Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 12/12/2013, 22:20 (GMT+7)
Đôi nét về Nhật Bản tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Nhật Bản chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 1992. Dưới đây xin giới thiệu đôi nét về quá trình hoạt động, kinh nghiệm trong công tác xây dựng cơ sở pháp lý, năng lực và triển khai lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các địa bàn của quốc gia này.

Thứ nhất, xây dựng cơ sở hành lang pháp lý. Sau thất bại trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, năm 1947, Nhật Bản đã thông qua bản Hiến pháp, trong đó Điều 9 quy định: “Người Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế, coi đây là quyền chủ quyền của một dân tộc”. Với quy định này, việc cử Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản ra nước ngoài với bất kỳ mục đích gì đều bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, do thực tiễn thế giới có nhiều thay đổi, các cuộc xung đột mang tính chất nội chiến ngày càng gia tăng, đòi hỏi Liên hợp quốc (LHQ) có trách nhiệm hơn trong vệc giải quyết tình hình trên. Điều đó tác động tích cực đến thái độ của Nhật Bản và họ càng muốn khẳng định vị thế, trách nhiệm đối với các vấn đề an ninh thế giới trong khuôn khổ luật pháp quốc tế do LHQ chủ trì. Chính vì lẽ đó, Nhật Bản là nước đã đóng góp ngân sách lớn thứ 2 (sau Mỹ) cho hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ và đã tham gia một số hoạt động hòa bình mang tính dân sự như quan sát viên bầu cử, tình nguyện viên,… để vừa không vi phạm Hiến pháp vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đề xuất Dự thảo “Luật các Hoạt động Hòa bình” với Quốc hội, nhằm mở đường cho quá trình hiện thực hóa ý tưởng tham gia lực lượng GGHB quốc tế; nhưng còn nhiều quan điểm chưa thống nhất trong Quốc hội Nhật Bản khi thông qua nội dung “cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ra nước ngoài, nhất là thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần trong hoạt động đa quốc gia do LHQ chỉ đạo”. Do vậy, “Dự thảo luật” này đã không giành được sự ủng hộ cần thiết của Quốc hội, mà nó còn tạo ra sự tranh cãi gay gắt về vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Mặc dù “Dự thảo luật” không được thông qua, nhưng nó đã tạo ra xu hướng tích cực trong đời sống xã hội Nhật Bản. Đa số người dân Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết phải có một khuôn khổ luật mới để tạo cơ sở pháp lý cho Lực lượng Phòng vệ tham gia hoạt động GGHB của LHQ. Đặc biệt, thái độ ủng hộ của người dân Nhật Bản đã thể hiện rõ nét hơn sau khi Giải No-bel Hòa bình được trao cho hoạt động GGHB của LHQ vào năm 1988. Tháng 9-1991, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục trình Quốc hội bản Dự thảo “Luật các Hoạt động Hòa bình” lần thứ hai; tuy vẫn còn nhiều tranh luận xoay quanh nội dung này, nhưng cuối cùng cũng được Quốc hội thông qua, cho phép Chính phủ Nhật Bản cử Lực lượng Phòng vệ tham gia 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu: GGHB của LHQ; Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; Giám sát các cuộc bầu cử.

Đối với hoạt động GGHB của LHQ, Nhật Bản đề ra 5 nguyên tắc cơ bản: phải có thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên xung đột; có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan (LHQ, quốc gia chủ nhà và nước cử lực lượng - Nhật Bản); không thiên vị; các điều kiện rút quân phải được ký kết giữa Nhật Bản và LHQ; về sử dụng vũ khí, chỉ cho phép nổ súng để tự vệ và bảo vệ chính lực lượng Nhật Bản. Quy trình ra quyết định của Nhật Bản được xác định: trước tiên, Hội đồng Bảo an LHQ ra Nghị quyết triển khai nhiệm vụ GGHB; sau đó, Tổng thư ký LHQ yêu cầu Chính phủ Nhật Bản cử lực lượng GGHB. Trên cơ sở đó, Thủ tướng bàn bạc với Nội các, báo cáo thông qua Quốc hội rồi chỉ thị cho Cục Phòng vệ (nay là Bộ Quốc phòng) chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia.

