Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 10/02/2014, 08:15 (GMT+7)
Đôi nét về quan hệ nước lớn kiểu mới trong cục diện chính trị thế giới hiện nay

Hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,
tháng 6-2013 (Ảnh: VOV/Tân Hoa xã).

Bước vào năm 2014, cục diện chính trị toàn cầu tuy vẫn ổn định, nhưng cạnh tranh giữa các nước sẽ diễn ra gay gắt, nhất là đối với các nước lớn. Trong đó, bên cạnh việc “chung sống” với những toan tính, bất đồng, các nước lớn cũng không quên “nuôi dưỡng” tham vọng, chờ và tận dụng thời cơ để hành động một cách có lợi nhất. Phải chăng, đây là xu thế “quan hệ nước lớn kiểu mới”?

Quan niệm về quan hệ nước lớn kiểu mới

Trong năm 2013, thế giới ghi nhận một sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ giữa các nước lớn. Đó là, chuyến thăm Mỹ không chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 6-2013). Mặc dù không ra tuyên bố chung, không ký kết những thỏa thuận quan trọng nhưng các cuộc trao đổi ý kiến (trong phạm vi hẹp) nhằm hướng tới xây dựng quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh vừa hợp tác, đan xen với cạnh tranh địa - chính trị ngày càng gay gắt giữa hai nước đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Trong cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất ý tưởng xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nước. Theo đó, các nước lớn không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. Ý tưởng này đã nhận được sự hưởng ứng của người đồng cấp nước chủ nhà rằng, Mỹ muốn xây dựng “hình mẫu hợp tác mới” với Trung Quốc. Có thể xem đây là nét mới trong quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn trong thời gian tới.

Trước đó, trong khuôn khổ Đề án “Trật tự thế giới đa cực: quan hệ cạnh tranh và hợp tác giữa Nga, Trung Quốc, Mỹ ở Đông Á” (năm 2010), các chuyên gia nghiên cứu chiến lược Nga cũng đã từng đề cập tới khái niệm “quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn” và đưa ra nhận định rằng, các nước: Nga, Trung Quốc và Mỹ có ảnh hưởng lớn, quyết định tới cục diện thế giới trên cả ba phương diện: an ninh, kinh tế và năng lượng. Trong đó, Nga là một siêu cường về tài nguyên năng lượng đang từng bước phục hồi ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn trên trường quốc tế. Trung Quốc trở thành một cường quốc với nền kinh tế được xếp vào ngôi vị số 2 thế giới (sau Mỹ), có vị thế chính trị ngày càng tăng trên phạm vi thế giới và đang chuyển từ kỷ nguyên “im lặng chờ thời” sang kỷ nguyên tích cực, chủ động hành động trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Còn Mỹ, tuy vẫn là một cường quốc mạnh nhất thế giới nhưng đang phải toan tính việc tái khẳng định vai trò toàn cầu của mình do sự suy giảm sức mạnh toàn diện cả về chính trị, kinh tế và quân sự sau hai thập niên hành động đơn phương trong trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh.

Như vậy, quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn là một hiện tượng mới trong quan hệ quốc tế mà ở đó diễn ra đồng thời hai quá trình: hợp tác và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nói cách khác, giữa các nước lớn đang hình thành quan hệ hai cực: một cực là hợp tác và phụ thuộc nhau về kinh tế, cực kia là cạnh tranh và xung đột. Trong đó, sự cạnh tranh giữa các nước này có tác động đáng kể đến cục diện chính trị thế giới và có thể làm tổn hại đến lợi ích của mỗi nước. Vì thế, các nước lớn luôn phải giữ thế cân bằng giữa hai cực quan hệ, duy trì sự ổn định chiến lược trong cục diện chính trị quốc tế, không để xảy ra chiến tranh.

