Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 10/11/2022, 13:50 (GMT+7)
Đôi nét về chiến lược quốc phòng độc lập của Liên minh Châu âu và những tác động tới an ninh khu vực

Trong bối cảnh thế giới đang có sự thay đổi sâu sắc bởi những cuộc xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo,… Liên minh châu Âu đã gấp rút triển khai Chiến lược quốc phòng, an ninh, nhằm xây dựng vai trò trụ cột an ninh đối với khu vực, đủ năng lực hành động độc lập và quyền tự chủ về quốc phòng. Vậy, việc hiện thực hóa Chiến lược đó như thế nào và sự tác động của nó đến an ninh khu vực ra sao đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Kế hoạch “La bàn chiến lược” - kỳ vọng về “trụ cột” an ninh

Tháng 3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Chiến lược về quốc phòng, an ninh đầy tham vọng - Kế hoạch “La bàn chiến lược”, hướng tới xây dựng vai trò trụ cột an ninh mới cho “Lục địa già” và khẳng định có đủ năng lực thực hiện các hoạt động quân sự, quốc phòng độc lập. Ý tưởng xây dựng nền quốc phòng chung châu Âu tuy đã manh nha hình thành từ những năm cuối của thế kỷ XX, song không thực hiện được, do thiếu sự đồng thuận của các nước thành viên. Vì vậy, việc thông qua “La bàn chiến lược” được coi là dấu mốc quan trọng đối với Liên minh trong giai đoạn hiện nay.

Nội dung cơ bản của Kế hoạch đó được xây dựng trên bốn trụ cột: hành động, đầu tư, đối tác và bảo mật; trọng tâm là EU sẽ sớm thành lập một lực lượng quân sự có khả năng phản ứng nhanh, với khoảng 5.000 người, gồm: hải quân, lục quân và không quân, được trang bị nhiều phương tiện hiện đại, có đủ năng lực tác chiến trong các môi trường, mọi loại hình chiến dịch, ở cả trong và ngoài lãnh thổ của EU. Đây là lực lượng nòng cốt, kịp thời xử lý các tình huống nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược cũng như an ninh của các nước thành viên và toàn Khối. Về lộ trình, trong năm 2022, sẽ thành lập lực lượng phản ứng nhanh, xây dựng xong kịch bản tác chiến; đầu năm 2023 tiến hành các cuộc tập trận và đến năm 2025 thì lực lượng này có đủ khả năng xử lý các tình huống tại những điểm nóng của khu vực và thế giới. Cùng với đó, EU thực hiện cơ chế linh hoạt theo mô hình “tiểu liên minh”, nghĩa là một nhóm các nước thành viên cũng được quyền lựa chọn hành động của mình, nhưng đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng châu Âu. Cơ chế này đảm bảo cho Liên minh có thể phản ứng linh hoạt và kịp thời đối với các cuộc khủng hoảng.

Theo Kế hoạch, các nước thành viên sẽ tăng ngân sách quốc phòng; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, mua sắm vũ khí, trang bị, thiết bị kỹ thuật quân sự tiên tiến còn thiếu, như: phương tiện chỉ huy, kiểm soát, truyền thông; phương tiện bay không người lái; xe tăng thế hệ mới; tổ hợp tên lửa phòng không phức hợp, v.v. Đồng thời, Liên minh coi trọng việc mở rộng hợp tác đa phương trên các lĩnh vực: thông tin tình báo, liên kết quản trị, bảo mật dữ liệu không gian mạng, diễn tập ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, v.v. Trong đó, chú trọng mở rộng hợp tác với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), nhằm bảo vệ các giá trị cốt lõi, lợi ích chiến lược của Liên minh. Ngoài ra, EU còn sử dụng Quỹ Hòa bình châu Âu để hỗ trợ các nước thành viên phát triển về quốc phòng, hỗ trợ đối tác trong các hoạt động quân sự cần thiết. Sau khi “La bàn chiến lược” được thông qua, ông Josep Borrell, Cao ủy phụ trách An ninh và Chính sách đối ngoại của EU tuyên bố rằng, Chiến lược sẽ là kim chỉ nam, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho chính sách quốc phòng độc lập của Khối trong thời gian tới; đồng thời, cũng giúp Khối nhận thức rõ hơn và chủ động hơn về vai trò của một “trụ cột” an ninh đối với khu vực và thế giới.

