Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 12/08/2022, 08:42 (GMT+7)
Đôi nét về chính sách quốc phòng trung lập của Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia kiên trì chính sách quốc phòng trung lập ở châu Âu và thế giới. Chính sách này đã mang lại nền hòa bình, ổn định cho Thụy Sĩ trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, trước xu thế can dự và sự tác động mạnh mẽ của diễn biến an ninh, chính trị khu vực, thế giới, chính sách quốc phòng của nước này có thể được điều chỉnh, nhằm thích ứng với bối cảnh mới và bảo đảm lợi ích quốc gia.

Khái quát chung về chính sách trung lập

Chính sách trung lập của một quốc gia được các nhà chính trị, quân sự đề cập từ lâu, song chỉ được sử dụng rộng rãi từ thế kỷ XVIII, XIX. Trung lập trong khoa học chính trị là thái độ và hành động của một quốc gia đối với một cuộc chiến hay xung đột giữa các quốc gia khác. Theo đó, quốc gia trung lập sẽ không tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp dưới bất kỳ hình thức nào. Các quốc gia trung lập được chia làm hai loại: trung lập có thời hạn (nghĩa là các nước chỉ duy trì chính sách trung lập trong một thời gian nhất định hoặc trước một cuộc xung đột cụ thể); trung lập vĩnh viễn (là khi một nước tự đưa ra tuyên bố trung lập, thực hiện đầy đủ các cam kết của nước trung lập và được các nước khác thừa nhận).

Theo Công ước Hague (1907), quyền và nghĩa vụ của các nước trung lập được điều chỉnh và thể hiện tập trung ở một số quyền, như: bất khả xâm phạm về lãnh thổ; từ chối các bên tham chiến hành quân, vận chuyển đạn hoặc vật phẩm phục vụ chiến tranh qua lãnh thổ của mình; tự do trao đổi thương mại và tự do đi lại với bất cứ quốc gia nào, dù là bên tham chiến hay không tham chiến. Đồng thời, các quốc gia trung lập có nghĩa vụ: không được trực tiếp tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang hay cung cấp lực lượng, vũ khí, trang bị cho các bên tham chiến; không cho các bên tham chiến sử dụng lãnh thổ của mình vào mục đích quân sự.

Chính sách trung lập đã được một số nước nhỏ ở châu Âu, như: Áo, Thụy Điển, Phần Lan,… lựa chọn để tránh xa các liên minh ràng buộc, không bị lôi kéo vào những cuộc chiến khốc liệt giữa các nước lớn trong lịch sử, nhất là hai cuộc chiến tranh thế giới. Bên cạnh các quốc gia nêu trên, Thụy Sĩ được coi là hình mẫu hàng đầu về chính sách trung lập, giúp quốc gia này không bị lôi kéo vào các cuộc xung đột ở châu Âu trong thời gian dài vừa qua.

Sự hình thành, phát triển chính sách quốc phòng trung lập của Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là quốc gia có lịch sử trung lập lâu đời nhất ở châu Âu. Cột mốc đầu tiên đánh dấu lịch sử trung lập của Thụy Sĩ là năm 1515, khi Liên bang Thụy Sĩ bại trận trước nước Pháp hùng mạnh và phải ký Hiệp ước “Hòa bình vĩnh viễn”. Theo đó, Pháp và Thụy Sĩ cam kết không bao giờ gây chiến với nhau và cũng không bao giờ liên minh với quốc gia kẻ thù của nước kia. Hiệp ước này được hai nước tuân thủ cho tới khi Pháp xâm lược Thụy Sĩ vào năm 1789 và chấm dứt thời kỳ trung lập của quốc gia này. Năm 1815, Napoleon bại trận và phải ký Hiệp ước Paris cùng các cường quốc châu Âu khác. Các nước thống nhất công nhận nền độc lập cũng như tính trung lập của Thụy Sĩ và chính sách trung lập này được Thụy Sĩ kiên trì áp dụng cho đến tận ngày nay.

Mặc dù trung lập là nét đặc thù trong chính sách quốc phòng của Thụy Sĩ, song thực tế cho thấy, chính sách này khá linh hoạt, thậm chí đôi lúc đã bị phá vỡ. Các nguyên tắc trung lập của Thụy Sĩ chủ yếu dựa theo Công ước Hague (1907) và cách diễn giải về trung lập của Chính phủ Thụy Sĩ qua từng giai đoạn lịch sử cũng không hoàn toàn giống nhau. Trong Hiến pháp của nước này, trung lập chỉ được đề cập chung chung mà không kèm theo nội hàm cụ thể, do đó tạo không gian cho việc điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt. Về cơ bản, chính sách trung lập của nước này có hai đặc trưng lớn: (1). Tính vĩnh viễn: Thụy Sĩ cam kết trung lập trong mọi cuộc xung đột, bất kể đối tượng tham chiến, địa điểm và thời gian diễn ra xung đột; (2). Tính vũ trang: dù không tham chiến, nhưng Thụy Sĩ vẫn xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu để tự vệ trước hành vi khiêu chiến của các nước khác và ngăn chặn hành động xâm nhập lãnh thổ, tiến hành các hoạt động trái với nguyên tắc trung lập.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Thụy Sĩ chia sẻ biên giới với các cường quốc thuộc hai phe đối đầu nhau là Đức, Áo - Hung của phe Liên minh và Pháp, Ý của phe Hiệp ước. Do đó, việc triển khai chính sách trung lập là lựa chọn tối ưu cho Thụy Sĩ và được duy trì trong suốt cuộc chiến. Tuy nhiên, lập trường trung lập của nước này bị nghi ngờ khi chính trị gia Robert Grimm, được sự đồng ý của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Arthur Hoffmann, bí mật tới Nga đàm phán một thỏa thuận hòa bình riêng giữa Nga và Đức, nhằm kết thúc cuộc chiến ở mặt trận phía Đông.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Thụy Sĩ tham gia Hội Quốc liên (nay là Liên hợp quốc) vào năm 1920 và chính sách trung lập của nước này được Hội Quốc liên công nhận. Tuy nhiên, Thụy Sĩ buộc phải tiến hành chính sách “trung lập có điều kiện”, nghĩa là được phép không tham gia các hoạt động quân sự, nhưng phải tham gia các trừng phạt chung về kinh tế. Chính sách này ban đầu được Thụy Sĩ chấp thuận, nhưng đến năm 1938, khi căng thẳng trong quan hệ kinh tế và chính trị giữa các nước châu Âu tăng lên, Thụy Sĩ đã quay lại với chính sách “trung lập tuyệt đối” để đảm bảo lợi ích kinh tế của mình và chính sách này được duy trì trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Thời kỳ chiến tranh Lạnh, Thụy Sĩ tiếp tục diễn giải chính sách trung lập theo nghĩa tuyệt đối và từ chối tham gia bất cứ tổ chức quốc tế nào liên quan đến quân sự hay chính trị. Đồng thời, tìm cách phát huy vai trò trung gian hòa giải, điển hình là việc tổ chức Hội nghị Geneve về Đông Dương (năm 1954) hay cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Reagan và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev giúp phá băng quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1985. Việc duy trì chính sách trung lập đã mang lại nhiều lợi ích cho Thụy Sĩ, vừa tránh được tổn thất từ hai cuộc chiến tranh thế giới, vừa tạo dựng được hình ảnh quốc gia yêu chuộng hòa bình, có khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải. Uy tín của Thụy Sĩ giúp nước này thúc đẩy các thương vụ bán vũ khí do nhiều nước muốn tìm kiếm đối tác là các nước trung lập đáng tin cậy thay vì các nước lớn như Mỹ, Nga.

Sau chiến tranh Lạnh, môi trường quốc tế thay đổi khiến vai trò của các nước trung lập không còn được coi trọng như trước đây. Nguy cơ chiến tranh không còn thường trực trong khi chính sách trung lập lại phát huy mạnh khi xảy ra xung đột, tranh chấp tài nguyên, cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc. Các nước ngày càng phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau, khiến nguy cơ ở một nước có thể trở thành mối đe dọa chung; việc duy trì trung lập, không can thiệp có thể ảnh hưởng tới chính lợi ích của quốc gia theo đuổi chính sách này. Cùng với xu hướng hợp tác, vai trò của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc ngày càng tăng lên, tham gia giải quyết xung đột, khiến vai trò trung gian hòa giải của các quốc gia trung lập như Thụy Sĩ phần nào bị lu mờ, lập trường trung lập giảm đi.

