Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 11/06/2015, 08:40 (GMT+7)
Đôi nét về Trung Quốc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Là quốc gia có quy mô dân số và kinh tế đứng hàng đầu thế giới, Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị khu vực và toàn cầu. Trong đó, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được Bắc Kinh coi trọng và có nhiều đóng góp tích cực.

Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc có chủ trương tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Lần đầu tiên Trung Quốc cử công dân của mình tham gia Đoàn cứu trợ của Liên hợp quốc ở Nam-mi-bi-a là năm 1989. Một năm sau (năm 1990), với việc cử 05 quan sát viên quân sự tham gia gìn giữ hòa bình tại Trung Đông, Trung Quốc đã chính thức ghi tên mình vào danh sách các nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến nay, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cử nhân viên tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình, với quy mô khoảng trên 2.000 người, chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: công binh, quân y và vận tải. Đặc biệt, cùng với cử lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc còn mở nhiều trung tâm huấn luyện, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này; đồng thời, (từ năm 2002) còn đăng ký tham gia cơ chế bố trí dự phòng, sẵn sàng huấn luyện, triển khai lực lượng trong vòng từ 30 đến 60 ngày theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Đây là nỗ lực rất lớn của Trung Quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, nhất là về mặt chuyên môn, tính hiệu quả và mức độ trang bị khi tham gia từng phái bộ.

Lý do khiến Trung Quốc tham gia tích cực

Theo giới phân tích quốc tế, sở dĩ Trung Quốc tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bởi các lý do sau đây. Thứ nhất, việc tham gia hoạt động duy trì hòa bình ở các khu vực trên thế giới sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế; từ đó, hỗ trợ nước này trong thực hiện cơ chế hợp tác đa phương thay vì cơ chế đơn phương (như đã từng làm) khi giải quyết các vấn đề quốc tế, nhất là đối với các thách thức an ninh mang tính toàn cầu. Thứ hai, thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình, Bắc Kinh mong muốn và chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc về lâu dài luôn gắn với trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế. Thứ ba, Trung Quốc luôn coi các hoạt động gìn giữ hòa bình là cơ hội và môi trường tốt để đào tạo đội ngũ chuyên gia quốc tế cho mình; đồng thời, giúp họ thu nhận thông tin, kiến thức cùng các kỹ năng cần thiết khi tham gia hoạt động ở nước ngoài. Vì thế, khi quyết định tham gia vào một hoạt động gìn giữ hòa bình nào đó, Trung Quốc thường cân nhắc, tham gia cùng với lực lượng các quốc gia có kinh nghiệm hoạt động quốc tế và nền kỹ thuật quân sự tiên tiến. Thứ tư, cùng với các mục tiêu về chính trị, ngoại giao, sự tham gia tích cực của Trung Quốc trong lĩnh vực này còn ẩn chứa động cơ về kinh tế, nhất là đối với các khu vực giàu tài nguyên, khoáng sản. Hiện nay, với nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng ngày càng tăng đã thôi thúc Trung Quốc duy trì quan hệ mật thiết với các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt ở Lục địa đen, như: Xu-đăng, Li-bi; các nước có trữ lượng lớn kim loại quý (vàng, ti-tan), như: Nam Phi, Dim-ba-bu-ê. Ngoài ra, vấn đề quan hệ thương mại với các nước cũng được Bắc Kinh chú trọng và coi đó là một trong những ưu tiên khi lựa chọn các phái bộ để thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Một số kinh nghiệm chủ yếu

Theo đánh giá của các chuyên gia và chính quyền các nước sở tại, những thành công mà Trung Quốc đạt được trong hơn một phần tư thế kỷ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc về cơ bản dựa trên các yếu tố sau:

Coi trọng kiện toàn cơ chế tổ chức, nhằm quản lý thống nhất toàn bộ công tác gìn giữ hòa bình ở nước ngoài. Theo đó, từ năm 2001, Quân đội Trung Quốc đã thành lập Văn phòng gìn giữ hòa bình trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, chịu trách nhiệm lựa chọn nhân sự; bảo đảm huấn luyện; theo dõi, giám sát và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình; đồng thời, liên lạc, kết nối với các bộ phận và cơ quan liên quan ở trong và ngoài nước. Tại các quân khu (được giao nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình) cũng thành lập bộ phận chủ quản tương ứng, nhằm đảm bảo sự đồng bộ. Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, Văn phòng gìn giữ hòa bình có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng bộ Chính trị, Tổng bộ Hậu cần, Tổng bộ Trang bị và các cơ quan có liên quan xây dựng hệ thống quy chế, quy định và các giải pháp để hình thành hệ thống cơ chế chỉ đạo hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo triển khai thuận lợi, thông suốt các nhiệm vụ.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là chìa khóa dẫn tới thành công của Trung Quốc trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trước đây, bên cạnh những thành công khi tham gia ở từng phái bộ, lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc còn bộc lộ hạn chế về khả năng hòa nhập với lực lượng của các quốc gia khác và ít có sáng kiến khi triển khai trên thực địa, v.v. Để khắc phục hạn chế trên, Trung Quốc đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục đồng bộ, từ khâu tuyển chọn, huấn luyện và kiểm tra sát hạch đối với lực lượng này. Trong tuyển chọn lực lượng, yêu cầu đặt ra là, không chỉ có trình độ, kiến thức về quân sự, xã hội, pháp luật cao, kỷ luật nghiêm, tâm lý vững vàng, tinh thần dũng cảm và trách nhiệm tốt, mà phải có trình độ ngoại ngữ, khả năng ngoại giao, sử dụng thành thạo các phương tiện,… và thể chất phù hợp với yêu cầu của Liên hợp quốc. Đồng thời, Trung Quốc coi trọng xây dựng các trung tâm huấn luyện chuyên dùng cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của nước này và quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc đã thiết lập các trung tâm đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình lớn và hiện đại nhất châu Á, có thể đáp ứng mọi yêu cầu từ huấn luyện, giảng dạy và sinh hoạt với các phòng học được trang bị hiện đại, nhà nghỉ cho học viên trong và ngoài nước, khu vực dành cho chuyên gia nước ngoài, bãi huấn luyện lái xe và các lớp học đặc biệt, v.v. Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng trong quá trình thể chế hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc.

Tăng cường công tác rèn luyện kỷ luật, khả năng chịu đựng gian khổ, kết hợp thực hiện phong thái “uy vũ, văn minh, hòa bình” đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao cũng là một kinh nghiệm nổi bật. Theo quan điểm của Trung Quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình phải có khả năng “chịu khổ đặc biệt, chiến đấu đặc biệt và cống hiến đặc biệt” và nhận thức rõ rằng, nhiệm vụ đó phải hoàn thành ở mức độ cao nhất; đồng thời, phải thường xuyên giữ nghiêm kỷ luật quân đội; chấp hành quy định của Liên hợp quốc và pháp luật của nước sở tại. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng hệ thống quy chế, quy định trong nội bộ lực lượng gìn giữ hòa bình theo hướng: lấy con người làm trung tâm, đề cao ý thức an toàn, ý thức tự bảo vệ và ứng phó kịp thời với các hành động khủng bố và các vấn đề mới phát sinh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở từng phái bộ, lực lượng này phải tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo; coi trọng quan hệ tốt đẹp với nhân viên gìn giữ hòa bình của quốc gia khác; tôn trọng sự khác biệt về phong tục, tập quán của các dân tộc ở nước sở tại, làm tốt vai trò sứ giả của tình hữu nghị và văn minh.

Những đề xuất mới

Hiện nay, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã bước sang một trang mới với nhiều nét đặc thù của thời đại. Trong đó, quy mô của hoạt động này không ngừng tăng lên, với sự tham gia của lực lượng nhiều nước, phạm vi nhiệm vụ rộng và đòi hỏi chi phí ngày càng lớn. Trong khi đó, tính chất của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cũng có sự phát triển, thay vì các hoạt động đơn nhất, như: giám sát ngừng bắn, rút quân hoặc ngăn cách các bên tham chiến,… là các nhiệm vụ phối hợp đa chức năng rất phức tạp. Hơn nữa, cùng với các mối đe dọa thường xuyên, như: dịch bệnh, bom mìn, tai nạn giao thông,… nhân viên gìn giữ hòa bình còn đứng trước các nguy cơ bị khủng bố tiến công, tập kích, bắt cóc làm con tin ngay khi đang làm nhiệm vụ. Trước tình hình đó, với vai trò là một cường quốc mới trỗi dậy, Trung Quốc đã chủ động đưa ra nhiều đề xuất mới, liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo Trung Quốc, để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình, trước hết cần đảm bảo cơ cấu tổ chức hợp lý; trong đó, các phái bộ khác nhau phải chủ động hợp tác và mở rộng hiệu quả hoạt động của mình theo một cơ chế nhất định. Cùng với tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát hệ thống nhân sự, tài chính phục vụ cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, Liên hợp quốc cần có giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên ở từng phái bộ - những người là “đại sứ hòa bình” của một tổ chức uy tín nhất hành tinh. Tiếp đó, các quốc gia có thể chủ động vạch ra những kế hoạch chiến lược của mình, nhằm đảm bảo an toàn cho nền hòa bình trên từng khu vực và thế giới; đồng thời, có những hỗ trợ tài chính thích hợp cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong đó, để nâng cao khả năng tài chính, theo Trung Quốc, Liên hợp quốc nên tăng cường hợp tác với các tổ chức ở từng khu vực và khuyến khích các tổ chức này có nhiều đóng góp lớn hơn cho thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Riêng đối với ASEAN, Trung Quốc cũng đưa ra đề xuất hợp tác và giao lưu với những quốc gia có lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trung Quốc cho rằng, các hoạt động này không những thể hiện sự ủng hộ đối với hoạt động có ý nghĩa cao cả này, mà còn có lợi cho việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới; đồng thời, thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa nước này với ASEAN. Các hoạt động hợp tác này có thể triển khai dưới các hình thức: trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đào tạo lực lượng, nghiên cứu lý luận và tìm các cơ chế mới, hiệu quả cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các nhà quan sát cho rằng, hãy còn quá sớm để có thể kiểm nghiệm về tính hiệu quả những đề xuất của Trung Quốc, song đây là một trong những động thái tích cực, nhằm xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định giữa các nước ở khu vực và trên toàn thế giới.

QUỐC NGỌC

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...