Thứ Tư, 11/09/2024, 00:18 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2016, đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển của các quốc gia tiếp tục là xu thế chủ đạo của thế giới với nhiều biến chuyển mang tính đột phá. Tuy nhiên, mâu thuẫn, xung đột quân sự, chạy đua vũ trang,… cũng diễn ra gay gắt, phức tạp, khó lường. Bức tranh chính trị, quân sự thế giới vì thế mang diện mạo đa mầu sắc đan xen.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) phát biểu khai mạc Lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tháng 4-2016. (Ảnh: TTXVN)
1. Tăng cường đối thoại, mở rộng hợp tác để đối phó với các mối đe dọa an ninh nổi cộm mang tính toàn cầu, bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển là những “điểm nhấn” quan trọng của năm 2016. Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới là ngày 23-4-2016, đại diện của trên 170 nước đã nhất trí ký Thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 21). Theo Thỏa thuận, các nước nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 20C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng năm 1850). Từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc ký kết COP 21 là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, sâu xa hơn là bảo vệ trái đất khỏi nguy cơ bị diệt vong bởi những nguyên nhân từ chính con người, do con người. Tổng thư ký Liên hợp quốc, Ban Ki-moon đánh giá: COP 21 mở ra một kỷ nguyên mới của hợp tác toàn cầu để giải quyết một trong những vấn đề phức tạp nhất của nhân loại.
Hợp tác quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố cũng là một điểm nhấn trong năm 2016. Vấn đề quan trọng này được các diễn đàn, tổ chức khu vực, quốc tế, các quan hệ song phương, đa phương quan tâm đặc biệt. Một số biện pháp hợp tác được nhiều nước chú trọng là: trao đổi thông tin tình báo; tổ chức các trung tâm kiểm soát, báo động sớm; tổ chức tuần tra chung, diễn tập, phối hợp tác chiến chống khủng bố, v.v. Nhờ đó, nhiều vụ khủng bố đã bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời, nhiều thủ lĩnh, phiến quân khủng bố bị bắt giữ hoặc bị tiêu diệt. Đặc biệt, những tháng gần đây, mặc dù còn nhiều bất đồng nhưng Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Xy-ri; phối hợp tác chiến ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính, dầu mỏ, vũ khí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS; mở mặt trận chung, hỗ trợ quân đội Xy-ri và I-rắc tiến hành các chiến dịch quân sự, tiêu diệt hàng ngàn tên khủng bố, giải phóng nhiều thành phố trọng yếu chiến lược, thu hẹp đáng kể địa bàn mà IS đã chiếm đóng ở hai nước này. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dường như cuộc chiến chống IS đang tiếp cận “bước ngoặt” trên hành trình kết liễu tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo này.
Hợp tác bảo vệ an ninh, ổn định ở từng khu vực và phạm vi toàn thế giới cũng diễn ra sôi động. Trong đó, các tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế đã có nhiều hoạt động thiết thực trong tăng cường đối thoại, mở rộng quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác về quốc phòng, an ninh trong nội khối, liên kết khu vực, liên khu vực; đề cao vai trò của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế trong giải quyết các “điểm nóng”, ngăn ngừa xung đột, đối phó với các mối đe dọa an ninh, nhằm đảm bảo sự ổn định để phát triển. Đây là những gam “mầu sáng” trong bức tranh chính trị, quân sự thế giới năm 2016.
2. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, tình trạng mâu thuẫn, xung đột quân sự, tranh chấp chủ quyền, khủng bố, chạy đua vũ trang vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp. Trong năm 2016, nhiều mâu thuẫn, xung đột, “điểm nóng” trước đây vẫn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm, tiếp tục đe dọa an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Bán đảo Triều Tiên lại bị “hun nóng” khi Mỹ và các đồng minh gia tăng các biện pháp răn đe, trừng phạt Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên với lý do: nước này tiến hành thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nga đưa máy bay, tên lửa, tầu chiến,… tham chiến ở Xy-ri, cùng với sự gia tăng các hoạt động tiến công của liên quân đưa cuộc chiến chống IS thu được kết quả quan trọng, nhưng khủng bố đang biến tướng theo hướng tàn bạo, nguy hiểm hơn. Nhiều tổ chức khủng bố đang mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước châu Âu, Trung Á, Trung Đông, Đông Nam Á,… đe dọa an ninh ở các khu vực này. Tình trạng tranh chấp tài nguyên nước, chủ quyền biển, đảo vẫn có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, nhất là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông diễn ra phức tạp, gây lo ngại cho khu vực và thế giới. Khu vực Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục là khu vực “nguy hiểm” bởi xung đột ở Xy-ri, Y-ê-men, Xu-đăng và một số nước khác vẫn diễn ra dai dẳng, đẫm máu. Khu vực Trung Á, Tây Á trong năm cũng nóng lên khi tranh chấp vùng đất Na-go-rơ-nưi Ka-ra-bắc đã biến thành xung đột quân sự tàn khốc giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-dan; chính trường Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo bởi đảo chính quân sự, v.v. Đặc biệt, quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga lại bị đẩy lên một tầng nấc nguy hiểm khi Mỹ đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở châu Âu và NATO tăng cường triển khai lực lượng sát biên giới Nga. Nhiều chuyên gia nhận định, hành động răn đe, ngăn chặn quân sự này của Mỹ - NATO là rất mạo hiểm, “đổ dầu vào lửa”, có thể đẩy quan hệ giữa họ với Nga vượt qua “giới hạn đỏ”, vào thế đối đầu quân sự nguy hiểm.
Năm 2016, thế giới cũng chứng kiến những sự kiện chính trị, quân sự mang tính “đột biến”. Điển hình là sự kiện Anh, một thành viên chủ chốt đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Bre-xít). Theo các nhà phân tích quốc tế, sự kiện đó là cơn “địa chấn” tiềm ẩn những biến động khôn lường cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với Anh, EU và cả thế giới. Với Anh và EU, Bre-xít không chỉ làm cho khủng hoảng kinh tế - chính trị và nhiều vấn đề nóng khác của lục địa già thêm trầm trọng, mà còn làm cho sức mạnh của châu Âu ngày càng suy giảm, nhất là, hiệu ứng Đô-mi-nô có thể dẫn đến kịch bản không mong muốn là liên hiệp Anh và EU bị tan rã. Đối với thế giới, hiệu ứng Đô-mi-nô của Bre-xít có thể tác động khiến nhiều liên kết khu vực khác bị rạn nứt, tan vỡ, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy mạnh mẽ. Hệ lụy này có thể đẩy thế giới vào một kỷ nguyên bất ổn định, gia tăng xung đột nguy hiểm.
Đó là những gam “mầu tối” trong bức tranh chính trị, quân sự thế giới năm 2016, làm cho mọi quốc gia phải dè chừng và nó sẽ còn gây tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định của các khu vực và thế giới.
3. Các nước chú trọng điều chỉnh chiến lược quốc phòng, quân sự nhằm ứng phó với các biến đổi về địa chính trị, địa chiến lược ở khu vực và thế giới. Nga cho rằng, tình hình thế giới rất phức tạp, ngày càng có nhiều mối đe dọa khó lường; trong đó, mưu đồ sử dụng sức mạnh để áp đặt ý chí chính trị cùng “tiêu chuẩn kép” cho các quốc gia khác là một nguy cơ. Hiện Nga đang là nạn nhân của chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trước tình hình đó, chiến lược của Nga là không theo đuổi chính sách “đối đầu”, nhưng coi trọng xây dựng nền quốc phòng, quân sự hiện đại, ưu tiên việc bố trí phòng thủ chiến lược trên toàn lãnh thổ, xây dựng quân đội hiện đại, đủ sức đối phó với các mối đe dọa, bảo vệ vững chắc an ninh, lợi ích quốc gia. Đồng thời, Nga coi trọng mở rộng hợp tác quốc tế, phát huy vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong cấu trúc chính trị quốc tế để đối phó với các mối đe dọa an ninh, chống lại mọi sự can thiệp thô bạo từ bên ngoài vào các quốc gia có độc lập, chủ quyền. Thực hiện kế hoạch hiện đại hóa nền quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu mục tiêu “trỗi dậy hòa bình”.
