Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 26/05/2017, 15:56 (GMT+7)
Đôi nét về lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ

Trước diễn biến phức tạp trên các vùng biển, việc nghiên cứu, phát triển lực lượng tàu ngầm nói chung, tàu ngầm hạt nhân nói riêng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, những động thái về nâng cấp, phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đang là mối quan tâm của nhiều nước.

  Khái lược về lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ

Theo các chuyên gia của Lầu Năm Góc, lực lượng tàu ngầm của Mỹ có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên biển, dưới ngầm các đại dương và trên đất liền của đối phương; trinh sát, vận tải, đổ bộ các lực lượng đặc nhiệm, tham gia các chiến dịch đặc biệt và cùng các liên đoàn tác chiến sẵn sàng tấn công chính xác và kiểm soát các vùng biển trên thế giới. Đây là tham vọng rất lớn của lực lượng tàu ngầm được cho là hùng hậu nhất thế giới. Tính đến đầu năm 2017, Hải quân Mỹ sở hữu 72 tàu ngầm nguyên tử, được phân thành 2 cấp độ: tàu ngầm chiến lược (14 chiếc) và tàu ngầm chiến thuật đa năng (58 chiếc) với nhiều lớp khác nhau. Tuy nhiên, dù ở lớp nào, tình trạng kỹ thuật các tàu ngầm hạt nhân hiện có của Mỹ đều có thể tiếp tục hoạt động từ 20 đến 34 năm nữa.

Theo đó, tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo thuộc lớp Ohio được Hải quân Mỹ sử dụng nhằm giáng đòn tiến công tên lửa hạt nhân vào những mục tiêu quân sự, công nghiệp và các cơ quan hành chính quan trọng của đối phương để giành ưu thế ngay từ đầu. Để nâng cao khả năng tác chiến cho các tàu ngầm loại này, Lầu Năm Góc đã hoàn tất việc thay thế tên lửa Trident-1 có tầm bắn 7.400 km bằng tên lửa loại Trident-2 có tầm bắn tới 12.000 km. Không những thế, các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio sẽ tiếp tục được nâng cấp, hiện đại hóa các tổ hợp thủy âm, thiết bị liên lạc, thiết kế các hệ thống mới giúp nâng cao khả năng chiến đấu, bảo đảm bí mật, v.v. Tuy nhiên, việc sản xuất, vận hành, nâng cấp tàu ngầm lớp này rất tốn kém, chi phí bảo dưỡng cao. Vì thế, Hải quân Mỹ chủ trương duy trì ổn định số lượng tàu ngầm loại này. Trường hợp có nhu cầu đóng mới, thay thế phải theo lộ trình. Để bảo đảm bí mật về công nghệ, các tàu thải loại không được bán cho nước ngoài, mà được tái trang bị để trở thành loại tàu ngầm khác. Hiện nay, Hải quân Mỹ đã tái trang bị 04 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio thành tàu ngầm mang tên lửa điều khiển. Trên mỗi tàu này có 22 khoang chứa tên lửa, có thể mang theo 154 tên lửa Tomahawk tiến công mặt đất, với tầm bắn khoảng 2.500 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Đối với tàu ngầm chiến thuật đa năng - lực lượng chủ chốt trong hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ, có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên và dưới mặt nước; phóng tên lửa hành trình, thu thập tình báo và hỗ trợ các chiến dịch đặc biệt, v.v. Với nhiệm vụ đa dạng đó, chúng sẽ tiếp tục được cải tiến, đóng mới ở nhiều lớp, gồm: Los Angeles, Seawolf và Virginia. Trong đó, các tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị thêm ăng-ten hoa tiêu mới, nhằm bảo đảm liên lạc hai chiều với đất liền trong dải bước sóng mét và đề-xi-mét. Chúng có thể hoạt động bình thường trong điều kiện tàu di chuyển với tốc độ 06 hải lý/giờ, ở độ sâu 90 m. Các tàu lớp Seawolf được trang bị hệ thống bơm phun cùng những công nghệ hiện đại với độ ồn nhỏ khi hoạt động, khiến đối phương rất khó phát hiện. Cùng với nhiều cơ cấu phóng tên lửa, ngư lôi được thiết kế lại và lần đầu tiên Hải quân Mỹ lắp đặt trên tàu ngầm lớp này các thiết bị phóng lôi loại 660 mm, với tầm bắn xa hơn, cho phép giảm tối đa tiếng ồn tại cửa ra khi thực hành phóng. Ngoài ra, sơ đồ thiết kế của các tàu ngầm lớp này liên tục được cải tiến, thay đổi thiết kế, nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, chế tạo các tàu ngầm đa năng trong tương lai

