Thứ Bảy, 21/09/2024, 10:19 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Thời gian gần đây, sự ra đời của sáng kiến “Vành đai và Con đường” là vấn đề đang nổi lên không chỉ với tư cách là một chiến lược của Trung Quốc, mà còn có thể định hình lại vị trí địa chính trị, kinh tế trong và ngoài châu Á. Chính vì vậy, nội dung cơ bản và triển vọng của Sáng kiến này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới.
Lãnh đạo cấp cao của 29 quốc gia tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 5-2017. (Ảnh: TTXVN)
1. Khái quát về sáng kiến “Vành đai và Con đường”
Ý tưởng về Sáng kiến trên bắt nguồn từ lịch sử tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển, kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Nó được hình thành từ hai bộ phận, gồm: “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” - được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á, từ biển Thái Bình Dương tới biển Ban-tích, và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC-22 ở Bắc Kinh, tháng 11-2014.
Theo tuyên bố của Bắc Kinh, “Vành đai và Con đường” sẽ đi qua ba châu lục: Á - Âu - Phi, để kết nối các vòng tròn kinh tế sôi động, nhất là với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu. Cụ thể, “Vành đai” sẽ tập trung kết nối theo các hướng: giữa Trung Quốc với Trung Á, Nga và châu Âu (vùng Ban-tích); nối liền Trung Quốc với Vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải qua Trung Á và Tây Á; kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, “Con đường” sẽ thực hiện kết nối đường biển của Trung Quốc theo hai hướng: một là, sang châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương; hai là, qua Biển Đông tới Nam Thái Bình Dương. Trên đất liền, Sáng kiến này sẽ tập trung xây dựng các kết nối đường bộ Á - Âu mới và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc - Mông Cổ - Nga; Trung Quốc - Trung Á - Tây Á; Trung Quốc - Bán đảo Đông Dương. Trên biển, Sáng kiến được tập trung vào phát triển các cảng biển, cơ sở hậu cần tại các nước dọc theo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nội dung của sáng kiến “Vành đai và Con đường” tập trung vào 05 lĩnh vực kết nối, gồm: chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tiền tệ và giao lưu nhân dân. Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các cổng kết nối cụ thể từ Trung Quốc tới các nền kinh tế, gồm: khu tự trị Tân Cương, các tỉnh: Hắc Long Giang, Quảng Tây, Vân Nam và khu vực Tây Tạng. Với quy mô và phạm vi kết nối này, việc bảo đảm tài chính cho Sáng kiến là vấn đề có tính then chốt. Trước mắt, Trung Quốc thiết lập quỹ cho Con đường tơ lụa khoảng 40 tỷ USD, phần còn lại (khoảng 100 tỷ USD) do Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) đảm nhiệm.
2. Ý nghĩa và tầm vóc của Sáng kiến
Đây là sáng kiến có ý nghĩa toàn cầu, xuyên thế kỷ. Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, “Vành đai và Con đường” được thiết lập sẽ kiến tạo mạng lưới kinh tế, thương mại bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ người, kết nối hơn 20 nước dọc theo Con đường đi qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 21 nghìn tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, cũng như liên kết với các thị trường đang nổi, có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Không những thế, các khu vực mà Con đường đi qua đều có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng. Đây là những khu vực giàu tài nguyên, trung tâm an ninh của khu vực và thế giới.
Đối với Trung Quốc, “Vành đai và Con đường” có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về đối nội và đối ngoại. Về đối nội, nó có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với hai mục tiêu mà lãnh đạo Trung Quốc đã thông qua, đó là: (1). Xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021, đúng dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập; (2). Xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong đó, việc làm sống lại “Giấc mơ Trung Hoa” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, nhằm gắn kết dân tộc Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với những thách thức lớn, cả ở trong và ngoài nước. Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chững lại và đối mặt với nhiều khó khăn nội tại. Sau ba thập kỷ cải cách, Trung Quốc đang trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, hàng hóa công nghiệp và thực phẩm, nên đòi hỏi sự đảm bảo việc tiếp cận các nguồn cung mới; đồng thời, đối mặt với thách thức khủng hoảng thừa và quá tải, đặc biệt là trong ngành thép và vật liệu xây dựng. Điều này có thể được giải quyết bằng Sáng kiến trên, khi mở cửa các thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp Trung Quốc. Hơn nữa, do chi phí lao động tăng, Trung Quốc sẽ chuyển các cơ sở sản xuất tốn nhiều lao động và giá trị gia tăng thấp ra nước ngoài. Ngoài ra, với Sáng kiến này, Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển ở các tỉnh nghèo khó trên biên giới bộ nhằm tạo cơ hội phát triển thịnh vượng; đồng thời, kích thích tăng trưởng kinh tế đối với các tỉnh nằm sâu trong nội địa và ở phía Tây vốn đã tụt hậu trong những thập kỷ mở cửa vừa qua. Về đối ngoại, sau những hành động cương quyết dứt bỏ chiến lược “giấu mình, chờ thời” gây quan ngại cho nhiều nước, sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm góp phần kết nối kinh tế, vì sự thịnh vượng chung của mỗi nước và xoa dịu cộng đồng quốc tế.
Mặt khác, ý tưởng trên còn có ý nghĩa chiến lược hơn, bởi nó bao hàm an ninh truyền thống ở cấp độ khu vực và liên khu vực. Trong những năm qua, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Nam Á, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương bằng chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, tạo bàn đạp để nước này tăng cường tiềm lực cũng như khả năng tiếp cận hàng hải. Trên thực tế, không có nhiều điểm khác biệt giữa “Con đường tơ lụa trên biển” với “Chuỗi ngọc trai”, nhằm chiếm ưu thế về chiến lược. Nếu sáng kiến “Vành đai và Con đường” được hiện thực hóa, Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm địa chính trị - kinh tế toàn cầu.