Điều chỉnh chính sách trung lập của Thụy Sĩ trong bối cảnh hiện nay

Trong bối cảnh an ninh, chính trị phức tạp hiện nay, việc diễn giải và điều chỉnh chính sách trung lập của Thụy Sĩ trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Ngày càng nhiều ý kiến trong nội bộ nước này cho rằng, trung lập không có nghĩa là bàng quan, không can dự vào hành động vi phạm luật pháp quốc tế của một số nước làm suy yếu các giá trị chung của phương Tây. Các Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Đảng Tự do Xanh (GLP) và Die Mitte của Thụy Sĩ ủng hộ việc mở rộng hợp tác với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng không cổ súy việc Thụy Sĩ gia nhập tổ chức này. Người dân Thụy Sĩ cũng có xu hướng ủng hộ xích lại gần NATO. Kết quả điều tra dư luận đầu năm 2022 cho thấy, 27% số người được hỏi ủng hộ gia nhập NATO, tỷ lệ ủng hộ là thành viên của NATO tăng lên 33% và 56% ủng hộ việc tăng cường quan hệ với liên minh này. Thời gian qua, Thụy Sĩ đã có một số biểu hiện điều chỉnh cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác với NATO và các nước châu Âu. Trong chuyến thăm Mỹ (5/2022) vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Amherd nói: “Luật trung lập cho phép nước này hợp tác chặt chẽ hơn với NATO cũng như các đối tác châu Âu”. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos diễn ra hồi tháng 5, Tổng thống Thụy Sĩ Cassis đề cập đến khái niệm mới là “trung lập mang tính hợp tác”. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ và Tổng thư ký NATO đã nhất trí tăng cường hợp tác. Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cũng đang soạn thảo một báo cáo về các lựa chọn an ninh mới, bao gồm cả việc tham gia tập trận chung cùng các nước thành viên NATO, tăng cường tiếp xúc cấp cao và thường xuyên giữa các chỉ huy, chính trị gia hai bên, cũng như cung cấp vũ khí, đạn cho các quốc gia liên quan. Mới đây, Thụy Sĩ cũng tiến hành mua máy bay tiêm kích F-35A của Mỹ như nhiều thành viên NATO để tạo cơ sở triển khai hợp tác.

Thứ hai, thể hiện rõ lập trường trước sự bất ổn của an ninh khu vực. Tháng 02/2022, Thụy Sĩ ra một quyết định hiếm thấy trong lịch sử trung lập của mình, đó là cùng EU áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và có thể sẽ đóng không phận với các máy bay của Nga, hay trừng phạt về tài chính đối với các lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, việc can dự trong lĩnh vực quân sự vẫn là giới hạn đối với Thụy Sĩ. Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) cho biết đã từ chối đề nghị của Đức về việc tái xuất vũ khí, đạn cung cấp cho hoạt động quân sự ở khu vực.

Thứ ba, tăng cường năng lực quốc phòng. Quốc hội Thụy Sĩ đang đề xuất tăng ngân sách cho quân đội từ 5,2 tỉ USD lên 7,3 tỉ USD mỗi năm để thúc đẩy các ưu tiên về trang bị cho không quân, bộ binh và an ninh mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Amherd cho rằng, Thụy Sĩ đi sau nhiều quốc gia khác trong vấn đề số hóa và cần tăng cường năng lực ứng phó với các cuộc tấn công mạng, đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine. Quốc hội Thụy Sĩ đã đồng ý thiết lập trung tâm chỉ huy về không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng, nâng cấp và mở rộng nhân sự lên 575 thành viên vào năm 2026 (gấp hơn hai lần so với cơ cấu hiện tại).

Chính sách trung lập đã mang lại nhiều lợi ích cho Thụy Sĩ và trở thành bản sắc, biểu tượng của đất nước này. Do vậy, mặc dù không loại trừ, nhưng việc từ bỏ chính sách trung lập ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách của Thụy Sĩ thời gian qua cho thấy, trung lập không phải là khái niệm bất biến, mà được diễn giải và áp dụng linh hoạt, điều chỉnh theo từng tình huống. Thời gian tới, nhiều khả năng Thụy Sĩ vẫn duy trì chính sách trung lập không trực tiếp tham chiến, không cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến, song sẽ tìm cách gia tăng vai trò thông qua tăng cường hợp tác và can dự vào các vấn đề khu vực cũng như quốc tế, sẵn sàng bảo đảm địa điểm cho các cuộc đàm phán hòa bình.

MỸ CHÂU

 

Ý kiến bạn đọc (1)

góp ý
15/08/2022 09:53
Chú ý: Năm 1985, Gocbachop chưa là Tổng thống
Hồi
10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...