Nhìn lại quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn trong thời gian qua

Những năm gần đây, nhất là trong năm 2013, mặc dù Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chủ trương “cài đặt lại” quan hệ với Nga nhưng quan hệ Mỹ - Nga vẫn diễn biến với những động thái khá phức tạp. Trên thực tế, từ năm 2009 tới nay, chủ trương này chưa tạo được những biến chuyển đáng kể theo hướng cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Thậm chí, núp dưới chiêu bài “cài đặt lại” quan hệ với Nga, một mặt Mỹ tranh thủ sự ủng hộ của Mát-xcơ-va trong vấn đề I-ran, Áp-ga-ni-xtan và Li-bi,… mặt khác, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại hệ thống chính trị đang ổn định ở Nga. Năm 2013, trong quan hệ Mỹ - Nga vẫn còn mâu thuẫn và bất đồng trên nhiều “mặt trận”, như: địa - chính trị ở châu Âu; trong không gian hậu Xô-viết; ở Trung Đông - Bắc Phi và tại nhiều nơi khác trên thế giới. Đặc biệt, giữa Mỹ và Nga đã xảy ra bất đồng có tính nguyên tắc về quan điểm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri, đẩy nước này đến bờ vực của chiến tranh; nhưng may thay, nhờ lập trường cứng rắn và sáng kiến của Nga đã hóa giải bất đồng, góp phần tháo ngòi nổ chiến tranh, tạo bước ngoặt trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này.

Đối với không gian hậu Xô-viết, Mỹ ra sức lôi kéo các nước trong khu vực này vào vòng ảnh hưởng của phương Tây hòng cô lập Nga. Điều đó được thể hiện rõ nét khi Oa-sinh-tơn công khai ủng hộ lực lượng đối lập ở U-crai-na đòi lật đổ Tổng thống Y-a-nu-cô-vích (được cho là thân Nga) sau khi nước này tạm hoãn ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 11-2013. Về lĩnh vực phòng thủ tên lửa, mặc dù bị Nga phản đối gay gắt, Mỹ vẫn không có bất cứ sự nhượng bộ nào, thậm chí còn hành động quyết liệt hơn, ngay cả khi vấn đề hạt nhân của I-ran đã đạt được thỏa thuận và nguy cơ đe dọa hạt nhân từ nước này bị đẩy lùi. Hơn thế nữa, năm 2013, với việc Nga cho phép E. Xnâu-đơn - kẻ tội đồ của Mỹ cư trú chính trị tạm thời, càng đẩy quan hệ Mỹ - Nga một lần nữa rơi vào băng giá. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga V. Pu-tin bên lề Hội nghị G-20 ở Xanh Pê-téc-bua (tháng 9-2013) để “suy ngẫm” về quan hệ hai nước.

Tuy còn nhiều bất đồng, nhưng đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh toàn cầu, hai bên đã có những hợp tác quan trọng để cùng nhau giải quyết. Điều này cũng được thể hiện tại Hội nghị cấp cao giữa bộ đôi Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước vào tháng 8-2013. Trong đó, việc Mỹ ủng hộ sáng kiến của Nga về đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình ở Xy-ri, cũng như vai trò quan trọng của hai nước đối với thành công của thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của I-ran (ngày 24-11-2013) chứng tỏ sự hợp tác giữa hai cường quốc Mỹ - Nga là không thể thiếu trong các chương trình nghị sự toàn cầu.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong năm 2013 vẫn tiếp tục diễn ra theo hướng đan xen giữa hợp tác và cạnh tranh, nhưng yếu tố cạnh tranh ngày một nổi trội, gay gắt và trực diện hơn. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung được tổ chức nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên tập trung thảo luận làm rõ cách thức nhìn nhận của mỗi nước về vai trò của nhau trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu hiện nay. Lãnh đạo hai nước đề cập thẳng thắn các vấn đề còn mâu thuẫn từ an ninh mạng; mất cân bằng thương mại, tỷ giá đồng Nhân dân tệ; an ninh - an toàn hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông; vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và niềm tin chiến lược vốn đang thiếu hụt trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một hội nghị, hai bên chưa thể hóa giải được mâu thuẫn và bất đồng, bởi vấn đề mà mỗi nước quan tâm không giống nhau. Trong khi Tổng thống nước chủ nhà hướng tới vấn đề an ninh mạng và việc Trung Quốc đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại muốn đề cập sâu về chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương - điều mà Bắc Kinh cho rằng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, trong năm 2013, Trung Quốc có 3 động thái đặc biệt được cho là thách thức đối với Mỹ. Thứ nhất, ngày 20-11-2013, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển dần khối lượng dự trữ ngoại tệ (lớn nhất thế giới) của nước này với gần 4 nghìn tỷ USD sang các “rổ” ngoại tệ khác ổn định hơn. Đây là thách thức quyết liệt đến vị thế toàn cầu của đồng đô la Mỹ. Thứ hai, ngày 23-11-2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ), bao trùm không phận trên các nhóm đảo đang tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh chiến lược của Mỹ. Thứ ba, ngày 05-12-2013 diễn ra vụ tàu chiến Trung Quốc và Mỹ “suýt” va chạm ở Biển Đông, khiến Lầu Năm Góc coi đó là “hành động khiêu khích, rất dễ kích hoạt ngòi nổ hay tạo ra những hiểu lầm”. Tuy vậy, vị thế nước lớn, sự ràng buộc lẫn nhau về kinh tế1 và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế khó có thể đẩy hai nước vào thế đối đầu, nhưng cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.

