Thứ Năm, 24/04/2025, 11:40 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Là quốc gia nằm trong nhóm “các nền kinh tế mới nổi” (BRICS), Ấn Độ có nền công nghiệp quốc phòng tương đối phát triển. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu xây dựng tiềm lực quốc phòng, nước này vẫn phải nhập khẩu một lượng khá lớn vũ khí, trang bị quân sự. Để giảm phụ thuộc vào nước ngoài, Ấn Độ đang hướng tới tạo dựng một nền công nghiệp quốc phòng tự chủ, hiện đại.
Mới đây, Ấn Độ vừa công bố Luật sửa đổi chính sách mua sắm quốc phòng (ngày 20-4-2013), trong đó yêu cầu “chỉ khi không còn sự lựa chọn nào khác mới mua vũ khí của nước ngoài”. Đây là điểm nổi bật nhất trong chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) của Ấn Độ, nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài. Chính sách này cùng các cơ chế hợp lý kèm theo được ban hành, đã khuyến khích các doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) tham gia phát triển sản xuất trang bị quốc phòng. Đồng thời, các hãng CNQP quốc tế sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với ngành CNQP Ấn Độ thông qua các hình thức liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở, chi nhánh tại nước này.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã cho ra mắt chiến lược phát triển CNQP mới, trong đó có Luật mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới cho quân đội và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01-01-2011. Kể từ thời điểm này, Ấn Độ tập trung ưu tiên đơn đặt hàng cho các tổ hợp CNQP trong nước, nếu không đáp ứng được thì mới nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó có nghĩa là, nếu các tổ hợp CNQP của Ấn Độ có khả năng nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm quân sự nào đáp ứng được yêu cầu và thời gian của bên đặt hàng thì sẽ ưu tiên cho các tổ hợp này đảm trách. Ví như, để sản xuất một chiếc tàu chiến ở nước ngoài phải mất 2 năm thì sản xuất một chiếc tàu chiến tương tự ở Ấn Độ cũng phải bảo đảm đúng thời gian như vậy, nếu không bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn thì mới nhập khẩu. Có thể thấy, chính sách sản xuất quốc phòng của Ấn Độ, một mặt, tạo điều kiện cho các tổ hợp CNQP trong nước phát triển; mặt khác, cũng vẫn sẽ cho phép nhập khẩu các sản phẩm quốc phòng từ nước ngoài nếu xét thấy cần thiết. Đương nhiên, quá trình sản xuất sản phẩm này phải được thực hiện trên lãnh thổ của Ấn Độ và nhập sản phẩm phải được phép nhập cả công nghệ sản xuất ra sản phẩm đó. Điều này cho phép các tổ hợp CNQP của Ấn Độ vừa giảm được thuế nhập khẩu, tạo nhiều việc làm, hạ giá thành sản phẩm mà vẫn tiếp cận được công nghệ hiện đại. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự, Luật mua sắm VKTBKT quân sự của Ấn Độ, nếu thực hiện thành công, sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn cho ngân sách quốc phòng, có thể đưa tỷ lệ sản phẩm quân sự nhập từ nước ngoài giảm từ 75% (như hiện nay) xuống còn 25%.
Mặt khác, chính sách phát triển CNQP mới của Ấn Độ cũng quy định phương thức ưu tiên mua sắm theo thứ tự: mua hàng Ấn Độ; thành lập doanh nghiệp liên doanh với công ty nước ngoài, mua thiết bị và chế tạo ở Ấn Độ; Ấn Độ chế tạo, do công ty nước ngoài thiết kế, phát triển, đồng thời chế tạo hệ thống hoàn thiện; mua sắm và thông qua chuyển giao công nghệ sản xuất, có thể đến từ công ty nước ngoài; mua sắm toàn cầu. Trong đó, việc lựa chọn bất kỳ phương thức nào đều phải lý giải vì sao không áp dụng phương thức có cấp độ ưu tiên cao hơn. Tuy nhiên, do thị trường quốc phòng trong nước của Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, trình độ sản xuất thông thường của các công ty Ấn Độ tương đối thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu trang bị quân sự tiên tiến; do đó, việc “sao chép” sản phẩm quốc phòng tại Ấn Độ để thỏa mãn điều kiện “chế tạo tại Ấn Độ” có thể xảy ra. Trong khi đó, chính sách mới muốn thúc đẩy sản xuất vũ khí trong nước, nhưng không xác định điều này có trở thành hiện thực hay không. Hơn nữa, Ấn Độ xác định quyền ưu tiên mua sắm là một phương hướng đúng đắn, nhưng việc thực hiện nó cần phải kiên trì, có bước đi phù hợp, nếu không sẽ dễ dẫn tới việc tuy coi trọng khuynh hướng sản phẩm “Ấn Độ chế tạo”, nhưng vẫn bị lệ thuộc vào nước ngoài.
Để giải quyết mâu thuẫn đó và đưa chính sách phát triển CNQP mới thành hiện thực, Ấn Độ đã, đang chủ trương: vừa đẩy mạnh hợp tác sản xuất VKTBKT quân sự với các nước, nhất là với các nước có nền công nghiệp tiên tiến; đồng thời, từng bước tự chủ trong sản xuất quốc phòng.
Đẩy mạnh hợp tác sản xuất VKTBKT quân sự
Hiện nay, Ấn Độ đang đẩy mạnh năng lực nền tảng về công nghệ quân sự thông qua hợp tác với các nước, như: Nga, Pháp, Ixraen, Mỹ... để sản xuất các loại VKTBKT quân sự trên một số lĩnh vực cơ bản sau:
Về công nghệ đóng tàu chiến: có thể thấy, trong khi Trung Quốc còn đang gặp rất nhiều khó khăn để cải tiến tàu sân bay nhằm trang bị cho Hải quân (vốn là tàu cũ mua lại từ Ukraina), thì Ấn Độ đã đủ khả năng sắp cho ra mắt tàu sân bay tự đóng. Theo tiết lộ của tờ The Hindu, đây là tàu sân bay tự đóng đầu tiên mang tên INS Vikrant của Ấn Độ. Sự kiện này không quá bất ngờ, bởi New Delhi đã có 50 năm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay kể từ khi sở hữu chiếc hàng không mẫu hạm INS Vikrant từ những năm 1960. Song điều đáng chú ý là, gần đây, Hãng đóng tàu nổi tiếng DCNS của Pháp đã quyết định thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược để chuyển giao công nghệ đóng tàu cho Pipavav - công ty tư nhân của Ấn Độ. Phát biểu về quan hệ đối tác, Ông Patrick Boissier, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hãng DCNS cho rằng, “thông qua tàu ngầm lớp Scorpene P75, chương trình nội địa hóa và Công ty liên doanh DCNS India, chúng tôi đang nỗ lực để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ”. Hãng DCNS được biết đến với nhiều VKTBKT công nghệ cao và hiệu suất tối ưu, như: tàu ngầm Scorpene, tàu tác chiến thủy bộ lớp Mistral, tàu khu trục FREMM và các tàu hộ tống hạm, tuần tiễu ven bờ lớp Gowind. Mục đích của DCNS và Pipavav là nhằm cung cấp cho Ấn Độ những kỹ thuật đóng tàu hải quân tiên tiến nhất. Sự hợp tác đó phản ánh trình độ, khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến của các công ty Ấn Độ trong lĩnh vực quan trọng này.
Về kỹ thuật chế tạo máy bay chiến đấu: Ấn Độ sẽ đảm nhiệm hầu hết vai trò chế tạo dựa trên bản quyền công nghệ của Nga trong các hợp đồng gần đây. Điển hình như đơn hàng 42 chiếc Su-30 MKI và 59 chiếc Mi-17 mà tờ The Economic Times vừa đưa tin. Đồng thời, Ấn Độ cũng liên doanh với Nga để phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình T-50. Loại máy bay này đã được bay thử nhiều lần và sắp được sản xuất để trang bị số lượng lớn cho New Delhi từ nay đến năm 2020. Đối với Pháp, mặc dù Luật mua sắm vũ khí sửa đổi của Ấn Độ không làm thay đổi hợp đồng giao dịch 126 máy bay chiến đấu Rafale của Công ty Dassault, nhưng Công ty này vẫn đưa ra biện pháp nhằm thực hiện hợp đồng tại Ấn Độ. Nếu thỏa thuận này được ký kết, thì chỉ có 18 chiếc máy bay được chế tạo ở Pháp; số còn lại sẽ được sản xuất ở Ấn Độ (từ nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện đến công đoạn lắp ráp cuối cùng).
Về phát triển tên lửa: bên cạnh việc hợp tác chủ đạo với Ixraen, Ấn Độ còn liên doanh với Nga trong dự án phát triển tên lửa đối hạm siêu thanh BrahMos vận tốc nhanh nhất thế giới. Đến nay, liên doanh này đã chế tạo thành công nhiều phiên bản tên lửa BrahMos nhằm sử dụng phóng từ tàu mặt nước, xe chở tên lửa bờ đối hải cơ động và máy bay chiến đấu. Hiện tại, tên lửa BrahMos đang tiếp tục được nghiên cứu, phát triển thế hệ thứ 2.
Về các phương tiện, trang bị quân sự khác: Ấn Độ đang nỗ lực tự chế tạo theo bản quyền của Nga và một số nước có nền CNQP tiên tiến, để từng bước đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia. Như vậy, ý tưởng thu hút đầu tư nước ngoài và ưu tiên cho công ty tư nhân trong nước của Chính phủ Ấn Độ, đã tạo ra cú hích, để kích thích nền CNQP Ấn Độ phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối tác. Đây chính là động lực thúc đẩy khả năng chế tạo sản phẩm thông thường và sản phẩm công nghệ cao ở trong nước, nhằm cung cấp sản phẩm không chỉ cho lực lượng vũ trang Ấn Độ mà cả cho nước ngoài. Điều này cho phép Ấn Độ có thể tiến tới thực hiện mục tiêu trong chính sách dài hạn của mình là, trở thành nhà xuất khẩu chính các loại vũ khí thông thường.
Từng bước tự chủ trong sản xuất quốc phòng
Trên nền tảng của hợp tác sản xuất quốc phòng hiệu quả, Ấn Độ đang hướng tới mục tiêu cao hơn, từng bước tự chủ sản xuất quốc phòng trong nước. Hiện nay, với 39 nhà máy sản xuất VKTBKT quân sự, 8 doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước và huy động năng lực của các doanh nghiệp dân sự để sản xuất hàng hóa quân sự, Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ về tự chủ CNQP vào loại nhanh trên thế giới. Các nhà máy sản xuất VKTBKT quân sự được chia thành 5 nhóm theo chủng loại sản phẩm: đạn, thuốc nổ; súng; xe cơ giới và trang bị; xe tăng - thiết giáp; khí tài. Điều đáng chú ý là, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép các công ty tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNQP với cơ chế góp vốn linh hoạt, có thể là 100% vốn trong nước hoặc 26% vốn nước ngoài để sản xuất các loại VKTBKT quân sự tại nước này.
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn chú trọng xây dựng, phát triển các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc phòng. Điển hình là, cơ quan Nghiên cứu - Phát triển Quốc phòng (DRDO) đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội. DRDO có cơ sở hạ tầng trị giá 1 tỷ đôla và đội ngũ 30.000 nhân viên (trong đó có 6.000 nhà khoa học, kỹ sư và quản lý). Cơ quan này điều hành một mạng lưới 50 phòng thí nghiệm, 70 viện nghiên cứu, 50 trung tâm khoa học công nghệ quốc gia, 150 cơ sở công nghiệp nhà nước và tư nhân… Với tiềm lực to lớn đó, quá trình hiện đại hóa công nghệ, Ấn Độ đã làm chủ được một số công nghệ sản xuất VKTBKT quân sự tương đối hiện đại và hiện đại, như: xe tăng, máy bay chiến đấu, trực thăng chi viện hoả lực, các tổ hợp tên lửa... Đồng thời, nước này cũng đã sản xuất được một số loại vũ khí do nước ngoài thiết kế; trong đó, có máy bay MiG-27, xe tăng T-72, xe tăng Arjun, máy bay chiến đấu hạng nhẹ và trực thăng nhẹ tiên tiến... Đặc biệt, New Delhi đã chế tạo, thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo “Prithvi” và “Agni-5”; hiện nay, đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (Agni-6). Loại tên lửa này có khả năng mang 4 đến 6 đầu đạn hạt nhân và có thể tiến công tiêu diệt các mục tiêu độc lập ở cự ly lên đến 6.000 km. Nhờ thành tựu nội lực nổi bật trong công nghệ chế tạo tên lửa, Ấn Độ không chỉ ghi tên mình vào danh sách các nước sở hữu tên lửa liên lục địa mà còn trở thành “cường quốc tên lửa” như lời tuyên bố của Ông Vijay Kumar Saraswat - Tổng giám đốc cơ quan Nghiên cứu - Phát triển Quốc phòng Ấn Độ.
Chính sách tự chủ trong sản xuất quốc phòng của Ấn Độ sẽ từng bước được hiện thực hóa thông qua Luật mua sắm quốc phòng mới được sửa đổi. Trong đó, 5 thứ tự ưu tiên mua sắm sản phẩm quốc phòng sẽ tạo ra cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp của Ấn Độ. Xu hướng mở rộng hợp tác trong sản xuất VKTBKT quân sự, nhất là quy định chế tạo offset sẽ cho phép Ấn Độ tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất VKTBKT hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nền CNQP trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN
Công nghiệp quốc phòng,ấn độ
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực