Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 19/05/2016, 11:39 (GMT+7)
Đôi nét về tổ chức phòng thủ dân sự của một số nước châu Á hiện nay

Phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia, được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Đối với châu Á - khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nhưng cũng tồn tại sự cạnh tranh quyết liệt của các nước lớn cùng những hệ lụy của tiến trình phát triển, công tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, phòng thủ dân sự đã, đang là vấn đề được một số nước châu Á hết sức coi trọng.

Giới hoạch định chiến lược nhiều nước châu Á cho rằng, bước vào thế kỷ XXI, khu vực châu Á, về cơ bản vẫn giữ được môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; tuy nhiên, nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang từ những mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền, tài nguyên biển, đảo còn hiện hữu. Cùng với đó, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, thảm họa môi trường, các loại dịch bệnh,… đang gia tăng, diễn biến phức tạp. Kinh tế của nhiều nước phục hồi, tiếp tục đà tăng trưởng, tạo điều kiện để xây dựng đất nước, cải thiện cuộc sống của nhân dân, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều sự cố gây mất an toàn nghiêm trọng. Thực tế đã xảy ra nhiều sự cố mất an toàn do sự bất cẩn hoặc sai sót kỹ thuật gây sụt lún, cháy nổ, rò rỉ hóa chất độc hại, phóng xạ,… làm thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của nhiều nước. Trong bối cảnh đó, các nước châu Á luôn coi trọng các biện pháp phòng thủ dân sự để có thể chủ động phòng chống, đối phó hiệu quả với các mối đe dọa, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra. Tùy vào mục tiêu, yêu cầu cụ thể, thực lực của quốc gia, mỗi nước có quan điểm, biện pháp tổ chức phòng thủ dân sự riêng, tựu trung có thể thấy nổi lên một số nội dung chủ yếu sau:

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Là bộ phận quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia, công tác phòng thủ dân sự liên quan tới mọi lĩnh vực của đất nước và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và toàn dân. Do vậy, vai trò quản lý tập trung, thống nhất của nhà nước có tính quyết định đến chất lượng và kết quả công tác phòng thủ dân sự. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác phòng thủ dân sự, chính phủ nhiều nước châu Á chú trọng xây dựng bộ máy chuyên trách đồng bộ từ cấp chính phủ đến các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ sở. Theo đó, ở cấp chính phủ, một số nước tổ chức mô hình hội đồng phòng thủ dân sự quốc gia - cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về phòng thủ dân sự - do một quan chức chính phủ phụ trách; đại diện lãnh đạo của các cơ quan chức năng trong bộ máy chính phủ; một số bộ, ngành, địa phương trọng yếu là ủy viên. Ở các bộ, ngành, địa phương, tổ chức ra cơ quan chuyên trách về phòng thủ dân sự và do quan chức cấp cao nhất ở đó phụ trách. Hội đồng phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm thống nhất về mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ, phối hợp hoạt động chặt chẽ, tạo thành chỉnh thể thống nhất trong cả nước. Ở một số nước, cơ quan chuyên trách về phòng thủ dân sự của bộ Quốc phòng làm nòng cốt trong tổ chức phòng thủ dân sự của quốc gia, có nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện và giúp đỡ các cơ quan chuyên trách của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng thủ dân sự. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng chú trọng hoàn thiện hệ thống luật, các văn bản pháp quy về phòng thủ dân sự, làm cơ sở để tăng cường vai trò quản lý thống nhất của nhà nước, giữ nghiêm kỷ cương và phát huy hiệu lực của bộ máy quản lý; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Hiện nay, trước những nguy cơ đe dọa cuộc sống của con người ngày càng gia tăng và yêu cầu cao của phòng thủ dân sự, cùng với công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và người dân, chính phủ một số nước còn quan tâm đầu tư cả về tài chính và nguồn lực cho các nội dung, chương trình về công tác phòng thủ dân sự, nhằm ổn định tình hình đất nước trong mọi tình huống. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, cải tiến các chế độ, chính sách đãi ngộ, có các hình thức khen thưởng, xử phạt,… để công tác phòng thủ dân sự đi vào nền nếp, đúng quy định, đạt hiệu quả thiết thực.

Tập trung xây dựng lực lượng, thế trận phòng thủ dân sự

Thực tiễn những năm qua cho thấy, các tình huống liên quan đến phòng thủ dân sự có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp theo chiều hướng khốc liệt, khó lường. Do vậy, nhiều nước châu Á đã coi trọng làm tốt công tác chuẩn bị; trong đó, hướng tới xây dựng thế trận phòng thủ dân sự vững chắc và tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự hiện đại, có cơ cấu hợp lý, khả năng ứng phó nhanh, chuyên nghiệp với các tình huống xảy ra. Trong xây dựng thế trận phòng thủ dân sự, nhiều nước chú ý phương châm toàn diện, vững chắc, ưu tiên cho các hướng, vùng trọng điểm; coi trọng xây dựng các công trình có tính lưỡng dụng cao, vừa đảm bảo mục tiêu phòng thủ dân sự, vừa phục vụ tốt cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước ASEAN, khi quy hoạch các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, y tế, bưu chính - viễn thông, du lịch,… đều chú ý tính toán để các dự án, công trình vừa đảm bảo mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh của ngành, vừa phục vụ tốt cho mục đích quân sự, phòng thủ dân sự của quốc gia. Đồng thời, coi trọng xây dựng, bố trí các công trình phòng thủ dân sự ở các khu vực, địa bàn dự kiến xảy ra thiên tai, động đất, sóng thần và các thảm họa môi trường, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Các nước cũng chú trọng rà soát, cải tạo, tận dụng hệ thống các hang động, sông suối, địa hình, địa vật tự nhiên để phục vụ cho mục đích quân sự và phòng thủ dân sự của quốc gia.

