Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 14/03/2016, 08:16 (GMT+7)
Đôi nét về sự điều chỉnh chiến lược của Nga

Gần đây, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ, phương Tây với Nga ngày càng xấu đi, Mát-xcơ-va chủ trương điều chỉnh chiến lược trên các lĩnh vực, nhằm tăng cường ảnh hưởng, vị thế trên trường quốc tế. Đây là động thái mới của Nga, tác động không nhỏ đến cục diện thế giới. Dư luận quốc tế đang hết sức quan tâm.

Mục tiêu điều chỉnh chiến lược của Nga

Hiện nay, bối cảnh khó khăn về kinh tế, hạn chế về nguồn lực cùng sự bao vây, cô lập của phương Tây đã đặt ra những thách thức đối với mô hình phát triển của Nga. Vì thế, chủ trương chiến lược của Mát-xcơ-va là “cài đặt” lại quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau; đồng thời, tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại theo hướng: nỗ lực đảm bảo lợi ích quốc gia, tránh đối đầu; tập trung tìm kiếm đối tác, thúc đẩy phát triển nội lực để tăng cường vị thế của đất nước. Chủ trương điều chỉnh chiến lược đó nhằm các mục tiêu cụ thể sau:

Thứ nhất, tạo các điều kiện bên ngoài thuận lợi để hỗ trợ về mặt chính trị và vật chất cho cuộc cải cách trong nước; thu hút vốn đầu tư, khoa học - công nghệ; mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với các nước; phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nền chính trị của đất nước.

Thứ hai, đảm bảo cho nước Nga giữ được vị trí xứng tầm trong khu vực và trên trường quốc tế, trước hết là ở các khu vực, lĩnh vực chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh chiến lược này, Nga chủ trương: có ưu tiên, đa dạng hóa, linh hoạt, thực dụng nhưng kiên trì phương hướng chung, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.

Một số nội dung điều chỉnh chủ yếu

Để đạt được các mục tiêu trên, Nga đã thực hiện một loạt giải pháp điều chỉnh trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao,… nhằm thoát khỏi sự bao vây, cô lập của Mỹ và phương Tây; trên cơ sở đó, khẳng định vị thế, sức mạnh cũng như vai trò không thể thiếu của Nga trên trường quốc tế.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP)

Tích cực thực hiện chính sách hướng Đông được coi là nội dung quan trọng trong tái cân bằng chính sách đối ngoại của Nga. Do tác động của cuộc khủng hoảng U-crai-na và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đã khiến chính sách đối ngoại của Mát-xcơ-va “xoay trục” nhanh hơn từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trên thực tế Nga đã bắt đầu “xoay trục” sang châu Á từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng U-crai-na nhằm đón nhận những yếu tố năng động của châu Á để thúc đẩy sự phát triển Viễn Đông - một trong những khu vực trì trệ nhất của nước này. Vì thế, nhiều nhà quan sát cho rằng, chính mâu thuẫn với phương Tây (liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na) đã tạo cơ hội cho Nga mở rộng bài toán địa - kinh tế thông qua việc đưa yếu tố địa - chính trị vào phương trình cân bằng động. Và sự cân bằng đó đã, đang là đòi hỏi đối với chính sách châu Á của Nga, thông qua các mối quan hệ hết sức quan trọng của nước này với một số nước châu Á, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), v.v.

Trong đó, hướng đến Trung Quốc là vấn đề có tính chiến lược của Nga, nhằm thực hiện một thế giới mà ở đó sự thống trị toàn cầu của Mỹ dần nhường chỗ cho một “sân khấu” của các siêu cường. Mặc dù quan hệ với Bắc Kinh chưa trở thành “khối liên minh” Nga - Trung Quốc, nhưng sự xích lại gần nhau giữa hai nước sẽ tạo cho Mát-xcơ-va sự đối trọng cần thiết với Mỹ và phương Tây. Nhận xét về động thái này, giới phân tích cho rằng, sự dịch chuyển của Nga về phía Trung Quốc chắc chắn sẽ gây mối lo ngại đối với cả Mỹ và châu Âu. Thay vì ý tưởng về một châu Âu rộng lớn hơn từ Lít-xbon đến Vla-đi-vô-xtốc mà Tổng thống Nga V. Pu-tin cảnh báo vào năm 2010, EU sẽ nhìn thấy một ý tưởng mới về một châu Á lớn hơn từ Thượng Hải đến Xanh Pê-téc-bua. Vì thế, nhìn ở góc độ nào đó, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, bề ngoài chỉ là mục tiêu “ẩn”, nhưng lại là đích ngắm quan trọng trong điều chỉnh chính sách của Nga, nhằm làm giảm sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, thông qua quan hệ này cũng dễ dàng nhận thấy, một trong những hậu quả chính của cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Nga với Mỹ và phương Tây là gián tiếp gia tăng sức mạnh cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nga còn chủ động điều chỉnh quan hệ kinh tế để khắc phục những khó khăn trước mắt và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU tiếp tục được duy trì. Trước hết, thay vì hướng tới châu Âu (như trước đây), Nga coi trọng phát triển thương mại với khối Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU), các nước trong nhóm BRICS; đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang cả hướng Đông và Tây một cách có chọn lọc. Về lâu dài, Nga chủ trương chuyển hướng tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Nga là nhà cung cấp 70% khí tài quốc phòng và hàng chục lò phản ứng hạt nhân (trị giá trên 43 tỷ USD) cho Ấn Độ; ký hợp tác với Thái Lan, In-đô-nê-xi-a,… các dự án về xây dựng đường sắt, nhà máy điện hạt nhân cùng các hợp đồng mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ, v.v.

Cùng với đó, Nga cũng chủ trương điều chỉnh nghệ thuật quân sự theo hướng phối hợp phòng ngự - tấn công, nhằm đối phó với những diễn biến mau lẹ, khó lường của tình hình quốc tế. Hiện nay, điều Nga lo ngại nhất là sự hình thành “một mặt trận phương Tây - Hồi giáo” mà nước này sẽ bị liên lụy, tương tự như trường hợp của Xy-ri. Đây cũng là lý do khiến Nga hết lòng ủng hộ Chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát và tích cực hoạt động ngoại giao nhằm ngăn chặn đòn tấn công quân sự của phương Tây vào Xy-ri. Đặc biệt, từ khi trở thành người đứng đầu điện Krem-li, Tổng thống V. Pu-tin đã ra sức tạo dựng uy tín quốc gia thông qua xây dựng các lực lượng vũ trang Nga, làm công cụ quân sự tin cậy để bảo vệ đất nước. Theo đó, Nga vận dụng phối hợp cả phương thức phòng ngự lẫn tấn công trong các chiến dịch đặc biệt cùng các hoạt động tình báo và thông tin. Sự kết hợp này được đảm bảo bởi các vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật - vốn luôn là quân chủ bài trong chính sách an ninh của Mát-xcơ-va, nhằm chống lại mối đe dọa kép đối với Nga là: khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dòng Săn-ni có khả năng gây bất ổn cho vùng Cáp-ca-dơ và Trung Á của nước này. Ngoài ra, việc Crưm sáp nhập vào Nga cũng tăng cường khả năng phòng ngự và tấn công của Mát-xcơ-va. Bán đảo này đã, đang được sử dụng như một tàu sân bay không thể đánh chìm, cho phép Nga có thể vừa ngăn chặn đối phương tiếp cận không gian Biển Đen, vừa tạo khả năng vươn tới Trung Đông khi cần thiết.

Trước bối cảnh bị Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp cô lập, trừng phạt, Nga đã, đang vận dụng chính sách ngoại giao đa dạng, thực dụng nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, đối tác không tham gia vào các lệnh trừng phạt đối với nước này. Theo quan điểm của Nga, để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, cùng với phát huy tối đa sức mạnh nội lực, khai thác triệt để tính độc lập, tự chủ, Mát-xcơ-va tập trung phát triển, nâng tầm quan hệ với tất cả các quốc gia ở các khu vực trên thế giới, nhất là với các đối tác truyền thống và các nước lớn. Đồng thời, Nga cũng chủ động bày tỏ mong muốn dẹp bỏ những bất đồng, rào cản đối với các nước từng có mâu thuẫn với mình, tiến tới thiết lập quan hệ song phương trên nguyên tắc cùng có lợi. Hơn thế nữa, mặc dù quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây đang ở thời kỳ khó khăn, nhưng Tổng thống Nga V. Pu-tin vẫn luôn đưa ra thông điệp hy vọng các bên sẽ tìm ra các biện pháp giải quyết bằng con đường ngoại giao, đối thoại, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau, tuân thủ nghiêm các quy định, thông lệ quốc tế. Thậm chí, trong quan hệ với U-crai-na, Nga luôn coi trọng tính lịch sử và quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc để đi đến một giải pháp tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Gần đây, việc Nga chủ động mở chiến dịch không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Xy-ri nhằm làm cho thế giới, nhất là Mỹ và phương Tây thấy rằng, nước này có đủ tiềm lực và thực lực trong giải quyết các vấn đề quốc tế cũng như khả năng gây ảnh hưởng và bảo vệ đối tác của mình ở các khu vực truyền thống.

Ngoài ra, Nga cũng tích cực thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo trên cơ sở lợi ích kinh tế để lôi kéo, chia rẽ một số nước thuộc EU trong giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Qua đó, chứng minh cho EU và cộng đồng quốc tế thấy rằng, việc cô lập chính trị và trừng phạt kinh tế đối với Nga chỉ gây thiệt hại cho cả hai phía. Cùng với thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, Nga vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với những vấn đề thuộc lợi ích và an ninh quốc gia trước áp lực của phương Tây, nhất là phản đối sự hiện diện quân sự của NATO ở sát biên giới Nga cùng hệ thống phòng thủ tên lửa của khối này ở châu Âu, v.v.

Những tác động đến cục diện khu vực và thế giới

Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, việc điều chỉnh chiến lược của Nga, quan hệ Nga - Mỹ xấu đi cùng với yếu tố Trung Quốc đã tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới trên cả ba khía cạnh chủ yếu sau:

1. Tạo ra một khoảng trống quyền lực và cơ hội để các nước lớn khác, như: Trung Quốc, Ấn Độ phát triển.

2. Sự điều chỉnh chiến lược của Nga có thể gây ra những biến chuyển địa - chính trị, địa - kinh tế tác động trực tiếp đến lợi ích của các nước lớn khác. Thực tiễn cho thấy, xu hướng nóng lên hay dịu đi tại các điểm tranh chấp lãnh thổ, như: Biển Đông, khủng hoảng trong lòng châu Âu, bất ổn tại Trung Đông,… xét ở góc độ nào đó, đều mang dấu ấn của sự dịch chuyển, cọ xát trong quan hệ giữa các nước này.

3. Suy đến cùng, mục tiêu cốt lõi điều chỉnh chiến lược của Nga là nhằm giải quyết mối quan hệ với Mỹ và phương Tây, nên cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nước nhỏ trong giải quyết quan hệ với các nước lớn. Ví như, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na bùng phát bởi nhiều nguyên nhân, đòi hỏi lãnh đạo nước này phải dung hòa quan hệ với Nga và phương Tây, dựa trên một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tương tự như vậy, thế “tiến thoái lưỡng nan” hiện nay cũng là tình cảnh mà nhiều nước, như: Xéc-bi-a, Môn-đô-va, Hung-ga-ri,… đang gặp phải.

Như vậy, sự điều chỉnh chiến lược của Nga hiện nay được thực hiện tương đối toàn diện trên các mặt: chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao,… và bước đầu đã phát huy tác dụng. Dư luận quốc tế cho rằng, trong một thế giới đầy biến động, khó lường, việc điều chỉnh chiến lược của Nga là cần thiết, nhưng đạt hiệu quả đến mức nào là vấn đề rất khó đoán định.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH - Đại tá NGUYỄN THANH HÀ

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...