Tương lai nhiều thách thức

Các chuyên gia nghiên cứu quốc tế cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu độc lập về quốc phòng, an ninh, “La bàn chiến lược” của EU mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình dài với nhiều khó khăn, thách thức. Theo họ, mục tiêu chính của “La bàn chiến lược” là cung cấp những công cụ cần thiết để EU nâng cao năng lực tự chủ quốc phòng theo hướng “nhanh hơn, mạnh hơn, linh hoạt hơn”; đồng thời, thực thi trách nhiệm bảo đảm an ninh và quản lý các cuộc khủng hoảng mà không phụ thuộc vào Mỹ, NATO cũng như các đồng minh khác. Tuy nhiên, khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Liên minh châu Âu đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc xây dựng nền quốc phòng độc lập và thực thi vai trò trụ cột an ninh đối với khu vực. Biểu hiện cụ thể là: (1) EU chưa sẵn sàng và chưa chuẩn bị đầy đủ phương án cần thiết cho kịch bản quốc phòng, an ninh độc lập; tình trạng các nước thành viên tranh nhau tìm kiếm xe tăng, hệ thống phóng tên lửa, pháo,… hay kho vũ khí dự trữ bị “thiếu hụt” trầm trọng và chưa được bổ sung kịp thời do phải viện trợ cho Ukraine là một trong những minh chứng rõ nét. (2) Để nâng cao năng lực quốc phòng theo yêu cầu của “La bàn chiến lược”, EU cần phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề quan trọng, như: bổ sung kho dự trữ chiến lược đã cạn kiệt trong hai thập niên qua; thay thế các thiết bị quân sự lỗi thời từ Chiến tranh lạnh; tái xây dựng và đổi mới để trang bị thêm khả năng mới về quốc phòng, v.v. Đây là việc làm khó khăn, tốn kém và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xây dựng năng lực quốc phòng tự chủ cũng như vai trò trụ cột an ninh, bởi các nước thành viên của EU vẫn còn khoảng cách khá lớn về năng lực quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, phần ngân sách chi cho quốc phòng của các nước gần đây đều phải tăng do “lời hứa” hỗ trợ các hoạt động quân sự cho Ukraine.

Đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, “La bàn chiến lược” đề xuất mở rộng chi tiêu quân sự, tạo cơ chế để các nước thành viên của Liên minh cùng sản xuất, mua sắm vũ khí, trang bị mới, phát triển lợi thế về công nghiệp quốc phòng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp công nghệ cao từ các nước ngoài Khối. Tuy nhiên, với việc tập trung vào nhu cầu ngắn hạn, chủ yếu mua các thiết bị sẵn có từ nước ngoài, nhiều chuyên gia nghiên cứu quân sự của EU cho rằng, thói quen cố hữu trên sẽ làm suy yếu nền công nghệ của châu Âu và về lâu dài, nó sẽ khiến ngành công nghiệp quốc phòng của Khối phụ thuộc nhiều vào các đối tác, khó có thể phát triển độc lập, gây bất lợi cho quá trình hội nhập. Đặc biệt, thời gian qua, một số nước thành viên của Liên minh, trong đó có cả những thành viên chủ chốt, đã ký các hợp đồng trị giá hàng trăm tỉ Euro mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật tiên tiến của Mỹ để hiện đại hóa quân đội. Những hoạt động này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy trào lưu “hướng ngoại” và nó cũng khiến nguồn ngân sách đáng ra phải được dùng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Khối thì lại chảy ra nước ngoài. Các quan chức của EU lo ngại, nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục thì mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng độc lập cũng như chiến lược tự chủ về quốc phòng hay tạo dựng vai trò trụ cột an ninh của Liên minh khó có thể thực hiện được.

Ý tưởng xây dựng nền quốc phòng độc lập, tự chủ của EU được khởi nguồn từ tâm lý bất an sau những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi hàng loạt hiệp ước quốc tế, rút quân khỏi chiến trường Afghanistan mà không tham khảo ý kiến của các đồng minh châu Âu hay chuyện Mỹ cùng với Australia và Anh thành lập liên minh an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AUKUS) mà không có EU cũng như sự chậm trễ của NATO trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực là những nguyên nhân chính thúc đẩy EU xây dựng nền quốc phòng độc lập. Đặc biệt, diễn biến tại Ukraine được coi là chất xúc tác mạnh, thúc đẩy các nước thành viên nhanh chóng thông qua “La bàn chiến lược”. Tuy nhiên, với tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” - căn bệnh trầm kha của Liên minh, đã và đang làm nhiều chương trình, kế hoạch bị chết yểu, cũng có thể đẩy “La bàn chiến lược” đến bên bờ vực thẳm.

Có thể nói, những gì đã và đang diễn ra tại Ukraine được ví là “phao cứu sinh” đối với một NATO “đang chết não”, song nó cũng khiến mối quan hệ quốc phòng, an ninh giữa EU với NATO càng trở nên khó đoán định; bởi lẽ, EU phải tìm cách để sớm đạt mục tiêu độc lập về quốc phòng trong khi vẫn lệ thuộc vào “chiếc ô” an ninh của Mỹ thông qua NATO. Mặt khác, lãnh đạo NATO cũng nhiều lần lên tiếng, đây là giai đoạn quan trọng để củng cố và nâng cao năng lực phòng thủ chung, chứ không phải xây dựng nền quốc phòng riêng. Việc xây dựng nền quốc phòng riêng có thể làm giảm vai trò của NATO.

Tác động đến an ninh khu vực

“La bàn chiến lược” đưa ra đánh giá chung về môi trường chiến lược, các mối đe dọa và thách thức an ninh mà EU sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Trong đó xác định, “gấu Nga” đang tạo ra mối đe dọa trực tiếp về an ninh đối với châu Âu và EU cần phải thành lập ngay lực lượng quân sự đủ mạnh để tự phòng vệ, có thể tham gia xử lý các vấn đề mà không cần phải thông qua NATO. Chính vì vậy, khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, EU đã phối hợp với Mỹ và NATO gia tăng biện pháp trừng phạt hà khắc cả về kinh tế, tài chính, quân sự, ngoại giao để chống Nga; đồng thời, gia tăng viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Ukraine. Cùng với đó, EU cam kết trích 500 triệu Euro từ Quỹ Hòa bình châu Âu để viện trợ cho Ukraine giải quyết xung đột. Những động thái của EU cùng Mỹ và NATO đối với Nga trong thời gian qua và việc Phần Lan, Thụy Điển cũng có đơn xin gia nhập NATO đã đẩy quan hệ giữa EU với Nga rơi vào trạng thái “tụt dốc không phanh”, khiến cho tình hình thế giới, khu vực hết sức căng thẳng và khó đoán định, một trật tự thế giới mới có thể sẽ được định hình. Ngoài ra, những hợp đồng mua vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, trị giá lớn cùng kế hoạch đầu tư “khổng lồ” cho việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trang bị, thiết bị quân sự thế hệ mới của EU nhằm nâng cao khả năng răn đe, giành ưu thế trước các đối thủ và thực hiện các mục tiêu của “La bàn chiến lược” đang tạo ra cuộc chạy đua về “công nghệ cao”, nhất là ngành công nghiệp quốc phòng sẽ tác động đến an ninh, hòa bình ở khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh an ninh toàn cầu đang diễn biến khó lường, cục diện địa - chính trị có sự thay đổi mạnh mẽ, việc EU thông qua “La bàn chiến lược” có thể dẫn tới một cuộc chạy đua mới về công nghiệp quốc phòng, tác động không nhỏ đến cục diện thế giới. Dư luận cho rằng, hơn lúc nào hết, các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế cần nhận thức đúng, hành động có trách nhiệm, tăng cường hợp tác, cùng giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, chung tay xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

ĐỒNG ĐỨC - NGÔ VĂN TUYẾN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...