Thứ hai, xây dựng năng lực tham gia. Trước hết về tổ chức xây dựng lực lượng, Nhật Bản không thành lập các đơn vị tham gia hoạt động GGHB riêng biệt mà tổ chức một lực lượng chung tương đương cấp Bộ Tư lệnh, nhằm thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa trong và ngoài nước kết hợp tham gia hoạt động GGHB của LHQ. Để thống nhất các hoạt động (chỉ huy, giám sát, đào tạo, huấn luyện và triển khai các lực lượng quân sự quốc tế ngoài lãnh thổ Nhật Bản), năm 2007, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập Trung tâm Phản ứng nhanh (CFR) đóng quân tại Thủ đô Tô-ky-ô. Trung tâm này có vai trò tương đương một quân khu, biên chế 4.000 quân nhân (gồm 1 lữ đoàn không vận, 1 lữ đoàn trực thăng, 1 trung đoàn bộ binh phản ứng nhanh, lực lượng tác chiến đặc biệt, đơn vị phản ứng nguy cơ vũ khí hủy diệt hàng loạt). CFR có quyền huy động và luân chuyển lực lượng giữa các quân khu, đồng thời cử các đội huấn luyện lưu động đến từng quân khu để hỗ trợ cho các đơn vị cấp tiểu đoàn. Đối với hoạt động GGHB của LHQ, CFR là đơn vị đảm nhiệm việc tổ chức lực lượng, khảo sát các phái bộ, lập kế hoạch triển khai, tổ chức đưa lực lượng Nhật Bản tới các phái bộ bằng máy bay vận tải và tàu hải quân. Ngoài ra, CFR cũng là đơn vị tổ chức sơ tán và rút lực lượng của Nhật Bản khẩn cấp khi có tình huống xấu xảy ra theo lệnh của Thủ tướng. Trong các bộ phận thuộc Trung tâm Phản ứng nhanh thì Trung đoàn bộ binh Phản ứng nhanh (CRR) là bộ phận chủ yếu. CRR (thành lập tháng 3-2008), đóng quân tại căn cứ Út-su-nô-mi-y-a thuộc tỉnh Tô-chi-gi, biên chế 700 quân nhân; trang bị xe thiết giáp hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân, xe địa hình chiến đấu và các loại súng cối 81 mm, 120 mm. Trung đoàn này có 2 nhiệm vụ chủ yếu: tham gia hoạt động GGHB của LHQ; tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa trong và ngoài nước. Về hoạt động GGHB, CRR là đơn vị được triển khai đầu tiên và nếu nhiệm vụ kéo dài, CRR sẽ được rút từng bộ phận về nước, lực lượng thay thế sẽ lấy từ các quân khu sau khi đã qua CFR đào tạo. Về hoạt động trong nước, CRR tham gia cứu trợ thảm họa động đất, sóng thần phía Đông Nhật Bản năm 2011; đặc trách công tác sơ tán và làm nguội 2 lò phản ứng hạt nhân Fu-ku-shi-ma. Ngoài 2 nhiệm vụ trên, CRR còn được Bộ Quốc phòng Nhật Bản giao nhiệm vụ chống cướp biển ở Vịnh A-đen. Về công tác đào tạo, để chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động GGHB của LHQ, Nhật Bản đã xây dựng Trung tâm đào tạo hoạt động quốc tế (IPCAT) trực thuộc CFR; quân số của IPCAT gồm 80 người (40 sĩ quan và 40 binh sĩ - chuyên nghiệp). Nhiệm vụ chủ yếu của IPCAT là: đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản về các hoạt động hòa bình quốc tế (trong đó có hoạt động GGHB của LHQ); huấn luyện cho các đơn vị của CFR và lực lượng của các quân khu trở thành lực lượng dự bị thường trực, huấn luyện tiền triển khai; nghiên cứu, xây dựng và điều chỉnh giáo trình huấn luyện. Ngoài ra, IPCAT cũng tổ chức các khóa học theo chuẩn của LHQ về Quan sát viên quân sự, Sĩ quan tham mưu, Sĩ quan thông tin liên lạc,... Theo Luật của Nhật Bản thì các khóa đào tạo chỉ dành cho các sĩ quan, binh sĩ trong nước, không mời học viên là người nước ngoài. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo thì Nhật Bản có mời các chuyên gia của GPOI1 (Mỹ) đến để huấn luyện những nội dung mà phía Nhật còn thiếu kinh nghiệm.

