Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:29 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Gần đây, một số thế lực sử dụng tổng hợp các chiêu thức thúc đẩy bạo loạn, nội chiến, khủng bố,... ở một số nơi đã đe dọa an ninh của nhiều nước. Đây là một dạng thức chiến tranh mới, nguy hiểm và phức tạp. Vì thế, việc nhận dạng, chỉ ra các nhân tố cốt lõi của nó và cách phòng, chống đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Cho đến nay, mặc dù là một dạng thức mới, nhưng chiến tranh phức hợp đã, đang được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, với việc vận dụng tổng hợp các biện pháp, lại không theo quy luật nhất định và được che dấu bằng nhiều thủ đoạn, nên chiến tranh phức hợp không phải lúc nào cũng dễ nhận biết. Hơn nữa, biểu hiện của dạng thức chiến tranh này ở từng quốc gia, khu vực khác nhau cũng không giống nhau; do đó, nhận thức về nó cũng chưa thống nhất.
Nhận dạng về chiến tranh phức hợp
Theo Từ điển bách khoa “Wikipedia”, chiến tranh phức hợp là loại hình chiến tranh kết hợp nhiều thủ đoạn chiến tranh khác nhau, như: chiến tranh truyền thống, phi truyền thống, cường độ thấp, hóa học, sinh học, hạt nhân, thông tin và trong không gian mạng. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, hiện có một loại hình chiến tranh phức hợp đang diễn ra trên thế giới; trong đó, các cuộc xung đột nhằm tạo ra trạng thái được gọi là “bất ổn được kiểm soát” hay “hỗn loạn được kiểm soát”. Còn Đa-vít Kin-cơ-len, tác giả chuyên khảo “Chiến tranh du kích ngẫu nhiên” của Anh thì khẳng định: chiến tranh phức hợp là tên gọi chính xác nhất để chỉ cuộc xung đột hiện đại, mà ở đó, sự kết hợp giữa chiến tranh du kích, bạo loạn, nội chiến và khủng bố là phổ biến, v.v. Như vậy, mặc dù chưa thống nhất về nội hàm, song đa số các ý kiến đều cho rằng, chiến tranh phức hợp là cuộc chiến “tổng hợp” ở tất cả các lĩnh vực do một hoặc nhiều nước tiến hành đối với một hoặc một số quốc gia khác; trong đó, chiến tranh tâm lý, không gian mạng, bạo loạn và khủng bố,… giữ vai trò quan trọng.
Trên thực tế, một trong những điển hình về chiến tranh phức hợp là cuộc chiến ở Li-băng giữa I-xra-en và lực lượng du kích Héc-bô-la (năm 2006). Trong cuộc xung đột này, lực lượng Héc-bô-la đã thành công trong sử dụng nhiều chiến thuật du kích khác nhau để vô hiệu hóa lực lượng quân sự hùng hậu của I-xra-en. Theo đó, từ các đường hầm bí mật mà đối phương không ngờ tới, Héc-bô-la đã sử dụng các phương tiện chống tăng để chặn đứng các mũi tiến công của I-xra-en, khiến quân đội nước này đã không giành được bất cứ khu làng nào dọc biên giới Li-băng. Đặc biệt, Héc-bô-la đã “bẻ khóa” hệ thống mã hóa thông tin trong mạng truyền thông của I-xra-en; trong đó, có mạng điện thoại di động để nắm bắt tình hình đối phương. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho hệ thống vũ khí hiện đại của I-xra-en, như: máy bay, tên lửa, xe tăng không phát huy được hiệu quả.
Còn ở Trung Đông (trong những năm gần đây), được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài khu vực, các “cuộc chiến tranh bạo loạn” đã liên tục xảy ra ở I-rắc, Li-bi và Ai Cập, v.v. Đây là cuộc chiến không nhằm tranh đoạt lãnh thổ, mà chủ yếu là phá hoại hệ thống an ninh tập thể vốn có ở khu vực. Điều đó được thể hiện rõ nét khi mục đích của cuộc chiến tranh xâm lược Li-bi (do Mỹ và Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành năm 2011) chủ yếu nhằm xóa bỏ Chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi và dựng lên chính quyền mới thân phương Tây; đồng thời, đưa quốc gia này vào trạng thái “hỗn loạn có kiểm soát”. Qua đó, biến Li-bi từ một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an ninh tập thể ở Trung Đông thành “thiên đường” của chủ nghĩa khủng bố; tạo tiền đề tiến hành chiến tranh bạo loạn ở Xy-ri và các nước khác nếu không đi theo quỹ đạo của họ. Điều này càng được khẳng định khi thượng nghị sĩ Mỹ Giôn Mác-kên đã từng tuyên bố: “sau Li-bi, mùa xuân A-rập sẽ tràn sang Xy-ri và I-ran”.