Quan hệ Trung Quốc - Nga gần đây đã có nhiều khởi sắc, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Điều đó lý giải vì sao ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn Nga là điểm đến đầu tiên. Các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nga tại thời điểm này nhằm mục đích: củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Nga để ngăn chặn và kiềm chế trục Mỹ - Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương; đẩy mạnh hợp tác dầu khí và thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Hiện nay, hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế, chính trị và an ninh, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đang duy trì tốc độ phát triển cao, còn Nga đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Xu thế quan hệ nước lớn kiểu mới năm 2014

Năm 2014, thế giới tiếp tục tồn tại các điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ sự va chạm giữa các nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nga), như: tình hình Xy-ri, “hồ sơ hạt nhân” của I-ran, tranh chấp chủ quyền trên biển ở Đông Á,… buộc các nước lớn cần có những nỗ lực và giải pháp mới nhằm tạo ra thế ổn định chiến lược. Tại Diễn đàn về chính sách đối ngoại ngày 23-12-2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, trong năm 2014, ưu tiên của Trung Quốc sẽ là tiếp tục xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ theo hướng tích cực và phát triển lành mạnh, tăng cường hợp tác, đồng thời sẽ mở rộng hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực. Theo giới nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ kiểu mới với các nước lớn trên cơ sở xem xét hài hòa các lợi ích cốt lõi và tăng cường lòng tin chiến lược giữa các bên; trong đó, quan hệ Nga - Trung Quốc là minh chứng rõ ràng về mô hình quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn khá thành công.

Nhận định về quan hệ Mỹ - Nga trong năm 2014, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Ben Rô-đét thừa nhận, nhiều vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2014 sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu Nga, như: tiến trình hướng tới mục tiêu đạt được thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân với I-ran; chuyển giao quyền kiểm soát cũng như hỗ trợ đảm bảo duy trì ổn định tại Áp-ga-ni-xtan sau khi Mỹ rút quân; tiến trình chính trị tại Xy-ri theo lộ trình Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 và nỗ lực phối hợp với Nga trong chống khủng bố trước thềm Thế vận hội mùa Đông tại Xô-tri,... Về phần mình, Mát-xcơ-va cũng tin rằng, rút cuộc Oa-sinh-tơn đã bắt đầu lắng nghe tiếng nói của Nga và thừa nhận vai trò của nước này trên thế giới. Trong Thông điệp liên bang trước thềm năm mới (năm 2014), Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, những sự kiện trong năm 2013 thể hiện tinh thần đối tác và tôn trọng lợi ích của nhau. Nga và Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp nhằm đóng góp thực sự trong việc duy trì sự ổn định toàn cầu và giải quyết những vấn đề quốc tế phức tạp nhất. Tổng thống V. Pu-tin cho biết, Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau trong mối quan hệ song phương, cũng như mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, công nghệ và những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, Nga sẽ không lùi bước Mỹ trước các vấn đề về nhân quyền, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu và các vấn đề liên quan đến không gian hậu Xô-viết.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

1 - Năm 2013 kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc đạt trên 500 tỷ USD; hiện có khoảng 80.000 người Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc và hơn 200.000 người Trung Quốc du học tại Mỹ, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...