3. Triển vọng của Sáng kiến và tác động của nó đối với khu vực và quốc tế
Theo nhận định của giới phân tích, việc triển khai Sáng kiến đang có những thuận lợi cơ bản. Trước hết, tiềm năng tài chính và dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại khá dồi dào. Hệ thống ngân hàng và các dòng tài chính quốc tế của Trung Quốc tiếp tục do nhà nước kiểm soát và tỷ lệ tiết kiệm quốc gia chiếm khoảng 40%. Trung Quốc có thặng dư tài khoản vãng lai khoảng 2% GDP; dự trữ ngoại tệ tăng đến mức 3.900 tỷ USD. Trung Quốc đang cân nhắc đầu tư tối đa 800 tỷ USD trong 10 năm tới cho hai Con đường tơ lụa và điều này dường như là khả thi. Hơn nữa, với việc sử dụng hai nguồn tài chính: Quỹ Con đường tơ lụa (Trung Quốc hoàn toàn tự chủ) và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (hoạt động theo các tiêu chí của một tổ chức ngân hàng thế giới, nhưng Trung Quốc là cổ đông chi phối), nguồn vốn triển khai Sáng kiến sẽ rất linh hoạt.
Vị thế quốc tế của Trung Quốc hiện nay cũng là yếu tố thuận lợi cho việc hiện thực hóa Sáng kiến này. Về kinh tế, Trung Quốc là cường quốc số hai thế giới và nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trong thời gian không xa. Về chính trị, Trung Quốc nằm trong số các cường quốc hàng đầu, là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có vai trò quyết định trong nhiều vấn đề an ninh quan trọng của thế giới, như: hạt nhân I-ran, bán đảo Triều Tiên, v.v. Trung Quốc đã có những điểm tựa tương đối vững chắc tại các quốc gia mà hai Con đường tơ lụa đi qua. Đây là khu vực giàu tài nguyên và là nơi những năm qua, Bắc Kinh đã tiến hành nhiều hoạt động đầu tư về kinh tế, thương mại, hạ tầng cơ sở, thậm chí cả về chính trị. Nhìn chung, Sáng kiến trên của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều quốc gia, nhất là các nước nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém. Trong khi đó, việc một số nước lớn hiện nay đang phải giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm, là thuận lợi cơ bản để Bắc Kinh dần hiện thực hóa tham vọng của mình mà chưa gặp trở ngại nào.
Tuy nhiên, Sáng kiến cũng đang đứng trước những khó khăn không nhỏ. Đây thực sự là kế hoạch lớn, đầy tham vọng của Trung Quốc. Trong khi đó, bản đồ về hai Con đường tơ lụa mới chỉ là những phác thảo, chưa chi tiết, thậm chí gây quan ngại cho một số quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc. Mặt khác, phần lớn các quốc gia mà hai Con đường đi qua đều nằm ở khu vực giàu tài nguyên nhưng nghèo đói và bất ổn về chính trị. Trong số đó, nhiều quốc gia nằm trong không gian hậu Xô-viết; nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây; sự gia tăng về các hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, tạo ra nhiều rủi ro cho Trung Quốc khi đầu tư ở đây. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia cần Trung Quốc để phát triển nhưng cũng lo ngại trước những hành động trên biển của Trung Quốc gần đây, nhất là vấn đề Biển Đông, gây nên những quan ngại sâu sắc về mục đích sâu xa của Bắc Kinh đằng sau Sáng kiến. Nhìn ở góc độ khác, các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Nga và Ấn Độ sẽ không để Trung Quốc dễ dàng thực hiện Sáng kiến để cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực. Sự cạnh tranh chiến lược tới đây sẽ diễn ra rất gay gắt mà ở đó, Mỹ và phương Tây, có thể cả Nga và Ấn Độ, sẽ có biện pháp đối phó với tham vọng trên của Trung Quốc.
Theo giới phân tích, các nước Đông Nam Á có thể sẽ được hưởng lợi từ Sáng kiến, thông qua các dòng vốn đầu tư của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển kết nối khu vực với thế giới. Giao thương giữa các nước Đông Nam Á với nhau cũng sẽ thuận tiện hơn, tạo động lực để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, tăng sức cạnh tranh của từng nước với các nước trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, những cân nhắc về an ninh quốc gia và việc duy trì cân bằng địa chiến lược giữa các cường quốc sẽ gây ra những mối quan ngại tại nhiều nước Đông Nam Á. Những lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở khi các nước này trở nên quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và việc bị buộc phải thông qua một lập trường chính sách ủng hộ Trung Quốc trong ngoại giao khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều nước Đông Nam Á còn có những mối nghi ngờ lớn về động cơ thực sự và tư duy chiến lược đằng sau việc Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến. Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đem lại lợi ích chung cho các bên, song các nước Đông Nam Á không thể không lo ngại sẽ có tác động địa chính trị dưới dạng tăng cường khả năng quân sự nói chung, sức mạnh hải quân nói riêng của Trung Quốc. Sau cùng, do mức độ hấp dẫn và mối lợi từ Sáng kiến đối với từng quốc gia khác nhau, không loại trừ, “Vành đai và Con đường” có thể lại là thách thức mới về vai trò trung tâm và đoàn kết nội khối của ASEAN trong tương lai.
LÊ ĐỨC CƯỜNG – BÙI VĂN MẠNH
Vành đai và Con đường,Chủ tịch Trung Quốc,Tập Cận Bình,sáng kiến
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương