Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:44 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Những thập kỷ gần đây, cùng với giữ được môi trường hòa bình, ổn định và phát triển năng động, khu vực Đông Nam Á cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN chú trọng công tác giáo dục quốc phòng và luôn xác định đó là một trong những mặt quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Tuy mỗi nước có cách giáo dục quốc phòng riêng, song tổng thể có thể thấy nổi lên một số nét chính sau:
1. Tăng cường các thiết chế quản lý của nhà nước. Theo quan niệm của một số nước ASEAN, giáo dục quốc phòng là một bộ phận của giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự thịnh, suy, tồn, vong của mỗi quốc gia. Do vậy, chính phủ nhiều nước ASEAN rất chú trọng tăng cường thiết chế quản lý nhà nước đối với công tác này, thông qua hệ thống luật pháp, xây dựng bộ máy quản lý các cấp từ chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, cùng các giải pháp đồng bộ khác. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện luật giáo dục quốc phòng được các nước hết sức coi trọng, nhằm tạo khung pháp lý khẳng định vị trí, vai trò của giáo dục quốc phòng đối với nhiệm vụ phòng thủ quốc gia; quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân. Thông qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách giáo dục quốc phòng của chính phủ; đồng thời, pháp quy hóa các chế độ, chính sách bảo đảm để công tác giáo dục quốc phòng được thực hiện theo đúng định hướng đã đề ra.
Các nước này cũng thành lập hội đồng giáo dục quốc phòng quốc gia là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục quốc phòng, do một quan chức cao cấp của chính phủ phụ trách; đại diện của một số cơ quan chính phủ, bộ, ngành trọng yếu là các ủy viên. Hội đồng giáo dục quốc phòng quốc gia có nhiệm vụ hoạch định chính sách và điều hành công tác giáo dục quốc phòng trên cả nước. Dưới hội đồng này là hội đồng giáo dục quốc phòng của các bộ, ngành, địa phương, do quan chức cao nhất ở đó làm chủ tịch, có nhiệm vụ điều hành công tác giáo dục quốc phòng trong phạm vi, lĩnh vực được phân công. Hội đồng giáo dục quốc phòng của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục đóng vai trò nòng cốt, có nhiệm vụ tham mưu cho chính phủ các chủ trương, giải pháp giáo dục quốc phòng; phối hợp giúp đỡ hội đồng giáo dục quốc phòng của các bộ, ngành khác trong công tác giáo dục quốc phòng. Để nâng cao chất lượng quản lý của bộ máy, chính phủ các nước này coi trọng phát huy tính tích cực, chủ động của cơ quan quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành và các thành viên trong hội đồng; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, đưa công tác giáo dục quốc phòng của đất nước đi vào nền nếp.
2. Đổi mới nội dung, chương trình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ quốc gia. Bước vào thế kỷ XXI, nhiều nước trong ASEAN đã có những điều chỉnh mang tính “bước ngoặt” trong chiến lược quốc phòng. Trong đó, điều chỉnh phương châm chiến lược quốc phòng là quan trọng nhất. Nếu như trước đây, các nước tập trung xây dựng nền quốc phòng để đối phó với chiến tranh truyền thống, thì nay, việc xây dựng nền quốc phòng chủ yếu nhằm đối phó với xung đột quân sự, chiến tranh cục bộ có sử dụng vũ khí công nghệ cao và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Cùng với sự thay đổi đó, các nước ASEAN cũng chú trọng đổi mới nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng thời kỳ mới. Trong chương trình giáo dục quốc phòng đại chúng, một số nước chú trọng những nội dung mới, thiết thực, nhằm trang bị cho các đối tượng những kiến thức cần thiết về xung đột và chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao, nhất là những phát triển mới về kỹ thuật, chiến thuật, vũ khí, trang bị hiện đại, kèm theo đó là phương thức tác chiến, cách thức tiến hành chiến tranh mới so với trước đây. Một nội dung quan trọng cũng được các nước coi trọng là giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng về các quan điểm, chủ trương, chính sách quốc phòng của chính phủ trong thời kỳ mới; chức trách, nhiệm vụ của các cấp, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng của quốc gia.
Trong chương trình giáo dục quốc phòng cho lực lượng quốc phòng nòng cốt, như: lực lượng vũ trang, bán vũ trang và lực lượng chuyên môn kỹ thuật,… nhiều nước trong khối ASEAN chú trọng giáo dục về phương pháp, nghệ thuật tổ chức xây dựng nền quốc phòng, thế trận quốc phòng, phương thức quản lý, điều hành tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo chức trách cho đội ngũ quan chức các bộ, ngành, địa phương, sĩ quan chỉ huy các cấp của lực lượng vũ trang, v.v.
3. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng loại đối tượng. Đây là nội dung quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục quốc phòng. Nhiều nước trong khối ASEAN chú trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho quan chức các cấp trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương, coi đây là đối tượng trọng yếu hàng đầu. Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các quan chức thường được tổ chức tập trung định kỳ hằng năm hoặc từng giai đoạn tại các học viện, trường quân sự hay tại các trung tâm giáo dục quốc phòng của quốc gia. Do nội hàm quốc phòng hiện đại đã được mở rộng và toàn diện hơn, nên việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các quan chức cũng tập trung vào lý luận và thực tiễn, kết hợp hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, gắn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; cách thức tổ chức, điều hành công tác quốc phòng, phương pháp chuyển địa phương, đất nước từ thời bình sang thời chiến; tổ chức động viên quốc phòng, v.v. Cùng với giáo dục quốc phòng tập trung, các nước cũng tổ chức cho quan chức các cấp đi tham quan các mô hình xây dựng quốc phòng tiên tiến ở trong và ngoài nước; động viên quan chức các cấp tự học, tự nghiên cứu, v.v.
Công tác giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên, thanh niên cũng được các nước ASEAN ưu tiên chú trọng. Một số nước quy định các nhà trường phải có khoa, bộ môn giáo dục quốc phòng phù hợp với cấp học và học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia học môn giáo dục quốc phòng như một môn chính khóa. Phương pháp giáo dục thường là kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, nhằm giúp học sinh, sinh viên nhận thức đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng; giáo dục nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ trẻ với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và biết cách hành động trong các tình huống quốc phòng nếu xảy ra. Kết quả môn giáo dục quốc phòng được lấy làm một tiêu chí, điều kiện để xét thành tích học tập cũng như xét tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên. Thực hiện mục tiêu toàn dân làm quốc phòng, Luật quốc phòng của Xin-ga-po quy định, thanh niên đến tuổi quy định phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ phải đăng ký tham gia lực lượng dự bị cho đến hết độ tuổi luật quy định; hằng năm phải tham gia các khóa huấn luyện quốc phòng - quân sự tập trung từ 10 đến 15 ngày tại các đơn vị quân đội hoặc tại các trung tâm giáo dục quốc phòng của quốc gia.
Giáo dục quốc phòng cho toàn dân được các nước ASEAN coi là một nội dung quan trọng trong công tác giáo dục quốc phòng của quốc gia. Nhiều nước chỉ đạo hệ thống thông tin đại chúng xây dựng chuyên mục, chương trình để tuyên truyền cho nhân dân; tổ chức các cuộc thông tin chuyên đề, các buổi tọa đàm, trao đổi, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật quốc phòng của nhà nước; nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với công tác quốc phòng; kinh nghiệm công tác quốc phòng của các đơn vị, địa phương, v.v. Một số nước tổ chức các tổ, đội giáo dục quốc phòng cơ động để đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo để làm công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng cho nhân dân. Nhiều nước gắn nội dung giáo dục quốc phòng trong các hoạt động lễ hội truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức quốc phòng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quốc phòng,… để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống dân tộc, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách quốc phòng của chính phủ. Một hình thức giáo dục quốc phòng có tính thực tiễn và tổng hợp cao được nhiều nước ASEAN chú trọng thực hiện là tổ chức các cuộc diễn tập phòng thủ khu vực, địa phương, nhằm nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy của đội ngũ quan chức các cấp, nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng, kỹ năng xử trí các tình huống quốc phòng của các cấp, ngành, lực lượng và nhân dân. Thông qua diễn tập cũng kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án, đảm bảo khi tình huống xảy ra không bị động, bị bất ngờ.
4. Xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó, chính phủ nhiều nước trong khối ASEAN chú trọng tuyển chọn đội ngũ giảng viên giáo dục quốc phòng từ hàng ngũ giáo viên các trường quân đội, các sĩ quan quân đội có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, sau khi được bồi dưỡng phương pháp sư phạm, bổ nhiệm làm giảng viên. Cùng với đó, chú trọng hoạch định chiến lược, đề ra các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách trong việc tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên giáo dục quốc phòng chuyên nghiệp. Các nước này cũng thành lập khoa sư phạm giáo dục quốc phòng ở một số học viện, trường đại học, soạn thảo giáo trình, giáo án để phục vụ công tác đào tạo. Trong tình hình mới, khi mà nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn, một số nước ASEAN coi trọng đào tạo đội ngũ giảng viên giáo dục quốc phòng có tri thức toàn diện, có trình độ học vấn, học hàm, học vị, vừa tinh thông nghiệp vụ quân sự, quốc phòng, vừa nắm chắc những kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật,… đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Quy hoạch đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên nghiệp hóa, đảm bảo yêu cầu đủ về số lượng và chất lượng, tính liên tục, hệ thống; chăm lo cải tiến chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho giảng viên. Nhiều nước quy định việc sử dụng quan chức các cấp của chính phủ, quan chức trong bộ máy nhà nước, các chuyên gia đầu ngành của các bộ, ngành phải tham gia giảng dạy một số chuyên đề theo kế hoạch mà hội đồng giáo dục quốc phòng quốc gia và chính quyền các địa phương giao cho.
Như vậy có thể thấy, các nước ASEAN rất chú trọng công tác giáo dục quốc phòng, coi đây là một nhiệm vụ vừa cấp thiết trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài của quốc gia, nhằm tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc đất nước trong điều kiện mới.
VĂN ĐỨC
các nước ASEAN,giáo dục quốc phòng
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