Hiện tại, dường như Mỹ và NATO đang tiến hành chiến tranh phức hợp chống lại Nga. Với cáo buộc Nga liên quan tới sự bất ổn ở U-crai-na, Mỹ và NATO vừa gia tăng áp đặt, siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế kết hợp với đẩy mạnh các hoạt động phá hoại ngầm, hòng cô lập và làm suy yếu Nga. Điều này giải thích vì sao ngay khi cuộc khủng hoảng chính trị ở U-crai-na bắt đầu bùng phát (cuối năm 2013), hàng trăm công dân của nước này đang đầu quân cho tổ chức khủng bố khét tiếng: “Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận Đông” (ISIL) đã lập tức quay về U-crai-na và đóng vai trò xung kích trong các cuộc bạo động ở Ki-ép, dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ chính thể của Tổng thống Y-a-nu-cô-vích. Dư luận cũng không ngạc nhiên khi các chiến binh khủng bố này, ngay sau đó đã cùng với các lực lượng đánh thuê thuộc các tổ chức quân sự tư nhân của nước ngoài trực tiếp tham gia chiến dịch “chống khủng bố” do Ki-ép phát động. Theo các nhà phân tích quốc tế, về thực chất, các lực lượng nói trên đều nhận được sự chỉ huy, tài trợ từ bên ngoài, nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền Ki-ép, nhằm thực hiện mục đích địa - chính trị của phương Tây là chống phá và làm suy yếu Nga. Tất cả các vấn đề nêu trên cho thấy, chiến tranh phức hợp rất đa dạng, phức tạp với tổng hợp các nhân tố, rất khó nhận biết ngay từ đầu và nó có thể diễn ra với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Chiến tranh thông tin - nhân tố tác động chủ yếu của chiến tranh phức hợp
Theo các chuyên gia quân sự, mặc dù là một cuộc chiến tranh, nhưng đặc trưng chủ yếu của nó là các vấn đề: bất ổn, bạo loạn, khủng bố và nội chiến chứ không đơn thuần là lĩnh vực quân sự hay kỹ thuật, trang bị công nghệ cao như thường thấy. Trong đó, chiến tranh thông tin là một trong những thành tố quan trọng tạo ra chiến tranh phức hợp. Điều này được kiểm chứng ở sự lớn mạnh nhanh chóng của các tổ chức khủng bố cực đoan khi chúng áp dụng rất thành công chiến tranh thông tin toàn cầu. Theo đó, chúng đã lợi dụng mạng thông tin toàn cầu in-tơ-nét, trước hết là các trang mạng xã hội để triển khai các hoạt động: tình báo, tuyển mộ, động viên rộng khắp và đạt hiệu quả nhất định. Chính vì thế mà Gô-ni-ma, chuyên gia sáng lập mạng Google đã tự nhận mình là người sáng tạo ra “cuộc cách mạng” ở Ai Cập (năm 2011) khi sử dụng Facebook để xây dựng và tập hợp lực lượng đông tới hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình phản kháng mạnh mẽ chế độ “độc tài” của Tổng thống H. Mu-ba-rắc. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, trong chiến tranh thông tin, in-tơ-nét đã trở thành phương tiện kỹ thuật chỉ huy các tổ chức và mạng lưới khủng bố, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền nhằm mục đích tạo ra trạng thái hoảng loạn trong dân chúng. Và cũng chính in-tơ-nét là công cụ hữu hiệu nhất để các tổ chức khủng bố phổ biến các kịch bản bạo lực tới đông đảo người dân. Chính vì thế mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chú trọng phát triển các cơ quan tuyên truyền đến hoàn thiện; trong đó bao gồm cả các cơ quan truyền thông đa phương tiện và các trung tâm sản xuất phim ảnh chất lượng cao. Thông qua đó và với sự trợ giúp của các chuyên gia giỏi (do IS tuyển mộ), chúng đã sản xuất những thước phim tuyên truyền gây ấn tượng mạnh nhằm làm tê liệt tinh thần phản kháng của đối phương; đồng thời, động viên tinh thần của các chiến binh khủng bố. Thực tiễn cho thấy, in-tơ-nét và các dịch vụ trên đó cho phép các tổ chức khủng bố công bố những thước phim “rùng rợn” đã tác động đến hàng triệu người trên trái đất.
