở mỗi nước. Bởi lẽ, LLBVT tuy được tổ chức chặt chẽ, có tính xã hội hóa cao, liên quan trực tiếp tới mọi cấp, mọi ngành và đời sống xã hội, nên việc đảm bảo vai trò, hiệu lực quản lý thống nhất của nhà nước là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Để làm tốt yêu cầu đó, chính phủ nhiều nước ASEAN chú trọng hoàn thiện hệ thống luật, các văn bản pháp quy về công tác quốc phòng nói chung, xây dựng LLBVT nói riêng; đồng thời, kiện toàn hệ thống các cơ quan chuyên trách từ trung ương đến địa phương để thực hiện vai trò quản lý của nhà nước đối với công tác này. Trong hệ thống luật quốc phòng các nước: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Phi-líp-pin đều có Điều lệ Công tác dân phòng. Trong khi một số nước khác có lực lượng dân quân, dân binh, hoặc có cả dân phòng và dân quân. Trong điều lệ, hoặc luật, pháp lệnh xác định dân phòng (dân quân) là lực lượng nòng cốt trong công tác quốc phòng - an ninh của địa phương. Trong thời bình, lực lượng này có nhiệm vụ tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội; các hoạt động phòng thủ dân sự (phòng, chống thiên tai, thảm họa môi trường, dịch bệnh,…) trên địa bàn. Trong thời chiến, lực lượng này sẵn sàng bổ sung và phối hợp với quân đội chiến đấu bảo vệ đất nước. Chính phủ và Bộ Quốc phòng một số nước ASEAN đã tổ chức bộ máy chuyên trách quản lý công tác dân phòng từ trung ương đến địa phương. Bộ Quốc phòng các nước này cũng thành lập các cơ quan chuyên trách (có tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ,...) từ Bộ xuống địa phương để quản lý, huấn luyện, điều hành tác chiến. Trong đó, Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu cho chính phủ các chủ trương, chính sách; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai nhiệm vụ công tác dân phòng và quản lý huấn luyện, điều hành tác chiến. Các cơ quan chuyên trách ở địa phương trực tiếp tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, chính phủ các nước này cũng chú trọng hoàn thiện và ban hành các quy chế phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, nâng cao vai trò của các cơ quan chuyên trách và trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng, quản lý LLBVT. Đồng thời, quy định rõ các chế độ, chính sách (ưu tiên, ưu đãi, khen thưởng, xử phạt) nhằm khuyến khích, động viên LLBVT hoạt động. Ngoài ra, một số nước còn quy định, dân binh hoàn thành tốt nhiệm vụ là một tiêu chí quan trọng để giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xem xét nâng lương, bổ nhiệm chức vụ cho đối tượng này.

2. Chú trọng củng cố tổ chức biên chế đối với LLBVT. Trong xây dựng LLBVT, tùy thuộc vào mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, điều kiện địa lý, vùng, miền của mỗi nước để tổ chức, biên chế lực lượng này cho phù hợp. Song, về cơ bản, đa số các nước ASEAN tổ chức, biên chế LLBVT theo mô hình tổ chức của các đơn vị quân đội (từ tiểu đội, trung đội đến cấp trung đoàn). Thực hiện quan điểm phòng thủ toàn dân, Thái Lan lấy thôn, xã làm đơn vị hành chính cơ bản và căn cứ vào số dân để thành lập các đơn vị dân binh. Trong lực lượng dân binh có dân binh hạng 1 (dân binh cốt cán) và dân binh hạng 2 (dân binh phổ thông). Dân binh hạng 1 gồm các quân nhân xuất ngũ, thanh niên đã qua các khóa huấn luyện quân sự trong độ tuổi quy định, đảm nhiệm các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng - an ninh quan trọng của địa phương, như: các vị trí chỉ huy, trực chiến, cơ động chiến đấu, v.v. Số còn lại là dân binh hạng 2 có nhiệm vụ chủ yếu là tuần phòng, giữ gìn an ninh, trật tự và các hoạt động phòng thủ dân sự. Tại các địa phương nằm trên địa bàn, hướng trọng yếu chiến lược, Thái Lan tổ chức các đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn dân binh pháo phòng không, pháo mặt đất, công binh, hóa học, v.v. Các vị trí chủ chốt của trung đoàn dân binh thường do sĩ quan trong lực lượng bộ đội địa phương kiêm nhiệm. Khi có chiến tranh xảy ra, các đơn vị thuộc LLBVT là nguồn cung cấp nhân lực cho các đơn vị quân đội hoặc có thể được điều chuyển thành các đơn vị chiến đấu của quân đội. Trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông có những diễn biến phức tạp, Phi-líp-pin tăng cường xây dựng lực lượng dân phòng bờ biển mạnh cả về số lượng và chất lượng, vũ khí, trang bị (VK,TB) kỹ thuật có nhiệm vụ vừa sản xuất, khai thác ngư trường biển, vừa làm công tác tuần tra, bảo vệ các vùng biển của quốc gia. Đến nay, lực lượng dân phòng bờ biển của Phi-líp-pin đã thành lập được các hải đội, hải đoàn có VK,TB tốt và bảo đảm hậu cần đủ khả năng hoạt động dài ngày trên các vùng biển, kể cả vùng biển xa. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Phi-líp-pin, dân phòng bờ biển đã trở thành lực lượng quốc phòng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho hải quân trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo quốc gia.

3. Tăng cường cải tiến, hiện đại hóa VK,TB; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nếu trước đây, LLBVT thường được trang bị các loại VK,TB thô sơ, thì nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nhiều nước ASEAN đã chú trọng trang bị cho LLBVT những loại VK,TB tương đối hiện đại và hiện đại. Với mục tiêu “thu hẹp khoảng cách giữa lực lượng thường trực và LLBVT”, một số nước, như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan đã trang bị cho LLBVT một số loại vũ khí, khí tài tương đối hiện đại; trong đó có cả khí tài được số hóa, tự động hóa và từng bước tiếp cận đến vũ khí, khí tài của lực lượng thường trực. Các nước này còn tăng cường đầu tư cải tiến, nâng cấp VK,TB hiện có và mua sắm nhiều loại VK,TB hiện đại để chống khủng bố, như: xe đặc chủng, súng cá nhân chuyên dụng, máy dò mìn, các phương tiện viễn thám thế hệ mới trang bị cho LLBVT. Nhiều đơn vị binh chủng của LLBVT cũng được trang bị một số loại pháo phòng không tiên tiến, hệ thống phòng không hỗn hợp, tên lửa vác vai, phương tiện trinh sát, chỉ huy, thông tin, điều khiển hỏa lực kỹ thuật số, v.v. Riêng Phi-líp-pin đã trang bị cho lực lượng dân phòng bờ biển pháo mặt đất tầm xa, tàu, xuồng tuần tiễu ven biển tốc độ cao, v.v. Cùng với đó, một số nước ASEAN cũng chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho LLBVT. Nhiều n­ước lấy tiêu chuẩn huấn luyện LLBVT gần với tiêu chuẩn huấn luyện quân thư­­ờng trực. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, một số nước đã sử dụng quân th­­ường trực trực tiếp quản lý và tổ chức huấn luyện LLBVT định kỳ tại các trung tâm huấn luyện, trường quân sự và các đơn vị quân đội. Hằng năm, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a quy định lực lượng dân binh phải tham gia khóa huấn luyện quân sự tập trung từ 15 đến 20 ngày tùy binh chủng tại các trung tâm huấn luyện hoặc các đơn vị quân đội. Trong huấn luyện, chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến, quản lý đơn vị, xử trí các tình huống phòng thủ dân sự cho chỉ huy các cấp; nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là làm chủ các loại VK,TB mới, hiện đại; lấy huấn luyện thực hành là chủ yếu, v.v. Cuối giai đoạn huấn luyện, các đơn vị dân binh phải thực hiện “dã ngoại” ở các khu vực có địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt với các bài tập được mô phỏng sát với điều kiện và tình huống tác chiến thực để rèn luyện và nâng cao khả năng tác chiến.

Để thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, một số nước ASEAN còn quy định các đơn vị dân binh phải duy trì chế độ trực ban, trực chiến, tuần phòng và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên phối hợp với các đơn vị bộ đội địa phương và các lực lượng khác trên địa bàn hoàn thiện các kế hoạch, phương án tác chiến, tổ chức diễn tập hiệp đồng tác chiến, xử trí các tình huống phòng thủ dân sự trong thời bình và sẵn sàng chiến đấu khi có chiến sự.

Xây dựng LLBVT của một số nước trong khu vực và trên thế giới là vấn đề không mới, nhưng cách thức tổ chức, trang bị, huấn luyện và sử dụng lực lượng này của một số nước ASEAN là điều đáng quan tâm để nghiên cứu, tham khảo và vận dụng.

KIỀU LOAN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...