Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 21/06/2022, 14:48 (GMT+7)
Đôi nét về điều chỉnh chính sách quốc phòng của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Sau khi công bố “Hướng dẫn chiến lược tạm thời”, Mỹ đã có một số điều chỉnh quan trọng về quốc phòng, an ninh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm nâng cao vị thế, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Vậy những điều chỉnh đó là gì và bước đi tiếp theo ra sao đang là vấn đề dư luận thế giới quan tâm.

Sau khi nắm quyền điều hành đất nước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả bên trong và từ bên ngoài nước Mỹ. Trong nước, mặc dù đảng Dân chủ chiếm ưu thế tại lưỡng viện quốc hội, song tình trạng chia rẽ nội bộ vẫn chưa được giải quyết. Bên ngoài, việc sa lầy tại Afghanistan và phải phân tán nguồn lực tại Trung Đông khiến Mỹ không thể tập trung đối phó với các đối thủ hàng đầu là Nga và Trung Quốc cũng như xử lý các vấn đề Iran, Triều Tiên. Cùng với đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, như: đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu,… cũng là những khó khăn đòi hỏi Nhà trắng cần tập trung xử lý.

Để gây dựng lại vị thế, uy tín của nước Mỹ và khẳng định vị trí siêu cường thế giới, chính quyền của Tổng thống Joe Biden chủ trương đề cao chính sách ngoại giao, điều đó được thể hiện trong “Hướng dẫn chiến lược tạm thời” (công bố tháng 3/2021) và phát biểu của Tổng thống Joe Biden tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/2021). Về quân sự, Washington sẽ sử dụng một cách có trách nhiệm và là phương án sau cùng. Tuy nhiên, do Mỹ là nước có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, nên những điều chỉnh về quốc phòng, an ninh đều tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Khu vực được Mỹ ưu tiên hàng đầu

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu - Đại Tây Dương luôn được coi là khu vực ưu tiên hàng đầu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Mỹ. Điều đó xuất phát từ thực tế là hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh lạnh đều khởi nguồn từ châu Âu. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã dịch chuyển ưu tiên sang khu vực châu Á nhằm thích ứng với những thay đổi to lớn của lục địa này; đúng như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissiger từng phát biểu “nước Mỹ hướng về châu Âu nhưng đang đi giật lùi về châu Á” từ khi Chiến tranh lạnh chưa kết thúc. Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên hàng đầu về đối ngoại của Mỹ với chủ trương đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động can dự tại đây. Điều đó được thể hiện rõ trong “Hướng dẫn chiến lược tạm thời”. Ngoài ra, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố vào tháng 02/2022 một lần nữa khẳng định chủ trương gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực, Đạo luật chi tiêu quốc phòng năm 2022 cũng đã phê duyệt mức chi ngân sách cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương ở mức 7,1 tỉ USD, cao hơn so với mức 04 tỉ USD dành cho sáng kiến tương tự ở châu Âu.

Sở dĩ Mỹ đặt ưu tiên hàng đầu cho khu vực này, bởi thực tiễn cho thấy, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã, đang là khu vực “phát triển năng động” bậc nhất thế giới, với thị trường phát triển nhanh, nhất là khi có sự hiện diện của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các quốc gia nằm ở vành đai khu vực quan trọng này đều có những cơ hội do toàn cầu hóa mang lại để phát triển kinh tế và nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này, điển hình là Trung Quốc. Nhờ tận dụng tốt cơ hội, Trung Quốc đã đạt được những phát triển kỳ tích về kinh tế, trở thành cường quốc hàng đầu thế giới - đối tác kinh tế quan trọng, tin cậy của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ đó cũng khiến Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh số một của Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Trong báo cáo thường niên năm 2021 về tình hình quốc phòng, an ninh của các quốc gia, Mỹ phải thừa nhận năng lực quân sự của Trung Quốc đã vượt xa những dự báo trước đó. Vì thế, chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải tập trung ưu tiên đối phó với các nguy cơ nhằm bảo vệ vị trí siêu cường số một thế giới của mình. Với phương châm “hòa bình thông qua sức mạnh”, Mỹ chủ trương gia tăng sức mạnh về quân sự, nhằm tạo sự ảnh hưởng toàn diện trên các khu vực. Theo đó, Washington tiếp tục duy trì ngân sách quốc phòng ở mức cao, thậm chí ngân sách chi tiêu cho quốc phòng năm 2023 còn được Lầu Năm Góc đề xuất lên đến 773 tỉ USD, tăng thêm 30 tỉ USD so với năm trước. Cùng với đó, Mỹ cũng đẩy mạnh hiện đại hóa các đơn vị, lực lượng, chú trọng phát triển các lĩnh vực mới: vũ trụ, không gian mạng. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2022, nước này sẽ dành một khoản tiền lớn cho việc nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, phát triển vũ khí siêu thanh và hệ thống vệ tinh cảnh báo tên lửa, v.v. Các hoạt động trên của Mỹ ngoài việc bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa, còn nhằm thích ứng với xu hướng quân sự của các nước lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một số điều chỉnh quan trọng

Mặc dù chưa công bố Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng, song thời gian qua, Mỹ đã triển khai một số bước đi quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là:

1. Coi trọng thúc đẩy quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Mỹ từ bỏ mô hình “trục và nan hoa” để chuyển sang mô hình “mạng lưới có nguyên tắc”, tập trung vào các nước có chung quan điểm và quan ngại, khuyến khích đồng minh và đối tác chia sẻ trách nhiệm an ninh, cũng như chi phí, gánh nặng quân sự thay vì gây sức ép như chính quyền tiền nhiệm. Điều này lý giải tại sao Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn nhanh chóng đạt được các thỏa thuận về việc chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại các nước này sau khi ông Biden nhậm chức. Mỹ cũng thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Australia và Anh thông qua liên minh AUKUS, nổi bật là việc hợp tác với Australia về lĩnh vực công nghệ tên lửa tầm xa, chia sẻ công nghệ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Cùng với đó, Washington còn nâng cấp hoạt động của nhóm “Bộ tứ” lên cấp thượng đỉnh, tổ chức cuộc tập trận Malabar (8/2021) với sự tham gia của các nước trong nhóm “Bộ tứ”, v.v. Đồng thời, tăng cường hiện diện quân sự trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh các căn cứ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ còn thuyết phục Philippines khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), để quân đội Mỹ được sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có 02 căn cứ quan trọng là Subic và Clark. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan để tập trung mọi nguồn lực cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điển hình là việc thường xuyên duy trì từ 02 đến 04 cụm tàu sân bay tại khu vực này. Trên Biển Đông, tuy các hoạt động “bảo vệ tự do hàng hải” (FONOP) giảm so với nhiệm kỳ trước, song các hoạt động tập trận, tuần tra lại tăng lên. Trong bối cảnh Ukraine xảy ra khủng hoảng, thì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực vẫn gửi thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ.

Ngoài ra, Mỹ còn mở rộng hợp tác quốc phòng và cung cấp vũ khí cho các quốc gia trong khu vực, như: hợp tác với Ấn Độ về lĩnh vực máy bay không người lái, không gian, trí tuệ nhân tạo; với Singapore về lĩnh vực vũ trụ, an ninh mạng. Đặc biệt, Mỹ còn ký thỏa thuận cung cấp lô vũ khí trị giá gần 14 tỉ USD cho Indonesia, gồm 36 máy bay chiến đấu F-15 cùng với đạn và hệ thống thông tin liên lạc.

2. Tiếp tục củng cố sức mạnh răn đe đối với đối thủ hàng đầu song cũng không loại trừ “hợp tác khi có thể”. Trong đề xuất ngân sách quốc phòng năm 2022, Mỹ khẳng định Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ chốt và là thách thức ngày càng lớn. Chính vì vậy, Washington tiếp tục củng cố và tăng cường sự hiện diện quân sự tại các “chuỗi đảo” trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đầu tư 892 triệu USD để bảo vệ căn cứ quân sự Guam khỏi các nguy cơ từ bên ngoài; nâng cao năng lực trong lĩnh vực vũ trụ, hạt nhân và không gian mạng nhằm đối phó với các nước lớn. Ngoài ra, Mỹ còn đầu tư lớn cho khu vực Nam Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc và Solomon triển khai thực hiện thỏa thuận an ninh. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng nỗ lực sắp xếp lại chuỗi cung ứng quốc phòng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù cạnh tranh gay gắt và toàn diện với Trung Quốc, song trên thực tế, Mỹ vẫn tìm cách thúc đẩy các cơ chế đối thoại, tiếp xúc cấp cao để quản lý xung đột và ngăn không để quan hệ hai nước đến bờ vực đổ vỡ. Hai bên đang tiếp tục hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như: biến đổi khí hậu, hạt nhân Triều Tiên, Iran, v.v. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận về vấn đề này.

3. Coi trọng trở lại các cơ chế đa phương ở khu vực, nhất là đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các chính sách quan trọng mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden công bố đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN cũng như các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt, đồng thời khẳng định các cam kết của Mỹ đối với ASEAN. Việc Tổng thống Joe Biden tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ và Hội nghị cấp cao Đông Á (10/2021) đánh dấu sự trở lại tham dự hội nghị cấp Tổng thống vốn bị gián đoạn từ năm 2017. Tại Hội nghị Cấp cao với ASEAN, Mỹ tuyên bố cung cấp 102 triệu USD giúp các nước thành viên ASEAN phục hồi sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển con người. Mỹ cũng chủ động và tích cực thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN trong khi phải dồn các nguồn lực cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Mỹ điều chỉnh chính sách quốc phòng đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với việc các nước lớn gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực quan trọng này có thể sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang nóng bỏng và quyết liệt. Các nguy cơ va chạm, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển, đảo nhiều khả năng sẽ dẫn đến xung đột nếu như các bên không kiểm soát tốt tình hình. Điều này nếu xảy ra sẽ tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích và sự ổn định của nhiều quốc gia, nhất là đối với các nước trong khu vực và các nước lớn có liên quan. Vì thế, việc kiểm soát và xử lý khủng hoảng trên các khu vực nói chung, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng là trách nhiệm và cũng là vấn đề quan trọng của tất cả các quốc gia, trong đó có các nước lớn. Cũng chính vì lẽ đó, dư luận thế giới hy vọng khu vực  Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tuy diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt, nhưng vẫn là khu vực hòa bình, ổn định và phát triển trong thời gian tới.

MỸ CHÂU

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...