 Riêng tàu ngầm hạt nhân chiến thuật lớp Virginia được thiết kế để tiến hành nhiều loại nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột khu vực có chung tính chất là, nằm trong phạm vi khu vực ven biển. Loại tàu ngầm này cũng có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu truyền thống trên đại dương, vì nó có ưu thế vượt trội so với các tàu ngầm loại mới nhất của bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào. Trang bị vũ khí của loại tàu này, gồm: 12 ống phóng nằm ngang dành cho tên lửa Tomahawk (được bố trí bên ngoài thân tàu) và 4 ống phóng lôi cỡ 533 mm. Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia được trang bị loại động cơ hạt nhân mới với lò phản ứng kiểu S9G, có thời gian hoạt động ổn định 33 năm, tạo điều kiện tính toán trước khả năng khai thác trong suốt vòng đời hoạt động dự tính của tàu ngầm. Các nguồn thông tin từ bên ngoài, bao gồm: thông tin từ các thiết bị bay không người lái, thiết bị ngầm và các thiết bị dò tìm thủy âm kết hợp cùng các phương tiện thông tin mới sẽ cho phép các tàu ngầm hạt nhân chiến thuật lớp Virginia hoạt động một cách hiệu quả cả trong tác chiến độc lập cũng như trong đội hình các nhóm hay đơn vị hỗn hợp. Theo đánh giá của các nhà khoa học và chuyên gia tàu ngầm, mặc dù có sức mạnh vượt trội cả về số lượng và chất lượng, nhưng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cũng bộc lộ một số hạn chế khá cơ bản, như: động cơ cồng kềnh, tải trọng có ích thấp, cơ cấu phóng tên lửa, ngư lôi còn phức tạp, hệ thống giám định chỉ huy, kiểm soát khi thực hiện nhiều nhiệm vụ còn hạn chế, v.v. Đây là thách thức không nhỏ đặt ra cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ khi mà cuộc cạnh tranh về công nghệ tàu ngầm đang trở nên quyết liệt.

Xu hướng phát triển

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong các cuộc xung đột quân sự ở tất cả các cấp độ, trong đó bao gồm cả trường hợp có sử dụng vũ khí hạt nhân, đòi hỏi Hải quân Mỹ phải nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo sự thay đổi một cách cơ bản nguyên tắc thiết kế tàu ngầm. Theo đó, Lầu Năm Góc chủ trương, từ nay đến năm 2025, các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles sẽ dần được thay bằng tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia hiện đại. Cùng với việc hoàn thiện các tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tàu ngầm, Hải quân Mỹ đang hướng tới ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào trong quá trình đóng tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới. Đồng thời, tích cực nghiên cứu tìm cách định hình cấu trúc của các tàu ngầm thế hệ tiếp theo, dự định sẽ được đưa vào đội hình chiến đấu sau năm 2025. Đặc biệt, giới lãnh đạo Hải quân Mỹ cũng đã đặt ra chương trình chung trong thời gian 04 năm hợp tác với Cục Nghiên cứu thiết kế cao cấp của Lầu Năm Góc mang tên “Tango Bravo”, nhằm hoàn thiện thiết kế tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, theo các hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, hướng tới thiết kế hệ thống động cơ không có trục nhằm tiết kiệm không gian, giảm kích thước của thân tàu. Theo đó, Hải quân Mỹ đề xuất thay vì chỉ sử dụng động cơ hạt nhân bằng áp dụng kết hợp cơ cấu động cơ hạt nhân và động cơ điện. Dùng động cơ điện sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tính năng của tàu ngầm, ít nhất là có thể bảo đảm cho tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới có tốc độ tối đa đạt mức của tàu ngầm lớp Virginia. Ngoài ra, tỷ lệ gặp sự cố của động cơ điện nam châm vĩnh cửu sử dụng trong hệ thống đẩy không có trục rất thấp, kết cấu đơn giản và có độ tin cậy cao.

