Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 12/11/2018, 08:22 (GMT+7)
Đôi nét về quan hệ Mỹ - Nga - Liên minh châu Âu

Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã tiến hành chính sách đối ngoại đơn phương gây nhiều “thất vọng” cho cộng đồng quốc tế. Điều đó làm cho quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ Mỹ - Nga - Liên minh châu Âu nói riêng càng phức tạp, khó lường.

Với tham vọng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cùng với các quyết sách mạnh tay để khôi phục nền kinh tế vốn đang bị trì trệ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm cũng đẩy mạnh chính sách đối ngoại cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế, nhằm mục tiêu mà như Nhà Trắng tuyên bố: bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và vai trò “độc tôn” lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, việc Mỹ tự cho “nước Mỹ trên hết” thực chất là thực hiện chính sách chính trị cường quyền, bá quyền thế giới. Sự độc tôn theo kiểu nước lớn đó không chỉ ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích của nhiều nước trên thế giới, mà còn tác động xấu tới cục diện quan hệ quốc tế; trong đó, quan hệ Mỹ - Nga - Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên phức tạp.

Quan hệ Mỹ - Nga khó “tan băng”

Theo giới phân tích quốc tế, hiện nay, quan hệ Mỹ - Nga đang ở thời điểm tồi tệ nhất kể từ khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc. Thời gian qua, chính quyền Mỹ và các đồng minh viện mọi lý do, như: cáo buộc Mát-xcơ-va liên quan tới cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, kích động xung đột tại Xy-ri, can thiệp bầu cử ở Mỹ, gần đây là vụ đầu độc cựu điệp viên “hai mang” ở Anh,... để gia tăng biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính, thương mại và bao vây quân sự chống Nga, khiến cho quan hệ hai nước rất căng thẳng. Theo một thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, chính quyền Mỹ đã trừng phạt hơn hai trăm cá nhân và tổ chức thuộc các tập đoàn dầu khí, năng lượng, ngân hàng nhà nước của Nga. Vừa qua, cùng với đóng cửa nhiều đại diện lãnh sự quán Nga tại Mỹ, Nhà Trắng cũng thông qua luật cấm toàn bộ việc cung cấp cho Mát-xcơ-va các thiết bị điện tử và những sản phẩm công nghệ an ninh nhạy cảm. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ công bố năm 2018 coi Nga là “cường quốc đối thủ” đang thách thức quyền lực, tầm ảnh hưởng, lợi ích quốc gia của Mỹ. Để đối phó với cái gọi là “mối đe dọa” từ phía Nga, Mỹ tăng cường triển khai quân, vũ khí hiện đại tới châu Âu; đốc thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai kế hoạch quân sự mới1; cùng với NATO tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn ở các khu vực giáp biên giới với Nga, nhằm phô trương sức mạnh và răn đe Mát-xcơ-va. Điện Krem-li đã kịch liệt phản đối, coi các hành động của Mỹ và NATO đối với Nga là tư duy thù địch của thời “Chiến tranh lạnh”, làm tổn hại đến quan hệ song phương, an ninh và lợi ích quốc gia của hai nước và quốc tế. Nga cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ về các bất đồng, mâu thuẫn nhưng kiên quyết áp dụng các biện pháp đáp trả thích đáng cả về kinh tế, tài chính và quân sự để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Những hành động “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau khiến quan hệ Mỹ - Nga luôn trong tình trạng “băng giá”, làm cho tình hình khu vực và quốc tế càng thêm phức tạp.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Tổng thống Nga V. Pu-tin tại cuộc gặp ở
Hen-xinh-ki ngày 16-7. Ảnh: AP

