Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 19/11/2015, 08:01 (GMT+7)
Đôi nét về hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội các nước ASEAN

Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng, quân sự các nước ASEAN. Đặc biệt, hiện nay, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, hoạt động này càng có ý nghĩa quan trọng, được dư luận hết sức quan tâm.

Đại biểu Việt Nam trao đổi kinh nghiệm tại Diễn tập quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa 
(Ảnh: qdnd.vn)

Những năm qua, thảm họa thiên tai trên thế giới nói chung và trong khu vực Đông Nam Á nói riêng đã liên tiếp xảy ra với quy mô ngày càng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, vượt khỏi khả năng phòng chống, khắc phục của từng quốc gia, buộc các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, để đối phó có hiệu quả với thiên tai, thảm họa, các quốc gia không chỉ giúp đỡ lẫn nhau đơn thuần bằng vật chất, nhân lực mà cần phải hợp tác toàn diện, trọng tâm là thiết lập các cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, phổ biến kinh nghiệm và cùng nhau hành động để có những biện pháp đối phó, khắc phục kịp thời trong mọi tình huống. Vì thế, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa là lĩnh vực quan trọng, cấp thiết và nhận được sự quan tâm, chia sẻ của tất cả quốc gia thành viên. Trên thực tế, chính phủ và quân đội các nước ASEAN đều quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho lĩnh vực hợp tác này. Ngày 26-7-2005, “Hiệp định về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN” (AADMER) đã được các nước thành viên ký kết, với mục tiêu đưa ra cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu tổn thất đối với con người, xã hội, kinh tế, tài sản của các nước thành viên ASEAN và cùng đối phó với các tình huống thiên tai khẩn cấp thông qua nỗ lực chung của các quốc gia và hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng, tạo ra khuôn khổ cho các nước thành viên ASEAN triển khai hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trên các lĩnh vực hợp tác. Theo đó, Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong xử lý thảm hoạ (AHA) đã được thiết lập để tạo điều kiện cho các nước tăng cường phối hợp và hợp tác; đồng thời, cũng là kênh chính thức phối hợp với các tổ chức của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế liên quan trong hoạt động ứng phó với các thảm họa. Một “Quy trình hoạt động chuẩn cho những thỏa thuận Dự phòng ASEAN về cứu trợ thảm họa và phản ứng khẩn cấp” (SASOP) đã được xây dựng để làm cơ sở hướng dẫn các quốc gia triển khai các hoạt động cụ thể ứng phó thảm hoạ và tình huống khẩn cấp trong khu vực.

Hợp tác nội khối

Trên cơ sở “Hiệp định về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN”, cũng như “Quy trình hoạt động chuẩn về cứu trợ thảm hoạ và phản ứng khẩn cấp”, các khuôn khổ hợp tác quốc phòng, quân sự trong ASEAN đã đưa hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa vào các chương trình hợp tác như một lĩnh vực ưu tiên, bởi tính nhân đạo và cấp thiết trong bối cảnh thiên tai, bão lụt thường xuyên xảy ra; đồng thời, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Để tăng cường hợp tác trong vấn đề này, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 3 (ngày 25-7-2009), đã thông qua tài liệu khái niệm về sử dụng nguồn lực quân sự các nước ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa (HADR); trong đó, quy định nguyên tắc; loại nguồn lực sử dụng, nhận dạng và đảm bảo an ninh; thời gian phản ứng trong tình huống thảm họa và công tác phối hợp giữa quân đội các quốc gia ASEAN trong hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở tài liệu khái niệm này, một Quy trình hoạt động chuẩn (SOP) về sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa đã được xây dựng và được thông qua bởi Tư lệnh Quân đội (Tổng Tham mưu trưởng) của tất cả các nước thành viên. Đây là bước tiến mới, thể hiện chiều sâu hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN trên lĩnh vực này. Điều đó được thể hiện rõ nét khi Quy trình hoạt động chuẩn đã đề cập đầy đủ, khái quát các nguyên tắc về cung cấp và tiếp nhận sự giúp đỡ về nguồn lực quân sự trong thiên tai, thảm họa; vai trò của nước trợ giúp, nước bị ảnh hưởng trong sử dụng nguồn lực quân sự, nhận dạng phương tiện, hướng dẫn về trợ giúp y tế, công tác quá cảnh, phối hợp quân sự, quân - dân sự, v.v. Không chỉ cam kết bằng văn bản, quân đội các nước ASEAN còn triển khai các cuộc diễn tập trên thực địa (AHX) tại In-đô-nê-xi-a (năm 2011) và diễn tập sa bàn tại Bru-nây (năm 2013). Qua đó đã cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng để cụ thể hóa hơn nữa về quy trình hoạt động chuẩn của lục quân các nước ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Việc cụ thể hóa Quy trình đã được tiến hành một cách toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, trọng tâm là cụ thể hóa cách thức phối hợp hoạt động của lục quân các nước ASEAN trong 05 giai đoạn, gồm: đánh giá và lập kế hoạch; triển khai lực lượng; tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; chuyển giao nhiệm vụ; rút lực lượng. Ngoài ra, ASEAN còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trao đổi và đề xuất các giải pháp hợp tác giữa các cơ sở quốc phòng và tổ chức xã hội dân sự về an ninh phi truyền thống có liên quan đến hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa trong khu vực.

Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 9 tại Ma-lai-xi-a (tháng 3-2015) đã thông qua sáng kiến thành lập Nhóm thường trực của quân đội các nước ASEAN, sẵn sàng triển khai nhanh tới các khu vực thảm hoạ. Nhóm này sẽ thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các thỏa thuận hiện hành theo Hiệp định về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN; đồng thời, có thể phối hợp với các đối tác trong khu vực và quốc tế tương ứng về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ khác.

Như vậy, việc hình thành các cơ chế đối thoại, hợp tác đã tạo nền tảng cho hợp tác về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của quân đội các nước ASEAN ngày càng đi vào thực tế và đạt hiệu quả thiết thực. Chính sự hợp tác này đã, đang trở thành một nhân tố quan trọng trong sự gắn kết hơn nữa các nước trong khu vực.

 Hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN và các nước đối tác

Thực tiễn những năm qua cho thấy, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa là công tác mới và rất khó khăn, nhất là khi quy mô của thảm họa vượt ngoài tầm với của khu vực. Vì thế, tăng cường hợp tác về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa được coi là lĩnh vực ưu tiên trong các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh giữa quân đội các nước ASEAN với các nước đối tác, nhất là trong khuôn khổ hợp tác của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Để nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này, các nước ASEAN và các nước đối tác đã đẩy mạnh các hoạt động, như: hội thảo, hội nghị, diễn tập sa bàn, diễn tập thực địa, nhằm tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng cơ chế hợp tác và tăng cường năng lực và khả năng phối hợp hoạt động.

Do tầm quan trọng và tính chất của hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, Diễn đàn khu vực ASEAN đã thiết lập Hội nghị giữa kỳ về giảm nhẹ thiên tai, xây dựng chương trình hành động và thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề; xây dựng các tài liệu hợp tác, gồm: Hướng dẫn chiến lược về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; Thỏa thuận mẫu tự nguyện về sử dụng phương tiện phòng vệ dân sự và quân sự nước ngoài trong giảm nhẹ thiên tai; Dịch vụ bản đồ giảm nhẹ thiên tai (ARF DRMS). Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN, diễn tập về giảm nhẹ thiên tai (DiREx) đã được tổ chức 2 năm 1 lần (từ 2009 đến nay đã có 3 lần diễn tập vào các năm 2009, 2011, 2013), góp phần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên.

Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tại Việt Nam (tháng 10-2010), đã xác định hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác ban đầu và đã thành lập Nhóm chuyên gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa (năm 2011). Nhóm chuyên gia do Việt Nam và Trung Quốc  đồng chủ trì (giai đoạn 2011 - 2013) đã tổ chức 3 hội nghị để trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó thảm hoạ cũng như phối hợp, hợp tác quốc tế về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, v.v. Tiếp đó, giai đoạn 2014 - 2017, Nhóm chuyên gia do Lào và Nhật Bản đồng chủ trì đã tổ chức các hội nghị bàn thảo về mô hình Trung tâm phối hợp đa quốc gia ở cả cấp quốc gia và địa phương trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; những vấn đề pháp lý liên quan tới lực lượng nước ngoài; phối hợp quân và dân sự; vai trò của các tổ chức quốc tế; xây dựng Quy trình hoạt động chuẩn; chuẩn bị cho diễn tập kết hợp quân y vào năm 2016. Cùng với các hoạt động trên diễn đàn hội nghị, các cuộc diễn tập thực binh kết hợp hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa giữa ASEAN và các nước đối tác cũng được đẩy mạnh với nhiều quy mô khác nhau. Điển hình là cuộc diễn tập của quân đội 18 quốc gia thành viên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng vào tháng 6-2013 đã được tổ chức thành công tại Bru-nây. Thông qua đó, để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, bước đầu hình thành cơ chế trao đổi hợp tác để hướng tới khả năng phối hợp hoạt động thiết thực trong thực tế.

Triển vọng hợp tác trong thời gian tới

 Những hoạt động trên cho thấy, xu hướng hợp tác nói chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của quân đội các nước ASEAN nói riêng đang có nhiều tiến triển tích cực. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế chung mà còn đáp ứng đòi hỏi của mỗi quốc gia và toàn khu vực. Hiện nay, ASEAN đang sắp xếp và thiết lập kênh phối hợp để thống nhất các hoạt động, nhằm tránh trùng lặp giữa các cơ chế, hướng tới tầm nhìn hợp tác sau năm 2015. Một cơ quan điều phối chung (lực lượng đặc trách) đã được thiết lập, do Ủy ban Quản lý thảm họa ASEAN chủ trì, bao gồm: đại diện cấp các quan chức cao cấp của các kênh quốc phòng, ngoại giao, y tế, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong xử lý thảm hoạ. Như vậy, trong thời gian tới, các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng cường hợp tác trong ứng phó với thảm họa, bao gồm nâng cao năng lực của Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong xử lý thảm hoạ, lấy Hiệp định về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN làm cơ sở, xương sống cho triển khai chính sách của ASEAN trong lĩnh vực này. Trong khi đó, các kênh hợp tác quốc phòng, quân sự được xem là những cơ chế hợp tác quan trọng trong triển khai các lĩnh vực hợp tác trên thực tế cũng như tham gia tích cực trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa khi có tình huống xảy ra trong khu vực.

Có thể thấy, trên cơ sở nền tảng hợp tác hiện có, quân đội các nước ASEAN cũng như cùng các nước đối tác sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, trong đó tập trung vào củng cố xây dựng các Quy trình hoạt động chuẩn, tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng như diễn tập sa bàn, diễn tập chỉ huy, diễn tập thực địa, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động trên thực tế. Vì vậy, quân đội các nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, xây dựng và củng cố niềm tin, giữ vững và phát huy vai trò trung tâm, động lực dẫn dắt của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực; góp phần xây dựng tình đoàn kết, cùng hướng đến lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Đại tá NGUYỄN THÀNH ĐỒNG, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...