Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:11 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2018 chứng kiến nhiều sự kiện lớn phản ánh các trạng thái bất ổn, bất an và bất định do sự chuyển dịch mạnh mẽ của thế giới trong một thời điểm có nhiều biến chuyển nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga có tác động quyết định cục diện chính trị - quân sự thế giới.
Xung đột giữa hai trật tự thế giới ngày càng gay gắt
Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã gián tiếp thừa nhận vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới của Mỹ bị suy giảm và lung lay, do đó không còn đóng vai trò một cực trong trật tự thế giới đơn cực được hình thành sau Chiến tranh lạnh. Để thực hiện chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tháng 9-2018, tại Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ đã chính thức phản đối chủ nghĩa toàn cầu hóa, đề cao chủ nghĩa dân tộc và khẳng định: chỉ có nhà nước Hoa Kỳ mới bảo đảm nền tảng vững chắc cho hạnh phúc, thịnh vượng của người dân Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ từ bỏ tham vọng giành ưu thế toàn diện để tiếp tục đóng vai trò là một cực duy nhất trên thế giới. Trong Chiến lược an ninh quốc gia công bố cuối năm 2017, Oa-sinh-tơn đã xác định: nước Mỹ đang bước vào kỷ nguyên cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ở các lĩnh vực: kinh tế, khoa học - công nghệ, chính trị, quân sự và coi Nga, Trung Quốc là những quốc gia thù địch đang “phá hoại trật tự thế giới” do Mỹ chi phối. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối trật tự thế giới đơn cực, cùng hướng tới xây dựng một trật tự thế giới đa cực dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, mà trong đó các quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu đều phải được tôn trọng. Vì thế, mặc dù bị Mỹ và phương Tây liên tục bao vây, cấm vận, Nga vẫn luôn coi họ là đối tác và chủ trương tiếp tục đối thoại, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Còn Trung Quốc thì xúc tiến Đề án chiến lược “Vành đai và con đường” nhằm thiết lập một trật tự thế giới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh”; trong đó, các quốc gia cùng hợp tác để phát triển thịnh vượng. Do đó, sự xung đột giữa hai trật tự thế giới này vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo không chỉ trong những năm tới, mà còn có thể kéo dài trong thế kỷ XXI.
Động thái cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
Ngay từ khi tranh cử, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm từng tuyên bố rằng, ông không thể gọi Trung Quốc bằng cái tên nào khác ngoài “kẻ thù của nước Mỹ”. Vì thế, sau hơn 01 năm quan sát và thăm dò, đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ đã phát động chiến dịch cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc trên nhiều “chiến tuyến”. Trên “chiến tuyến” thương mại, đến cuối năm 2018, Mỹ đã áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới gần 200 tỷ USD, thời gian tới có thể là 500 tỷ USD. Đây là động thái được phía Mỹ giải thích rằng, nhằm lập lại sự cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc mà nước này bị thâm hụt tới 335 tỷ USD (tính tới cuối năm 2017). Người đứng đầu Nhà trắng còn chỉ đạo ký hiệp định thương mại tự do song phương với các nước (trước hết là với Ca-na-đa và Mê-hi-cô), trong đó có điều khoản cấm đối tác ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Trên “chiến tuyến” kinh tế, Mỹ đã tiến hành các biện pháp nhằm phá sản kế hoạch chiến lược “sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc đến năm 2025” của Bắc Kinh. Trên “chiến tuyến” chính trị, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược toàn cầu từ “xoay trục” tới châu Á - Thái Bình Dương sang chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở, nhằm ngăn chặn Đề án chiến lược “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Trên “chiến tuyến” quân sự, Mỹ đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua các loại vũ khí hiện đại nhất của Nga; thành lập Quân chủng Vũ trụ để đối phó với tham vọng của Trung Quốc quân sự hóa không gian ngoài Trái Đất. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc cùng tham gia với Nga và một số quốc gia khác đàm phán về một hiệp định tên lửa hạt nhân tầm trung trên phạm vi toàn cầu. Bởi theo Oa-sinh-tơn, Bắc Kinh đang sở hữu hàng nghìn tên lửa loại này nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á và Đông Á. Đạo luật Quốc phòng năm 2019 của Mỹ còn đề ra các biện pháp nhằm buộc Trung Quốc phải ngừng toàn bộ hoạt động xây dựng hạ tầng cơ sở tại các đảo họ đã đánh chiếm trái phép ở Trường Sa và rút vũ khí, trang bị ra khỏi khu vực này theo lộ trình thích hợp trong thời gian 04 năm. Với những “chiến tuyến” trên, giới phân tích đánh giá cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tương tự như là cuộc “Chiến tranh lạnh” phiên bản 2.0 nhằm buộc Trung Quốc phải thay đổi mô hình phát triển. Điều đáng lưu ý là, chiến lược cạnh tranh trên nhận được sự thống nhất cao của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, cũng như dư luận xã hội Mỹ.
Đáp trả, tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vào ngày 01-11-2018 mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước trước bất cứ sức ép nào từ bên ngoài. Vì thế, sự cạnh tranh chiến lược này sẽ còn kéo dài, dù bất cứ ai lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, và đó có thể là cuộc cạnh tranh chủ đạo trong cục diện chính trị thế giới ở thế kỷ XXI.
Căng thẳng Mỹ - Nga không ngừng gia tăng
Năm 2018, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga leo thang căng thẳng tới mức chưa từng có, kể từ sau “Chiến tranh lạnh”. Theo giới phân tích quốc tế, sở dĩ có tình trạng này là do cuộc đấu tranh chính trị nội bộ gay gắt ở Mỹ, giữa các thế lực chống Nga và bên kia là những người muốn cải thiện quan hệ với đối thủ truyền kiếp. Mặc dù Tổng thống Mỹ coi kết quả cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại Hen-xinh-ki là “có ý nghĩa lịch sử”, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn áp đặt các biện pháp cấm vận Nga một cách ngặt nghèo chưa từng có, với cáo buộc “Nga xâm lược U-crai-na”, “Nga ủng hộ chế độ cầm quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát”,… thậm chí một số nghị sỹ Mỹ đang xem xét một đạo luật coi Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố”. Hơn thế, Tổng thống Đô-nan Trăm còn tuyên bố rằng, Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Mỹ - Xô về hủy bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) với cáo buộc Nga (kế thừa Liên Xô trước đây) không tôn trọng Hiệp ước này.
Phía Nga cho rằng, Mỹ đã không dựa trên cơ sở thực tế, mà tiếp tục chuỗi dài các quyết sách đơn phương phi lý. Cụ thể: tiếp tục mở rộng NATO và đưa căn cứ quân sự của Mỹ tới sát biên giới Nga; đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô năm 1972 và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu để sẵn sàng giáng đòn tấn công phủ đầu nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, v.v. Do đó, Nga cảnh báo Mỹ đang đẩy thế giới vào cuộc chạy đua vũ trang mới cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể biến lãnh thổ châu Âu thành chiến trường của chiến tranh hạt nhân. Tổng thống Nga tuyên bố rằng, học thuyết quân sự Nga ghi rõ: Nga không bao giờ là bên gây chiến, nhưng sẽ sẵn sàng đáp trả thích đáng một khi bị tấn công. Ông Pu-tin còn cảnh báo, nếu xẩy ra chiến tranh hạt nhân thì đó sẽ là thảm họa hủy diệt đối với thế giới, trong đó người Nga chỉ là nạn nhân của hành động xâm lược và “sẽ lên thiên đường như những người tử vì đạo”, còn những kẻ xâm lược “sẽ chết mà không có cơ hội hối hận”. Lãnh đạo nhiều nước ra tuyên bố rằng, cả Mỹ và Nga cần bình tĩnh và tiếp tục duy trì các kênh đối thoại nhằm hóa giải tình trạng khủng hoảng quan hệ giữa hai nước, trước hết là nhằm đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Cục diện chính trị - quân sự Trung Đông thay đổi căn bản
Theo đánh giá của các nhà quan sát, năm 2018, cục diện chính trị - quân sự ở Trung Đông được quyết định bởi hai yếu tố chủ yếu: cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri và những tác động khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran. Trong đó, cuộc chiến ở Xy-ri là tâm điểm trong chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ, bởi khi bùng nổ các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân A-rập” ở Trung Đông - Bắc Phi (năm 2011), Mỹ đã mượn cớ “chống khủng bố” để đưa lực lượng quân sự vào can thiệp tại Xy-ri, nhằm loại bỏ chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát và thiết lập chính thể thân Mỹ. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Nga, I-ran và lực lượng tình nguyện Héc-bô-la, Quân đội Xy-ri đã đánh bại tổ chức khủng bố mang tên Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giải phóng hơn 90% diện tích lãnh thổ và chuẩn bị mở chiến dịch giải phóng hang ổ cuối cùng của tàn quân khủng bố tụ hội về tỉnh I-đơ-líp. Việc IS bị đánh bại đã đặt chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ trước nguy cơ phá sản hoàn toàn và họ sẽ không còn bất cứ lý do nào để tiếp tục hiện diện quân sự tại Xy-ri. Vì thế, Mỹ và một số đồng minh, trước hết là Anh, Pháp và I-xra-en ráo riết triển khai ở khu vực lực lượng quân sự lớn, chuẩn bị tạo cớ để sẵn sàng tấn công, nếu chiến dịch giải phóng I-đơ-líp được mở. Để làm suy yếu đối phương, Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân I-ran, áp đặt các biện pháp cấm vận hòng buộc Tê-hê-ran phải chấm dứt ủng hộ Xy-ri. Bất chấp lệnh cấm vận, gây sức ép của Mỹ, I-ran tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục hiện diện quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Xy-ri để cùng với Nga truy quét khủng bố. Trong điều kiện đó, Xy-ri đứng trước hiểm họa trở thành cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa một bên là Nga, Xy-ri, I-ran và bên kia là Mỹ và đồng minh, có thể dẫn tới cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông và lan rộng thành cuộc chiến tranh thế giới.
Trước nguy cơ đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận mang tính đột phá là thiết lập lệnh ngừng bắn và khu vực phi quân sự ở I-đơ-líp. Tiếp đó, ngày 27-10-2018, cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên: Nga, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận giải pháp chính trị cho Xy-ri. Như vậy, sau hơn 07 năm Mỹ can thiệp vào chủ quyền Xy-ri, cục diện chính trị - quân sự ở đây đã thay đổi căn bản, mở ra triển vọng mới cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.
Chuyển dịch lớn trên bán đảo Triều Tiên
Năm 2018, thế giới chứng kiến 03 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và đã tạo sự đột phá trong cục diện chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên và Hàn Quốc quyết định nối lại, thúc đẩy quan hệ toàn diện và căn bản để kiến tạo tương lai cùng thịnh vượng, thống nhất; khẳng định nguyên tắc tự quyết vận mệnh của hai miền Triều Tiên; giảm mức độ căng thẳng quân sự nhằm loại bỏ nguy cơ chiến tranh. Đồng thời, biến khu phi quân sự thành khu vực hòa bình, hợp tác để thiết lập cơ chế lâu dài và bền vững; hướng tới mục tiêu chung phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trên cơ sở diễn biến rất tích cực này, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử vào ngày 12-6-2018; trong đó, hai bên đạt được thỏa thuận đột phá về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu cuối cùng, các bên có liên quan còn phải trải qua chặng đường dài, nhưng kết quả đạt được trong năm 2018 có ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Nhìn chung, bức tranh chính trị - quân sự thế giới năm 2018 đã thể hiện rõ cả hai gam màu sáng, tối đan xen. Trong đó, gam màu sáng tuy chưa nhiều nhưng đã, đang hứa hẹn điều tốt đẹp có thể đến trong năm 2019 và những năm tiếp sau. Tuy nhiên, điều đó có trở thành hiện thực hay không, còn phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của các nước, nhất là các nước lớn trên cơ sở xây dựng một thế giới hòa bình, cùng phát triển.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
cục diện chính trị. thế giới năm 2018
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