Trong năm, Trung Quốc tiếp tục tập trung vào tinh giảm quân số, điều chỉnh cơ cấu, tổ chức quân đội, phát triển vũ khí, trang bị hiện đại, ưu tiên cho không quân, hải quân, pháo binh chiến lược, nâng cao khả năng tác chiến trong điều kiện thông tin hóa cao. Về đối ngoại, Trung Quốc chú trọng tăng cường mở rộng hợp tác quốc phòng, quân sự với các nước, nhất là với Nga trong chuyển giao công nghệ, phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao, an ninh mạng, vũ trụ...; phát huy vai trò chủ đạo xây dựng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) thành một “trung tâm” trong trật tự thế giới mới.
Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản xác định, môi trường an ninh quốc tế nói chung, khu vực nói riêng ngày càng phức tạp, nhất là nguy cơ quân sự trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông. Sách Trắng nêu rõ, Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên 4,86 nghìn tỉ yên (48 tỉ USD) để đầu tư hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho quân đội; đồng thời, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Mỹ - Nhật Bản trong đảm bảo an ninh, ổn định của Nhật Bản và khu vực.
Cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước trên thế giới. Và cũng chưa bao giờ sau bầu cử Tổng thống lại làm cho nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc như lần này. Để đối phó với Bre-xít và chính sách “biệt lập” mà Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump có thể thực hiện, mới đây EU đã thông qua chiến lược quốc phòng và an ninh toàn châu Âu. Theo đó, cùng với tiếp tục giữ mối quan hệ chiến lược với NATO, EU sẽ tập trung xây dựng một cơ cấu an ninh, quốc phòng độc lập của liên minh. Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, đây là tín hiệu của một giai đoạn “phân cực” mới giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Với Mỹ, trong năm 2016, tiếp tục điều chỉnh chiến lược quân sự trên quy mô toàn cầu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cùng với gia tăng các hoạt động quân sự ở châu Âu và Trung Đông, Mỹ đẩy nhanh chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương. Nhà Trắng tiếp tục điều chuyển lực lượng, trang thiết bị tác chiến hiện đại về khu vực; gia tăng hiện đại hóa các căn cứ quân sự; triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc; tăng cường các hoạt động trinh sát, tuần tra trên không, trên Biển Đông, v.v. Mặt khác, Nhà Trắng tích cực mở rộng quan hệ liên kết, hợp tác quốc phòng, quân sự với các nước, gia tăng chia sẻ trách nhiệm với các nước đồng minh trong các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực và trên thế giới. Nhiều nước bày tỏ sự quan ngại chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ gây xung đột lợi ích với các cường quốc khác; điều đó không có lợi cho an ninh, ổn định khu vực và thế giới.
Năm 2016 khép lại với bức tranh chính trị, quân sự thế giới có nhiều gam mầu “sáng”, “tối” đan xen phức tạp. Tình hình đó sẽ tác động ở những mức độ khác nhau tới tình hình chính trị, quân sự thế giới năm 2017. Dư luận kỳ vọng, các nước, nhất là các nước lớn, cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế; cần thắt chặt đoàn kết và niềm tin chiến lược, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc để tăng cường các điểm tương đồng, lợi ích chung - “màu sáng”, thu hẹp những bất đồng, tranh chấp - “màu tối”. Chỉ có như vậy mới tạo được một nền tảng chắc chắn để xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển ngày càng thịnh vượng.
ĐỨC MINH
thế giới năm 2016,tình hình chính trị,quân sự
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương