Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:29 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đầu tháng 8/2023, New Zealand công bố các văn bản quan trọng về chính sách an ninh, quốc phòng, với mục tiêu xác định lại năng lực quốc phòng, tái cấu trúc quân đội, nhằm đối phó với các thách thức. Vậy, những yếu tố tác động, nội dung cơ bản của chính sách này thế nào đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.
Những yếu tố tác động
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, 14 quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Australia và New Zealand. Bên cạnh đó, Mỹ cũng được xem là đối tác lâu năm của các quốc đảo này. Tại Nam Thái Bình Dương, ngoại trừ Australia và New Zealand, các quốc đảo còn lại đều là những nước có dân số ít, quy mô nền kinh tế nhỏ, không đa dạng, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ vào khoảng 36 tỉ USD và được biết đến thông qua hoạt động du lịch. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh địa chính trị, các quốc đảo nằm rải rác trên đại dương rộng lớn này lại được xem là vùng đệm chiến lược, nơi đặt các căn cứ quân sự, hậu cần hoặc là điểm trung chuyển quan trọng cho hoạt động vận tải trên không và trên biển giữa hai bờ Thái Bình Dương. Hiện nơi đây đang nổi lên như một khu vực “khai khoáng mới”, đầy tiềm năng, nhờ nguồn tài nguyên dồi dào dưới đáy biển. Theo các nhà khoa học, ở độ sâu hàng nghìn mét, nơi đây có hàng tỉ nốt sần đa kim loại, chứa đồng, niken, mangan và các loại quặng quý hiếm, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo cho thế giới trong khoảng nửa thế kỷ.
Trong bối cảnh các cường quốc đều chuyển mối quan tâm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và coi đây là ưu tiên chiến lược trong thế kỷ XXI, thì Nam Thái Bình Dương nổi lên như tâm điểm của cuộc tranh giành ảnh hưởng trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu. Thời gian gần đây, nhiều nước lớn liên tục tung ra những chính sách hợp tác, hỗ trợ, nhằm tăng cường sự hiện diện tại khu vực quan trọng này, trong đó phải kể đến Trung Quốc và Mỹ. Theo một số báo cáo, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm và đầu tư cho một số quốc đảo, thúc đẩy viện trợ phát triển và tăng cường hoạt động giao thương giữa hai bên, v.v. Đặc biệt, tháng 4/2022, Trung Quốc còn ký Hiệp ước an ninh kéo dài 05 năm với Solomon (quốc gia cách New Zealand hơn 3.500km, cách Australia khoảng 2.000km). Dù nội dung Hiệp ước không được công bố, song theo các chuyên gia phân tích, đây sẽ là điều kiện để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại địa bàn quan trọng này. Nếu điều này trở thành hiện thực, khu vực vốn được coi là “không gian truyền thống” của New Zealand không những bị thu hẹp, mà chiến lược phát triển của nước này cũng bị ảnh hưởng.
Với Mỹ, để củng cố vị thế trong khu vực, tháng 9/2022, lần đầu tiên nước này tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương tại Washington. Tại Hội nghị, Mỹ và Papua New Guinea ký thỏa thuận quốc phòng, với cam kết Mỹ sẽ tài trợ quốc đảo này 45 triệu USD để hiện đại hóa quân đội; đổi lại, tàu chiến Mỹ được phép ra vào cảng của Papua New Guinea và tuần tiễu quanh khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động liên minh với Anh và Australia trong khuôn khổ AUKUS, nổi bật là kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Theo kế hoạch, cảng Stirling của Australia sẽ được đầu tư nâng cấp để triển khai tàu ngầm hạt nhân vào năm 2027 (của Anh: 01 chiếc, Mỹ: 04 chiếc). Dự kiến đến năm 2030, Mỹ sẽ chuyển giao tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, khi đó khả năng răn đe của AUKUS tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được gia tăng. Ngoài ra, liên minh này còn tổ chức các cuộc thử nghiệm về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm theo dõi và phát hiện các mục tiêu quân sự trong môi trường đại diện theo thời gian thực vào tháng 5/2023.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc các cường quốc và tổ chức khu vực gia tăng hoạt động tại Nam Thái Bình Dương có tác động không nhỏ đến chiến lược của các quốc đảo, trong đó có New Zealand. Chính vì vậy, để ứng phó với những nguy cơ tại khu vực, đồng thời đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng từ các nước láng giềng và đối tác, New Zealand đã tiến hành điều chỉnh chính sách an ninh, quốc phòng.
Một số nội dung cơ bản
Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng New Zealand bất ngờ công bố 03 văn bản chiến lược cùng lúc, gồm: Chiến lược an ninh quốc gia, Tuyên bố chiến lược và chính sách quốc phòng, Nguyên tắc thiết kế lực lượng tương lai.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little cho biết, khác với các chiến lược, chính sách trước đây, 03 văn bản nói trên là sự kết hợp toàn diện và bao trùm nhiều vấn đề, từ các thách thức về an ninh, quốc phòng mà nước này đang phải đối mặt cùng những biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ thông qua ngoại giao quốc phòng cho đến cải thiện khả năng tác chiến trong tương lai. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Đại học Victoria, 03 văn bản trên được xây dựng dựa trên tài liệu Đánh giá quốc phòng năm 2021, với lập luận New Zealand cần chủ động hơn trong chiến lược phòng thủ. Trước đó, chính sách Thiết lập lại Thái Bình Dương công bố năm 2018 cũng cảnh báo về cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng ở Thái Bình Dương, Nam Đại Dương và Nam Cực, đồng thời nhấn mạnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm của các cuộc cạnh tranh địa chính trị.
Trong 03 văn bản đã công bố, Chiến lược an ninh quốc gia đóng vai trò hướng dẫn, định hình chính sách an ninh, quốc phòng một cách tổng quát, còn các biện pháp hành động, tư duy an ninh và phòng thủ dài hạn cụ thể hơn được vạch ra trong Tuyên bố Chiến lược và chính sách quốc phòng, Nguyên tắc thiết kế lực lượng tương lai. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên New Zealand công bố Chiến lược an ninh quốc gia với cách tiếp cận mới, tập trung vào phương pháp hành động và hợp tác để kịp thời ngăn chặn các mối đe dọa. Chiến lược cho rằng, vấn đề an ninh trên các lĩnh vực: mạng, hàng hải, biên giới; cạnh tranh chiến lược và thách thức đối với trật tự quốc tế; sự can thiệp và gián điệp nước ngoài; chủ nghĩa khủng bố,... cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống là mối đe dọa đối với New Zealand. Vì vậy, các lực lượng phải đoàn kết và sớm đưa ra các chương trình hành động để đất nước an toàn hơn. Theo đó, chủ trương đề ra trong Chiến lược là ưu tiên đầu tư vào lực lượng quốc phòng nhằm nâng cao khả năng chiến đấu cao, mở rộng hệ thống an ninh quốc gia, giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong khu vực.
Đối với Tuyên bố chiến lược và chính sách quốc phòng, văn bản này tập trung vào hướng dẫn việc lập kế hoạch, triển khai hoạt động, cam kết và đầu tư quốc phòng để đối phó với các thách thức. Theo Tuyên bố, hoạt động gây quan ngại đối với New Zealand gồm: việc thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài tại khu vực của một quốc gia không có chung lợi ích và giá trị an ninh với New Zealand; sử dụng sự hỗ trợ của quân đội hoặc lực lượng bán quân sự trong khai thác tài nguyên (đặc biệt là nghề cá); đối đầu hoặc xung đột quân sự. Tuyên bố đề cập việc bảo vệ lợi ích quốc gia cần được theo đuổi thông qua cách tiếp cận thận trọng và có chủ ý hướng tới 04 lợi ích trọng tâm: một quốc gia an toàn, có chủ quyền và kiên cường, một khu vực ổn định có khả năng chống chịu cao; một nền tảng an ninh tập thể thông qua mạng lưới đối tác mạnh mẽ, một hệ thống an ninh, quốc phòng dựa trên luật lệ quốc tế mạnh mẽ và hiệu quả; đồng thời, tiếp tục xác định Australia là đồng minh thân cận nhất. Bên cạnh đó, Tuyên bố cũng nhấn mạnh Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nằm trong ưu tiên thắt chặt quan hệ nhằm nâng cao năng lực đối phó với các thách thức địa chiến lược.
Trong Nguyên tắc thiết kế lực lượng tương lai, New Zealand xác định, lực lượng phòng vệ cần được tăng cường “năng lực chiến đấu” và mở rộng hoạt động trong các tình huống tại Thái Bình Dương. Theo đó, lực lượng này phải có khả năng tác chiến mạnh, thích ứng và phục hồi nhanh, linh hoạt trong xử lý tình huống, có thể sử dụng thành thạo công nghệ mới trong chiến đấu. Trước mắt, Wellington sẽ tập trung ổn định lực lượng, tăng cường đầu tư ngân sách cho quốc phòng, đẩy nhanh tiến trình xem xét lại năng lực quốc phòng. Về trung hạn và dài hạn, lực lượng phòng vệ sẽ được trang bị và đào tạo để có thể đáp ứng các yêu cầu từ hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai đến xung đột vũ trang. Trên thực tế, Chính phủ New Zealand đã đầu tư đáng kể để thay thế các máy bay trinh sát P-3 Orion bằng máy bay P-8 Poseidon, nâng cấp các máy bay vận tải C-130 Hercules và duy trì khả năng hoạt động. Bộ Quốc phòng nước này cũng lập ra 11 nguyên tắc và 04 tình huống giả định để hướng dẫn các yêu cầu về năng lực và thiết kế lực lượng nhằm giải quyết các thách thức.
Việc lực lượng phòng vệ nâng cao khả năng ứng phó với môi trường chiến lược ngày càng phức tạp sẽ giúp New Zealand có nhiều lựa chọn để hành động hiệu quả hơn, kể cả khi phối hợp với các đối tác hay độc lập tác chiến. Điều này cho thấy, chính sách an ninh, quốc phòng mới của New Zealand không chỉ ưu tiên thực hiện mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, mà còn tạo ra năng lực quốc phòng tương xứng với các đồng minh cũng như các nước thành viên của AUKUS, nhất là Australia và Mỹ. Gần đây, nước này tuyên bố sẵn sàng đối thoại về việc tham gia AUKUS nhằm thúc đẩy “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn và ổn định”. Trước đây, New Zealand từng tham gia Khối hiệp ước an ninh quân sự (ANZUS) cùng với Mỹ và Australia. Tuy nhiên, do bất đồng trong việc thử nghiệm hạt nhân tại Nam Thái Bình Dương, ANZUS được Mỹ thông báo đình chỉ vô thời hạn vào năm 1985. Kể từ đó đến nay, Wellington luôn duy trì quan điểm phi hạt nhân tại Thái Bình Dương, dù nước này vẫn cho phép tàu hải quân Mỹ cập cảng trở lại. Vì vậy, việc hợp tác của nước này với AUKUS chỉ có thể thực hiện trên các lĩnh vực: không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Little nhấn mạnh, bất kể New Zealand có tham gia AUKUS hay không, điều quan trọng vẫn là lực lượng quốc phòng phải được trang bị để làm việc với đối tác Australia. Các nhà nghiên cứu quân sự cho rằng, các văn bản chiến lược mới dường như đã “bật đèn xanh” để New Zealand gia nhập AUKUS, điều đó lại khiến Wellington đi ngược với chính sách đối ngoại độc lập hiện nay. Trên thực tế, vẫn có những ý kiến không đồng thuận về việc gia nhập AUKUS, như Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta trả lời truyền thông nhân chuyến thăm Wellington của người đồng cấp Antony Blinken rằng, “chúng tôi không dự tính tham gia AUKUS”.
Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, việc New Zealand điều chỉnh chính sách an ninh, quốc phòng sẽ giúp nước này tận dụng tối đa những cơ hội mới, các quan hệ mới để phục vụ và bảo vệ lợi ích quốc gia. Đặc biệt, những động thái tham gia liên minh với AUKUS sẽ giúp New Zealand tăng cường năng lực quốc phòng, qua đó có tiếng nói, tầm ảnh hưởng lớn hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, Nam Thái Bình Dương nói riêng.
LÂM PHƯƠNG
New Zealand,chính sách an ninh,quốc phòng mới,Nam Thái Bình Dương
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