Hiện nay, ở U-crai-na, chiến tranh thông tin đã, đang được các bên triệt để sử dụng để cáo buộc nhau về hoạt động vi phạm lãnh thổ. Đặc biệt, các đoạn băng vi-đi-ô được dàn dựng để tung lên mạng về hành động xâm lược của bên này hoặc bên kia đã tác động nhiều chiều đối với dư luận quốc tế, khiến cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này càng thêm phức tạp. Theo cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, giáo sư Đại học Ha-vớt Giô-dép-nai, với công nghệ như hiện nay, không có quốc gia nào có thể ngăn chặn việc sử dụng các mạng xã hội trên in-tơ-nét để hạn chế hoặc triệt tiêu các hoạt động tự do tư tưởng của con người. Giới quân sự Mỹ hiện đã có khả năng sử dụng in-tơ-nét để tiến hành gây bạo loạn trước các hoạt động đối phó của đối phương. Điều đó cho thấy, in-tơ-nét và các trang mạng xã hội trên đó không chỉ là nhân tố chủ yếu của chiến tranh phức hợp, mà còn là thứ vũ khí có sức “tàn phá” khủng khiếp trên chiến trường trong thế kỷ XXI.
Đối phó với chiến tranh phức hợp
Theo Ép-ghê-nhi Mét-xe-nơ - chuyên gia lý luận của Nga Hoàng, để giành chiến thắng trong chiến tranh phức hợp, điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất đối với các quốc gia phải luôn sáng tạo, chủ động và khôn khéo. Nếu không như vậy, đất nước sẽ có nguy cơ rơi vào bất ổn và khủng hoảng triền miên. Bài học rút ra của nhiều nước khu vực Trung Đông khi “mùa xuân A-rập” quét qua đã chứng tỏ rằng, để đối phó thành công với chiến tranh phức hợp quy mô lớn, cần phải duy trì và tạo dựng mối quan hệ gắn bó giữa người dân với các lực lượng an ninh, cảnh sát và quân đội cũng như với các cơ quan nhà nước khác. Ngoài ra, Chính phủ các nước phải có kế sách chuẩn bị cho người dân và huấn luyện họ các kỹ năng phối hợp với lực lượng quân đội và an ninh khi có tình huống xảy ra. Đây được coi là chìa khóa để hạn chế chiến tranh phức hợp. Thực tiễn ở Xy-ri cho thấy, các hành động khủng bố quy mô lớn thường không có kết quả ở những nơi mà người dân phối hợp chặt chẽ với quân đội và cảnh sát. Chính phủ Xy-ri đã phải trải qua nhiều tổn thất để tìm ra phương thức đối phó có hiệu quả với kiểu chiến tranh phức tạp này.
Chiến tranh phức hợp về cơ bản là do các thế lực cường quyền tiến hành có chủ đích, nhưng hiệu quả của nó đến đâu lại phụ thuộc rất lớn vào tình hình nội bộ cùng sự ưu việt của chế độ chính trị quốc gia bị xâm lược. Vì vậy, để đối phó có hiệu quả với dạng thức chiến tranh này, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, các nước cần coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội, quan tâm củng cố mối đoàn kết, đồng thuận giữa các dân tộc trong xã hội; xây dựng nền chính trị nhà nước trong sạch, vững mạnh; tiềm lực quốc phòng, an ninh vững chắc; quan hệ đối ngoại phù hợp, v.v. Đây có thể là những vấn đề căn cốt nhất để các quốc gia đứng vững trước cơn bão của chiến tranh phức hợp.
PGS, TS. ĐỒNG XUÂN THỌ
Chiến tranh phức hợp
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