Thứ ba, triển khai lực lượng hoạt động tại các địa bàn. Sau khi “Luật các Hoạt động Hòa bình” của Nhật Bản ra đời năm 1991 và có hiệu lực năm 1992, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chính thức triển khai hoạt động GGHB LHQ tại các địa bàn sau:

Tham gia Phái bộ GGHB của LHQ tại Cao nguyên Gô-lan. Trước yêu cầu của Tổng thư ký LHQ, ngày 15-12-1995 Nội các Nhật Bản đã nhóm họp để thảo luận và quyết định gửi Lực lượng Phòng vệ tham gia Phái bộ Giám sát Ngừng bắn của LHQ tại Cao nguyên Gô-lan (UNDOF). Tháng 01-1996, Nhật Bản chính thức gửi các sĩ quan tham mưu và đơn vị vận tải thực hiện nhiệm vụ tại UNDOF. Trong quá trình hoạt động tại Phái bộ UNDOF, đơn vị vận tải của Nhật Bản đã vận chuyển được 79.500 người, 35.200 tấn hàng hóa trên tổng số quãng đường là 3,4 triệu km. Năm 2011, tình hình an ninh ở khu vực diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa lực lượng đối lập và chính phủ Xy-ri. Lo ngại việc này có thể sẽ đe dọa đến tính mạng lực lượng GGHB của mình, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút quân khỏi Cao nguyên Gô-lan (tháng 12-2012). Tuy rút quân, nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động GGHB của LHQ tại đây bằng việc cung cấp các trang, thiết bị để các lực lượng khác của LHQ thực hiện nhiệm vụ.

Tham gia Phái bộ GGHB tại Hai-i-ti. Phái bộ ổn định Hòa bình LHQ tại Hai-i-ti (MINUSTAH) được thiết lập tháng 6-2004, có các nhiệm vụ: duy trì sự ổn định môi trường an ninh; hỗ trợ tiến trình chính trị ở Hai-i-ti và tổng tuyển cử; giám sát và báo cáo tình hình nhân quyền. Ngày 13-01-2010 xảy ra trận động đất 7,0 độ Rích-te ở Hai-i-ti làm hàng trăm nghìn người chết và tàn phá đất nước trên diện rộng. Một ngày sau động đất, Nhật Bản đã cử ngay một đơn vị hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đến hiện trường. Ngày 25-01-2010, một phái đoàn Nhật Bản đã đến LHQ thông báo, phía Nhật Bản sẵn sàng cử các đơn vị công binh tham gia trong Phái bộ MINUSTAH để giải quyết hậu quả động đất. Ngày 06-02-2010, sau 2 tuần nhận được lệnh chuẩn bị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đơn vị công binh đầu tiên của CFR được triển khai đến Hai-i-ti. Từ đó đến tháng 8-2012, Nhật Bản đã cử thêm 7 đơn vị công binh (mỗi đơn vị từ 120 - 180 người) lấy từ các quân khu đến Phái bộ MINUSTAH. Nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị Nhật Bản là khắc phục hậu quả động đất, tổ chức huấn luyện công binh công trình cho người Hai-i-ti. Ngoài ra, Nhật Bản còn cử các chuyên gia địa chấn hàng đầu tới làm việc cho LHQ tại Hai-i-ti.

Tham gia phái bộ GGHB tại Nam Xu-đăng. Ngay sau khi Cộng hòa Nam Xu-đăng tuyên bố độc lập, ngày 09-7-2011 LHQ quyết định thành lập Phái bộ GGHB tại Nam Xu-đăng (UNMISS). Tháng 11-2011, Nội các Nhật Bản nhóm họp để thảo luận và đi đến quyết định gửi quân tới Phái bộ UNMISS. Trong năm 2012, Nhật Bản đã cử 3 đơn vị công binh (mỗi đơn vị từ 250 - 330 người) cùng toàn bộ các trang, thiết bị công binh công trình cần thiết đến Nam Xu-đăng. Các đơn vị này đóng quân tại thành phố Ju-ba và thực hiện nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường trong khu vực địa bàn.

Có thể thấy, sau hơn 4 thập kỷ, kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2, lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cử ra nước ngoài nhưng không vì mục đích chiến tranh, mà vì nhiệm vụ nhân đạo với danh nghĩa là đại diện của LHQ. Đây là điều mà người dân Nhật Bản tự hào vì họ đã đóng góp một phần công sức để giúp các quốc gia khác tái thiết và phát triển sau chiến tranh; đồng thời, duy trì hòa bình trên thế giới. Với tư cách là một thành viên có trách nhiệm (Quân đội có tính chuyên nghiệp cao; kỷ luật nghiêm; trang, thiết bị tốt) và là quốc gia có những đóng góp lớn cho ngân sách hoạt động của LHQ, Nhật Bản tham gia hoạt động GGHB của LHQ là phù hợp. Điều đó không chỉ đáp ứng được kỳ vọng của  Hội đồng Bảo an LHQ mà còn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.

Trung tá MẠC ĐỨC TRỌNG

Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng
________________

1 - GPOI: Chương trình sáng kiến hoạt động GGHB toàn cầu.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...