Thứ hai, chuyển thiết bị phóng ra ngoài thân tàu để dành khoang chứa vũ khí mang theo các trang bị khác, nâng cao tải trọng có ích của tàu ngầm. Đồng thời, việc bố trí vũ khí ở bên ngoài thân tàu còn có một số lợi thế, như: không cần điều chỉnh cẩn thận góc độ lắp đặt của ống phóng ngư lôi; loại bỏ nắp phóng ngư lôi có sản sinh tiếng ồn; tránh được công nghệ phóng dưới nước phức tạp. Một hệ thống phóng như vậy có thể giúp tàu ngầm đi ra khỏi vùng phóng trước khi tên lửa thoát ly khỏi mặt nước.

Thứ ba, nghiên cứu, bố trí các lưới ăng-ten thủy âm bảo toàn góc trên toàn bộ thân tàu thay vì sử dụng loại ăng-ten dạng hình cầu trên các trạm thuỷ âm ở phần đầu tàu. Đây là cách bố trí mới cho phép tàu hoạt động trong dải sóng tần số thấp mà không cần phải sử dụng các ăng-ten hỗ trợ dạng trượt. Đồng thời, giúp tàu có thể quan sát được các góc tròn bất kỳ trong điều kiện thuỷ sinh phức tạp ở những vùng nước nông. Theo tính toán của các chuyên gia kỹ thuật, với loại ăng-ten này, ở khu vực nước nông gần bờ, tàu có thể nhận biết được động thái của 250 mục tiêu trong phạm vi 05 hải lý. Việc sắp xếp này có thể thích hợp với các loại tàu ngầm có phạm vi do thám tương đối rộng, tính đeo bám tốt hơn hệ thống thủy âm của tàu ngầm lớp Virginia hiện nay, chi phí lại giảm khoảng 50%, linh kiện điện tử của tàu cũng được tinh giản.

Thứ tư, trong kết cấu tàu ngầm của Mỹ hiện nay, hệ thống kiểm soát thủy lực truyền thống mặc dù tin cậy, nhưng dễ bị rò rỉ dầu, phải thường xuyên sửa chữa và thay thế linh kiện, chi phí chế tạo và bảo trì tốn kém. Chương trình “Tango Bravo” đề xuất đơn giản hóa tối đa cấu trúc thân tàu theo hướng: thay thế các cấu trúc điều khiển cơ và thủy lực bằng cơ cấu điện, nhất là đối với các cơ cấu điều khiển hỏa lực, điều khiển tàu và các cơ cấu khác của tàu. Qua đó, tăng cường mức độ tự động hóa quy trình điều khiển, giảm số lượng nhân viên bảo dưỡng của tàu.

Thứ năm, tăng cường vai trò tự động hóa của các hệ thống giám định trong quá trình thực hiện nhiều nhiệm vụ có các thao tác trên hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp. Việc nâng cao mức độ tự động hóa này có thể giảm một nửa số nhân viên điều khiển trên tàu ngầm, tiết kiệm chi phí, mà vẫn nâng cao khả năng tinh khôn trong tác chiến của tàu ngầm.

Các nhà quan sát cho rằng, với xu hướng phát triển đầy tham vọng trên, lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ có ưu thế vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng trên biển, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện diện và bảo đảm các nhiệm vụ quan trọng; bảo vệ lợi ích quốc gia trong điều kiện tồn tại các mối đe dọa hiện nay và trong tương lai của nước Mỹ. Tuy nhiên, đây là chương trình có quy mô lớn, đòi hỏi những khoản chi phí khổng lồ. Điều đó không chỉ là nguyên cớ dẫn tới sự bất bình của người dân và trong chính giới Mỹ, sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, mà còn làm dấy lên cuộc chạy đua vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.

Đại tá NGUYỄN VĂN SINH, Phó viện Trưởng Viện B70

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...