Vào trung tuần tháng 7-2018, lãnh đạo hai nước đã có cuộc hội đàm, trao đổi thẳng thắn những vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có nhiều vấn đề “nhạy cảm” đang gây “nhức nhối” trong quan hệ Mỹ - Nga. Theo đó, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo dựng niềm tin chiến lược, mở rộng “hợp tác vì những giá trị chung”, tạo dựng môi trường hòa bình và an ninh. Hai bên cũng nhất trí thành lập cơ quan nghiên cứu tư vấn hỗn hợp để giúp chính phủ hai nước cải thiện quan hệ song phương, v.v. Kết quả đạt được của đối thoại thượng đỉnh lần này là một nỗ lực “đáng khích lệ” của lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, khi mà giữa Mỹ và Nga còn tồn tại rất nhiều bất đồng sâu sắc, sự nghi kỵ lẫn nhau còn lớn, cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược còn rất gay gắt, thì những kết quả của đối thoại vừa qua vẫn là “khiêm tốn”, khó có thể tạo ra “cú huých” để làm tan băng trong quan hệ hai nước. Thực tế cho thấy, ngay sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga, Nhà Trắng đã đe dọa gia tăng biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm cũng có những tuyên bố và hành động “tiền hậu bất nhất” so với những gì Ông đã “ca ngợi” về quan hệ hai nước trong họp báo sau đối thoại với Tổng thống Nga V. Pu-tin. Đánh giá toàn diện quan hệ Mỹ - Nga, giới bình luận dự báo, thời gian tới đây, trong chính sách đối với Nga, Nhà Trắng vẫn lấy “gam màu” chủ đạo là đối đầu, ngăn chặn, nhưng các biện pháp trừng phạt sẽ được tính toán kỹ lưỡng để buộc Nga “quy phục”, tránh không để mâu thuẫn leo thang làm cho quan hệ giữa hai nước bị đổ vỡ. Chính điều đó đã khiến cho quan hệ giữa hai cựu địch thủ này càng trở lên biến động khó lường.

Khơi sâu mâu thuẫn quan hệ Mỹ - EU

Từ đầu năm 2018, quan hệ Mỹ - EU bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt sau khi Tổng thống Đô-nan Trăm chỉ trích gay gắt EU về vấn đề thương mại song phương. Theo đó, Tổng thống Mỹ đã gọi các đồng minh EU là “những kẻ ăn bám”; thậm chí còn ví họ như “kẻ thù thương mại” của Mỹ. Vì thế, Ông đã cho áp thuế nhập khẩu mạnh tay lên một số mặt hàng “chủ lực”, như: thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, đe dọa có thể áp tới 25% thuế nhập khẩu nhằm vào mặt hàng xe hơi. Ở chiều ngược lại, EU cũng áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, khiến cho dư luận lo ngại một cuộc “chiến tranh kinh tế” có thể nổ ra giữa hai đồng minh lâu đời này. Quan hệ Mỹ - EU lại càng xấu hơn khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đe dọa không đảm bảo an ninh cho châu Âu, nếu các nước EU không tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP theo “đề nghị” của Mỹ. Gần đây, bất chấp sự can ngăn, phản đối của EU, Mỹ vẫn đơn phương rút khỏi thỏa thuận mang tính lịch sử về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran; đồng thời, đe dọa trừng phạt các công ty làm ăn kinh tế với Tê-hê-ran. Đối với EU, Thỏa thuận hạt nhân I-ran tuy chưa phải là hoàn thiện, nhưng nó là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất hiện nay, giúp giảm nguy cơ từ I-ran - quốc gia nằm “sát nách” châu Âu, có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Bởi vậy, EU không chỉ phản đối quyết liệt quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran, coi đó là “thảm họa” thế kỷ, mà còn tuyên bố sẽ kích hoạt “Điều luật phong toả” nhằm bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng trở lại với I-ran. Quan chức nhiều nước EU đã tỏ ý thất vọng với đồng minh Mỹ, coi những phát ngôn “sốc” và việc làm “độc đoán” của vị Tổng thống “tính khí thất thường” Đô-nan Trăm là mối lo ngại đối với các lợi ích kinh tế và an ninh của EU. Họ cũng lên án cách thức Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt theo kiểu “cảnh sát kinh tế toàn cầu” là “không thể chấp nhận được”.

Theo các nhà phân tích, trong lịch sử quan hệ Mỹ và EU vốn có nhiều mâu thuẫn, nhưng có lẽ chưa khi nào mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương lại bị khơi sâu gay gắt như dưới thời của Tổng thống Đô-nan Trăm hiện nay. Tuy nhiên, vốn là đồng minh chiến lược nên cả hai đều hiểu rất rõ việc duy trì, phát triển quan hệ Mỹ - EU là lợi ích mang tính sống còn của cả hai bên. Bởi vậy, sau thời gian đàm phán căng thẳng, cuối tháng 7-2018, Mỹ và EU đã đồng ý về nguyên tắc giảm bớt rào cản thương mại, tăng cường hợp tác song phương vì an ninh và lợi ích của nhau. Diễn biến tiếp theo ra sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng điều có thể dự báo được là quan hệ “đồng sàng dị mộng” giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ “nóng”, “lạnh” thất thường, rất khó lường.

Quan hệ Nga - EU: “ánh sáng cuối đường hầm”

Sau sự kiện Nga sáp nhập Crưm năm 2014, quan hệ Nga - EU rơi vào tình trạng “tuột dốc không phanh”. EU đã ví Nga như “con ngáo ộp”, tác nhân gây mất an ninh, ổn định ở châu Âu. Mâu thuẫn càng gay gắt khi EU cùng với Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt, làm cho Nga gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. NATO cũng tìm cách tạo vòng vây quân sự kiềm chế Nga khiến cho nhiều thời điểm hai bên lâm vào thế “đối đầu”, gây căng thẳng, nguy hiểm cho khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, các đòn trừng phạt của EU và Mỹ đã không đạt được kết quả như ý muốn là làm cho Nga “suy sụp”; trái lại, như Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố, nước Nga lại “mạnh mẽ” hơn. Mặt khác, các đòn trừng phạt của EU nhằm vào Nga gây hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” khiến cho kinh tế EU cũng bị “chao đảo”, thiệt hại lên đến hơn 100 tỷ USD. Việc Tổng thống Mỹ đang thực hiện chính sách bảo hộ kiểu “ông lớn”, gia tăng sức ép lên EU khiến quan hệ Nga - EU cũng bị vạ lây. Đây là những nhân tố khiến cho nội bộ EU ngày càng bị phân hóa về cách tiếp cận trong quan hệ với Nga. Trong khi một số thành viên EU kêu gọi gia tăng trừng phạt Nga thì nhiều thành viên chủ chốt của EU lại coi Nga là thị trường giàu tiềm năng, kêu gọi lập lại quan hệ với Nga theo hướng “uyển chuyển” hơn. Mới đây, nhiều quan chức cấp cao của Đức - quốc gia đầu tàu của EU, đã nêu quan điểm ủng hộ việc nới lỏng trừng phạt Nga. Đức và Nga cũng nhất trí đẩy mạnh dự án Dòng chảy phương Bắc do hai nước hợp tác. Lãnh đạo Pháp, I-ta-li-a và một số nước châu Âu cũng cho rằng, nếu muốn có sự ổn định trên lục địa châu Âu thì EU cần có mối quan hệ tốt với Nga. Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua tổ chức tháng 5-2018 ở Nga, Tổng thống Pháp Ê-ma-nu-en Ma-crông đã tuyên bố, dù Pháp và Nga vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, nhưng hai nước vẫn là đối tác tin cậy tại châu Âu. Ông cũng cho rằng, việc khôi phục quan hệ hợp tác giữa Nga và EU là đáp ứng lợi ích của toàn lục địa châu Âu. Pháp và Nga đã ký 06 hợp đồng đầu tư trực tiếp vào Nga, trị giá hơn 1 tỷ USD. Chuyên gia quốc tế cho rằng, quan hệ Nga - EU vẫn tồn tại nhiều bất đồng, mâu thuẫn, không thể giải quyết “một sớm, một chiều”, nhưng những động thái mới này như “ánh sáng cuối đường hầm”, thắp lên hy vọng dù còn rất mong manh về một giai đoạn nồng ấm hơn trong quan hệ giữa hai người hàng xóm “bất đắc dĩ” này.

Quan hệ giữa ba trung tâm quyền lực Mỹ - EU - Nga như thế nào đều tác động trực tiếp đến cục diện quan hệ quốc tế, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Dư luận mong muốn, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng lớn, thì các bên nên tranh thủ thời cơ đàm phán để giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn, chung tay xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Chỉ có như vậy, an ninh và lợi ích của các nước mới được bảo đảm.

Đại tá ĐỒNG VĂN ĐỨC
_______________

1 - Kế hoạch quân sự “30-30-30-30”: biên chế 30 tiểu đoàn lục quân, 30 phi đoàn tiêm kích và 30 tàu chiến hạng nặng, có khả năng triển khai tới mọi chiến trường trong vòng 30 ngày, kể từ khi có lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...