Trong tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự, nhiều nước châu Á hướng theo mô hình hai lực lượng: chuyên trách và phổ thông. Lực lượng chuyên trách được thành lập ở các bộ, ngành, địa phương, biên chế thành các đơn vị có quy mô, thành phần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; trong đó, lấy các lực lượng chuyên môn, được đào tạo cơ bản, các đơn vị lực lượng bán vũ trang làm nòng cốt. Trong các đơn vị chuyên trách, có tổ chức ra lực lượng thường trực cơ động làm nhiệm vụ ứng trực, sẵn sàng cơ động xử lý khi có tình huống xảy ra. Lực lượng chuyên trách của quân đội và công an là lực lượng thường trực cơ động của chính phủ. Lực lượng phổ thông là toàn thể công dân, được tổ chức và hoạt động theo kế hoạch phòng thủ dân sự của địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong xây dựng kế hoạch và thực hành nhiệm vụ, các nước chú trọng phương châm kết hợp giữa sự hỗ trợ, ứng cứu của cấp trên với phát huy vai trò tích cực, chủ động của lực lượng, phương tiện, hậu cần - kỹ thuật tại chỗ, coi đây là phương án tối ưu để xử trí nhanh nhất, hiệu quả nhất khi các tình huống phòng thủ dân sự xảy ra.

Tăng cường hiện đại hóa trang bị kỹ thuật, nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng

Đây là nội dung quan trọng trong công tác phòng thủ dân sự của các quốc gia nói chung, của các nước châu Á nói riêng. Hiện nay, một số nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đã, đang tập trung đầu tư trang bị cho các đơn vị phòng thủ dân sự nhiều loại phương tiện hiện đại để trinh sát, cảnh báo sớm các thảm họa thiên tai và môi trường; các rô-bốt có khả năng hoạt động thay thế con người trong môi trường nguy hiểm, độc hại, như: ô nhiễm hóa chất, rò rỉ phóng xạ, xử trí sự cố trong lòng đất, dưới đáy đại dương; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ na-nô để chế tạo các trang, thiết bị phòng hộ cá nhân đa dụng, các phương tiện xử lý ô nhiễm, lọc sạch nguồn nước quy mô công nghiệp, v.v.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng phòng thủ dân sự, nhiều nước châu Á chú trọng xây dựng hệ thống tài liệu, giáo trình phù hợp với từng chuyên ngành, từng lực lượng, nhất là lực lượng chuyên môn kỹ thuật, cán bộ chuyên trách của các bộ, ngành, địa phương. Một số nước còn chú trọng lồng ghép nội dung phòng thủ dân sự trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy các cấp, học sinh, sinh viên và nhân dân. Không chỉ chú trọng huấn luyện, các nước còn tăng cường tổ chức diễn tập về phòng thủ dân sự trên các vùng, miền, nhằm nâng cao khả năng quản lý, chỉ huy, trình độ hiệp đồng, kỹ năng xử trí tình huống cho các lực lượng. Ví như, chương trình giáo dục quốc phòng của Xin-ga-po quy định: hằng năm, cán bộ làm công tác phòng thủ dân sự các cấp phải tham gia khóa “huấn luyện cường độ cao”, thời gian từ 3 đến 5 ngày, tại các trung tâm huấn luyện quân sự của quân đội hoặc tại các địa bàn có điều kiện khắc nghiệt để rèn luyện nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy xử trí các tình huống trong phòng thủ dân sự. Hệ thống các trường học của Nhật Bản chú trọng lồng ghép các bài giảng về phòng thủ dân sự nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ và hỗ trợ lẫn nhau khi động đất, sóng thần xảy ra. Nhờ đó, dù thường xuyên có động đất, thậm chí sóng thần, thảm họa xảy ra, nhưng Nhật Bản đã hạn chế đáng kể thiệt hại về người và tài sản của công dân.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao khả năng phòng thủ dân sự

Đây là một hướng chiến lược quan trọng, được các nước châu Á hết sức quan tâm thực hiện. Theo đó, quan điểm của các nước ASEAN cho rằng, ngày nay, với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong nhiều trường hợp phải thông qua hợp tác quốc tế mới có thể đối phó thành công. Bởi vậy, trong xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, các nước trong Hiệp hội chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh; trong đó có nhiều nội dung thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự. Điển hình là, thông qua các kênh đối thoại, như: Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+),… để các nước ASEAN và ASEAN với các bên đối tác trao đổi quan điểm, xác định cơ chế, chính sách hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh, an toàn, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. ASEAN cùng các nước đối tác cũng chú trọng hợp tác thiết thực trong phát triển công nghệ, huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức tuần tra chung, trao đổi thông tin tình báo, tổ chức diễn tập để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ phối hợp, hiệp đồng đối phó với các mối đe dọa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên không, trên biển, v.v. Thông qua các hoạt động hợp tác, các nước thành viên ASEAN có thể kết hợp phát huy nguồn lực bên trong với tranh thủ nguồn lực bên ngoài để nâng cao khả năng phòng thủ dân sự của quốc gia.

Như vậy, công tác phòng thủ dân sự được các nước trên thế giới nói chung, một số nước châu Á nói riêng hết sức quan tâm và bước đầu đã phát huy được tác dụng. Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, đòi hỏi mỗi quốc gia cần nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và tổ chức tốt phòng thủ dân sự là việc làm cần thiết và hữu ích .

ĐỨC MINH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...